Nói triết học, nói lời tiêu cực mãi rồi, cái gì mà quá cũng đâm ra chán ngán. Vậy nên thỉnh thoảng cũng cần phải chém gió, phải kể chuyện xàm cho tâm trí được thư giãn và thoải mái.
Tôi đang sống ở Đà Lạt. Mùa mưa Đà Lạt ngao ngán nhất là cảnh khắp nơi trong nhà đều khoác lên mình chiếc áo ẩm ướt mốc meo. Khi nắng ngoài sân không còn đủ dự trữ để hong khô hết đống áo quần vừa cho ra lò từ máy giặt thì khắp nơi trong nhà đâu đâu cũng có thể được tôi phù phép biến hóa thành giàn phơi đồ. Có hôm trong tủ chẳng còn nổi cái quần để mặc thì cách tốt nhất là đốt lửa vay mượn hơi nóng để hong khô quần áo. Thỉnh thoảng bước ra đường người nồng nặc mùi khói bốc ra từ tóc tai áo quần, đó là cái thú vui của tôi vào những ngày mưa. Mùi hương khói quê nhà, mấy ai là có được đâu.
Mùa mưa là thế, nên được hôm nay chàng nắng chào mời thì tranh thủ sắn áo sắn quần lên mang hết đồ ra sân sấy khô, vừa quét dọn nhà cửa vừa ngắm nhìn áo quần khiêu vũ nhảy múa cùng nắng gió. Đang lúc lau chùi toilet bỗng dưng nhớ ra một câu chuyện rất thú vị, mặc kệ gì thì gì, cứ đến giờ lên đồng máu văn chương nhập vào người là phải vứt hết tất cả mọi sự, cứ phải ngồi trước bàn phím máy tính để nâng lên phím tơ đàn.
Tuổi trẻ tôi đã từng đi qua vô số những bồng bột mà theo ngôn ngữ của mấy bạn trẻ hiện nay vẫn nói: “Mình thích thì mình làm thôi.” Tôi cũng đã từng một thời nâng cao ngọn cờ khởi nghĩa bằng khẩu hiệu hào hùng hoành tráng đó. Năm tôi 19 tuổi, tôi ảo tưởng từ bỏ đại học để trở thành vĩ nhân, bao nhiêu người từ bỏ đại học đã được thành công gọi tên trên trang sơ yếu lí lịch cuộc đời họ. Và tất nhiên là vì tôi muốn nghỉ học nên tôi nhất định sẽ nghỉ. Tôi là đứa con gái thuộc loại vừa ngu mà con lì lợm ngoan cố. Càng đi xa, khi nhìn lại, tôi càng trông thấy rõ rệt điều đó.
Với một số vốn ngôn ngữ tiếng Nhật học được ở trường đại học trong khoảng hơn một năm đầu đại học. Tôi lên đường Nam tiến với vốn tiếng Nhật bập bẹ đủ để xin vào một chân phục vụ trong nhà hàng Nhật. Vâng, con đường bước lên tượng đài vĩ nhân của tôi khởi đầu bằng công việc rửa chén bát. Năm nay tôi 25 tuổi, 6 năm trôi qua và giờ tôi vẫn chỉ đang đứng đây để cọ rửa nhà vệ sinh, tôi vẫn chưa thể trở thành vĩ nhân mà có khi cả đời này vẫn không thể bước lên bục vinh quang đó, vì tôi đã hết muốn làm vĩ nhân. Nếu bạn nào có ý định từ bỏ đại học vì đọc mấy quyển sách hoang tưởng cấp độ cao, bạn có tin lời tôi không, chỉ vừa đặt chân ra khỏi cổng trường là bao nhiêu tham vọng bỗng tan biến theo mây trời, sẽ chỉ còn lại bạn bơ vơ trơ trọi lạnh lẽo nơi đó giữa biển sương mù khơi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng mỗi người sinh ra đã có sẵn cho mình một số phần, và không có bất kỳ điều gì bạn làm lại không có ý nghĩa.
Quay lại với luận điểm làm việc cho người Nhật, nếu bạn đã từng làm việc dưới trướng của mấy gã người Nhật, bạn sẽ hiểu được nguyên tắc vận hành luôn luôn là nói một làm mười. Bạn được trả 10 đồng cho 1 giờ làm việc, hãy quên đi chuyện làm 50 phút mà ảo tưởng hốt trọn 10 đồng quý giá trong túi họ. Nhưng người Nhật rất sòng phẳng, họ sẵn sàng trả cho bạn gấp đôi con số đó trong 1 giờ đồng hồ, tất nhiên nếu bạn là người xứng đáng.
Nếu ông chủ người Việt đồng ý chi ra nhiều tiền để trả cho cái thói sĩ diện của người Việt. Tôi làm phục vụ thì tôi không thể cọ rửa nhà vệ sinh, tôi phụ bếp nên công việc bưng bê gọi món của khách hàng không phải trách nhiệm của tôi. Người Việt là thế, họ làm rất ít, luôn ghen tị phân bì, nhưng lại luôn đòi hỏi tiền trả về trong phong bì mỗi tháng thật cao. Dù đang đảm nhận công việc nào, tư duy của người Việt cũng luôn là thế. Làm việc với người Nhật, họ thuê tôi vào làm phục vụ, nhưng bên cạnh đó, tôi còn phải là một đứa rửa chén bát kiêm luôn cô tạp vụ lau dọn. Với tính cách người Việt, sẽ rất khó để họ chấp nhận những nguyên tắc khó hiểu đó, chính tôi cũng đã từng bức bách khó chịu với suy nghĩ mình đang bị thiệt thòi. Tuy nhiên, dần dần tôi đã học được rằng. Khoảng thời gian đầu quân cho người Nhật. Tôi đã học được rất nhiều điều hay ho.
Vòng vo tam quất chém gió cho câu chuyện trở nên rôm rã chứ bài viết này tôi không có ý định muốn thảo luận cùng ai chuyện đầu quân làm lính cho người Nhật. Tôi chỉ muốn kể về câu chuyện có một vị thần trong toilet mà có lần tay sếp khùng người Nhật của tôi đã kể cho tôi nghe cách đây vài năm.
 Tại sao tôi gọi gã là sếp khùng, bởi gã khùng thật. Tôi sinh ra mắc bệnh ảo tưởng, cứ mỗi lần đọc xong một quyển sách, dư âm trong tôi về nội dung trong đó luôn khiến tôi bị ngộ độc. Mãnh liệt ghê gớm nhất là có lần đọc xong truyện Đôn Ki Hô Tê, tôi đã một mực xin đi học võ, để làm gì? Cũng như gã, tôi cũng muốn trở thành một dũng sĩ dành trọn đời mình để hành hiệp trượng nghĩa. Và gã xếp khùng là người kiên nhẫn chịu khó lắng nghe những ngày khoác áo  hiệp sĩ mơ ước của tôi.
Rồi có lần vừa lật đến trang cuối cùng “Tình yêu thời thổ tả.” Nội dung truyện xoay quanh tình yêu của một chàng trai và một cô gái. Vì chê bai hoàng tử nghèo nàn xấu xí nên công chúa đã lạnh lùng bỏ rơi chàng kết hôn cùng một hoàng tử khác giàu có bảnh trai hơn. Vì quá si tình và mơ mộng nên hoàng tử đã tuyên thề sẽ mãi yêu và chờ đợi nàng. Lời thề đó có lẽ chẳng có gì đáng nói cho đến ngày tang lễ của chồng nàng, hoàng tử xuất hiện với bộ dạng một ông lão đã tám mươi mấy tuổi nhắc lại cùng nàng lời hứa năm xưa. Và tôi cô gái si tình đang ôm mộng với mối tình tan vỡ cũng ảo tưởng sẽ chờ đợi hoàng tử của tôi cho đến khi chàng và vị hôn phu của chàng đường ai nấy đi. Tôi sẽ đợi chàng như chàng đã đợi nàng trong câu chuyện tình cảm động tôi đã đọc trong truyện.
Có lẽ bạn vẫn đang chờ đợi câu chuyện có một vị thần trong toilet của người Nhật từ tôi. Nhưng như đã nói từ đầu, bài viết này chỉ là để chém gió nên khi gió ngừng thì cây cũng phải lặng. Vậy nên câu chuyện hụt hẫng vô duyên này đã cạn ngôn từ xin được khép mi lại ở đây.
Không biết bạn có nhận ra, thỉnh thoảng bạn nói rất nhiều, nói luyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời nhưng chính bạn cũng chẳng biết mình đang nói gì. Tại sao mình lại nói ra những lời đó? Nó có ý nghĩa gì cho người nghe? Người nghe có khó chịu vì nó? Sống hời hợt chán chê rồi đâm ra nói chuyện cũng hời hợt. Đó có phải là chém gió?