“Thế giới chỉ là vải vẽ cho trí tưởng tượng của chúng ta.”
 (Henry David Thoreau)
Tên nàng là Christina. Trên đồng cỏ khô sậm màu vàng úa, nàng vận bộ váy màu hồng phấn mềm mại, nửa nằm nửa ngồi, hướng đầu về phía chân trời, nơi có vài ngôi nhà lác đác giữa nền trời xam xám. Tóc nàng búi gọn sau gáy, dẫu vậy cũng không ngăn được những sợi tóc lòa xòa còn sót lại nhè nhẹ bay khi gió thổi qua cánh đồng. Cả thế giới rộng mở trước mắt Christina, nàng vươn mình về phía trước. Nàng đang nhìn thấy gì, đang suy tưởng hay mơ mộng gì thế? Thế giới trong mắt của Christina là một nơi ra sao?
Lần đầu biết đến bức tranh Christina’s World (Thế giới của Christina) của danh họa người Mỹ Andrew Wyeth, tôi đã nghĩ đây là một tác phẩm thật dịu dàng và bay bổng. Dẫu không thấy được khuôn mặt của Christina khi họa sĩ vẽ cô nhìn từ phía sau, tôi vẫn hình dung cô là một cô gái trẻ tuổi, nhiều háo hức và hình dung về cuộc đời. Ở một góc nào đó trong trái tim mình, rất có thể tôi cũng từng như Christina, thả mình trên đồng cỏ khô và nhỏm người dậy, buông ánh mắt theo những đám mây phiêu bạt, thả cho những giấc mơ tự do nhảy múa.    
Lần thứ hai nhìn lại bức tranh và đọc thêm tài liệu, tôi mới biết tên đầy đủ của cô là Anna Christina Olson, và khi Andrew Wyeth vẽ bức tranh trên vào năm 1948, Christina đã 55 tuổi. Cô không phải là thiếu nữ, và khi Christina ngồi ngước nhìn về phía chân trời trong tranh, là lúc cô đang phải bò lê trên cánh đồng để di chuyển ở ngoài đời thực. Một căn bệnh di truyền quái ác đã gây rối loạn thần kinh ngoại biên của Christina, từ từ tước đi khả năng vận động, khiến cho cô không thể đi lại được như người bình thường, và biến gương mặt cô trở nên tê liệt. Cái thế giới mà tôi từng tưởng tượng là đầy mộng mơ ấy, bỗng hóa ra thật lạ lùng sau khi tôi biết được câu chuyện đằng sau bức vẽ. 
*
Tôi cứ nhớ mãi về những bức tranh của Andrew Wyeth ngay cả khi lớp học vẽ mùa hè đã kết thúc, không còn những ngày hè ngồi xem tranh và thảo luận về tranh trong căn phòng chật hẹp.
Có gì ở trong những bức tranh ấy? Những ai đã quen ngắm nhìn mảng màu rực rỡ trong tranh của Dali, Chagall hay Van Gogh, hẳn sẽ thấy tranh của Andrew Wyeth sao mà ảm đạm, với tông trầm, sẫm chiếm phần lớn các tác phẩm. Không có cô gái nào đẹp cỡ Mona Lisa hay thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai trong tranh của Andrew, cũng vắng cả những khung cảnh tráng lệ, huyên náo hay huyền ảo. Cũng không có gì quá dữ dội hay siêu thực, chỉ là cảnh thiên nhiên bình dị mùa thu, đông nơi đồng quê nước Mỹ, với đồng cỏ cháy, nhà kho, từng nhánh hoa dại rung rinh, ô cửa sổ với tấm rèm đung đưa trong làn gió từ ngoài biển, những bắp ngô nằm trong chái nhà, vài quả lựu, xô nước, một con chó nằm ngủ trên giường, con thuyền bỏ không, vài gương mặt của những người hàng xóm, hay thế giới của một người phụ nữ mắc chứng teo cơ.
Ở một thị trấn bên bờ biển vùng Đông Bắc nước Mỹ năm 1948, cậu bé Andrew Wyeth ngày nào còn không thể đến trường vì sức khỏe yếu ớt, mê mải đọc thơ văn của Robert Frost và Henry David Thoreau, miệt mài học vẽ, giờ đã là chàng trai 31 tuổi. Từ ô cửa sổ, một ngày nọ Andrew chợt trông thấy Christina Olson đang gắng sức lê người qua cánh đồng để về nhà. Và bức tranh nổi tiếng của hội họa Mỹ thế kỉ XX đã bắt nguồn từ cảm hứng trong giây phút ấy.
