Thế nào là trí tuệ? || Tại sao chúng ta lại mâu thuẫn nội tâm!!!
Tóm lại, đây chính là tinh thần của nền dân chủ: nó được xây dựng nhằm nhấn mạnh thay vì đè nén sự đa dạng.
1. Khi nghĩ về tiến hóa, đa số mọi người cho rằng đó là tình huống “được ăn cả ngã về không”. Những con vịt mỏ lớn có khả năng ăn nhiều hơn vịt mỏ nhỏ, do đó vịt mỏ lớn tồn tại và sinh sôi còn vịt Mỏ Thìa với cái mỏ chúm chím thì tiêu đời cả. Đó là cách tiến hóa được dạy ở các trường trung học nói chung.
Tuy nhiên trong đại đa số các trường hợp, tiến hóa không đơn giản như vậy. Chẳng hạn, thử tưởng tượng một loài chỉ có những con bạo lực hoặc những con phi bạo lực. Điều thường xảy ra đó là thay vì tối ưu cho từng thành viên trong loài là 100% bạo lực hay 100% phi bạo lực, thì thiên nhiên sẽ tối ưu 40% số lượng thành viên bạo lực và 60% phi bạo lực. Đó là vì sự cân bằng và tác động lẫn nhau giữa các thành viên bạo lực và phi bạo lực trong cùng một loài sẽ tạo ra những kết quả tốt hơn là khi loài đó chỉ có phe này hay phe kia.
Về mặt sinh học, đây được gọi là chiến lược tiến hóa bền vững và bạn có thể quan sát thấy ở khắp mọi nơi. Quá nhiều sinh vật bạo lực gây ra hỗn loạn. Quá nhiều sinh vật phi bạo lực sẽ mời gọi những kẻ săn mồi. Song một sự pha trộn hợp lý của cả hai sẽ tạo ra một tổng thể bền vững hơn. Chính nhờ sự đa dạng của các đặc tính trong quần thể đã giúp loài tồn tại và phát triển mạnh.
Điều tương tự cũng xảy ra với loài người. Nếu ai cũng hướng ngoại hoàn toàn thì sẽ thật là tệ (vì chẳng ai chịu ngậm miệng). Nhưng nếu tất cả đều hướng nội thì cũng không phải điều tốt. Bằng cách tạo ra một tập hợp có tỷ lệ hợp lý giữa người hướng nội/hướng ngoại, cuối cùng chúng ta sẽ là một xã hội hữu ích và toàn diện hơn. Bạn có thể áp dụng trường hợp tương tự cho vô vàn các đặc điểm tính cách khác của loài người. Chúng ta cần cả người cứng nhắc và linh hoạt, logic và sáng tạo, từ bi và công tâm, vân vân. Như Temple Grandin đã nói, “Thế giới cần mọi loại trí óc.”
2. Tóm lại, đây chính là tinh thần của nền dân chủ: nó được xây dựng nhằm nhấn mạnh thay vì đè nén sự đa dạng. Và không chỉ là sự đa dạng về chủng tộc, giới tính hay tôn giáo, mà còn là sự đa dạng về nhân cách, sở thích, triết lý và những mưu cầu trần tục. Các hệ thống dân chủ cho phép trí tuệ của quá trình tiến hóa diễn ra và phát triển trong địa hạt xã hội. Đó là lý do vì sao các xã hội dân chủ có xu hướng đổi mới về kinh tế, năng động về văn hóa và an toàn về thể chất hơn so với các lựa chọn thay thế.
Chế độ độc tài thất bại vì nó nỗ lực nghiền nát sự đa dạng - nó xóa bỏ cơ hội dành cho chiến lược tiến hóa bền vững. Tương tự vậy một cộng đồng chỉ bao gồm những người bất bạo động là một sự tiến hóa dưới mức tối ưu, việc buộc mỗi người trong xã hội đó chấp nhận một hệ tư tưởng, tôn giáo, hay mục tiêu cụ thể là dưới mức tối ưu về mặt xã hội. Nó khiến cho một xã hội trở nên cứng nhắc và yếu ớt hơn. Khao khát sự hòa hợp và đồng nhất của chế độ độc tài cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của chính nó.
