Áp phích phim
Vào năm 2003, một diễn viên-biên kịch-đạo diễn Tommy Wiseau, chẳng hiểu kiếm đâu ra được một mớ tiền và trở thành nhà sản xuất phim tại San Francisco. Dĩ nhiên, bộ phim anh sản xuất lần đầu tiên bằng tiền của anh là do anh lần đầu tiên biên kịch, do anh lần đầu tiên đạo diễn và do anh lần đầu tiên đóng vai chính.
Đó là câu chuyện của một người đàn ông (Johnny) sống với cô vợ sắp cưới (Lisa) trong một khu nhà tập thể trung lưu ở thành phố. Anh rất yêu cô và đi làm để nuôi cô ở nhà dũa móng tay. Anh còn bảo trợ và giúp đỡ một cậu thanh niên trẻ có tên Denny được anh coi như là con nuôi hay con đỡ đầu và cũng sống trong khu căn hộ này. Bạn thân nhất của anh (Mark) cũng sống trong khu nhà và hình như ai cũng sống trong khu nhà này, trừ bà mẹ của nhân vật nữ, là người xuất hiện chỉ để khuyên con gái nên mau cưới Johnny làm chồng vì theo bà đó là con rể và người đàn ông l‎í tưởng: kiếm ra tiền, định mua nhà sắm xe cho cô và bảo đảm cho cô một cuộc sống tốt đẹp.
Tuy nhiên, Lisa vì chán cuộc sống giản đơn này và vì "nhàn cư vi bất thiện" nên sau đó cô đã quyến rũ thành công bạn của chồng - Mark vào cơn lốc của dục vọng mặc dù anh ban đầu có chút kháng cự. Ngoài ra còn có một số tình tiết bên lề, như việc bà mẹ bị ung thư vú, Denny thiếu nợ tay buôn ma túy hay Johnny có một chuyến làm ăn to, v.v..
Sau đó, trong một lần tổ chức sinh nhật bất ngờ dành cho Johnny, quan hệ tình cảm bí mật giữa bạn mình và vợ sắp cưới đã bị Johnny phát hiện, và sau khi gây gổ với Mark, anh mất Lisa. Anh đập phá đồ đạc trong nhà và dùng súng tự sát. Giờ thì Mark và Lisa tự do nhưng Mark bỏ đi vì hối hận, để lại em Denny và Lisa cạnh xác của kẻ đã chán đời và kết kiễu mạng mình. (Thế là hết chuyện và hết phim)
Bối cảnh phim khu nhà của Johnny (và hình như của tất cả mọi người)
Xem xét qua về nội dung, nếu là một câu chuyện như thế thì cũng chẳng có gì hay đặc biệt hay dở đặc biệt, đầy rẫy ra, từ Hàn Quốc đến Hồng Kông. Nhưng chỉ có cách thực hiện độc đáo của đạo diễn-sản xuất và diễn viên Tommy Wiseau mới thực sự đưa The Room lên hàng "quỷ khốc thần sầu"! 
Từ trái sang: Lisa (Juliette), Johnny (Wiseau) và Sestero (Greg)
Phim bắt đầu bằng cảnh Johnny đi làm về và mang cho Lisa một cái áo ngủ đỏ làm quà, nói “Em có thích không?” và “Bởi vì em là công chúa của lòng anh”. Lisa mặc thử, sau đó khi họ kéo nhau lên phòng thì Denny xuất hiện và theo họ lên tận giường để đập gối tay ba, họ phải đuổi tận mấy lần em mới chịu về nhà.
Em Denny đi rồi thì cái áo mới được cởi ra và Lisa với Johnny chìm đắm trong luyến ái. Họ làm tình tha thiết, có nến đốt lung linh, có nhạc đệm mềm mềm, có mưa rơi lất phất, có màn voan bập bềnh, có ga giường nhàu nát, có cả núm vú của Lisa "mồn một", cô trợn mắt và anh thở hắt. Đây là cảnh làm tình đầu trong phim và còn năm hay bốn lần nữa, nhiều đến nỗi mà một cảnh đã phải dùng lại những cảnh quay của lần đầu. Thì cũng nến, cũng voan, cũng nhạc đệm, vân vân và v.v.., nào có hại gì.
Đến đây, người đọc bài đã đoán được The Room là một bộ phim tệ. Bạn đọc bài này có thể nghĩ đó là một phim kích dục rẻ tiền, thực hiện năm 2003 tại Mỹ nhưng lại giống như là thực hiện vào năm 1990 ở một nước đang phát triển. Và đang phát triển cái gì thì không biết, nhưng nhất định không phải là đang phát triển về điện ảnh. Nhưng đó là nghĩ sai, đây không phải là phim kích dục vì kích dục kiểu này thì bố ai mà xem. Theo tác giả-đạo diễn-diễn viên và sản xuất thì đây là một bi kịch tâm lí xã hội theo phong cách của kịch tác gia Tennessee [sic] Williams. (Và có khi còn ấn tượng hơn chẳng biết chừng) Nói chung,tên của phim - “The Room” (Căn phòng) như là một vũ trụ, một thế giới thu hẹp lại mà Johnny là trung tâm.
Phim ra mắt khán giả tại hai rạp hát ở Hollywood. Lần chiếu đầu tiên, chưa đến 30 phút, đa số khán giả bỏ ra đòi tiền lại. Ngày thứ nhì, rạp đề bảng báo trước là “Không hoàn tiền lại” và “Xem phim này như là bị dao đâm vào đầu” để quảng cáo. Doanh thu của bộ phim sau hai tuần là 1800 USD. Trong mấy năm liền, mặc dù phim không còn chiếu rạp, tại Hollywood vẫn bất di bất dịch một bảng quảng cáo bộ phim được thuê với giá 5000 USD một tháng. Tác giả-đạo diễn-diễn viên-sản xuất là Tommy Wiseau, khi được hỏi vì sao, đã trả lời tại vì tôi thích thế, tôi thích áp phích này, và tôi thích vị trí đặt bảng và phim không chiếu nữa thì tôi vẫn bán DVD.

Phim dở thì cũng khối, và phim thất bại cũng nhiều nhưng The Room được gọi là kiệt tác của phim tồi hay là bộ “Citizen Kane của phim dở”. Trước khi phim ngưng chiếu, ngay trong 2 tuần đầu này, một nhà làm phim khác đã phát hiện tính giải trí của bộ phim này vì nó dở không thể tả được, bắt buộc phải xem thôi và bắt buộc phải cười. Ông rủ bạn, có đến trăm người, và trong 3 ngày cuối, xem phim này 4 bận. Phong trào xem phim The Room từ đó ra đời, khiến bộ phim được liệt vào hàng đặc biệt, “Cult Movie” (Phim hiện tượng), và đi vào lịch sử điện ảnh loại B.
***
Dở thế nào thì ngôn ngữ và ngòi bút bất lực. Hình ảnh dở, âm thanh dở, nhạc dở, diễn xuất dở, cái gì cũng dở nhưng đây không phải là dở về kỹ thuật, vì thiếu thốn phương tiện, vì kém chuẩn mực chuyên môn điện ảnh. Đoàn quay là dân điện ảnh chuyên, quay tại phim trường chuyên tại Hollywood bằng máy "xịn". 2003 là thời video HD mới xuất hiện và Wiseau sử dụng hai máy sinh đôi bằng cách gắn một máy HD cạnh một máy quay phim 35mm, và lấy tất cả các cảnh, góc hình trên cả hai máy và như thế cần có hai đội quay. Sau khi quay xong phim, anh quyết định chỉ dùng bản phim. Dùng từ “quyết định” có lẽ không đúng người, vì Wiseau luôn đổi ‎ý. Vai Lisa lúc đầu là một diễn viên Nam Mỹ, nhưng sau khi cô rũ áo [ngủ đỏ] ra đi thì Juliette Danielle được tuyển thẳng từ bến xe đò mới đến từ Texas vào thẳng phim trường để quay ngay cảnh “đêm mưa áo đỏ”. Cô này ở lại với đoàn, may thế, không như một số diễn viên phụ khác, cụ thể là vai nhà tâm l‎í học và bạn của Johnny, hết hợp đồng ba tuần thì đi phim khác, khiến cuối phim vai của hai người này buộc phải thay bằng một diễn viên khác!
Áp phích phim do fan tự thiết kế. Đây là một vinh dự lớn khi không phải bộ phim nào cũng được người hâm mộ thiết kế hẳn một áp phích riêng như thế này
Bộ phim hao tốn và chậm trễ vì Wiseau không thuộc kịch bản do chính anh biên, không thuộc lời thoại vai anh diễn, di chuyển sai vị trí của vai diễn trước ống kính (khiến phim phải quay đi quay lại nhiều lần). Anh đổi toàn thể đoàn những hai bận, thay tất cả các nhân viên kỹ thuật. Có cảnh quay ở phim trường rồi lại quay ở ngoài trời vì "đạo diễn" không vừa ý.