Thế giới của những người mắc bệnh như Christina, trong mắt của số đông, thường chỉ nhuốm màu tẻ nhạt và buồn thảm. Làm sao mà còn yêu đời hay khao khát được đây khi không thể tự di chuyển trên đôi chân mình, không tự đi đâu xa được hơn cái trang trại cũ kĩ? Còn với Andrew, hiện thực cuộc đời của Christina lại chính là “cuộc chinh phục phi thường đối với một cuộc sống hầu hết mọi người coi là vô vọng”. Từ chối sử dụng xe lăn, Christina thích dùng cánh tay để kéo cả thân hình tiến về phía trước, như trong bức tranh của họa sĩ. Khi nhìn kĩ, tôi lại thấy rõ cánh tay gầy và dáng người vặn vẹo của cô – điều mà Wyeth đã cố mô tả chính xác về nhân vật. Tôi không bao giờ còn nhìn bức tranh được một cách ngây thơ như trước, sau khi đã hiểu thêm về sự trớ trêu của tạo hóa, nỗi cô đơn và buồn bã của cô gái tật nguyền, cùng cuộc vật lộn chống chọi với nghịch cảnh.
*
“I paint my life.” (Tôi vẽ cuộc sống của chính mình) - Andrew Wyeth
Thế giới của Andrew bao gồm người phụ nữ nông thôn với đôi chân tê liệt nhưng chưa bao giờ ngừng nỗ lực, những khuôn mặt láng giềng thô mộc, với bộ quần áo sẫm màu, đơn sơ, không mấy trau chuốt, và cả những chi tiết nho nhỏ mà ông cặm cụi, tỉ mỉ thu nhặt từ đời sống hàng ngày, như một con kiến lặng lẽ tha lâu đầy tổ. Hết sức bình dị, hết sức giản đơn, và đầy sinh khí. Cũng giống như hơi thở cuộc sống đến từ những bài tập về nhà của tôi trong lớp học vẽ mùa hè.
Một trong những bài tập đầu tiên tôi nhận được là vẽ kí họa dựa theo một bức ảnh phố cổ Hà Nội. Và vào những ngày hè nóng nực uể oải ăn mòn mọi thứ, tôi đã  có một bức tranh sau rất nhiều tháng không vẽ bất cứ gì cả. Trong tranh, có một ngôi nhà cũ, tường nứt nẻ ngoằn ngoèo, một tủ đồ tạp hóa, rồi bàn chải đánh răng, bim bim treo đầy cửa sổ, thêm mấy cái ghế nhựa trên vỉa hè, và bà cụ ngồi bên bếp lò, cùng cái cây lâu năm trên hè phố. Chỉ vậy thôi, không hào nhoáng, lấp lánh, mà lại thân thương như một người bạn cũ. Những bài tập khác cũng yêu cầu quan sát cây cối, con người, cảnh vật và ghi chép lại bằng tranh. Và dần dần, tôi mới nhớ ra kể cả những thứ quen thuộc và cũ kĩ nhất quanh mình cũng có vẻ đẹp riêng của nó: cây chanh đầy quả ở ban công, một đôi giày lâu năm sắp rách, một cái cây trước hiên nhà, một cánh cửa gỗ bạc màu thời gian.


Tôi từng nghĩ rằng vẻ đẹp đáng ao ước trong cuộc đời này bao giờ cũng phải thật duy mĩ, chỉn chu, như trong những cảnh phim của đạo diễn Trần Anh Hùng. Thời đi học, có lúc tôi còn từng cảm thán thế giới xung quanh sao mà xấu xí. Giờ đây, tôi lại thấy nhiều câu chuyện trong cả một cái cây héo úa, hay một con người tầm thường. Và ngay cả vẻ đẹp trong trẻo, thơm tho mà tôi vẫn mê mẩn trong Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng, chẳng phải cũng bắt đầu từ những thứ hết sức mộc mạc đấy sao, như tiếng dế kêu ngoài vườn, màu rau cải xào xanh bóng trong chảo, tiếng gạo trắng ào ạt đổ vào lu chứa, mặt nước trong chậu nơi cô bé giúp việc Mùi soi gương? Có phải tôi đã lớn hơn, hay là tôi đã học được cách tha thứ cho chính mình và cả cuộc đời này? Và có lẽ, tôi đã hiểu thêm một chút về Andrew Wyeth và những bức tranh có sức sống bền bỉ của ông, về thứ tình yêu chân thành, thuần khiết ông dành cho quê hương xứ sở, cho cuộc đời bất toàn, và cho những dáng hình quen thuộc, chân phương nhất.
*
Ngày lớp học vẽ kết thúc, tôi mang theo một quả hồng – vốn là tĩnh vật của lớp, về nhà. Trời đổ mưa như trút nước. Ngồi trên xe bus, với quả hồng trong túi vải, người ướt lướt thướt và run vì máy lạnh, tôi nhìn ra màn mưa ngoài cửa sổ và ngắm thế giới của mình.
Khi Christina Olson mất đi vào năm 1968, một phần thời gian trong đời cô vẫn mãi ngưng đọng lại, trong một khung tranh được gìn giữ cẩn thận tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại tại New York, Mỹ. Trên đồng cỏ cháy, hướng về phía chân trời, Christina của năm 1948 vẫn không ngừng lay động người xem với thế giới của cô.  
Việt Anh