Thế chiến 1917: Phim về tài chiến tranh nhưng dễ hiểu, thành công lớn nhờ phương pháp quay phim one-shot.


1917 là một câu chuyện chiến tranh và được lấy bối cảnh tại Thế chiến thứ I. Nói qua chút về lịch sử, Thế chiến thứ I được đánh giá là một cuộc chiến tàn khốc nhất, chỉ xếp sau Thế chiến thứ II. Đây là cuộc chiến giữa hai phe Hiệp ước và phe Liên minh, hay nói cách khác là giữa bên Anh và bên Đức như chúng ta thấy trên phim. 
Câu chuyện bắt đầu bằng nhiệm vụ sống còn của hai người lính
Câu chuyện bắt đầu với nhiệm vụ của hai hạ sĩ người Anh là Blake và Schofield. Họ được giao nhiệm vụ phải truyền tin ngừng công chiến đến một tiểu đoàn khác cùng đội. Tin báo này rất quan trọng bởi mang ý nghĩa quyết định sống còn của cả tiểu đội 1600 người, nếu tin đưa đến muộn, rất có thể khi đến nơi sẽ chỉ còn là bãi tha ma. Schofield tỏ ra không mấy hào hứng khi nhận nhiệm vụ này, bởi anh mới sống sót sau trận chiến tại sông Somme (thương vong hàng triệu người), trong khi đó Blake lại rất sốt sắng muốn lên đường ngay mà không hề có kế hoạch trước, bởi lẽ anh trai của Blake là lính của Tiểu đội 2 Devons. 
Tuy nhiên, những thái độ cá nhân của hai người như nào trước nhiệm vụ này không phải là điều mà phim hướng đến. Câu chuyện của 1917 muốn đưa khán giả đến một mục đích cao cả hơn khi theo chân hai người lính đang có cùng mục tiêu chiến đấu vì quốc gia. Từ đây, mạch nội dung chính của 1917 bám sát vào hành trình truyền tin của Trung Úy Blake và Schofield. Để đưa được tin qua bên kia, cả hai phải trải qua vô vàn trắc trở và đánh cược với tính mạng của mình. Blake và Schofield phải băng qua những nơi đóng quân của Đức, ban đầu là chiến hào vườn không nhà trống nhưng ẩn chứa bẫy chết người cho đến một di tích của Pháp đã bị quân Đức xâm chiếm và cho lên chảo lửa. Theo tìm hiểu lịch sử của mình, di tích này rất có thể là chứng nhân của cuộc đại chiến Verdun, một trong những trận đánh khốc liệt nhất của Thế chiến I. 


Vận dụng tốt kỹ thuật quay one-shot vào bộ phim
Điểm đặc biệt nhất của 1917 là sử dụng phương pháp quay one-shot, tạm hiểu đây là cách quay liền mạch một lần và không có cắt cảnh. Máy quay sẽ đi theo hai nhân vật chính là Blake và Schofield, góc nhìn được chiếu lên màn ảnh cũng chính là những gì hai người lính chứng kiến, khiến chúng ta có cảm giác đây là một câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Tuy nhiên khi xem phim, chúng ta vẫn có thể tinh ý nhận ra những lần cắt cảnh rất khéo. Ví dụ như, khi Schofield bị ngã và bỗng máy quay tối đen lại hoặc một trận bom khiến khói bụi tùm lum ống kính. Những chi tiết này không hề làm ảnh hưởng đến cảm nhận one-shot của 1917 và vẫn mang lại một cảm giác liền mạch và chân thực rất tốt. Người xem có thể cảm nhận được những vất vả nặng trĩu trên đôi chân của hai người lính suốt cuộc hành trình hay những sự đau đớn do thương vong chiến tranh một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, phương pháp quay phim này mang đến góc nhìn toàn cảnh của một chiến trường khốc liệt, bối cảnh gần như không bị lặp lại đến lần thứ hai, không mang lại cảm giác nhàm chán.


Lột tả thực mất mát của chiến tranh
Hình ảnh gây ám ảnh nhất trong hành trình hoàn thành nhiệm vụ của hai hạ sĩ chính là những xác chết vô danh trên đường đi, thậm chí họ còn phải bám vào những cái xác, đạp lên chúng để tìm đường thoát thân. Cái chết trong chiến tranh vốn không phải một điều xa lạ với những người lính nhưng việc chấp nhận nó vốn không dễ dàng, có một phân cảnh khi Schofield đau buồn vì cái chết của chiến hữu, cấp trên của anh đã nhắn nhủ một câu “It doesn't do to dwell on it.” (tạm dịch: Vết thương lòng day đi day lại sẽ chẳng lành).
1917 đã lột tả được phần nào sự tàn khốc và mất mát của chiến tranh, bất kể ai tham gia vào cuộc chiến cũng phải chịu những tổn thương. Nếu không bỏ mạng tại chiến trường thì cũng phải chịu nỗi day dứt về tinh thần suốt đời. Một hình ảnh ẩn dụ vui mà các người lính thường nói với nhau là những chiếc huy chương. Trong những câu chuyện nghêu ngao của Blake, anh cho rằng đời một người lính ra trận ắt hẳn phải dành được những danh hiệu vẻ vang. Blake đã trách móc Schofield khi anh bạn của mình đem đổi huân chương lấy một chai rượu vang. Lúc này Schofield đã đáp lại “Look, it's just a bit of bloody tin. It doesn't make you special. Doesn't make any difference to anyone.” (Nó chỉ là một mẩu thiếc cỏn con. Nó chẳng thể khiến cậu trở nên đặc biệt và đối với người khác cũng chả có nghĩa lý gì). Câu nói này của Schofield cho thấy anh lính không màng đến hư danh và đó cũng không phải mục đích khiến anh có mặt tại cuộc chiến này, theo cách nói vui của Schofield, anh thà đổi nó lấy nước uống còn hơn.


Nhịp phim nhanh, hấp dẫn, đan xen đoạn trũng xúc động
Nhịp phim của 1917 khá nhanh khi liên tục chạy những cảnh bom đạn tóe lửa, những giây phút nín thở đi vào sào huyệt của địch. Đan xen vào nhịp phim căng thẳng là những đoạn trũng khi hai người lính nhớ về gia đình. Schofield đã nghẹn ngào nói, “I hated going home. When I knew I couldn't stay, when I knew I had to leave and they might never see…” (Tôi ghét trở về nhà. Khi tôi biết mình không thể ở lại, tôi sẽ phải rời đi và họ có thể chẳng gặp lại tôi nữa…). Tình tiết sau đó đã làm rõ hơn nội tâm của Schofield khi anh gặp một cô gái và đứa trẻ sơ sinh tại vùng chiến sự, trong chốc lát bỗng người lính quên mất nhiệm vụ đưa tin và mải mê hát ru đứa trẻ. Schofield cũng như những người lính khác, mong chiến tranh sớm kết thúc và được về với gia đình.


Nhìn chung, 1917 là một bộ phim về đề tài chiến tranh nhưng không theo hướng khô khan thường thấy. Nội dung của 1917 không tập trung vào chiến lược chiến tranh hay những trận đánh quá nhiều mà chủ yếu đặt dưới góc nhìn của một người lính phải ra trận vào thời điểm bấy giờ. Khán giả sẽ hiểu hơn về trách nhiệm của người cầm súng, tình đồng đội cũng như tình cảm gia đình ở hậu phương.
1917 đã đạt giải Phim hay nhất (Best Motion Picture) tại giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe) và được đề cử cho hạng mục Phim hay nhất tại Oscar. Cũng tại giải thưởng cao quý này, đoàn làm phim đã chiến thắng tại các hạng mục dành cho lĩnh vực quay phim (Best Achievement in Cinematography) và kỹ xảo (Best Achievement in Visual Effects).
-----------------------------------------------------------------------------
Get in touch:
Thanks for reading!