The Room, nếu tính kinh phí làm phim thì chỉ khoảng 300000 USD đổ lại nhưng thật ra tổn phí lên đến 6 triệu USD! Có đến hai đoàn quay, một tại phim trường và một quay ngoại cảnh ở San Francisco. Lỡ có hai đoàn rồi, nên phim cứ hai hay ba phút lại thấy cầu Golden Gate Bridge. Cứ hai câu thoại, thí dụ giữa Johnny và Mark, thì lại cắt sang ngoại cảnh San Francisco ban đêm (nhà, đường, chung chung, cầu Golden Gate, chứ không phải ngoại cảnh của căn hộ câu chuyện). Sau đó ta thấy Lisa trao đổi hai câu thoại khác với Mark, rồi lại ngoại cảnh thành phố. Sau đó là Lisa nói chuyện với Johnny, và cái gì xảy ra? năm hay là sáu giây ngoại cảnh San Francisco!
Biên kịch-đạo diễn-diễn viên chính Tommy Wiseau. Đây cho ta thấy máy quay khủng sinh đôi, một máy phim nhựa và một phim video
Trong phim có đến bốn bận các nhân vật vừa nói chuyện vừa chuyền nhau banh bầu dục. Một màn khó hiểu là tự nhiên bốn nhân vật nam mặc tuxedo lễ hội và ra ngõ chuyền nhau banh bầu dục. Rồi xong. Xong rồi, qua chuyện khác, trang khác của kịch bản. Vậy thôi, và ‎nghĩa là gì thì các nhà phê bình chỉ có thể đoán hay gán cho tác phẩm này chức danh “outsider art”. (nghệ thuật ngoại vi)
Dễ phân tích hơn là cảnh Johnny đi mua hoa.
Anh yêu Lisa, và chăm sóc cô ý tứ. Tặng hoa cho người yêu là cách thể hiện tình cảm này. Ta có thể vào cảnh bằng cách Johnny bước vào nhà, tay cầm một bó hoa, còn đi mua ở hàng nào là việc của đạo cụ, khán giả không cần biết. Thay vì thế, ta lại thấy (Ngoại-Ngày) – Một cửa hàng hoa (ba giây). Xe của Johnny trờ tới và dừng lại (thêm ba giây nữa). May là chiếc xe này ta đã thấy trước vài bận và biết là của vai Johnny. Thêm ba giây, anh bước vào cửa hàng. (Nội-Ngày), anh chào hỏi, rồi hỏi “cho tôi một chục hồng”, bà hàng hoa đi lấy chục hồng này và bảo “18 USD”. Johnny móc tiền ra nói “Khỏi cần thối” (anh đưa 20 USD). Anh bước ra, bà bảo “Anh là khách tốt nhất của tôi”. Johnny cười “Haha”, anh chào con chó nằm trên quầy “Hi, dog!”, chào mọi người rồi bước ra khỏi cửa hàng. (Ngoại-Ngày) Anh lên xe (ba giây), nổ máy xe (máy hình thì vẫn đứng nguyên một vị trí thêm hai giây), xe anh ra khỏi khung hình, máy nán lại thêm ba giây nữa trước cửa hàng hoa.
Bà chủ cửa hàng hoa và con chó
Vậy cửa hàng hoa này có gì đặc biệt? một phút phim vừa kể để làm gì? Bà bán hàng sau này sẽ xuất hiện tại căn phòng và mang theo con chó? Nó sẽ đánh hơi được lá thư tình nào ép nước hoa mà Lisa định gửi cho Mark? Chẳng phải thế, vì cửa hàng hoa này cùng con chó chẳng bao giờ trở lại. Cảnh mua hoa này chỉ đơn giản là một “hành động miễn phí” như trong "Những hầm Vatican" của nhà văn Andre Gide. Trong truyện này, nhân vật Lafcadio đẩy một ông cụ cùng toa xuống đường tàu, tại vì anh thích thế và tại vì nó “miễn phí vô nghĩa". Trong The Room, mấy phút này hiện diện là vì đạo diễn thích "miễn phí" và "vô nghĩa"? Hay là để nhấn mạnh Johnny là một người tốt, ngay cả bà hàng hoa cũng nghĩ thế: “Anh là khách tốt nhất của tôi”. Cả con chó cũng nghĩ thế tuy nó không nói gì, và ba giây cuối cùng thấy cửa hàng bất động sau khi xe của anh đã ra khỏi khung hình như là để cho ta suy ngẫm?
