Thế nào là làm mới chính mình?
“Người ta cứ nhớ mãi những gì mình nói, trong khi quan điểm thì thay đổi từng ngày.”
Hồi năm hai, tui có quen một anh bạn. Dạo đó tui ngưỡng mộ cậu ta lắm, vì cậu ta có mấy tư duy rất hay chẳng biết đào ở đâu, lại chưa có tư duy phản biện tốt, nên cậu ta nói gì tui cũng gật đầu cái rụp, cái gì cũng thấy hay thấy đúng cả. Về sau, vì một số lý do mà bẵng đi gần hai năm, tui mới có dịp gặp lại bạn. Lúc này, vì đã bắt đầu có những suy nghĩ độc lập hơn, nên tui có ý đem một số câu nói ngày trước ra để bàn luận lại. Bạn thấy vậy, một lần cười và bảo tui:
“Người ta cứ nhớ mãi những gì mình nói, trong khi quan điểm thì thay đổi từng ngày.”
Câu nói đó thoạt nghe thì bình thường, cơ mà tui muốn cùng bạn đào sâu hơn xíu nữa, vì sẽ thú vị lắm nhé.
Theo bạn, thì khi một người muốn thay đổi, hay làm mới bản thân, thì họ sẽ có những cách nào?
Chăm chỉ học hỏi - bạn sẽ bảo - như là đọc nhiều sách hơn, học thêm kỹ năng mới, hay làm nhiều điều khác biệt hơn,…. mấy điều giúp ta mở rộng vốn hiểu biết và thế giới quan của mình chẳng hạn. Thông qua việc thêm một điều gì đó vào lối sống của mình qua kỉ luật và nỗ lực cá nhân, chúng ta sẽ thay đổi và trở thành một con người có hiểu biết và ưu tú hơn, do đó mới mẻ hơn.
Vì là nỗ lực thêm vào, nên tui gọi phương thức này là phương thức của phép cộng.
Nhưng bạn có để ý còn một cách khác để làm mới bản thân, tượng trưng cho phép trừ , tuy ít được mọi người để ý hơn nhưng thiết thực hơn không? Đó là thông qua sự buông bỏ.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu hén, tui là một đứa có thói quen đi ngủ muộn. Nhưng từ khi nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ tới sức khoẻ và tác hại của việc thức đêm, giờ tui muốn mình đi ngủ sớm hơn. Như vậy, nếu xét theo phép cộng thì tui cần kiên trì kỉ luật bản thân và nỗ lực tạo lập thói quen này, đó là điều hiển nhiên đúng hông?
Nhưng nếu giờ ví dụ tui muốn sử dụng phép trừ thì sao? Lúc này tui sẽ phân tích xem tui có thể bỏ đi những gì để có thể không còn phải thức khuya nhiều như vậy nữa. Mà trong trường hợp này, chính là việc không tập trung vào ban ngày, tham công tiếc việc hay thói quen nằm lướt điện thoại tới khi mệt mới chịu đi ngủ chẳng hạn.
Như vậy, cùng một sự việc nhưng khi nhìn dưới hai góc độ khác nhau, tâm thế và hành động của ta đã đổi khác rất nhiều rồi.
Giờ tui thử áp dụng cách nhìn này đối với anh bạn tui và liên hệ với câu chuyện làm mới bản thân coi sao nhé.
Sau gần hai năm, anh bạn đã thay đổi và trở thành một con người mới mẻ hơn,
trong khi tui vẫn nhìn nhận bạn như phiên bản cũ, thông qua trí nhớ và kí ức về bạn.
Như vậy, để làm mới chính mình, điều đầu tiên tui cần làm đó là khai mở và làm mới góc nhìn của tui về bạn.
Nếu sử dụng phép cộng, tui sẽ cố gắng tìm mọi cách để nói chuyện và tìm hiểu nhiều hơn về bạn đúng hông?
Cơ mà nếu như sử dụng phép trừ, thì điều tui cần làm, chính là loại bỏ đi những kí ức và niềm tin cũ kĩ về bạn.
Tức là, buông bỏ những quan điểm, nhận định, góc nhìn chủ quan và thậm chí định kiến về con người bạn, đồng nghĩa với việc dành chỗ trống đủ cởi-mở để cho những điều đẹp đẽ mới mẻ được tràn vào bên trong.
Anh bạn đang đứng trước mặt tui đây là một sự vật sống động, vận động và thay đổi không ngừng. Tui không thể hiểu bạn thông qua những kí ức đã chết và hết hạn sử dụng của mình được. Tui chỉ có thể hiểu bạn, thông qua việc toàn tâm toàn ý hiện diện với bạn trong giây phút hiện tại, cũng có nghĩa là quan sát và lắng nghe bạn mà không có phán xét, với một cái tâm trong sáng không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến trong quá khứ hay vướng bận những điều cũ kĩ đã xa.
Và như thế, để liên tục làm mới mình, chúng ta cần “chết” đi rất nhiều lần - như Krishnamurti từng nói. Chúng ta cần chết đi chính mình, chết đi những kinh nghiệm, quan điểm, niềm tin, định kiến,… từ quá khứ, từ tháng trước, từ ngày hôm qua và thậm chí trong từng khoảnh khắc. Chỉ khi buông bỏ những điều đã cũ, chúng ta mới có thể tái sinh như con người với một tâm trí mới mẻ, vì điểm kết thúc của thứ này chính là điểm khởi đầu của thứ khác.
Làm mới chính mình không nhất thiết phải là tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, mà bằng cách quan sát và nhận thức về suy nghĩ, tư tưởng và hành động của mình trong từng khoảnh khắc đời thường.
Cũng không nhất thiết phải là sự thay đổi ngay tắp lự, vì ta hiểu rằng mọi thay đổi đều cần thời gian.
Lần tới nếu bạn gặp ai đó, hãy thử bắt đầu từ việc quan sát xem điều gì trong bạn cần được buông bỏ không nhé. Chỉ quan sát thôi mà không phán xét điều gì cả. Và thực sự hiện diện để cảm nhận người đó ngay trong khoảnh khắc hiện tại, vì bạn biết đấy,
hiện tại là một món quà sống động và nhiệm màu mà.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này