Cũng lâu rồi mới chia sẻ cảm xúc về một bộ phim, những ngày tết có dư dả thời gian cho phim, và sách, sách thì dài còn phim thì có sẵn trên Netflix, chỉ hơi tốn công cuộn lên/xuống để lựa. Mình xem được 3 phim, The Dig, To all the Boys i love before (sequel mới nhất) và The Penguin Blooms - nếu so sánh như món ăn thì The Dig như món phở, cầu kì trong cách chế biến và có chiều sâu như nước hầm vậy, và các thành phần tạo nên tô phở ấy đều chỉnh chu và có giá trị, To all the boys thì như món khai vị nhạt nhoà mà khi vừa ăn xong thì quên luôn vị của nó như thế nào, chỉ nhớ đại khái về màu sắc hình dáng hay tên gọi. Còn bộ phim cuối với mình như một phần tráng miệng hình thức đơn giản, nhưng khi nếm thì dư vị đọng lại thật lâu, kết thúc món mà cảm giác như đầu bếp vừa nói hộ tiếng lòng của mình một cách tinh tế và giản đơn. 
Phim được làm từ sách, và cả câu chuyện của sách lẫn phim đều đến từ đời thật: gia đình Blooms gồm bố Cam (viết tắt của Camaron), mẹ Sammy (gọi yêu của Sam) và 3 thằng nhóc đang tuổi quậy mà còn sàn sàn nhau, trong đó Noah là con cả - và cũng là người dẫn chuyện lúc đầu/cuối phim. 
"câu chuyện về một chú chim đã hồi sinh một cả gia đình" - đó là lời giới thiệu trên tựa sách, còn phim, với mình, nó như là câu chuyện với hành trình đấu tranh bên trong của con người (cụ thể là Sam) hơn - và đó cũng là điều mình yêu quý ở phim, hơn là lát cắt về sự gắn bó của một gia đình với chú chim nhỏ (dù lát cắt này cũng rất đẹp, rất thơ). 
Tựa sách của phim, cũng do chính người cha của gia đình Bloom chấp bút
Sam là một người phụ nữ tràn đầy năng lượng, người mẹ hoạt bát, vui tươi, cô đặc biệt thích các hoạt động thể thao dưới nước và cũng là người lướt ván cừ khôi. Nhưng một tai nạn bất ngờ trong chuyến kì nghỉ chung với gia đình, Sam bị chấn thương nghiêm trọng khiến cô liệt toàn bộ phần thân dưới. 
Gãy lưng - nói ngắn gọn là vậy, nhưng 2 chữ vỏn vẹn này là một bi kịch tưởng như không lối thoát cho cả Sam lẫn những người thân của cô. Mất đi khả năm vận động, các sinh hoạt hằng ngày của cô đều phụ thuộc vào người khác , các con của cô tưởng như mất đi người mẹ của mình khi chúng gặp chuyện gì thay vì gào gọi mẹ như trước đây thì giờ chúng chỉ gọi ba, người mẹ sống động vui tương trước kia giờ gắn chặt với cá xe lăn và sự buồn khổ im lặng chết chóc. Chồng cô vừa làm trách nhiệm của người bố, lẫn mẹ, và kiêm luôn người chăm sóc chính cho Sam và anh cũng chìm trong chính dòng cảm xúc hỗn độn của mình khi chứng kiến người vợ mình yêu quí dần đánh mất chính cô trong nỗi đau kinh khủng mà anh không thể nào chia sẻ được. 
Naomi Watts đã có một vai diễn rất "hợp" với chị, là một diễn viên "kén" phim, có lẽ bộ phim gần nhất mình xem có chị đóng là The Impossibles cách đây 8 năm (hoặc do mình lỗi thời) - cũng vào một người mẹ và chị cũng bầm dập cả thể chất lẫn tinh thần trong phim vì bối cảnh chính là thảm hoạ sóng thần ở Thái Lan năm 2004. 
Naomi Watts (phải) và nhân vật Sam Bloom ngoài đời thật - cùng chú chim tên Penguin.
Trở lại với bộ phim này, nhân vật Sam của chị cũng gặp tai nạn ở Thái Lan, không liên quan đến nước, chỉ là một tai nạn hy hữu khi chị tựa vào lang can mà phần mối nối giữ bị mục, chị rơi thẳng xuống đất và sau khi trở về nhà, chị cảm thấy mình vô dụng, bất lực, "nothing" - chị tự gọi mình - giờ chị chẳng là gì cả, không mục đích sống, không tạo nên được giá trị, không chăm sóc được cho con mình, không còn là chị trước kia, người leo lên đỉnh hải đăng hay lướt trên những ngọn sóng giữa đại dương bao la không sợ hãi, vì chị có thể bơi. 
Hình tượng con nước trở đi trở lại trong chị, dưới mọi hình thái, trong giấc mơ chị thấy mình chết đuối giữa biển, chìm cùng với cái xe lăn của mình, dòng nước như sự cứu rỗi với chị, và cái xe lăn là cơn đau quái ác chị căm ghét tột cùng nhưng không thể nào loại đỏ được. Khi thức dậy, chị gọi đó là ác mộng, không phải vì chị đã chết trong giấc mơ, mà khi chị biết chị bị chìm, chị thấy "ổn" với việc đó -  ý nghĩ huỷ hoại bản thân mình trở đi trở lại với chị nhiều lần, nhưng chị vẫn ráng sống, áp lực phải sống tiếp, áp lực đối diện với người thân "những người lành lặn" xung quanh mình nén chị lại như chiếc nút bần để rồi thi thoảng nó bật ra như để phán kháng, nhưng thật sự chỉ làm chị càng cô đơn trong nỗi đau của chính mình. 
Suốt bộ phim có rất nhiều cảnh Sam một mình, dù chị thật sự đang ở một mình hay đang ở cùng những người khác, khi zoom cận mặt, Sam lại chìm trong dòng nước của chị, dòng nước đẩy những người khác xa dần xa dần, không khó hiểu, bởi vì bản thân chị còn không yêu nổi chính mình, còn không tìm được niềm vui sống, thì thử hỏi môt câu quan tâm đơn giản " How are you" lại không trở thành một mũi kim nhói đau chị cho rằng người khác đang đâm mình? Làm sao một bệnh nhân liệt nửa thân có thể trả lời với bạn rằng "I'm good"? Sam của hiện tại, phẫn nộ, tuyệt vọng, vùng vẫy giữa "phải sống" và "sống".
Mọi người sẽ thấy sự chuyến biến tươi sáng khi chú chim Penguin xuất hiện trong phim, nhưng với mình, điều đẹp đẽ nhất của phim là sự "transformation" của Sam, chưa tìm được từ tiếng Việt để diễn tả, đó không phải là sự chuyển mình khi Sam tìm lại được chình mình khi bắt đầu tập chèo thuyền Kayak, đó cũng không phải là lúc cô tiếp nhận Penguin như một thành viên của gia đình hay bắt đầu mở lòng với gia đình...từ đầu phim, người chồng vẫn bảo Sam rằng, cô vẫn là cô thôi, cô không biến thành một người khác cho dù sau tai nạn, Sam dĩ nhiên không tin vào điều đó, nhưng ở một buổi tập chèo thuyền, huấn luận viên bảo cô "Đã đến bài học quan trọng nhất, là hãy té xuống nước", cô kiên quyết chối từ, vì cô không thể bơi, nhưng người huấn luyện bình thản, "nếu cô không tự té, tôi sẽ lất thuyền cho cô té và tin tôi đi, tôi đã làm việc này cả đời rồi". Sam do dự, nhưng cô hiểu người huấn luyện viên của mình muốn nói gì, và cô cũng hiểu việc học để té xuống nước với người chơi thể thao dưới nước nó cũng tương tự như người trượt ván tập té hay người học võ tập với việc bị đánh knock out, đó là một hành động bản năng cần được thực hành. 
