Mình mong mọi người hãy trải nghiệm “The Mitchells vs the Machines” ít nhất một lần trước khi đọc bài viết. Bộ phim này sẽ xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra.
     “Nhà”, một từ ngắn gọn, nhưng mang một ý nghĩa thật lớn lao. Không chỉ là nơi dùng để che nắng che mưa, “Nhà” còn là nơi ta được quan tâm, chăm sóc bằng tình thương vô bờ bến, là chốn bình yên ta tìm về sau những tháng ngày vất vả vật lộn với vòng xoáy của cuộc sống, là bức tường thành vững chắc bảo vệ ta khỏi những hiểm nguy ngoài xã hội. Ấy vậy, ta lại chẳng thể phủ nhận một sự thật rằng có rất nhiều bạn trẻ ngày nay đang cảm thấy “Nhà” không còn là nơi để trở về, mà là để chạy trốn.       Chớ vội đổ tội và gán cho gen Z những từ như “bất hiếu” hay “thiếu trách nhiệm”, vì nguyên nhân gốc rễ cho những cuộc trốn chạy lại chẳng phải là những điều trên, mà là sự thiếu kết nối giữa các thế hệ. Cha mẹ không hiểu con cái, con cái lại chẳng thông cảm cho cha mẹ, và cứ thể một vòng luẩn quẩn của việc làm tổn thương và bị tổn thương giữa những người trong cùng một gia đình lại tiếp diễn. Điều này vô tình gieo vào đầu những đứa trẻ một nỗi sợ việc phải về “Nhà”. Để rồi ngay khi có cơ hội, chúng sẽ một đi không trở lại.      Chủ đề xung đột giữa cha mẹ và con cái không phải một chủ đề mới, ta có thể kể tên cả trăm bộ phim đã khai thác mâu thuẫn này, nhiều trong số đó đã đi vào lối mòn. Nhưng nếu phải nêu ra một cái tên thật sự ấn tượng, thì đó sẽ là The Mitchells vs the Machines.
Trailer bộ phim The Mitchells vs the Machines.
     Là một bộ phim được làm bởi “một đám người lập dị”, The Mitchells vs the Machines, hay với tựa cũ là Connected, mang trong mình một cốt truyện dí dỏm và có phần hơi điên được biên kịch bởi Mike Rianda và Jeff Rowe (Những cái tên đã nhẵn mặt với ai là fan của Gravity Falls); phần hình ảnh nhiều màu sắc và cực phá cách tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa đứng sau siêu phẩm Spiderman Into the Spiderverse, Phil Lord và Christopher Miller; và phần âm nhạc giàu năng lượng gồm các bản hit đình đám như “Live Your Life” của Rihanna hay “On My Way” của Alex Lahey.      Bộ phim của Mike Rianda kể cho chúng ta câu chuyện về một gia đình lập dị, hoặc có thể là “gia đình tệ nhất”, gồm con gái cả Katie Mitchell, một nhà làm phim trẻ đầy hoài bão, luôn giàu năng lượng và cũng hơi điên khùng; con trai út Aaron, một “con nghiện” khủng long, sẵn sàng gọi từng người trong sổ tra số điện thoại để tám chuyện về kỉ Jura; mẹ Linda - một người phụ nữ của gia đình, luôn bên cạnh và cổ vũ mọi người nhưng lại luôn so sánh không lành mạnh với hàng xóm của mình: nhà Posey; bố Rick, một người đàn ông lạc hậu có niềm yêu thích mãnh liệt với thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời; thành viên cuối cùng là Monchi, một chú chó, một con lợn, hoặc một ổ bánh mì? Và họ, cùng nhau, bất đắc dĩ phải chống lại cuộc nổi dậy của Robot, đứng đầu bởi phần mềm trợ lý ảo Pal. Song song với hành trình giải cứu thế giới, nhà Mitchell cũng cùng nhau lắng nghe và thấu hiểu, dần dần gỡ rối từng vấn đề trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Mặc dù có trách nhiệm phải thể hiện một nội dung có phần căng thẳng và nặng nề là mâu thuẫn giữa các thế hệ, The Mitchells vs the Machines lại có một cách truyền tải vô cùng hài hước và trực diện, khiến cho người xem, vừa có thể cuốn vào bộ phim, vừa có thể thấm được những bài học sâu sắc mà bộ phim mang lại.
Những điều mà mọi gia đình phải đối mặt      Bộ phim xây dựng mâu thuẫn dựa trên chất liệu từ đời thực đó chính là cuộc khủng hoảng trong mỗi gia đình ngày nay: việc sử dụng thiết bị điện tử. Các ông bố bà mẹ thì luôn muốn con mình bỏ điện thoại xuống, sống trong thực tế và trải nghiệm thế giới thực; trong khi đó, những đứa con lại dành phần lớn thời gian của mình trên không gian mạng, với Facebook, Instagram và nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Hai lối sống nay như hai thái cực đối lập và xung khắc với nhau. Điều này là nguồn cơn tạo ra vô số những cuộc tranh cãi nảy lửa, gây mâu thuẫn giữa những người ở hai thế hệ khác nhau trong cùng một gia đình. Và đại diện cho hai bên chiến tuyến trong phim, là bố con Rick và Katie Mitchell.      Katie là một gen Z điển hình và, như đã nói ở trên, là một nhà làm phim. Vì vậy, cuộc sống của cô bé chủ yếu là xoay quanh các mối quan hệ ảo và những hình thức giải trí chỉ đặc trưng cho thế hệ của cô. Cô đam mê phim ảnh, làm việc chủ yếu với máy tính, yêu thích cuộc sống trên mạng và luôn nhìn thế giới qua con mắt khác hoàn toàn với cha mình: qua camera điện thoại. Góc nhìn của Katie được nhà làm phim khéo léo thể hiện qua những hoạt hoạ trải khắp bộ phim, đó có thể là meme, là các sticker thường thấy trên mạng xã hội hoặc có thể là các liên hệ tới những bộ phim nổi tiếng như Dawn of the Dead, Terminator,... Những hoạt hoạ này không chỉ là điểm nhấn hút khách của bộ phim, mà còn góp công khắc họa tính cách của Katie: một nhà làm phim trẻ với tâm hồn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, nổi loạn và vô cùng sáng tạo.
Katie: một nhà làm phim trẻ với tâm hồn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, nổi loạn và vô cùng sáng tạo
Katie: một nhà làm phim trẻ với tâm hồn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, nổi loạn và vô cùng sáng tạo
     Còn Rick Mitchell, lại là một người cha cổ hủ và lạc hậu. Ông yêu tự nhiên, thích những việc như đặt bẫy, điêu khắc, đi bộ đường dài,... Ông không biết cách dùng các thiết bị công nghệ, và gần như bài trừ chúng. Ông không thích việc cả nhà lúc nào cũng cắm mắt vào điện thoại, không thích việc con gái lại sử dụng camera thay cho đôi mắt của mình, và ngay khi có cơ hội, ông sẽ phá huỷ điện thoại của cả nhà, một cách vui vẻ. Việc Rick sống mà không dùng đồ công nghệ quả thật “không bình thường” đối với Katie vì lúc bấy giờ trong phim, cũng như ngoài đời, việc một người không có trong tay chiếc điện thoại thông minh hoặc bất cứ tài khoản mạng xã hội nào là chuyện vô cùng hiếm.
Bố Rick
Bố Rick
     Với lối sống trái ngược nhau như thế, mối quan hệ giữa hai cha con như trong nghịch lý thương khiên. Khi mà một cây thương không thể ngăn cản đầy nổi loạn và có lòng nhiệt huyết cháy bỏng (Katie) gặp một tấm khiên cổ hủ chẳng hề suy chuyển dù chỉ chút ít (Rick). Sự đối lập đó là nguồn cơn của rất nhiều cuộc xung đột giữa hai cha con, khiến cho cả hai người chịu không ít tổn thương gây ra bởi người còn lại, và đó cũng là lý do Katie muốn thoát khỏi chính ngôi nhà của mình.      Katie luôn muốn theo học ngành điện ảnh tại trường Đại Học California, Los Angeles. Việc học đại học với cô là một cái cớ hoàn hảo đề có thể chạy trốn khỏi “Nhà”. Thế nhưng, kế hoạch này nhanh chóng vấp phải khó khăn mang hình dáng của một ông bố tuổi trung niên bụng phệ tên Rick. Rick là một người cổ hủ và áp đặt. Ông bắt cả nhà phải giao tiếp bằng mắt dù cho nó vô cùng gượng ép; ông cấm Katie sử dụng điện thoại mà không quan tâm điều đó ảnh hưởng tới cô bé nhường nào; thậm chí là ông huỷ cả vé máy bay và bắt con gái tham gia chuyến đi đường dài với cả nhà mà chẳng hay cô muốn thoát khỏi gia đình của chính mình biết bao. Ông luôn bắt Katie phải sống cuộc sống “tự nhiên” như mình, dù cho bản thân ông cũng chẳng hiểu nổi thế giới của con gái khi liên tục phớt lờ và chối bỏ những cố gắng của cô. Ông không tôn trọng niềm đam mê với điện ảnh của Katie, cũng liên tục từ chối những kế hoạch mà cô đề ra, và đỉnh điểm là khi ông đã vô tình làm vỡ máy tính của con gái vào đêm trước ngày cô lên đại học, trong một cuộc đôi co giữa hai người. Rick không phải là không quan tâm, lo lắng cho Katie, chỉ là ông không đủ hiểu con gái mình để có thể nói theo cách mà cô muốn.      Ở phía ngược lại, Katie, dù đứng ở phía đối lập nhưng lại giống hệt cha mình, cũng không thật sự tôn trọng nỗ lực của cha. Cô bỏ qua những cố gắng kết nối của Rick trong chuyến hành trình, không quan tâm tới những bài học mà cha cô muốn dạy. Và, một cách thật đau lòng, cô lừa dối cha mình để bản thân có thể lấy lại cơ hội được thoát khỏi gia đình mãi mãi. Câu thoại của Katie nói với Aaron: “Chị chỉ nói điều cha muốn nghe thôi, không thật lòng đâu. Chị muốn lấy lại tương lai của mình và rời đi mãi mãi” về sau đã được phản diện của bộ phim - Pal sử dụng để chia rẽ gia đình nhà Mitchell. Không khó để thấy được sự thất vọng của Rick khi nghe được điều này. Ông tổn thương vô cùng khi biết bản thân đã cố gắng rất nhiều nhằm lấy lại tương lai cho con mình để rồi nhận ra ngay khi mọi việc đã ổn thoả, con mình sẽ một đi không trở lại.
Với lối sống gần như trái ngược, hai bố con chẳng bao giờ hoà hợp được với nhau
Với lối sống gần như trái ngược, hai bố con chẳng bao giờ hoà hợp được với nhau
     Mối quan hệ giữa Rick và Katie gần như luôn trong trạng thái căng thẳng khi hai người ở gần nhau. Điều này được thể hiện qua việc nhà Mitchell không hề có một bức ảnh gia đình nào tử tế vì cả hai bố con luôn xảy ra xung đột. Và mối quan hệ này sẽ trở nên ngày càng độc hại nếu cả hai không cùng nhau tìm cách để hiểu đối phương. Thật may, chuyến hành trình giải cứu thế giới đã cho họ cơ hội làm vậy.
Một chú nai sừng tấm gỗ, những bộ phim và hành trình kết nối      Chú nai sừng tấm là một món đồ chơi nhỏ bằng gỗ, mang trong mình câu chuyện về một người đàn ông đã từ bỏ ước mơ của mình vì gia đình. Như bộ phim đã tiết lộ, Rick trước kia từng là một nghệ sĩ, và từ khi gặp mẹ Linda, ông luôn có một mong muốn được sống trong rừng. Ông tự tay xây nên một căn nhà bằng gỗ mà được Katie nhận xét là “siêu đẹp”. Thế nhưng, chuyện chẳng thành và Rick đã buộc phải bán căn nhà đó đi và chỉ còn giữ lại chú nai - một phần của căn nhà - để nhắc về kỉ niệm xưa cũ. Việc phải nhìn giấc mơ của mình tan vỡ là một trải nghiệm khó khăn, thế nhưng khi được Linda hỏi, Rick chỉ nhìn vào bé Katie mà trả lời: “Không khó khăn đâu”. Sự ra đời của Katie có thể được coi là lý do giấc mộng của Rick không thành, vì việc có con nhỏ trong gia đình buộc mọi ông bố bà mẹ phải đầu tư nhiều hơn cho đứa con. Khi phải đứng giữa lựa chọn gia đình và ước mơ, Rick đã chọn gia đình và bán căn nhà trong rừng đi rồi chuyển vào thành phố, để con mình có thể được lớn lên trong môi trường tốt nhất. Vì đã trải qua những chuyện như vậy, nên Rick luôn sợ con gái mình sẽ gặp phải cảnh tương tự và cùng lý do đó, mà không thật sự tin tưởng vào con đường nghệ thuật của Katie.