Cuối phim Johnny thốt lên, “Tôi là một người tốt và ai cũng phản bội tôi hết!” Xin phép không phân tích phần “phản bội” trong The Room vì sẽ lôi thôi lắm, lại phải nêu nhân vật Macbeth của Shakespeare và dẫn thêm một cảnh khác trong phim. Thí dụ, cảnh Lisa vừa mới ở chợ về và tâm sự với một người bạn gái. Hai người ngồi trên ghế salon. Lisa sau đó bất ngờ dứng dậy, lấy từ trong túi đi chợ ra một món hàng (khoai tây chiên) và nói một câu thoại. Cô lấy ra tiếp một món hàng khác (ngũ cốc ăn sáng) và nói thêm một câu thoại. Cô lấy ra một món nữa (dầu chiên thực phẩm) và nói câu thoại thứ ba. Đây có thể coi như là sự phản bội tiềm ẩn trong Macbeth của Shakespeare. Khoai tây, Macbeth phản bội vua Duncan. Ngũ cốc ăn sáng, Macbeth phản bội bố con Banquo. Dầu chiên thực phẩm, Macbeth phản bội Macduff. Macbeth phản bội là để giữ ngôi và Lisa phản bội là để giữ người tình Mark trong bộ phim “nghệ thuật ngoại vi” này.
***
The Room sau khi bị một chương trình hài trên sóng truyền hình mang ra giễu thì đã trở nên nổi tiếng thực sự. Fan cuồng của phim này rủ nhau đi xem những buổi chiếu tổ chức đặc biệt vào nửa đêm tại cả New Zealand, Australia, London. Khán giả đi xem phim cũng mặc tuxedo và mang theo banh bầu dục chuyền trong rạp. Trong “căn phòng” của phim có bày biện mấy khung ảnh chụp một cái thìa. Vậy là các fan đi xem phim mang theo thìa nhựa, thi nhau ném thìa nhựa lên màn hình. Có người cải trang cẩn thận thành nhân vật, như là các fan Cosplay.
Vì lý do sao lại ném thìa thì tại trong phim có mấy cái khung ảnh, loại nhỏ nhỏ đặt trên bàn, khi mua ở tiệm khung đã có sẵn mấy cái ảnh vớ vẩn như cái thìa chẳng hạn và tiệm không buồn gỡ ra thay vào ảnh gì khác. Sau này khi phim quá nổi tiếng, Wiseau trả lời người phỏng vấn là thìa có nhiều loại, có loại bằng nhựa nhưng ngày nay thìa nhựa tại Mỹ không còn gây dị ứng hay độc hại cho người dùng và trong phim thìa là “một biểu tượng của sự sống còn, của không bị nhiễm độc và dị ứng, và biểu tượng này khiến khán giả có thể kết nối với bộ phim. Tại sao tôi lại biết thế, vì tôi đã từng nghiên cứu, như anh biết tôi từng học khoa tâm lý, anh có thể hỏi tôi bất cứ điều gì, tôi sẽ giải thích hết, viết thành cả quyển sách!”.
Khán giả đi xem đông nghịt và tới tấp ném thìa ở một số cảnh phim.
Tommy Wiseau in đĩa DVD bán, rồi Blu-ray. Anh hứa sẽ có bản phim 3D mà chưa thấy. Anh chuyển thể kịch bản thành một tiểu thuyết nghe đâu 500 trang  (!) và đang sửa soạn một nhạc kịch, trong đó có nhân vật Johnny nhân thành mười, tức là mười Johnny vừa múa vừa hát và người tốt gấp 10. Đây cũng chỉ là dự án. Trong khi chờ đợi, bạn có thể đặt mua quần lót nam mang nhãn Tommy Wiseau vì tên anh là Tommy. Nếu ta không nhớ tên tác giả thì bộ phim nhắc đến trong đoạn chót. Nhân vật Johnny mới tự sát và khi em Denny phát hiện, thay vì thốt lên lời ai oán gọi “Johnny” thì em gọi “Tommy”!
