Đã bao giờ các bạn tự hỏi vì sao thể chế dân chủ lại bắt đầu ở phương Tây hay chưa? Hơn nữa, thế nào là phương Tây? Nếu chỉ nhìn vào nguồn gốc thì mối quan hệ giữa người Châu Âu với người Trung Đông còn gần gũi hơn giữa người Ấn Độ và người Trung Quốc, bởi cả 2 vùng Châu Âu và Trung Đông đều có chung nguồn khởi phát văn minh nông nghiệp ở vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu, trong khi 2 khu vực Ấn Độ và Trung Quốc lại tự mình độc lập phát triển nông nghiệp. Nên khi xét theo khía cạnh này, ắt hẳn phương Tây phải bao gồm cả Trung Đông, còn phương Đông nên chia thành 2 nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc.
Song, chúng ta - cả thế giới - vẫn nhất trí với cách phân chia của người Châu Âu; rằng họ và các vùng đất kế thừa văn hóa của họ thuộc về phương Tây, còn Châu Á - một vùng đất chứa 3 nền văn minh lớn và độc lập tương đối với nhau - thuộc về phương Đông. Cách phân chia được nhất trí và trở nên phổ biến này, thực chất là sự công nhận ngầm của thế giới về tính ưu việt của người Châu Âu - một vùng đất vốn dĩ là phần rìa của thế giới, học nông nghiệp từ người Lưỡng Hà, nhưng cuối cùng lại là nơi sinh ra thế giới công nghiệp hiện đại.
Vì cả thể chế dân chủ và sự phát triển công nghiệp đều có nguồn gốc từ Châu Âu và cùng được đẩy mạnh từ thế kỷ XV trở đi, nên có nhiều người mặc định cho rằng tính dân chủ là tốt và chính nó đã giúp phương Tây công nghiệp hóa và đưa họ vượt lên trước phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều nước công nghiệp hóa nhưng vẫn giữ nguyên thể chế độc tài như Đức và Nga trong thế kỷ XX hay Trung Quốc của thế kỷ XXI. Mặt khác, nhiều nền dân chủ lớn hiện nay như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Brazil... đều đang bị đầu độc bởi chủ nghĩa dân túy; không khỏi làm gợi nhớ về các nền dân chủ tương đối như Athen hay La Mã cổ đại bị diệt vong mà không có kế thừa. Tất cả những điều này đều làm chúng ta lo lắng và tự ngẫm lại về tính ưu việt của thể chế dân chủ.
Trong thời điểm hiện tại, bất kể người ủng hộ dân chủ nào trên thế giới cũng hẳn phải cảm thấy bất an. Chỉ số dân chủ thế giới của năm 2020 đã giảm, phần vì dịch covid-19 tàn phá những trung tâm dân chủ thế giới như Mỹ hay Châu Âu, trong khi những cường quốc độc tài Nga và Trung Quốc lại đang trỗi dậy mạnh mẽ. Những sự kiện này dường như đang nện những nhát búa mạnh vào niềm tin về một thế giới dân chủ và giàu có. Nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy đó là một điều rất tốt, vì mỗi khi niềm tin vỡ nát, chúng ta lại có cơ hội nhìn được sự thật rõ ràng hơn.
Vậy sự thật về nền dân chủ là gì? Phải chăng nó chỉ là văn hóa riêng của người phương Tây, nay được họ sử dụng như một quân bài cản trở người Châu Á phát triển kinh tế? Hay nó có ý nghĩa gì đó cao quý hơn, quan trọng hơn, và tổng quát hơn cho toàn bộ loài người? Chúng ta không thể trả lời những câu hỏi trên chỉ với niềm tin - thứ mặt nạ mỹ miều nhằm che đi những cái đầu lười suy nghĩ. Muốn có cái nhìn thấu suốt, chúng ta phải quay ngược đồng hồ và tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của thể chế dân chủ, từ đó rút ra được những chất liệu quan trọng để viễn kiến tương lai, cho chính bản thân và cho cả thế giới loài người.