Theo bạn tiêu cực có tác dụng gì?
Tiêu cực có thể đến từ mọi hình thái khác nhau và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Tuy rằng tiêu cực là một lối suy nghĩ không tốt nhưng nếu bình tĩnh nghĩ lại, thì đôi khi nó lại có ích cho cuộc sống của mình.
Đời thay đổi khi ta thay đổi, ngay trong những thời khắc khó khăn nhất, chắc chắn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
#30dayswritingchallenge #Ngày12
Có những loại tiêu cực nào?
Có hai loại tiêu cực thường xảy đến với mình: là khi mình suy nghĩ quá nhiều, và đôi lúc tự làm mình cảm thấy đau. Hai ba năm về trước là khoảng thời gian mình đối xử rất tệ với bản thân. Thậm chí mình còn muốn tự tử vì stress. Những khi bị áp lực, hoặc có những ngày trầm uất đến mức không thể làm được một việc đơn giản như ăn cơm, khi tất cả mọi thứ đều trở nên vô nghĩa và đọng lại sâu trong mình là sự trống rỗng, mờ mịt và hoảng loạn.
Tiêu cực xảy đến ra sao?
Trong bài nói chuyện của Mark Henrick, một nhà hoạt động vì sức khỏe tâm lý và là người từng trải qua hàng chục lần cố gắng tự tử trong quá khứ:
“Hãy tưởng tượng rằng bạn bị nhốt trong một nơi chật hẹp, tối tăm. Ừm, đó có thể là cảm giác khi phải sống chung với một căn bệnh tâm lý nào đó. Ít ra, đó là cảm giác mà tôi đã phải trải qua khi đang ở dưới đáy của cơn rối loạn tâm lý lúc còn là thanh thiếu niên. Nhận thức của tôi bị gò bó, trở nên tối tăm và đổ vỡ, và những suy nghĩ như “mày không đủ tốt”, “mày tệ hại”, “mày không nên sống nữa” là hệ quả từ sự đổ vỡ của nhận thức ấy.”
Vậy đó, bộ não của chúng mình thường được cài đặt đáp ứng với những suy nghĩ tiêu cực nhanh hơn. Nếu trong tình trạng này quá lâu bạn sẽ gặp phải rất nhiều thứ tệ hại đến với sức khỏe của mình.
Tiêu cực đem đến cho mình điều gì?
Tuy rằng tiêu cực là một lối suy nghĩ không tốt nhưng nếu bình tĩnh nghĩ lại, thì đôi khi nó lại có ích cho cuộc sống của mình.
Khó chịu: Cảm giác này đến khi mình tập đàn và không thể cấm được Bm vì ngón tay cứ cong lên. Lúc đó muốn hét lên thật to và trách sao mình kém cỏi vậy. Nhưng rồi cũng mau chóng qua đi vì nó giúp mình lắng nghe và quan sát bản thân mình thật kỹ. Có những lúc mình như thế, nhưng mình không bỏ cuộc và tiếp tục cố gắng.
Ức chế: là khi chuyện gì đó vượt qua sức chịu đựng vốn có của mình. Mình sẽ phải kiềm chế để bình tĩnh hơn. Loại tiêu cực này giúp mình nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn là mặt phiến diện của nó.
Dễ nổi nóng, cáu bẳn: Điều này có thể thường xuyên xảy ra vì mỗi người là một bản thể khác nhau, chúng ta không sinh ra để dành cho nhau nên mâu thuẫn xảy ra là điều bình thường. Cáu bẳn đúng ra mà nói cũng thúc đẩy mình tìm ra phương án giải quyết khúc mắc giữa các bên và thấu hiểu lẫn nhau.
Ghen tị: Đố ai mà không ghen tị với bạn thân bao giờ. Mình thường có xu hướng biến sự ghen tị ấy thành động lực cho bản thân cố gắng. Hơn nữa mình cũng cảm thấy vui vì mỗi khi xuất hiện cảm giác đó thì mình đều tự nói với bản thân “Miễn không phải thánh thì người ta làm được, mình cũng có thể làm được như thế !”
Lo âu: Lo âu luôn thường trực trong con người mình. Tuy nhiên nó cũng giống như cảm giác tức giận vậy. Lo âu, thực chất cũng kích thích mình hành động để tìm giải pháp tốt hơn.