Còn lý do để công ty của Tommy Wiseau bán quần lót cho fan cuồng của fim là do có một cảnh khó hiểu, trong đó nhân vật nam “lâm vào bi kịch” vì đã để quên quần lót. Ai mua một DVD được tặng thêm ba cái quần 2295 USD
Sau khi trở nên nổi tiêng, phim đã có hẳn một trò chơi điện tử “The Room” (2010) và nhiều bộ phim tài liệu thực hiện về tác phẩm điện ảnh dở nhất thế giới này. Cô Juliette Danielle (vai Lisa) thì đã biến mất, mang núm vú hồng thôi hết phiêu du trở về bang Texas bằng xe đò (?) Nhưng các diễn viên vai khác vẫn có mặt trong các buổi chiếu đặc biệt để tặng chữ kí‎. Diễn viên Greg Sestero (vai Mark) thì đã hoàn tất một cuốn sách bán chạy: “The Disaster Artist, my life in The Room, the greatest bad movie ever made”. (Nhà nghệ sĩ đại họa, đời tôi trong Căn Phòng, Bộ phim dở vĩ đại nhất từng được thực hiện) Cuốn tự thuật này sau đó đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên  đạo diễn bởi Seth Rogen và James Franco, ra mắt vào cuối năm 2016 và đã suýt đoạt được giải Oscar.
Cũng trong The Disaster Artist, Sestero đã kể lại rằng Wiseau từng có ý định lên kế hoạch sản xuất một phần phụ cho bộ phim, trong đó Johnny sẽ là một ma cà rồng vì Wiseau bị mê hoặc bởi những sinh vật này. Sestero cũng đã kể lại các tình tiết mà Wiseau dự định sẽ thêm vào phần phim phụ như giao nhiệm vụ cho phi hành đoàn tìm ra cách để chiếc Mercedes-Benz của Johnny bay qua đường chân trời San Francisco, tiết lộ bản chất ma cà rồng của Johnny, v.v..
Bìa sách của cuốn tự truyện
Thậm chí, trước sự thành công chậm trễ của The Room, giờ đây Juliette Danielle (vai Lisa) cũng đã xuất hiện trở lại với showbiz. Cô bỏ trốn trong nhiều năm vì nghĩ là bộ phim này sẽ đi vào quên lãng và sau khi thân hình cô bị ví như là một “Britney Spears trương phình”. Thời gian đã giúp cô chấp nhận vai trò của cô trong kiệt tác. (Trang Facebook của cô ở đây)
The Room là bộ phim đáng xem một lần trong đời, ít nhất để được tai nghe mắt thấy Wiseau diễn câu thoại nhấc từ vai James Dean thủ trong Giant: “You are tearing me apart, Lisa!”. (Lisa, em đang xé nát tôi ra!) Anh chắc là người duy nhất vẫn còn tin là anh diễn có gì như Marlon Brando và bộ phim do "ảnh" đạo diễn có gì như Stanley Kubrick, vì thế mà sự thành công sau này của nó không phải hoàn toàn dựa vào tính hài hước vô tình.
...
*Phần về người viết, thật tình là tuy được giải trí từ đâu đến cuối, nhưng có lẽ không được vui bằng, và thậm chí không vui nổi như các bạn trẻ hơn ở Mỹ. Lí do là những cường điệu, những lỗi lầm vung vảy khắp bộ phim, những ngớ ngẩn, những đáng cười này (và cười thỏa đáng), ở tôi có một chấn động riêng.
Khác với các em cách một thế hệ sau tại Tây phương hay Đông phương, tôi đã từng được thấy các vết thương này ở một mức độ nào đó trong những bộ phim Việt ngày trước (và ngay cả gần đây), khiến trong tiếng cười của tôi có chút gì cay đắng, và nước mắt giàn giụa không phải chỉ nhờ diễu cợt hài mà còn có nhiều đau xót và tủi thân. Bông hồng 18 USD một bó thì chẳng tặng được ai đã đành. Nhưng những cái thìa nhựa này thì cấm lên rồi, tôi biết ném vào đâu?*
Tác giả: Sáng Ánh
Bài viết gốc (phần 1): http://soi.today/?p=226788
**Bài viết đã được hiệu đính, cập nhật thông tin và sửa lỗi chính tả bởi người đăng bài. những quan điểm trong bài viết trên do được đăng trên trang nhà của người đăng nên có thể cũng là quan điểm của chính người đăng bài.**