Sự ra đi của Michael Gambon cuối tháng chín vừa qua, cũng như của Alan Rickman trước đây, không gây cho tôi quá nhiều cảm xúc, mặc dù tôi tự tin rằng trung bình 10 người tôi tiếp xúc thì tôi am hiểu về thế giới HP nhiều hơn 9 người trong số họ (hiển nhiên trong vòng bạn bè của tôi không nhiều thể loại nerdy hay geeky cho lắm - điều này đi kèm giả định phổ biến rằng Potterheads thường là nerds hoặc geeks). Nhưng cái chết của Albus Dumbledore trong sách cũng như trong phim, với tôi, gây xúc động hơn hẳn toàn bộ sự mất mát khác, bao gồm cả Dobby. Với tôi, Dumbledore không còn đồng nghĩa với một sự sụp đổ khủng khiếp về mặt tinh thần của hội Phượng Hoàng, bởi vì điểm tựa duy nhất mà họ có thể dựa vào - kẻ mà chúa tể hắc ám còn kiêng dè, đã không còn tồn tại. Với riêng Harry Potter, đó là một sự mồ côi lần nữa; kể từ đó, ba nhân vật chính phải tự lần mò con đường để chống lại Voldemort, và tự đương đầu với các trở ngại khác.
Màn so găng giữa Dumbledore và Voldemort ở cuối phần 5 trong phim khác trong truyện. Trong truyện, Dumbledore chiến đấu với một vẻ tự tin bình thản, hoàn toàn trên cơ Voldemort; còn trong phim Dumbledore cũng phải chật vật để giữ chân Voldemort và bảo vệ Harry chờ đến khi các thần sáng xuất hiện. Hiển nhiên đó là sự sắp xếp hợp lý hơn, bởi vì nếu một người dễ dàng chế ngự Voldemort đến như thế sao lại phải hy sinh quá nhiều thứ để triệt hạ Voldemort?
Tôi vẫn nhớ một câu thoại của Severus Snape khi biết rằng the-boy-who-lived theo kế hoạch sẽ trở thành the-boy-must-die, “now you tell me you’ve been raising him like a pig for slaughter”. Dumbledore cũng âm thầm tìm kiếm và xử lý các trường sinh linh giá, đến mức bản thân bị chết dần chết mòn bởi chiếc nhẫn của Marvolo Gaunt. Dumbledore chấp nhận uống loại thuốc độc ở hang động trong lúc tìm kiếm chiếc mề đay của Slytherin. Và khi đoán biết bản thân Harry là một horcrux khác mà Voldemort không chủ ý tạo ra, ông cũng đã tính toán cho cái chết của Harry - đứa trẻ mà ông mang về từ cái chết ở thung lũng Godric 18 năm về trước. Toàn bộ sự đánh đổi đó chỉ để tiêu diệt Voldemort thì chắc chắn Voldemort với Dumbledore cũng phải là một sự uy hiếp.
Người ta hay so sánh Dumbledore của Richard Harris và của Michael Gambon, rằng Dumbledore của Richard Harris giống với nhân vật hiền từ trong sách hơn, nhưng Dumbledore của Michael Gambon mới là “the only wizard Voldemort ever feared”. Về sau này, với những tình tiết được hé lộ về quá khứ của Dumbledore và những tính toán thâm trầm, đôi khi lạnh lùng của ông, ta hiểu rằng Dumbledore, cũng như nhiều nhà lãnh đạo quân sự khác, phải có tính cách dữ dội và Machiavellian. Michael Gambon đã làm rất tốt điều đó, mặc dù hiển nhiên phải kể đến sự chỉ đạo rất chính xác của Alfonso Cuarón.
