The World’s Most Extraordinary Homes – Làn gió mới cho tâm hồn
Trong sự chán nản do giãn cách xã hội và ngập tràn drama chúng ta hít mỗi ngày thì đây là một Series cực kỳ đáng xem dành cho ai đam...
Trong sự chán nản do giãn cách xã hội và ngập tràn drama chúng ta hít mỗi ngày thì đây là một Series cực kỳ đáng xem dành cho ai đam mê nghệ thuật sáng tạo trong kiến trúc, tư duy về mỹ thuật, văn hóa và một ít giáo dục (haha). Thường mọi người hay nghĩ những series về thời trang, văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, kiến trúc,... nó hơi bị hàn lâm và ‘nhiều chữ’ thì series này hoàn toàn ngược lại với những điều đó, mình thấy nó rất cuốn, thậm chí đúng như cái tên của nó - extraordinary.
The World’s Most Extraordinary Homes - TWMEH hiện tại có 3 seasons, mỗi season gồm 4 episode (mỗi ep tầm 45’ - vừa bằng một tiết học để tránh quá nản khi xem), sau đây là một số cảm nhận chủ quan của mình về series này:
1. Vibes nhẹ nhàng mà vẫn bánh cuốn
Khác biệt hẳn những series hack não, drama thường thấy, nó không phải là một câu chuyện để suy tư, trầm ngâm căng thẳng, qua mỗi episode chúng ta sẽ được đi qua nhiều ‘extraordinary homes’ ở nhiều địa hình (núi, biển, rừng,...) và nhiều đất nước khác nhau (không chỉ ở Âu Châu mà còn cả Á Châu), mỗi bước chân ở mỗi episode đều có một giá trị văn hóa nhất định và câu chuyện của riêng nó. Điều này khiến mình không bao giờ chán suốt cả season, cứ vừa hết một lần woah, thì mình lại ‘hit the woah’ lần nữa.
2. Câu chuyện phong phú, chân thật
Theo chân hai vị host của chúng ta, kiến trúc sư nổi tiếng Piers Taylor và nữ diễn viên kì cựu Caroline Quentin, những cảnh quay liên tục dõi theo từng bước chân của 2 vị host trong quá trình họ khám phá và tham quan ngôi nhà. Từng góc quay rộng toàn cảnh, đến cả quay từ trên cao, thậm chí xiên ngang xổ dọc một cách nghệ thuật nào đó mà mình cũng không biết tả như thế nào, khiến người xem có cảm giác như chính mình đang được “mắt thấy tai nghe” những ngôi nhà này vậy, à quên cùng với những phản ứng đầy tự nhiên của host nữa, tất cả đem đến một sự chân thật tài tình mà vẫn ‘nghệ’.
3. Ngôn ngữ đậm tính văn chương kèm với ngữ điệu Anh Quốc “hịn”
Ai đam mê ngôn ngữ hoặc muốn luyện tiếng anh thì đây là chân ái nè. Mặc dù vừa xem xong một ep, mình vẫn muốn tua lại một số chỗ vì sự ngưỡng mộ trước chất ‘văn chương dào dạt’ của Piers và Caroline, đi kèm với ngữ điệu tinh tế, nhấn nhá điêu luyện. Hai vị host khiến chúng ta cảm được những câu nói ra đều đúng trọng tâm và ‘thật’ mà không hề dùng những từ đao to búa lớn chỉ để phô trương thân thế. Sau đây là một ví dụ ngay ở ep 1 của season 1, mình không phải expert về ngôn ngữ nhưng mình thấy câu này vẫn rất ‘văn vở’ mà không quá khoe mẽ, thay vì nói “this house attracts a lot of attention internationally’ thì mình có câu “This house has garnered an awful lot of attention internationally’ cộng với British accent thì ta nói nó phê chữ ê kéo dài. Hơn nữa, ngoài trường từ vựng về kiến trúc thì TWMEH đem tới sự đa dạng về từ ngữ trong đó còn có văn hóa, lối sống, thiên nhiên và địa lý lịch sử (chút xíu).
4. Tính sáng tạo và tư duy nghệ thuật trong kiến trúc
Bản thân mình không học về kiến trúc hay xây dựng gì hết, nên cảm nhận của mình cũng ở mức người thường thôi, nhưng vẫn rất rất muốn nói về sự ‘masterpiece’ của series này. Là một gen Z chính hiệu, mình cảm thấy rất sướng qua mỗi khung hình khi chiêm ngưỡng những kiến trúc ấn tượng thông qua những thước phim đẹp đến xúc động đậy, mình còn có cơ hội được tìm hiểu về hành trình bắt đầu xây một ngôi nhà, bố trí nội ngoại thất như thế nào, cũng như những câu chuyện cảm hứng về mỗi ngôi nhà được kể lại thông qua chủ nhà hoặc kiến trúc sư. Túm lại, ‘triết lý thiết kế thượng thừa’ cộng với ‘mức độ sáng tạo táo bạo’ cộng với ‘câu chuyện thú vị’, tất cả đều được gom lại một chỗ.
Kết luận, dù không phải một thể loại mà ai cũng xem được, nhưng lâu lâu đổi gió qua The World’s Most Extraordinary Homes khiến mình thấy thú vị, đôi khi có chút yên bình nữa. Được trải nghiệm tư duy cấp tiến của những bộ óc thiết kế hàng đầu thế giới, chiêm nghiệm về văn hóa, lối sống khác nhau, khiến khoảng thời gian xem phim giải trí không đơn thuần là ‘leisure time’ một cách thụ động nữa, nó còn là quá trình mình học hỏi, hoàn thiện tư duy bản thân. À nếu quyết định xem thì bạn có thể xem 1 ep/mỗi đầu ngày để có good vibes cho một ngày học tập, làm việc dui dẻ hơn.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất