Cái chết là thứ không ai có thể tránh khỏi trong đời, sinh - lão - bệnh - tử là cái vòng luẩn quẩn của nhân gian mà không ai có thể thoát khỏi.
Cái chết cũng mơ hồ như tất thảy mọi thứ trong cuộc đời này. Thậm chí, ngay ở cách đặt câu hỏi "thế nào là cái chết" cũng chưa thật sự thỏa đáng. Việc lựa chọn giữa hai câu hỏi "Cái chết là gì?" rồi "Thế nào là đã chết?" cũng đã đủ nói lên sự phức tạp của vấn đề này. Có lẽ chỉ có cái chết sinh học, hay cái chết thể xác là thứ rõ ràng duy nhất khi ta tìm hiểu về bản chất của việc chết đi.
Để có thể tìm hiểu bản chất của cái chết, hãy thử đặt câu hỏi ngược lại, thế nào là "sống"? Liệu sống và tồn tại khác nhau ở đâu? Liệu không sống và chết có được coi là đồng nghĩa? Hay liệu ta có thể sống mà không tồn tại?
Tôi nghĩ rằng, mỗi con người, khi sinh ra đều "sống" trong ít nhất là một "thế giới". Đó sẽ là thế giới quan của bản thân mình, dễ hiểu hơn, đó là cuộc sống vật chất và tinh thần của cá nhân mỗi người kể từ khi sinh ra. Ở thế giới này, cái chết sinh học đồng nghĩa với việc mọi thứ đều đã dừng lại, đó thực sự là "chết".
Nhưng ít có ai sinh ra mà chỉ "sống" trong đúng thế giới của mình. Ta còn "sống" trong thế giới của những người yêu thương và nhớ đến ta nữa! Cái chết sinh học khi ấy chẳng thể nào khiến ta chết hẳn, nếu ta vẫn tiếp tục "sống" trong thế giới của những người đang sống khác.
"Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu..." (Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ).
Không ai cản được cái chết "sinh học", nhưng ta có thể kéo dài sự sống của mình ngay sau khi tim ngừng đập bằng cách tiếp tục sống ở thế giới quan của những người khác. Khi nghĩ được như vậy, ta sẽ đón nhận cái chết một cách bình thản, nhẹ nhàng. Nếu chiếu theo quan niệm dân gian Việt Nam, những linh hồn chấp niệm điên cuồng về sự sống sẽ chẳng thể nào đầu thai sang kiếp khác, mãi vất vưởng ở cõi hư vô và đó là thứ còn đáng sợ hơn cả cái chết!
"Vài người chết ở tuổi 25, nhưng đến năm 75 tuổi mới được chôn" (B. Franklin)
Không thiếu những trường hợp như vậy! Những con người sống chỉ vì để chờ một ngày cái chết thể xác đến gõ cửa. "Sống" kiểu ấy liệu đó là sống hay chỉ là tồn tại? Sống mà chỉ tồn tại, sống chỉ để chờ cái chết như một sự giải thoát còn khổ gấp vạn lần những linh hồn không chấp nhận rằng mình đã chết tôi vừa nói ở trên...
Cái chết sinh học chỉ đến với ta một lần trong mỗi cuộc đời. Nhưng "cái chết xã hội" có thể đến ngay cả khi ta còn chưa trút hơi thở cuối cùng.
Mới tối qua thôi, tôi đọc được câu chuyện về người đàn ông đã chết trong bộ quần áo ngủ. 20 năm sau, họ tìm thấy ông (giờ chỉ còn là bộ xương) trong căn nhà cũ sắp bị phá dỡ. Suốt 20 năm đằng đẵng, không ai để ý tới việc ông đã biến mất khỏi thế giới của họ. Người vợ vừa ly dị chẳng mảy may quan tâm tới người mình từng trao nửa trái tim, người thân, bạn bè...tất cả cũng đều quên mất mình từng có người "bạn", người "đồng nghiệp" đã lâu (và rất lâu chưa gặp).
Tôi nghĩ rằng, người đàn ông tội nghiệp ấy đã chết tới 2 lần! Chết vì một lí do tự nhiên và chết chìm trong nỗi cô đơn tuyệt vọng suốt 20 năm trời!
Phải chăng, bản chất của cái chết là nỗi sợ bị lãng quên của con người? Sợ rằng khi ta chết đi sẽ không còn ai nhớ đến, sẽ mờ nhòa đi trong thế giới của những người đang sống?
Có những người "chết ở tuổi 25" cũng vì lí do như vậy, hình ảnh của họ không còn hiện hữu trong thế giới của người khác nữa. Chỉ mình họ cô đơn trong thế giới của chính mình: mệt mỏi, vô định. Chết là khi ta không còn gì để mất, vậy khi không còn gì để mất, liệu có thể coi là đã chết?
Tôi thường tự hỏi, liệu rằng thế giới của những người đã chết sẽ như thế nào? Ở mỗi nền văn hóa, mỗi tôn giáo, hình ảnh của thế giới linh hồn mang những màu sắc khác nhau, chẳng nơi nào giống nơi nào. Đó có thể là một thế giới đầy màu sắc và ngập tràn âm nhạc như trong phim "Coco" hay thế giới khi ta chết sẽ phản ánh đúng những gì diễn ra khi còn sống?
Những câu hỏi xung quanh cái chết, cuộc sống và sự tồn tại hữu hình của ta sẽ mãi là những câu hỏi khiến ta phải suy ngẫm. Không ai biết sau khi chết đi, ta sẽ đi về đâu nhưng khi ta sống, ta có thể biến cuộc sống của mình thêm ý nghĩa, thêm màu sắc.
Vì suy cho cùng, cái chết chỉ đưa ta về một thế giới khác và việc ta sống như thế nào, một cách nào đó, có thể giúp ta kéo dài sự sống của mình, ngay cả khi đã chết.
Sống trong thế giới của những người còn đang sống...
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất