Có bao giờ bạn nghe một bản nhạc, và cảm thấy một nỗi buồn mình không thể gọi tên? Đó không hẳn là cái buồn của tuyệt vọng, cũng không phải là cái buồn của nỗi nhớ. Nó là cái buồn mà ta có thể cảm nhận trong một buổi chiều nắng nhẹ, có tiếng cười của trẻ em và tiếng gió du dương cùng những tán cây.
Đó là nỗi buồn mà tôi cảm nhận được sau khi đọc xong bản giao hưởng “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả Đặng Hoàng Giang. Từ khúc dạo đầu trầm buồn, đến những khúc chuyển giao bi đát, và kết thúc bằng một khúc vĩ thanh sâu lắng, nhưng cũng đầy hy vọng; cuốn sách này mang đến cho tôi những cảm xúc mà phải rất lâu rồi tôi mới có lại.
Hãy để tôi cùng bạn đi qua những dải âm trầm bổng của cuốn sách.
Bài viết này sẽ phân tích ảnh hưởng của sự thờ ơ của cha mẹ với con trẻ, tình yêu độc hại của những cha mẹ ái kỷ, sự ảnh hưởng của lý thuyết gắn kết giữa cha mẹ và con cái tới các mối quan hệ sau này, và cách để chữa lành từ những thương tổn quá khứ. Bên cạnh những thông tin trong cuốn sách, tôi cũng sẽ bổ sung thêm một số thông tin tôi nghiên cứu ở ngoài, cũng như chiêm nghiệm của chính tôi, nhằm đưa đến một bài viết toàn diện cho bạn đọc.

Khi tình thương là một món hàng xa xỉ

Khởi đầu cuốn sách là những câu chuyện về các bạn trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và phải tự bơi trong dòng thác lũ của cuộc đời. Hầu hết bạn trẻ trong sách đều rất thông minh và sâu sắc, nhưng bởi những vết thương mà cha mẹ và quá khứ đã gây ra, họ thể hiện ra những hành vi mà người ngoài nhìn vào sẽ thấy kì lạ.
Hồng Linh tìm đến những cuộc tình ngắn ngủi, thậm chí chấp nhận làm kẻ thứ ba, chỉ để khỏa lấp sự thiếu thốn tình cảm do gia đình mang lại.
Hà An là một cô gái có thành tích học tập tốt, tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện. Nhưng dường như tất cả những hoạt động bên ngoài ấy không thể xóa đi sự trống rỗng bên trong mà cô cảm thấy. Cô bỏ học. Hà An không thể cưỡng lại lời mời gọi từ một người mà cô biết là đã có gia đình và chỉ đang lợi dụng mình. Có lẽ, với cô tình cảm như là một món hàng xa xỉ mà mình chỉ có thể đứng ngắm qua lồng kính.
Những hành vi của các bạn trẻ trong câu chuyện có thể được giải thích bởi Parental acceptance-rejection theory (PARTheory) được phát triển bởi nhà tâm lý học Ronald P. Rohner và đồng nghiệp. Lý thuyết này đặt các gia đình lên một dải tần có hai cực. Ở cực bên này, cực của sự chấp nhận (acceptance), những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần từ gia đình và người nuôi dưỡng chúng. Ở cực bên kia, cực của sự chối từ (rejection), những đứa trẻ thiếu vắng những hành vi kể trên. Không chỉ đơn thuần là thiếu vắng, những đứa trẻ này đôi khi bị hứng chịu bạo lực thể chất (đánh đòn), và bạo lực tinh thần (chửi mắng) đến từ những người “chăm sóc” mình.
Học thuyết phụ về nhân cách (Personality Subtheory) trong PARTheory chỉ ra rằng những người ở cực chối từ có thể trở nên phụ thuộc về cảm xúc. Bởi họ thiếu vắng tình yêu từ người chăm sóc, họ trở nên đòi hỏi với những người xung quanh. Họ mong mỏi sự công nhận từ bố mẹ, sự yêu thương từ bạn đời của mình, và chỉ cần bị bỏ rơi, họ sẽ rơi vào trạng thái suy sụp về cảm xúc. Đây cũng có thể là lý giải cho những bà mẹ luôn bám dính chồng con của mình, khiến họ cảm thấy ngạt thở. Nguyên do có thể đến từ một tuổi thơ trống vắng sự yêu thương.
