Xã hội càng cải tiến cũng chính là lúc nhân loại cùng với bộ óc tư duy thiên tài của mình ngày càng tiến bộ. Công nghệ từ đó cũng ra đời với nhiệm vụ chính là phục vụ, giúp đỡ con người ở mọi lĩnh vực, ngành nghề,… Và mạng xã hội – vốn được xem là một công cụ kết nối giữa người và người lại bắt đầu đi ngược lại với mục đích ban đầu của mình. Lời cam kết bảo mật thông tin người dùng mà Facebook, Instagram, Gmail… đảm bảo liệu có an toàn như đã nói? Hay phải chăng đây chỉ là một  thương vụ trao đổi mua bán đã được sắp đặt của các tập đoàn công nghệ mà sản phẩm vốn là “chúng ta” – những khách hàng tiềm năng của thế giới công nghệ ngày nay?

SỰ THẬT ĐẰNG SAU NHỮNG CÁI TÊN HÀO NHOÁNG CỦA CÁC TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ

Nguồn: Google


“ The Social Dilemma” là một bộ phim tài liệu được sản xuất bởi Netflix và đạo diễn chính là Jeff Orlowski. Bộ phim là một buổi phỏng vấn tập hợp của tất cả những nhân viên vốn đã làm việc tại Facebook, Gmail,… “The Social Dilemma” đã đưa con người đến cái nhìn khám phá về bức tranh tổng thể đầy “hào nhoáng” của các tập đoàn công nghệ xây dựng nên nhưng ẩn sau đó lại là những bí mật được che giấu mà ít ai hay biết. “Người dùng” – người vốn được xem là những khách hàng tiềm năng cho sự phát triển của công nghệ lại trở thành một “sản phẩm” được khai thác một cách triệt để. Mọi thông tin cá nhân, mối quan hệ, gia đình,… tất cả đều được kiểm soát bởi chính những ứng dụng mình đang sử dụng hằng ngày. Tại sao một sản phẩm vốn được xem như một công cụ kết nối những mối quan hệ lại mang về những ý kiến tiêu cực như vậy? Tất cả đều là vì lợi nhuận, sức ảnh hưởng đến từ đồng tiền. Chúng được thiết kế như một thiết bị thu hút những “con mồi” bằng cách lợi dụng sự quan tâm của chúng ta – những miếng mồi ngon béo bở. Từ đó, sự quan tâm lại biến thành nguồn thu lợi nhuận cho người khác thông qua các hợp đồng quảng cáo, mua-bán sản phẩm trên mạng xã hội.
 “Social Media is a drug” 

MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA ĐANG BỊ CHÍNH MẠNG XÃ HỘI TÁC ĐỘNG

Công cụ để gắn kết người dùng nay dường như lại trở thành một chiếc nam châm đẩy chúng ta xa cách nhau. Nếu trước đây, buổi họp mặt gia đình là nơi chất chứa những tiếng nói cười, trò chuyện. Nay lại tràn ngập sự thờ ơ, bối rối từ chính những người thân trong nhà và luôn mở đầu bằng tiếng chuông thông báo của thiết bị thông minh điện tử,… Để từ đó chính là sự níu kéo, sự tiếc nuối về những điều đã qua:

Chúng ta nhớ những bữa ăn cùng gia đình, những ngày tháng gặp mặt lũ bạn trẻ trâu thời “cởi truồng tắm mưa". Chúng ta hoài niệm về những điều xưa, những kỉ niệm tuổi thơ.
Nhưng liệu ai trong chúng ta sẽ chấp nhận một sự thay đổi, ngưng sử dụng các thiết bị điện tử để quay trở lại những ngày tháng khi xưa hay đây chỉ là một lời hứa hẹn chẳng thể nào thực hiện được?
Chúng ta ra sức tẩy chay nhưng chính sự tiện nghi của mạng xã hội đã nhanh chóng thỏa lấp cái ước muốn thoáng qua ấy. Và dần dần, chúng lại trở thành dĩ vãng, mãi mãi tồn đọng trong kí ức và không bao giờ quay trở lại …
Thế hệ gen Z  được định nghĩa là những người được ra đời trong khoảng 1997 – 2010. 1997 cũng là năm Internet được du nhập vào Việt Nam lần đầu tiên, đặt cột mốc cho sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghệ - thông tin lúc bấy giờ. Những đứa trẻ sống trong thời kỳ này cũng bắt đầu được tiếp xúc với mạng lưới thông tin bao la chỉ với một cú click chuột. Chính vì sự tiện nghi quá mức, mạng xã hội ra đời tưởng chừng như một “bệ phóng tên lửa” đưa con người vào một kỷ nguyên thời đại mới với bao phép màu to lớn thì nay - mọi thứ lại dần tệ hơn…

