Mình có một người quen. Biết nói thế nào nhỉ, đại loại chị là một trong những người “toxic” nhất mình từng gặp. Mình không muốn dùng từ “toxic” ở đây vì thật ra chị là người khá tốt, cũng biết quan tâm và đối xử với mọi người một cách khéo léo, ít ra về mặt này thì chị hơn hẳn so với mình. Thế nhưng, mỗi khi nói chuyện với chị (thực ra là nghe chị than thở), tâm trạng của mình sẽ bị trùng xuống tận cùng với vô vàn sự tiêu cực và ức chế.
5 năm trước, chị tốt nghiệp loại giỏi, nhưng ngành học của chị khó kiếm việc. Chị nhận thức rõ điều đó. May mắn thay, cuối cùng chị cũng xin được một công việc part - time ở một công ty phù hợp với ngành chị học, mức lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Ở Sài Gòn, tất nhiên mức lương này không thể đảm bảo cho cuộc sống. Mình hỏi chị sao không làm full-time để có mức lương cao hơn gấp đôi, mà kể ra công việc cũng có nhiều hơn bao nhiêu đâu. Chị bảo “Vì chị không thích”. Về sau khi nói lại chuyện này, chị bảo với mình lẽ ra ngày đó nên làm full time mới phải.
Sau vài tháng làm việc, chị xin nghỉ vì cảm thấy áp lực. Rồi chị phỏng vấn 1 - 2 công ty gì đó, nhưng rớt. Và sau đó, chị làm gì? Chị không làm gì cả, theo đúng nghĩa đen. Chị thôi không đi tìm việc, cũng chẳng đi học gì, cũng chẳng làm gì để phát triển bản thân.
Hàng ngày, chị đi chợ, nấu ăn, ăn xong thì nằm ngủ trong phòng, rồi đọc truyện, xem những show giải trí vô nghĩa. Chị cũng không liên lạc với bạn bè vì cảm thấy tự ti về bản thân (đến bây giờ vẫn thế). Chị làm những điều rất khác với một người chị mà mình từng biết. Khi tiền tiêu hết, không đi làm, không có tiền, chị bắt đầu phải vay mượn từ người khác và trở nên buồn phiền lẫn chán sống.

Mình hỏi chị “Sao chị không đi làm đi?”, chị bảo “Vì chị chưa tìm được công việc phù hợp”. Thế là mình kiếm việc giúp chị, nhưng bất cứ công việc nào mình giới thiệu, chị cũng đều lắc đầu. “Công việc này chị không làm được đâu”, “Người ta mô tả công việc như thế thôi, chứ khi vào làm lại áp doanh số này kia rồi áp lực lắm”. Chị nói ra hàng ngàn lý do, cho dù công việc mình giới thiệu, mình biết nó đều phù hợp với khả năng của chị.
Thậm chí, mình bảo nếu chị không thích làm ở chốn văn phòng phức tạp và muốn kinh doanh kiểu như bán hàng online hay đi bán nước gì gì đấy, mình sẽ hỗ trợ chị về mặt tài chính. Thế nhưng, chị bảo chị không có khiếu và cũng không thích kinh doanh nên không làm được.
Thấy chị có vẻ thích công việc hiện tại của mình, mình bảo chị hay học viết đi, mình sẽ hướng dẫn, dù sao chị ngày xưa cũng học giỏi văn mà. Chị bảo “Chị viết dở lắm, đâu có viết hay được như em mà làm”. Thật ra mình viết không hay và công việc hiện tại của mình, cũng là một công việc hoàn toàn trái với ngành học.
Nguồn: Điều nhỏ xíu xiu
Khi mình hỏi về dự định tương lai, chị chỉ nói “không biết”, rồi mọi việc cứ thế tiếp tục. Chị không đi làm 1 năm và trong 1 năm ấy, chị cũng không làm điều gì khác. Chị hay mua vé số và nói với mình về những ảo mộng trúng số chẳng bao giờ xảy ra.
Mình nghĩ chị có thể mắc phải một bệnh tâm lý nào đó, khi chị nói chị “chán sống” nên khuyên chị nên đi khám xem sao, nhưng chị cũng không chịu và còn tỏ ra cáu gắt với mình. Người thân ở quê mãi về sau mới biết được tình hình của chị (vì chị vẫn nói dối là còn đi làm), nên nhẹ nhàng khuyên chị về quê. Cuối cùng thì chị cũng chịu về quê được vài bữa.
Có lẽ sau khi về quê, được bố mẹ khuyên bảo hoặc khi nhìn thấy sự vất vả của bố mẹ mình (gia đình chị thuộc dạng không khá giả lắm), chị cũng quyết định trở lại Sài Gòn và xin việc. Ngay sau đó, chị được nhận vào làm ở vị trí telesale, tất nhiên đây là công việc trái ngành học của chị.
Công việc của chị mới đầu khá thuận lợi, thu nhập của chị cũng ổn định và trong khoảng thời gian đó, mình không thấy chị than thở “chán sống” nữa. Chị vui vẻ hơn, yêu đời hơn, thậm chí đôi khi còn tự nguyện tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Mình khuyên chị nên học thêm một cái gì đó để phát triển thêm bản thân, như tiếng Anh chẳng hạn. Nhưng chị không để tâm lắm, đi làm về thì lại đọc truyện, xem phim. Kể ra thì đi làm mệt nên để học thêm một điều gì đó cũng khó khăn. Mình hiểu điều này.
Tuy nhiên, telesale không phải là một công việc ổn định. Khi dự án kia kết thúc, chị phải chuyển sang một dự án khác khó khăn hơn và áp lực hơn. Mức lương chị kiếm được một tháng giảm xuống phân nửa, không bằng mức lương của một thực tập sinh và tất nhiên rất khó để sống với mức lương ấy ở Sài Gòn.
Dạo này, chị lại bắt đầu than thở với mình, lặp lại những điều y trước kia. Mình bảo “Nếu cảm thấy quá áp lực như thế thì xin nghỉ rồi kiếm việc khác”. Và chị vẫn bài ca quen thuộc “Xin nghỉ thì cũng chẳng biết làm gì, “Chị chẳng giỏi gì cả”, “Chị không có chí tiến thủ”, "Chị không khéo léo", “Chị chẳng có gì trong tay”  “Chị không biết viết” - khi mình tiếp tục gợi ý chị nếu có hứng thú với công việc của mình thì để mình hướng dẫn.
Mình hỏi "Ruốt cuộc chị muốn làm gì?" chị bảo "Chị muốn chỉ cần ở nhà, không phải đi làm mà vẫn có thật nhiều tiền". ???
Nguồn: Điều nhỏ xíu xiu
Rồi sau khi than thở, chị lại mở laptop, đọc tin showbiz trên kênh 14 và đọc truyện - những việc mà chị bảo giúp chị cảm thấy vui vẻ hơn trước sau những áp lực của công việc.
Mình biết, nếu không có gì thay đổi thì một ngày không xa, chị lại than thở rằng “chị chán sống” với mình.
Ừ, mình chẳng biết nói gì thêm. Bây giờ nghe chị than thở mình cũng chỉ biết im lặng. Cảm giác mỗi lần nói chuyện với chị rất khó chịu. Hay là do mình không biết thông cảm với những vấn đề của người khác?
Khuyên chị thế này thế này cũng không được, bảo chị làm thế kia cũng không xong, mà bỏ mặc chị thì không lỡ. Chị chỉ có vài người đồng nghiệp thân thiết, không bạn bè, không có ý định lấy chồng và lúc nào cũng mơ mộng về cuộc sống độc thân giàu có.
Chị hiểu rất rõ vấn đề của bản thân mình, nhưng vấn đề là, chị chẳng làm gì để thay đổi điều đó. Chưa bàn đến việc làm sai hay làm đúng, mà quan trọng là chị không chịu bắt đầu.
Bây giờ, mình cảm thấy rất mệt mỏi phải khi nghe chị than thở một cách rất chán đời. Hay là mặc kệ chị đi, dù sao đó cũng chẳng phải là việc của mình!