3. Nghịch lý thay, cái giá của sự đa dạng là những căng thẳng và lo âu triền miên. Đa dạng nghĩa là khác biệt và khác biệt nghĩa là mâu thuẫn. Những người cực kỳ hướng ngoại gây phiền phức cho những người cực kỳ hướng nội và ngược lại. Những người có đức tin nhiệt thành xúc phạm đến những người vô thần hoàn toàn và ngược lại. Người sống ở nông thôn và thành thị có những trải nghiệm cuộc sống và các giá trị khác nhau. Những người mang những niềm tin không giống nhau la ó vào mặt nhau, đánh nhau, và phàn nàn về sự tệ hại của tất cả những người còn lại.
Tuy nhiên chính nhận thức rằng tất cả những người còn lại đều tệ hại là bằng chứng cho thấy mọi thứ đều ổn. Việc ta được tiếp xúc với đủ loại đa dạng về suy nghĩ và lối sống đến mức phải khó chịu vì tất cả mọi người chứng minh một điều là hệ thống đang hoạt động. Ở khía cạnh nào đó, nền dân chủ đòi hỏi những bất mãn liên tục. Đó không phải lỗi, mà là một đặc tính.
Song ba điểm trên chỉ là lời mở đầu cho cái mà tôi thực sự muốn nói đến: trí tuệ.
4. Tương tự như sự đa dạng về các đặc tính trong một quần thể là tối ưu (nhưng không thoải mái) trong tự nhiên, đa dạng về nhân cách/niềm tin/hoàn cảnh là tối ưu (nhưng không thoải mái) trong xã hội, thì tôi sẽ lập luận rằng việc sở hữu sự đa dạng về các giá trị, quan điểm và khuynh hướng với tư cách một cá nhân là tối ưu (nhưng không thoải mái) đối với tâm lý của chúng ta.
Chẳng hạn, bạn đang đi bộ trên đường và nhìn thấy một người vô gia cư hành xử bất thường. Một mặt, bạn coi trọng lòng trắc ẩn ở mức độ nào đó. Bạn muốn giúp những người đang gặp khó khăn. Song, bạn cũng coi trọng trách nhiệm cá nhân - chẳng hạn, bạn có suy nghĩ rằng mọi người phải tự chịu trách nhiệm cho các vấn đề của họ. Trên hết, bạn đồng thời coi trọng sự an toàn của bản thân - ví dụ như bạn không muốn bị người đàn ông vô gia cư đang trong cơn bấn loạn kia tấn công. Bạn cũng có vô số suy nghĩ và thôi thúc như sự thật là bạn không thể giúp người không muốn được giúp đỡ, rằng bạn là một kẻ ích kỷ/xấu xa vì đã làm ngơ trước hoàn cảnh khó khăn của người đàn ông kia, rằng bạn bận rộn và bị muộn giờ tới một sự kiện quan trọng và không có thời gian cho việc này, rằng thị trưởng nơi bạn sống là một kẻ bất tài vô dụng nên mới để chuyện này xảy ra, vân vân…
Và khi bước qua người đàn ông vô gia cư ấy, các giá trị và suy nghĩ giằng co lẫn nhau trong tâm trí bạn. Bạn cảm thấy không đành và muốn dừng lại để giúp đỡ song đồng thời lại thấy sợ hãi. Bạn thương xót cho người đàn ông kia nhưng cũng cảm thấy đôi chút giận dữ và căm phẫn vì một xã hội thịnh vượng nhường này lại có thể để xảy ra những sự việc đau lòng đến thế. Bạn cảm thấy sự khổ sở của người đàn ông kia vừa đáng để giúp mà cũng vừa không đáng để can dự vào. Khi tiếp tục bước đi, mối bất hòa nội tâm vẫn tiếp tục khiến bạn bận lòng suốt buổi chiều. Dù lựa chọn góc nhìn nào chăng nữa thì bạn cũng không thấy hoàn toàn thỏa mãn.