Tuy nhiên, đến một điểm nào đó, nếu bị chối từ và thiếu vắng sự yêu thương quá nhiều, họ có thể sẽ trở nên chai sạn về cảm xúc, và chuyển sang chế độ “độc lập phòng thủ”. Họ trở nên độc lập về cảm xúc, nhưng không phải bởi họ đã đủ đầy tinh yêu thương, mà bởi đó là cơ chế phòng vệ để ngăn cản nỗi đau chạm đến họ. Thực ra, bên trong họ vẫn ao ước được thấu cảm, nhưng có lẽ nỗi đau quá lớn khiến họ không dám mở lòng với ai khác.
Điều này có thể dẫn đến một hệ quả tiêu cực, đó là khi họ lặp lại hành vi của cha mẹ mình - không quan tâm đến những người xung quanh, khiến những người xung quanh cảm thấy bị xúc phạm và cũng dần rời xa họ, dẫn đến vòng lặp của sự tổn thương trong các mối quan hệ.
Ngoài ra, những người bị từ chối có thể trở nên chông chênh về cảm xúc, họ dễ nóng giận, dễ mất bình tĩnh, và thế giới quan có phần tiêu cực của họ khiến họ không còn tin bất kỳ ai.
Chỉ mới phân tích ở góc độ nhân cách thôi, ta đã có thể thấy rằng nếu trẻ em thiếu vắng sự yêu thương từ cha mẹ thì hệ quả sẽ nghiêm trọng như thế nào. Tương lai của nó có thể hoàn toàn bị phá hủy.
Vậy nên, mình thấy những quan điểm xưa như đừng gần gũi với trẻ để rèn cho nó tính độc lập, hay “thương cho roi cho vọt” là rất nguy hiểm. Đối với mình, làm cha mẹ tốt là một trong những nhiệm vụ khó nhất thế giới này. Để làm cha mẹ tồi thì rất dễ, nhưng làm cha mẹ tốt đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và để ý từng li từng tí sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cho trẻ không gian để tự do phát triển, nhưng cũng cho chúng biết là mỗi khi gặp khó khăn thì sẽ luôn có người ở bên cạnh. Điều này không thể thực hiện nếu cha mẹ chỉ nghe theo tất cả mọi lời “ông bà” dạy, và không hề nỗ lực để tìm hiểu thêm về con mình.

Những cha mẹ ái Kỷ (narcissitic parents) và nhà giam nhân danh tình yêu

Nhân vật M.H trong sách, dù ghét công việc của mình và phải uống thuốc trầm cảm liên miên, nhưng vẫn bị bố mẹ bắt giữ “job thơm”
Hương dù bị trầm cảm vì sức ép học Piano khổng lồ, bố mẹ cô vẫn ép cô học cho đến khi giáo viên bắt dừng mới thôi.
Trang không được phép yêu con gái, vì điều đó không phù hợp với định nghĩa về giới tính của cha mẹ cô.
Những cha mẹ ái kỷ thường bao biện rằng họ muốn con làm điều này vì yêu con, vì “muốn tốt cho con”, nhưng thực ra họ chỉ coi con như là sự nối dài của bản thân mình (extension of the self). Họ sỡ hữu con như là một cái tay, đôi mắt chứ không xem nó như là một thực thể có nhu cầu riêng.
Những người này cũng thường gắn căn tính (identity) của mình lên đứa trẻ, và họ xem con của mình như một dự án lớn nhất của đời mình. Nếu con của họ “thất bại”, tức họ cũng “thất bại”. Họ xem đứa con của mình là một phần sĩ diện của mình, và nếu nó làm gì có nguy cơ khiến người xung quanh dị nghị như bỏ đại học hay yêu người cùng giới, những cha mẹ nay sẽ làm mọi cách để ngăn cản bởi nó ảnh hưởng đến cái tôi của họ.
Những cha mẹ ái kỷ dường như không có khả năng tự xem xét lại hành vi của mình. Có lẽ họ cũng tự thôi miên bản thân rằng những hành vi của mình là vì yêu con. Nhưng rõ ràng, không có tình yêu nào mà khi con uống thuốc trầm cảm để tự tử, thay vì hỏi con bị làm sao thì “Mày làm cho cả nhà phát rồ phát dại lên. Mày làm thế nữa thì tao từ mày, tao đuổi mày ra khỏi nhà.” Ủa người ta chết hụt rồi dọa đuổi ra khỏi nhà, nghĩ cũng buồn cười.
Một số người khi đọc bài này chắc cũng đang nhận ra “à thằng a, chị B ái kỷ này”, nhưng bản thân mình hẳn sẽ luôn là ngoại lệ.
Trong cái ngục tù mạo danh tình yêu được tạo ra bởi cha mẹ ái kỷ, con cái sẽ dần mắc kẹt trong những vòng lặp cảm xúc tưởng chừng không thể thoát ra.
Nhiều đứa trẻ bị giằng xé giữa một bên là mưu cầu của cá nhân, và một bên là những đòi hỏi của bố mẹ. Trang van xin mẹ cho mình được “yêu tạm” con gái trong những bức thư chưa bao giờ được gửi; trong lòng cô chất chứa nỗi niềm được sống thật, xen lẫn với cảm giác ghê tởm bản thân vì luôn phải dối trá. Tồi tệ hơn, có những đứa trẻ không thể phân biệt đâu là cảm xúc của bố mẹ, đâu là cảm xúc của chính mình. Trong những gia đình lành mạnh, cha mẹ sẽ điều chỉnh hành vi dựa trên cảm xúc của con cái. Khi họ để ý con đang khó chịu, họ sẽ điều chỉnh tông giọng của mình và hỏi con chuyện gì đang xảy ra. Nhưng đối với những cha mẹ ái kỷ, khi mình đang vui thì con không được buồn, và khi mình đang buồn thì đố con được vui.
Những đứa trẻ đáng thương ấy khi lớn lên thường sẽ gặp vấn đề trong việc nhận diện cảm xúc của mình và của đối phương. Nếu chúng không đủ may mắn và nỗ lực để thay đổi, thì khả năng cao chúng sẽ lặp lại những hành vi của cha mẹ mình lên con cái của chúng.
Để một đứa trẻ thoát ra khỏi vòng lặp, ngoài sự cố gắng của chính chúng ra thì sự giúp đỡ của một người khác là hết sức cần thiết.
Nếu bạn biết một người lớn lên trong một gia đình ái kỷ, hãy chìa cánh tay ra cho họ bằng cách lắng nghe tâm tư của họ mà không phán xét, và liên tục cho họ biết rằng họ đã có giá trị khi họ là chính họ, chứ họ không cần phải chạy theo nhu cầu của người khác để chứng minh giá trị của mình.
Và nếu bạn đang phải sống với cha mẹ ái kỷ thì đừng tự cô lập bản thân mình với họ. Mình hy vọng rằng bên bạn có những người thân khác để trò chuyện và lắng nghe bạn. Còn nếu không, thì hãy nhớ bạn không hề cô đơn. Có rất nhiều người đang gặp phải hoàn cảnh giống bạn, và cũng có nhiều người (như mình chẳng hạn) sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của bạn. Chỉ cần bạn đừng bỏ cuộc, mình tin rằng sẽ có người sẵn sàng nắm lấy tay của bạn và cùng bạn thoát khỏi vũng lầy này.
Sẽ có người nắm đôi tay của bạn
Sẽ có người nắm đôi tay của bạn

Học thuyết gắn kết và vòng lặp đau đớn của tình yêu.

Bắt đầu từ lúc đứa trẻ khoảng 6 tháng tuổi, sự gắn kết (attachment) là hình thức mà trẻ dựa dẫm vào người nuôi dưỡng mình như là một điểm tựa vững chắc để trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn, từ đó khám phá thế giới xung quanh (Waters and Mark, 2000). Một đứa trẻ có kết nối lành mạnh với cha mẹ thì sẽ cảm thấy được bảo vệ, từ đó thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình hơn.
Ngược lại, những đứa trẻ có kết nối không lành mạnh sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình. Chúng có thể trở nên quá bám víu và luôn đòi hỏi sự quan tâm, hoặc trở nên vô cảm với sự quan tâm từ người khác.
Dựa theo cách mà những người nuôi dưỡng đối xử với chúng, trẻ sẽ có bốn xu hướng gắn kết sau đây (Benoit, 2004):
Những đứa trẻ có xu hướng “secure” (lành mạnh) là những đứa trẻ được người chăm sóc bảo vệ và che chở mỗi khi gặp vấn đề. Những đứa trẻ này tự tin thể hiện cảm xúc của mình, dù buồn hay vui, vì chúng biết sẽ được người thân của mình quan tâm. Ngược lại, những đứa trẻ có người chăm sóc vô cảm sẽ dần lờ đi người chăm sóc và không thể hiện nhiều cảm xúc trong những lúc ở bên cạnh họ. Những đứa trẻ này thuộc xu hướng “avoidant” (né tránh).
Ngoài ra, nếu người chăm sóc có xu hướng thể hiện tính cách không nhất quán, khó đoán; lúc thì hôn hít vồ vập, lúc thì dửng dưng xa cách, thì trẻ sẽ dần phát triển xu hướng resistant (đeo bám). Chúng luôn cố gắng thể hiện những cảm xúc tiêu cực hay thái quá nhằm thu hút sự chú ý của người chăm sóc, bởi chúng luôn cảm thấy mình có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào.
3 loại ở trên thuộc dạng có quy luật bởi đứa trẻ luôn biết mình phải cư xử như thế nào với người chăm sóc mỗi khi chúng gặp khó khăn. Ngược lại, nhũng đứa trẻ thuộc dạng “không quy luật” có cách hành xử hỗn độn và vô phương hướng - khi thì tỏ ra xa lánh, khi lại đeo bám giận dữ, rồi lại chuyển sang thẫn thờ hay hoảng sợ. Xu hướng gắn kết này thường xuất hiện ở những đứa trẻ có vấn đề nặng về tâm lý như trầm cảm, hoặc những đứa trẻ bị bạo lực và lạm dụng.
Một điều quan trọng cần phải nhớ là những xu hướng gắn kết này không chỉ xuất hiện trong thời thơ ấu, mà nó sẽ đi theo chúng ta cho đến khi lớn lên, và xuất hiện trong mối quan hệ với người mà ta tiếp xúc và nhận sự chăm sóc nhiều nhất - cụ thể là người yêu.
Những đứa trẻ có xu hướng gắn kết lành mạnh khi lớn lên thường cũng sẽ ở trong một mối quan hệ lành mạnh, nơi cả hai tôn trọng lẫn nhau, gần nhau khi muốn và xa nhau khi cần. Từ đó họ cảm thấy thỏa mãn với mối quan hệ của mình và có thời gian hôn nhân trung bình cao hơn so với những người thuộc 3 xu hướng còn lại.
Trong khi đó, mối quan hệ của những người thuộc nhóm avoidant và resistant khá hỗn độn, bởi lẽ hai nhóm người này thường sẽ tìm đến nhau trong một mối quan hệ tình cảm (Kirkpatrick and Davis, 1994). Lý do là vì chúng ta có xu hướng tìm đến những gì quen thuộc với mình, đối với người có xu hướng đeo bám thì đó là sự né tránh, và ngược lại.
Và dần dần, các mối quan hệ này sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn, khi mà hai nhóm người này liên tục tìm đến với nhau, làm nhau tổn thương, củng cố niềm tin về mối quan hệ trong tâm trí của nhau, và dần dần tan vỡ.
Nghe buồn đúng không? Một tin tốt (cũng có thể là tin xấu) cho các bạn, đó là xu hướng gắn kết cũng có thể được thay đổi, dù sẽ tốn rất nhiều thời gian và nỗ lực. Nếu những người có xu hướng né tránh và đeo bám yêu được một người lành mạnh trong một thời gian đủ dài thì xu hướng gắn kết của họ cũng sẽ dần thay đổi (Arriaga et al., 2017). Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra nếu một người lành mạnh ở trong một mối quan hệ độc hại quá lâu.