Cảm thấy có lỗi: Khi mình cảm thấy mình mắc một lỗi lầm gì đó, mình đều tìm cách sửa sai ngay lập tức. Cảm giác này dường như báo hiệu cho mình biết mình đang đi sai quy đạo rồi, cần phải điều chỉnh ngay trước khi quá muộn.
....
Mình vượt qua nó như thế nào?
Chúng ta sẽ không mãi ở trong một hoàn cảnh, tình huống hay trạng thái tâm lý kể cả tiêu cực. Mình luôn tự nhủ với bản thân như vậy mỗi khi cảm thấy như mình không còn sức nữa. Ngoài ra thì mình cũng thường lặp đi lặp lại một số thói quen khác:
1. Nghe nhạc:
Âm nhạc có thể tiến vào tầng nhận thức của chúng ta, là một công cụ tuyệt vời có thể giúp chúng ta thay đổi khí sắc, tâm trí và hành vi.
Mỗi khi có chuyện gì buồn, mình thường đeo tai nghe và mở một bài nhạc thật to, nghe đi nghe lại, giấu hết cảm xúc vào đó. Có nhiều lần chọn viết sổ nhưng có những lúc buồn đến độ cầm bút cũng không nổi, thì việc viết lại trở nên khó khăn hơn. Vậy nên cách nhanh nhất là lắng lại và thư giãn. Bài hát ấy giống như cái túi ba gang chứa toàn xúc cảm. Mỗi khi vô tình nghe lại mình như được sống lại trong cảm xúc ấy lần nữa.
2. Mình chấp nhận nó
Đến đây thì mình hình dung mình của những năm trước, nếu rơi vào một tình huống nào đó khiến mình lo lắng, sợ hãi thì mình thường có xu hướng lảng tránh và cố quên đi. Mình ít khi nhìn nhận sự thật và chấp nhận nó như một phần của vấn đề.
Cho đến bây giờ, mình đã cố gắng hơn để đón nhận những suy nghĩ đó. Mình cảm thấy mọi thứ sau cùng sẽ ổn cho dù mình quyết định như thế nào. Mình nhận ra, một nửa của tích cực là tiêu cực, một nửa vấn đề trên thế giới này có kết thúc hoàn hảo, và dĩ nhiên nửa còn lại là không.
Mỗi cảm xúc không được phân chia bởi chức năng mà là bởi những tình huống thích nghi mà nó hữu dụng. Và dù có ra sao thì chúng ta vẫn phải bước tiếp thôi.
3. Hạn chế các mối quan hệ độc hại
Vậy thì những mối quan hệ độc hại có thể coi là gì? Thường thì nó để lại những tổn thương to lớn khó lành không những ở thể xác mà còn cả tâm lý nữa. Mình thì chưa đến mức kiệt quệ thể xác nhưng tâm lý thì thường xuyên. Những mối quan hệ này khiến mình thấy mệt mỏi, u uất. Có đôi lúc mình cũng thấy cũng vui nhưng không được lâu. Khi tiếp xúc mình không cảm thấy thoải mái hay an toàn, không được tôn trọng, thi thoảng còn tự đổ lỗi cho mình dù mình chẳng biết sai ở đâu.
Mình từng viết về mối quan hệ xung quanh mình, có thể tốt, có thể xấu. Nửa năm gần đây mình có tập một thói quen mạnh dạn bỏ đi những mối quan hệ mình cảm thấy độc hại.
Có nhiều người khi ở bên những mối quan hệ độc hại còn bạo hành cả thể xác nữa, mình chưa rơi vào trường hợp đó vì mình luôn tự nhận thức được điểm dừng. Lòng tự trọng mình rất cao nên nếu như bản thân bị thiếu tôn trọng mình sẽ dừng lại.
Vậy nên là, dù có thế nào đi nữa thì cũng nên yêu bản thân mình hơn. Có như thế thì mới mạnh dạn block một ai đó tự cho họ cái quyền làm đau mình.
5. Tóm lại
Tiêu cực có thể đến từ mọi hình thái khác nhau và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Thế nên thay vì mình phải gồng gánh biết bao những nỗi trăn trở trong tiềm thức, bạn thử biến những cảm xúc tệ hại ấy thành nguồn động lực thúc đẩy bản thân và cuộc sống này thay đổi tích cực hơn !
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất