*Disclaimer: Bài viết tiếp cận các nội dung mang tính định hướng, cung cấp thông tin, không đề cập đến nội dung giải trí.
Có lẽ do bây giờ chuyện nói ra và chia sẻ dễ và nhanh quá, nên các nội dung dạng chia sẻ xuất hiện ào ào, muôn hình vạn trạng và giành giật sự chú ý của chúng ta hàng ngày. Mà số lượng nhiều thì chất lượng giảm. Nội dung thực sự hay thì ít (và không-thường-xuyên, phải chờ), nội dung chưa-chín thì cứ nhan nhản, cuộn newsfeed facebook chỉ 30 phút tôi cũng lặt được đầy một rổ.
Phải tội, nội dung tệ thường là đạn bọc đường. Chúng thường núp bóng những chủ đề lúc-nào-cũng-cần-nghe, những câu từ mỹ miều và những hình ảnh, âm thanh dễ chịu. Những nội dung dạng này không hứa hẹn gì ngoài những cảm xúc tương tự như sau khi đọc sách self-help, hoặc tự vấn bản thân, hoặc không gì cả.
Loại nội dung óng ả đầu tiên đến từ những kẻ bluffer – những người không thực hiện điều họ nói. Thật dễ để những lời kêu gọi như cầm sách lên hay sống khỏe mạnh truyền được cảm hứng tới người nghe, và có người cần nghe thì sẽ có người nói, kể cả khi người ta chưa thực hiện được một ngày nào. Đơn giản lắm, việc nói suông. Vấn đề nằm chính ở chữ “suông”: vì chưa thực hiện nên nội dung nông choẹt, gần như chỉ là tổng hợp những lời khuyên từ người khác, hệ thống lại và rồi nêm thêm một chút quan điểm cá nhân. Giống như một nồi canh cá nêm đường – thông tin sẽ cứ lờ lợ, chưa tới, mắc trong cổ họng, nhưng ít khi người nghe nhận ra họ đang tiêu thụ một món ăn thiếu muối và sai gia vị – họ sẽ chỉ tập trung vào chuyện mình đang ăn cá (và thấy hơi sai sai) mà thôi.
Như chuyện “sống healthy” chẳng hạn, hãy tống vào nồi canh những mĩ từ như “thư giãn”, “sống chậm lại”, “tập thể dục”, “yêu thương người thân” hay cụ thể hơn thì “đi ngủ trước 11 giờ” – vốn là những điều ai cũng đã biết. Nêm thêm một chút quan điểm cá nhân cho bài viết trông có vẻ khác biệt và mang tính đúc kết, thế là xong.
Dạng nội dung kiểu này, dù đã cũ, vẫn được khai thác nhiều, mà khai thác rất ổn là đằng khác, trên những trang tin nổi tiếng và người ta vẫn chia sẻ liên tục.
Nhưng tại sao?
Nếu một nội dung đã cũ và chỉ xào đi nấu lại, hoặc bỏ vào lò quay cho nóng, tại sao người ta cứ nói mãi và vẫn có nhiều người muốn nghe?
Vì chúng ta cần chúng để nhắc mình sống tốt hơn, biết nhiều hơn. Ta không tự nhắc được mình, nên ta cần tìm đến một người khác thành công hơn ta, đáng tin hơn chính bản thân ta để nói cho ta nghe – rằng ngày mai hãy ngủ dậy sớm và đọc sách và làm việc và thư giãn và yêu bản thân đi. Tiếng nói tự thân của ta quá yếu ớt, hoặc bị nhiều thứ hỗn độn vùi lấp nên ta không nghe ra, mà cần một lời nhắc nhở dõng dạc từ một con người xa lạ. Ta tìm đến những kiến thức được tổng quan hóa, mô hình hóa, biểu mẫu hóa để chối bỏ sự thật rằng ta sốt ruột với những mẩu kiến thức nhỏ lẻ ta đang thu thập, rằng ta muốn đi đường vòng, nắm trong tay kiến thức người khác dày công nghiên cứu chỉ sau 10 phút xem youtube. Thường là ta không thành công, nhưng nó mang lại cảm giác cực kỳ dễ chịu.
Nếu mục tiêu sau khi xem chỉ là cảm thấy dễ chịu, có lẽ ta chỉ nên coi nội dung dạng này là một hình thức giải trí mà thôi.
Loại nội dung tiếp theo (theo tôi là) tốt hơn loại trên một chút, là những nội dung chia sẻ từ những người trực tiếp thực hiện nhưng không thể hiện được những đánh giá, phản ánh và suy ngẫm riêng của người viết về những gì đã xảy ra mà chỉ đơn thuần là kể lại một quá trình. Nội dung dạng này thường xuất hiện dưới các tiêu đề “Mình đã kiếm 100 triệu đầu tiên thế nào?”, “Mình đã được công ty ABC mời vào làm việc ra sao?”…
Dạng nội dung này nên là những câu chuyện kể cho bạn bè nghe ở quán cà phê, không nên để đi chia sẻ rộng rãi như một câu chuyện truyền cảm hứng hoặc mang tính định hướng. Đơn giản vì background của mỗi người khác nhau quá, nếu tôi lặp lại những điều bạn đã làm để kiếm được 100 triệu thì chưa chắc tôi đã thành công, vì có thể tôi thiếu những yếu tố quan hệ, may mắn, v.v mà bạn có. Ngược lại, tôi rất trân trọng những người chia sẻ tư duy, suy nghĩ đã góp phần giúp họ đạt được một số thành tựu nhất định – mà để truyền tải được tư duy thì người viết phải đặt tâm tư và suy nghĩ của mình vào bài viết, thay vì chỉ đơn giản là kể một câu chuyện theo trình tự thời gian.
Loại nội dung này sẽ kích thích những bạn trẻ đang hoang mang, không biết nên làm gì tiếp theo. Cũng dễ hiểu, tại thường các nội dung (dễ làm) thì thường chỉ bảo các bạn học ngoại ngữ, sống kỉ luật, chứ không ai nói bạn cần học gì về chuyên môn, lộ trình ra sao – đặc biệt các bạn trái ngành lại càng “khát” những thông tin này. Vậy là các bạn háo hức, tò mò “lộ trình” của người khác, rồi thất bại khi thấy không áp dụng được gì, hoặc áp dụng thì kết quả ra sao vẫn là ẩn số.
Với trường hợp này, tôi khuyên bạn lên LinkedIn và nghe những anh chị trong ngành nói chuyện. Người thực làm và có đủ thâm niên để reflect lại những gì mình làm sẽ mang lại cho bạn những thông tin và kinh nghiệm cực kỳ quý giá để bạn biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Dạng nội dung cuối cùng tôi muốn bàn đến là những nội dung bằng chữ không được trau chuốt về mặt từ vựng và ngữ pháp. Tôi không khó tính đến mức từ chối công sức viết của các bạn còn non tay, nhưng một bài viết sai chính tả, sai ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt hoặc tệ hơn là rời rạc, không sáng ý thì tức là bài viết ấy chưa nhận được đủ sự quan tâm và nâng niu từ phía người viết. Với những bài viết như vậy, chỉ có thể đợi người viết chăm chút lại, hoặc đợi người viết lớn lên mà thôi.
Bạn nên tạo cho mình một bộ lọc riêng để loại bớt những nội dung chưa-chín để tránh mất thời gian. Sau vài năm đọc sách và nghe nhạc, tôi nhận ra đọc nhiều thực ra cũng không quan trọng đến thế, vì sẽ luôn có một tác giả hay một cuốn sách mà bạn sẽ liên tục tìm về, mỗi lần tìm về lại khám phá được một điều hay ho mới mẻ. Cùng một nội dung đó thôi, nhưng con người ta thay đổi và được nhào nặn bởi trải nghiệm sẽ nhìn chúng dưới một ánh sáng khác. Biết như vậy để mình thôi FOMO, mạnh dạn bỏ qua những nội dung chưa tốt (nhưng lấp lánh và mời gọi) để dành thời gian cho những nội dung chất lượng (nhưng đáng sợ – như một cuốn sách khô khan hay những bài giảng dài 3 tiếng), hoặc đơn giản là để nhắm mắt lại và thoát ra khỏi dòng thác thông tin.