THẾ NÀO MỚI LÀ HẠNH PHÚC?

Ta luôn tự cho mình may mắn khi được tiếp xúc với công nghệ, được ngắm nhìn kho tàng tri thức của nhân loại chỉ qua một cú click chuột. Ta cho rằng: mạng xã hội đã xóa bỏ khoảng cách giữa ta với mọi người khi có thể nhắn tin, trao đổi chỉ với một chiếc điện thoại nhỏ gọn thông minh.
Ta cho đó là hạnh phúc. Và mọi thứ cứ diễn ra như là mơ…
Nhưng liệu có thật sự như vậy?
Thông tin giả tràn ngập trên mạng xã hội. Xung đột chính trị diễn biến ngày càng cam go. Nhân loại giờ đây đang ở trạng thái “nhiễu loạn thông tin”, chẳng thể nào biết mình phải trông chờ vào điều gì. Cuộc sống của họ ngày càng tồi tệ hơn: các cuộc bạo loạn, khủng bố,… tưởng chừng như sẽ không bao giờ kết thúc.
Bên cạnh đó, tỉ lệ những người tự sát do mắc các bệnh về tâm lý dường như cảnh tỉnh mọi người bởi sự nghiêm trọng của nó bây giờ:
Thống kê tỉ lệ tự sát giữa những người được chuẩn đoán mắc bệnh về tâm thần so với mặt bằng chung [ những người chết do tự tử ] - được thực hiện bởi Bertolote và Fleischmann 
Nhìn vào biểu đồ, có điểm đáng lưu ý: chứng bất ổn tâm lý [ Mood Disorder ] – thường là do trầm cảm – chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các rối loạn được chẩn đoán do tự tử và đặc biệt ở những người được chuẩn đoán mắc bệnh mà không phải vào bệnh viện tâm thần. Mình không khẳng định việc mạng xã hội phát triển đã mang những ảnh hưởng xấu tới cộng đồng như thế nào vì không phải ai trầm cảm cũng đều do tiếp xúc với mạng xã hội. Nhưng việc lạm dụng quá mức chúng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi, những xúc cảm của chúng ta. Tràn ngập bởi những điều tiêu cực, tiếp xúc với những thông tin giả,… Dường như “tảng băng chìm” của mạng xã hội đang dần dần bóp chết sự sống mà chúng ta mong muốn được tận hưởng thay vì cả ngày phải cắm mắt vào chiếc điện thoại và trông thấy những thông tin vô bổ.

Khép lại "The Social Dilemma", bộ phim tài liệu được xây dựng bởi một đoạn hội thoại với những người trước đây vốn làm việc tại các tập đoàn công nghệ. Nhưng ở đó, lại đan xen những cốt truyện chân thực về đời sống của con người hiện tại. Đọng lại ở bộ phim đó chính là mối quan hệ, là tình yêu, là gia đình,.... Những thứ vốn thân quen với chúng ta liệu sẽ mãi mãi vững bền hay sẽ nhanh chóng bởi hủy hoại bởi chính chúng ta – những con người luôn đằm chìm bởi một xã hội “ảo” và phớt lờ đi mọi thứ? Câu trả lời thật sự vẫn nằm ở chính bạn.
”There are only two industries that call their customers 'users': illegal drugs and software.”