Sat 09/10/21 4:30PM
Mở đầu ngày là một phim hôm qua do một người bạn giới thiệu, The Intern. Phim này khá nhẹ nhàng có nhân vật chính là một ông cụ 70 tuổi. Vì là xem lần đầu nên mình cũng chưa thẩm thấu gì nhiều hết ý nghĩa của bộ phim. Chỉ là nhấm nháp cho biết vị vậy thôi, flow theo câu chuyện để nắm tình huống vậy.
Mình tự hỏi những người ở độ tuổi ấy sẽ cảm thấy ra sao nhỉ? Mỗi sáng thức dậy họ có bất an như mình (21 tuổi) không. Nhưng Ben - nhân vật chính- thì có, ông đã lăn tăn đi tìm gì đó để lấp vào khoảng trống trong tâm hồn mình. Nên mình đoán, maybe, chúng ta dù già hay trẻ, ít hay nhiều kinh nghiệm đều cảm thấy như nhau ở một điểm nào đó ? Hừm, chỉ là phỏng đoán thôi. Mình còn chưa tưởng tượng được một sáng thức dậy ở độ tuổi 50 sẽ như thế nào nữa.
Mình nhớ đến Brooks trong The Shawshank Redemption. Một người già đã tự sát sau khi được mãn hạn tù 50 năm. Người ta nói bất an của Brooks là do "thể chế hóa" (institutionalization). Ông có bạn bè và được coi trọng trong tù trong suốt 50 năm sống trong nhà tù Shawshank. Ngày được tự do, ông mất đi ý nghĩa sống, dù đã được cung cấp nhà ở và việc làm, song không đủ để ông thỏa lấp được sự trống rỗng của mình, ông đã quyết định kết liễu đời mình. Ông đã tự treo cổ mình trong phòng cùng dòng chữ "Brooks was here" như một minh chứng rằng ông đã từng tồn tại và khao khát được mọi người nhớ đến, một cái chết trong cô đơn. Người ta gọi đó là thể chế hóa, khi đã quen với điều gì đó, ta bị trói buộc vào nó và khó lòng mà thoát ra được. Liệu nó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông phải không?
Hai nhân vật này, cùng độ tuổi ấy, cùng một nỗi bất an - rằng ý nghĩa cuộc sống là gì. Nhưng sao Brooks lại chọn cái chết? Vì Brooks không có bạn bè, người thân bên ngoài như Ben ư?
Cũng có lỹ lắm, có lẽ sự cô đơn và bị hắt hủi từ cuộc sống đã đẩy ông vào ngõ cụt. Ben tuy cũng loay hoay với sự chơi vơi ấy, nhưng ông có cộng đồng, có con và cháu, được các đồng nghiệp yêu quý và sếp tin cậy, ông còn được Fiona yêu mình. Dù cô đơn trong tâm hồn mình, nhưng Ben vẫn được "xã hội" xung quanh quý trọng, chấp nhận và giúp đỡ.
Brooks cũng đã từng như thế trong tù, ông được mọi người quý trọng như một người quản lí thư viện của Shawshank, ông có bạn bè, mọi thứ êm đêm như thế cho đến ngày ông được thả tự do. Mọi thứ biến đổi nhanh chóng, xã hội lạ lẫm sau 50 năm khi ông ra tù, ông được cung cấp một căn trọ tồi tàn và một công việc quá sức cùng với những người đồng nghiệp gắt gỏng. Không còn người thân hay bạn bè. Ông nhanh chóng tự kết liễu đời mình sau đó.
Vậy thì, cùng một nỗi bất an, có phải thứ quyết định là những người xung quanh, sự giúp đỡ, cảm thông thông và yêu mến trong vấn đề này không?
Ở khía cạnh này mình đồ rằng đúng như thế. Vì con người vốn là loài động vật bầy đàn, chúng ta đã sinh ra vốn yếu ớt so với những loài thú khác. Hãy nhìn con bê vừa sinh ra đã có thể tự đi đứng được sau thời gian ngắn, con người mất vài năm để bò được. Vì vậy, sự lệ thuộc vào đồng loại là điều cần thiết nhất đối với con người và hình phạt nặng nề nhất chính là sự ghẻ lạnh và vô tâm. Trong cuốn The art of Loving của Erich Fromm đã nêu ra vấn đề tồn tại người từ thuở ban sơ là nỗi khao khát vượt qua sự chia cắt, đây cũng chính là lí do gây ra những bệnh thần kinh và dẫn đến điên loạn. Vì thế một trong số các hình thức tra tấn ác độc nhất là biệt giam như ta có thể thấy.
Nếu câu trả lời là vậy, mình cho rằng lý do Brooks chết không phải là do thể chế hóa gây ra mà là chính sự ghẻ lạnh của xã hội đối với sự non nớt của ông, một người đang cần sự giúp đỡ trước khủng hoảng môi trường. Đúng là khi đã quen với một môi trường quá lâu ta sẽ quen với nó, khi chuyển qua môi trường mới sẽ cần nhiều nỗ lực và đau đớn để phá bỏ những thói quen (thậm chí là giá trị) cũ, điều này có thể gây ra nhiều lo lắng và bối rối ban đầu. Hãy nhìn Ben ngày đầu chuyển vào môi trường năng động, tốc độ và hối hả của tuổi trẻ mà xem, ông đã không ít lần ngáo ngơ, không khác gì Brooks. Vấn đề là, ông được quan tâm và giúp đỡ, dần dà ông nhanh chóng quen được với môi trường mới, thậm chí là nổi bật. Không lâu sau đó ông hòa nhập với cộng đồng mới.
Sự phát triển của thế giới hiện đại đang dần chia cắt chúng ta. Con người vội vã, thành phố tấp nập. Đôi khi chúng ta đã bỏ quên những lời đùa của con trẻ trong nhà, hay vì công việc mà ít khi gặp mặt bạn bè, cũng vì guồng quay hối hả mà có khi tuy chung nhà nhưng chẳng nhìn thấy mặt nhau. Ta có đang đi nhanh quá không? Ta có đang bỏ lỡ điều gì? Liệu một ngày kia khi ta cho là "đủ", những thứ tầm thường nhỏ bé ta hằng bỏ qua có còn ở đó không?
Thật là ghét phải viết đoạn kết.
Mình nghĩ, trước những câu hỏi đó chúng ta nên chậm lại một nhịp, nhìn nhận cuộc sống của mình có ý nghĩa gì. Ta có đang thực sự hạnh phúc không? Thế giới này cần gắn kết với nhau nhiều hơn. Nền văn minh hiện đại khiến chúng ta mỗi lúc một cô đơn hơn dù "có vẻ" đang kết nối nhiều hơn qua những công nghệ. Người phương Đông chúng ta có đời sống tình cảm sâu sắc trong hàng nghìn năm qua, thiết nghĩ đó là cái mà ta cần gìn giữ trước sự mai một của nó bởi thế giới hiện đại.
Cre: Unplash
Cre: Unplash