Và Sam tự lật mình, cô, cùng đôi chân bất động của mình, ngã xuống nước. Cảnh trong giấc mơ hôm nào trở lại, nhưng dòng nước giờ đây rất khác, vì Sam đã khác. Không hiểu sao mình vô cùng xúc động với cảnh này, khi Sam chủ động, một lần, vượt qua nỗi sợ hãi rất thực tế với tình trạng cơ thể mình, đối diện với áp lực tâm lý nặng nề nén cô lại suốt những ngày những tháng "sống gượng", cô ngã vào điều cô từng rất yêu và sau đó thì rất căm ghét, dòng nước. 
Rồi sau đó, trong dòng nước, cô ngẩng mặt nhìn lên,  và cô tìm lại được chính mình, cô, hơn tất thảy người nào khác, lắng nghe được khát khao sống của chính mình, không phải vì nghĩa vụ một người mẹ, hay san sẻ gánh nặng với chồng mình, hay hình ảnh tích cực mà người khác kì vọng ở một người khuyết tật mạnh mẽ, cô sống vì chính cô, vì cảm giác tuyệt vời ngay tại lúc này, trong dòng nước, đón ánh nắng lấp lánh chiếu lên những giọt nước đọng lại trên hàng mi, cô quyết định rằng cô sẽ sống, và cô biết mình đang sống. 
Bộ phim rất đơn giản, cầu kì và đầu tư nhất chắc là những đoạn quay cảnh sinh hoạt của chú chim và gia đình, mình coi credit thấy có đến 5-6 chú chim khác nhau đóng góp vào phim (mỗi em đều có tên hẳn hòi) và người huấn luyện chim cũng có tên trong phần contribute. Còn lại diễn viên chưa đến 10 người, bối cảnh cũng không phức tạp, chủ yếu là trong ngôi nhà gần biển của gia đình Blooms, nhưng sự tinh tế trong từng chi tiết, từng góc quay và cách kể chuyện đã khiến bộ phim thực sự mang đến những cảm xúc khó quên với người xem, tình mẫu tử, tình vợ chồng, tình bạn, gia đình, tình cảm giữa người và một chú chim, vẻ đẹp của tình người, của hy vọng... lấp lánh xuyên suốt nửa sau bộ phim, và kết thúc nhẹ nhàng nhưng rực rỡ như cảnh cuối phim, bầu trời hoàng hôn ở biển tuy bị che phủ bởi mây mù nhưng lại có những tia nắng xuyên qua -  tiếng Anh gọi là Silver Lining - hình ảnh ẩn dụ cho những điều tốt đẹp cuối cùng cũng sẽ đến sau màn đêm u ám của đời người. 
Với Sam, đó là tình bạn trân quý với chú chim Penguin và "buông bỏ" được một bản ngả khổ đau vật vã đóng kín mình, để đón nhận cuộc sống, dang rộng lòng nhận lấy sự yêu thương và quan trọng nhất, là sẵn sàng sống. 
Với mình, là một bộ phim thật nhiều cảm hứng cho một năm mới phía trước,  bất ngờ, khó đoán, có thể khó khăn u ám, có thể "xuống đáy" hay thăng hoa...tất cả đều chỉ là "có thể" - và đó mới là vẻ đẹp của cuộc sống này, vì nó tràn đầy "khả năng" - và xin mượn câu của nhân vật Joe Gardner trong phim Soul để kết bài, "I'm going to live every minute of it" - mình sẽ sống trọn với mỗi phút mình may mắn có được trong năm này. Mình hứa, với tất cả tình yêu dành cho bản thân mình.
Người bạn và cũng là "cứu tinh" góp phần mang Sam trở lại với cuộc sống tươi đẹp này.