Chưa có một năm nào thế giới gánh chịu nhiều tai ương như vậy từ sau các cuộc thế chiến. Thực ra hồi thế chiến cũng có tổn thất đấy nhưng ít ra người ta còn được chọn phe mà theo. Nếu chết vì chọn sai phe thì cũng gọi là quả báo, tự làm tự chịu, không trách ai được. Thế nhưng đại dịch cúm Trung Quốc lần này và cả vụ bùng nổ cháy rừng lớn nhất nước Úc hồi đầu năm thì không chừa một ai. Bất kể bạn là ai, sang hay hèn, giàu hay nghèo, già hay trẻ, ở nước nào, con nCovid-19 này chiếu cố không sót một ai.
Con người trong tâm dịch đứng trước nhiều lựa chọn rất oái ăm. Họ buộc phải chọn giữa chủ nghĩa dân tộc hay nhân đạo toàn thế giới, nên chung tay góp sức giúp đỡ nhau cùng vượt qua hoạn nạn hay đóng cửa thả chó, thủ thân mặc kệ thiên hạ. Họ còn buộc phải chọn giữa tiền bạc và bình yên, giữa sự nghiệp và gia đình. Những người xa quê nơi xứ người chọn tiếp tục cố gắng hay quay về với gia đình sau lũy tre làng. Các y bác sĩ buộc phải chọn cứu ai giữa người già và người trẻ khi dịch bệnh ngày càng kéo dài và trang thiết bị ngày càng khan hiếm.
Sau đại dịch này, sẽ có rất nhiều trật tự thế giới cũ bị xóa bỏ và trật tự thế giới mới sẽ được lập nên. Những giá trị mà người ta xem trọng hiện nay sẽ trở nên lạc hậu và dần bị thay thế bởi các giá trị mới. Công nghệ bị ‘vú ép’[1] sẽ biến thế giới hậu Covid trở thành một sàn thí nghiệm chọn lọc xã hội cực lớn với hàng loạt những ‘lần đầu tiên’. Ví dụ như lần đầu tiên bà ngoại sắp nhỏ cầm thẻ đi chợ online; lần đầu tiên bà ba bán bún bò đầu ngõ gia nhập hàng ngũ delivery; lần đầu tiên du lịch qua màn ảnh nhỏ thực sự là ‘chỉ được xem qua màn ảnh’; lần đầu tiên tiệc cưới chỉ có 5 người, tang gia chỉ được 10 người tham dự[2]; lần đầu tiên xã hội duy trì một khoảng cách tiếp xúc cực kỳ hợp ý mấy đứa OCD[3] như mình, vân vân và mây mây. 
 Thay vì từ từ chuyển sang thời đại AI[4], hình như qua một mùa dịch, hầu hết mọi người đã bị ép buộc tiến quân thần tốc sang một kỷ nguyên mới- hiện đại và an toàn hơn, nhưng cùng xa cách và cô đơn hơn. Thói quen sẽ tạo nên tính cách, tính cách thay đổi dẫn đến số phận cũng thay đổi theo (Lão Tử)[5]. Mỗi người sẽ tự tạo ra một thế giới quan mới tùy theo độ thích nghi của mình. Nếu xem mỗi gia đình là ‘một xã hội thu nhỏ’ thì chính sự thay đổi của mỗi thành viên trong gia đình sẽ định hình lại cơ cấu của gia đình, xã hội cũng vì sự thay da đổi thịt có quy mô rộng lớn này mà biến thiên. Hình như hiện tại đã không thể dự báo được hình hài của nửa cuối năm 2020, đầu năm 2021 là như thế nào, và mười năm sau đại dịch- 2030 những hệ lụy nào sẽ còn tiếp diễn. Con người sẽ đúc kết ra được bài học gì sau mùa Cô vi này và sẽ áp dụng ra sao cho mùa Cô Ty, Cô Ly, Cô My tiếp theo đây? Năm 2020 là một năm đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển mình của xã hội loài người, không ai có thể phũ nhận điều này. Rõ ràng là một năm đáng nhớ nhưng cũng là một năm đáng quên đi với nhiều người…
 #Stayhometogether #Staypositive
[1] Một cách ví von cho rằng công nghệ bị buộc phát triển nhanh và gấp gáp, chưa đủ độ chín tự nhiên.
[2] Quy định của chính phủ Úc trong chuỗi các hành động tăng cường khoảng cách xã hội nhằm ngăn ngừa lây lan dịch cúm n-Covid 19 năm 2020 ở Úc.
 [3] OCD- cụm viết tắt cho ‘Obsessive–compulsive disorder’- tạm dịch là hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
 [4] AI- cụm viết tắt cho ‘Artificial Intelligence’- tạm dịch là trí thông minh nhân tạo.
[5] ‘…Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận’. - Lão Tử.