Sự thay đổi sẽ chỉ bắt đầu khi chúng ta liên tục soi chiếu lại bản thân, ngừng tự lừa dối và chấp nhận xu hướng gắn kết của chính mình. Ta không cần phải trở thành một con thiêu thân lao vào các mối quan hệ, bởi nếu ta chưa hiểu và hoàn thiện bản thân thì ở trong một mối quan hệ có thể vừa làm hại chính ta, vừa làm tổn thương đối phương.

Vĩ thanh - hành trình chữa lành

Mình hiểu rằng cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, và nó còn khó khăn hơn bội phần đối với những người có một tuổi thơ không đủ đầy.
Mình biết rằng vượt qua những tổn thương từ quá khứ không dễ như các lời động viên trong sách Self-help: “chỉ cần có niềm tin thì sẽ vượt qua tất cả”.
Những bạn ơi, bạn xứng đáng được hạnh phúc hơn. Những vết sẹo quá khứ kia đúng là kinh khủng, nhưng nó không đáng, và không nên là một nỗi ám ảnh đối với bạn. Sự thay đổi về tâm thức là khó, nhưng không phải là không thể.
Tất cả bắt đầu với sự chấp nhận.
Để được chữa lành, bạn cần chấp nhận rằng bản thân có vết thương về tâm lý, và điều này là bình thường. Có rất nhiều bạn trẻ trong cuốn sách, và hàng triệu người khác trên thế giới, thậm chí là những tỉ phú như Elon Musk cũng đang phải chịu những vết thương tâm lý từ quá khứ. Bạn không cô đơn đâu.
Ta cũng cần thấu hiểu rằng những người đối xử tệ với ta thực ra cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Khả năng cao họ cũng bị chính cha mẹ và người thân của mình ngược đãi trong quá khứ, và họ vô thức lặp lại những lỗi lầm mà người khác đã đối xử với họ. Dù điều này không có nghĩa là họ được quyền chối bỏ trách nhiệm, nhưng (mình hy vọng) nó sẽ giúp ta có góc nhìn cảm thông hơn về những người đã gây ra lỗi lầm với ta, rằng họ cũng cần được chữa lành.
Ngoài ra, hãy đối xử với bản thân giống như đối xử với một người bạn của mình. Đừng nói với bản thân những lời mà ta sẽ không nói với bạn của ta. Bạn cần chấp nhận rằng mình cũng chỉ là con người; bạn sẽ có những lỗi lầm, nhưng điều đó không nói lên điều gì về giá trị của bạn. Một sai lầm trong mối quan hệ sẽ không khiến bạn trở nên ngu ngốc, miễn là bạn tự rút kinh nghiệm để tránh lặp lại lần hai.
Nếu là một người bạn tốt, ta sẽ không mắng chửi bạn của mình khi nó làm một vài hành động sai, không vội quy chụp nó là người xấu, và sẵn sàng lắng nghe nó tâm sự để biết góc khuất đằng sau câu chuyện. Với bản thân ta cũng tương tự.
Bạn đang có một người bạn luôn ở bên những lúc khó khăn, không bao giờ bỏ mặc bạn một mình. Hãy trân trọng mối quan hệ ấy, trước khi người bạn ấy cũng tìm cách bỏ bạn.
Nguồn tham khảo:
Arriaga, X.B., Kumashiro, M., Simpson, J.A. and Overall, N.C. (2017). Revising Working Models Across Time: Relationship Situations That Enhance Attachment Security. Personality and Social Psychology Review, 22(1), pp.71–96. doi:https://doi.org/10.1177/1088868317705257.
Benoit, D. (2004). Infant-Parent Attachment: Definition, Types, Antecedents, Measurement and Outcome. Paediatrics & child health, [online] 9(8), pp.541–545. doi:https://doi.org/10.1093/pch/9.8.541.
Kirkpatrick, L.A. and Davis, K.E. (1994). Attachment style, gender, and relationship stability: A longitudinal analysis. Journal of Personality and Social Psychology, 66(3), pp.502–512. doi:https://doi.org/10.1037/0022-3514.66.3.502.
Rohner, R. and Khaleque, A. (2012). Parental acceptancerejection theory, methods, evidence, and implications. Ethos: Journal of the Society for Psychological Anthropology, 33.
Waters, E. and Mark, C.E. (2000). A secure base from which to explore close relationships. Child development, 71(1), pp.164–172.