Ta có thể xem 8 phần phim Harry Potter được chia làm hai thời kỳ, trước Alfonso Cuarón và sau Alfonso Cuarón. Trước Alfonso Cuarón, Harry Potter là một thế giới sáng sủa và ngây thơ với sự đạo diễn của Chris Columbus. Nhưng khi Alfonso Cuarón xuất hiện, thế giới Harry Potter trở nên tăm tối và kỳ bí, giống như khi Mary Grand Pré chuyển đổi phong cách vẽ bìa của mình kể từ nhiều màu sắc của 4 tập truyện đầu sang một màu đơn sắc chững chạc ở Harry Potter and the Order of Phoenix. 5 phần còn lại của bộ phim do Mike Newell và David Yates đã không còn có thể trở lại sự ngây thơ như ở hai phần đầu, nhưng cũng không muốn trở nên quá dark như phần ba. Tuy nhiều người không thích cách làm của Alfonso Cuarón, nhưng với tôi nó mới thực sự giống với ấn tượng ban đầu của tôi về thế giới phù thuỷ.
Nếu tôi nhớ không nhầm, thời điểm Harry Potter trở thành cơn sốt trong thế giới truyện thiếu nhi, cũng có một số bộ phim truyền hình về thế giới phù thuỷ được chiếu ở Việt Nam trên kênh HTV hoặc VTV, như là Phép thuật (Charmed), Sabrina, cô phù thuỷ nhỏ (Sabrina, the Teenage Witch) hay là Phù thuỷ xui xẻo (The Worst Witch). Đồng thời, Nguyễn Nhật Ánh cũng xuất bản Chuyện xứ Lang Biang. Toàn bộ các cover art, chapter art của các bộ truyện về phù thuỷ với hình ảnh đôi khi bị méo mó thể hiện các chuyển động, nhạc phim, và không gian vắng lặng của căn gác nơi tôi một mình xem các bộ phim cho tôi một mental image về thế giới phù thuỷ, mà chỉ có những tăm tối, kỳ quặc, đột ngột, xa xăm trong Harry Potter and the Prisoner of Azkaban của Alfonso Cuarón mới tái hiện được.
Dường như đã dành quá nhiều nước mắt để khóc khi đọc các thể loại truyện vào thời niên thiếu, tôi không còn quá nhiều cảm xúc cho các mất mát, thậm chí cũng không có chỗ cho các thần tượng trong lòng. Lần cuối cùng tôi tỏ ra mình là fan hâm mộ là khi dự offline hội Little Monster Việt Nam, và trải nghiệm đó với tôi mỗi khi nghĩ lại đều chỉ có thể buông ra một tiếng ngắn gọn: “bad faith”. Nên các sự ra đi của diễn viên đóng phim Harry Potter không thực sự gây ra mấy xáo động với tôi, nhất là ở cái thời buổi bận rộn tuổi 30. (Tôi cũng đã tò mò tự hỏi diễn biến của dư luận khi có một số cái chết, như của Võ Nguyên Giáp hay Elizabeth II, cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng tôi vẫn muốn biết người ta sẽ nói gì, viết gì sau cái chết của Dương Thu Hương). Nhưng mỗi ngày như một phản xạ không điều kiện, tôi vẫn làm YouTube poll về Harry Potter của một kênh nào đó trên điện thoại lúc đi vệ sinh. Với tôi, kiến thức về Harry Potter đã trở thành một loại kiến thức kỳ quặc vô dụng mà tôi đã tiếp thu, cũng như kiến thức về thế giới kiếm hiệp của Kim Dung hay tiên hiệp của Thiên Tằm Thổ Đậu. Thực tế là ở cái thị trấn nhỏ bé nơi tôi sống, không có mấy người tôi gặp quan tâm về thể loại fantasy. Dẫu vậy, tôi vẫn hài lòng vì ngoài cái thực tại cơm áo gạo tiền, tôi vẫn còn những thế giới kỳ ảo để trở về giết thời gian và quên đi mấy cái mà người ta gọi là khủng hoảng hiện sinh. Biết đâu đấy, chờ đợi chúng ta sau cái chết không phải là những phán xét đạo đức luân lý thông thường, mà là những truy vấn hiểu biết về các thế giới tưởng tượng. Khi đấy, biết đâu chúng ta lại được lựa chọn đi về Middle-earth hay là Westeros. Khi ấy, biết một chút gì về các thế giới đó cũng không đến nỗi tệ.