5. Giờ thì, có hai cách để giải quyết căng thẳng nội tâm này. Cách thứ nhất là một kiểu cuồng tín: bạn chọn một góc nhìn và đặt cược gấp đôi vào nó so với tất cả các góc nhìn khác.
Cách thứ hai là nhận diện được bản chất mâu thuẫn của chính những suy nghĩ và cảm xúc của bạn, đồng thời lựa chọn một hướng hành động với nhận thức đầy đủ về tình trạng căng thẳng trước mắt - để đưa ra lựa chọn không dựa vào lòng nhiệt thành hay niềm tin, mà bằng hiểu biết đơn thuần về sự đánh đổi.
Và đây là khái niệm trí tuệ: là khả năng cho phép nhiều giá trị và tư tưởng xuất hiện trong tâm trí bạn, song vẫn có thể hành động bất chấp những giá trị và tư tưởng đó.
6. Theo cách này, tâm trí của một người thông thái là một nền dân chủ. Bạn có các đảng phái chính trị tồn tại trong chính tâm trí mình - bạn có đảng “giúp đỡ người khó khăn”, và họ đang liên tục tranh luận với đảng “đó không phải việc của tôi”. Và dĩ nhiên, có các hội nhóm luôn sống ở hiện tại “nhưng còn sự an toàn của tôi thì sao?” và nhóm lợi ích “đó không phải việc của tôi” cần được xoa dịu. Có vô vàn các yếu tố trong chính phủ tâm lý của chúng ta tranh luận, thương lượng và thực hiện kiểm soát và cân bằng lẫn nhau cho đến khi một hướng hành động cuối cùng được lựa chọn.
Nhiều người lúc nào cũng gửi email cho tôi than phiền rằng họ muốn đưa ra những lựa chọn quan trọng trong đời nhưng không hoàn toàn tự tin một trăm phần trăm vào lựa chọn đó.
Tốt. Đó chính là trí tuệ. Đó là hiểu biết về sự đánh đổi và hậu quả cũng như khả năng chịu trách nhiệm. Điều này đang cho phép vô vàn các khía cạnh trong con người bạn bỏ phiếu cho kết quả hình thành nên bản tính của bạn.
Ngược lại là sự cuồng tín. Cuồng tín có thể sản sinh ra tự tin và xoa dịu lo âu. Song cuồng tín là một nhà độc tài của trật tự nội tâm tinh thần của chúng ta. Đó là khi một niềm tin hay giá trị đẩy mọi yếu tố cạnh tranh khác ra khỏi nhận thức của ta.
Song bằng cách làm nguôi ngoai mối bất hòa nội tâm, chủ nghĩa cuồng tín khiến ta mong manh và dễ bị tổn thương hơn vì các bất hòa bên ngoài. Tương tự như nền dân chủ hiệu quả vì - không phải bất chấp - những mâu thuẫn của nó, người thông thái có được sự thông tuệ nhờ - không phải bất chấp - những mâu thuẫn nội tâm của họ.
7. Do đó, mục tiêu không phải là làm lắng lại hay xoa dịu mối bất hòa bên trong bạn, mà là học cách sống chung với nó. Không phải tìm cách giải thoát bản thân khỏi lo âu hay sự chỉ trích, mà để trở nên thoải mái với nó. Điều này không phát triển một sự tự tin hoàn hảo trong mọi việc bạn làm, mà nó giúp bạn tự tin trước thực tế là có lẽ bạn không biết mình đang làm gì.
Đó là một nền dân chủ nội tâm, một sự công nhận các chiến lược tiến hóa bền vững của tâm trí.
Đó là trí tuệ.
Nguồn: Email tháng 9/2021 từ markmanson.net gửi cho thành viên đăng ký
Người dịch: Hoàng Dung
Lưu ý: Bài viết được mình sưu tầm với mục đích note lại những điều hay được đọc khi lang thang trên mạng
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất