Tôi gọi những đứa trẻ tự kỷ ấy là 52Hz. Giống chú cá voi cô đơn kia, chúng có một kiểu tần số riêng biệt mà dù có phát đi phát lại hàng ngàn lần, cũng chẳng ai hiểu. Sẽ chẳng biết được tại sao đang chạy thì chúng lại ngồi bệt xuống và bắt đầu la hét, hay vì điều gì mà chúng vừa đi vòng tròn vừa lầm rầm cười khúc khích. Chúng là một thế giới mất trật tự, và cảm xúc là thứ thống trị thế giới đó. 
Khi nhận đảm nhiệm phụ trách khu vực trò thi chạy, tôi đã vỗ ngực tự tin rằng mình có năng khiếu chơi với trẻ con, và mấy đứa trẻ tự kỷ thì có gì mà làm khó được tôi? Cho đến khi tôi thực sự gặp, và hiểu rằng mình không cùng ngôn ngữ với chúng. Lúc nào cô bé này cũng cười, hai mắt cong tít thành một đường, trông còn rạng hơn ánh mặt trời tháng 5, thế nhưng điều gì làm cô bé cười mãi như thế? Cậu bé thích đi qua đi lại ở một góc sân, tự lầm nhẩm gì đó rồi cười tủm tỉm, ừm, có thể nói cho tôi biết vì sao không? Nhiều khi tôi muốn chui vào những cái đầu bé nhỏ kia. Hẳn nơi đó chứa nhiều thứ hay ho gấp nghìn lần cái vẻ khó hiểu mà bọn trẻ bày ra. Những khuôn mặt nhỏ xinh và đáng yêu, trông bình thường là vậy nhưng thật khó nắm bắt làm sao.
Tôi nhận ra, mình phải bỏ ngay ý nghĩ rằng chắc hẳn mình sẽ tiếp xúc được với chúng, như những đứa trẻ khác. Không như vẻ ngoài, chúng là những đứa trẻ bất thường, vô cùng bất thường. Không biết tiếp theo bản thân sẽ làm gì, không tuân thủ bất cứ quy tắc nào, hành động tất cả theo cảm tính, chẳng biết đúng sai phải trái. Thi chạy với chúng là bước đi, là ngồi thụp xuống, là nhảy nhót. Không có điểm xuất phát, và cũng chẳng có đích đến. Vậy đấy. Tôi hiểu điều tôi có thể làm chỉ là quan sát, thi thoảng mỉm cười và hét lên khích lệ (cũng chẳng biết chúng có nghe hiểu được gì không), và đôi khi sẽ phải chạy theo và lôi tuột những đứa đang có xu hướng quẹo ra ngoài đường đua trở về. 
Bất chấp cái rào cản ngôn ngữ thì tôi vẫn rất vui. Tôi biết rằng tâm trạng của chúng đang vô cùng tốt là đủ rồi. Còn vì sao tốt, thì tôi chịu. Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa, phải không? Bởi dù thể giới này có bao nhiêu ngôn ngữ, hay khó khăn thế nào để tôi giao tiếp với bọn trẻ, thì sẽ luôn ở đó một thứ ngôn ngữ gọi là trái tim.