Chú nai sừng tấm gỗ
Chú nai sừng tấm gỗ
     Trong khi đó, những bộ phim mà Katie tự làm lại là tâm sự của một người trẻ luôn muốn khẳng định bản thân. Katie từ nhỏ đã bị coi là kẻ lập dị, và như mọi kẻ lập dị khác, cô làm ra những tác phẩm kì lạ. Điều này khiến cô khó hòa đồng với bạn bè xung quanh và luôn bị mọi người cười chê, cộng thêm việc có một người bố chẳng hiểu nổi những gì cô đang làm khiến những thương tổn trong tâm lý trong Katie cứ ngày một lớn dần, thể hiện qua hình ảnh trái tim tan vỡ luôn gắn liền với cô bé suốt đoạn mở đầu phim. Và những ấm ức đó đã được Katie đem vào những bộ phim của mình. Lấy ví dụ bộ phim “Good Cop Dog Cop”, cô xây dựng nhân vật cảnh sát trưởng theo hình tượng cha mình, và Cảnh Khuyển Monchi là đại diện của cô trong phim. Mối quan hệ giữa nhân vật cảnh sát trưởng và Monchi là cách nhìn của Katie về mối quan hệ giữa bản thân và cha mình, rằng Rick luôn là người kìm kẹp cô và không cho cô phát triển, và những điều Cảnh Khuyển nói với cảnh sát trưởng là những điều cô khao khát được nói với cha mình nhưng không dám:
“Tôi đã là một cảnh sát trưởng thành. Tôi mong anh một ngày nào đó sẽ thấy tôi đã trở thành một cảnh sát ra sao. Vì… Tôi quý anh, nhưng giờ khi sắp ra đi, tôi chỉ cần người hỗ trợ. Nhưng khi tôi tìm anh, anh lại không có mặt.”
Cảnh sát trưởng được xây dựng theo hình ảnh của bố Rick
Cảnh sát trưởng được xây dựng theo hình ảnh của bố Rick
     Cả chú nai gỗ và những bộ phim tự làm đều có ý nghĩa vô cùng lớn đối với mỗi nhân vật, thế nhưng, ở nửa đầu bộ phim, chúng liên tục bị ngó lơ bởi người còn lại. Chú nai xuất hiện lần đầu khi bị Katie ném vào thùng đồ đem cho, còn hiệu ứng mới trong “Cảnh Khuyển” lại chẳng kiếm nổi sự chú ý của Rick hơn một con vịt nhồi bông. Việc không lắng nghe nhau chính là lý do khiến hai bố con ngày càng cách xa nhau. Ta đâu thể hiểu một ai nếu ta không biết về câu chuyện của họ. Và Rick cùng Katie chẳng thể kết nối khi cả hai không giành sự chú ý cho nhau. Cho đến khi tận thế xảy ra.      Cuộc hành trình giải cứu nhân loại khỏi sự thống trị của lũ Robot là bước đệm hoàn hảo cho công cuộc kết nối hai con người từ hai thế giới hoàn toàn tách biệt khi ép họ vào thế phải nương tựa vào nhau để sống sót. Và cũng chính nhờ điều này này mà hai cha con nhà Mitchell có cơ hội để học hỏi từ nhau nhiều điều. Katie học được từ cha mình cách để sinh tồn mà chẳng cần đến đồ công nghệ, Rick lại nhận được bài học quý giá về lòng can đảm từ con gái. Và từ những điều đã học, đồng thời là phát huy thế mạnh của bản thân, hai cha con đã kết hợp vô cùng ăn ý với nhau để cùng đưa gia đình mình thoát khỏi vòng hiểm nguy.
Hai bố con cùng nhau chiến đấu
Hai bố con cùng nhau chiến đấu
     Những lần kết hợp giữa sự tháo vát của Rick và sự sáng tạo của Katie trải dài xuyên suốt bộ phim là những viên gạch quan trọng xây lên cây cầu gắn kết hai thế hệ với nhau. Và qua từng cung đường cả nhà Mitchell đã đi, cây cầu càng vững chãi hơn, để rồi khi viên gạch cuối cùng được đặt xuống, là lúc hai cha con sẵn sàng để lắng nghe câu chuyện của nhau.      Katie biết về những điều cha đã phải hy sinh cho mình qua những thước phim cũ còn lưu lại trong máy quay của gia đình, còn Rick nghe được lời tâm sự của con gái sau khi cùng Mark, người truyền cảm hứng rất nhiều cho Katie, xem bộ phim “Cảnh Khuyển”. Dù không trực tiếp, nhưng những lời bộc bạch của hai cha con đã được người còn lại thấu hiểu, và họ lấy đó làm động lực để thay đổi bản thân trở lên phù hợp hơn với người còn lại.
Bản phối chương trình tài năng của nhà Mitchells     Chuyến đi dọc chiều dài đất nước từ bang Michigan đến Thung Lũng Silicon là cuộc hành trình dài đủ để thay đổi hai bố con nhà Mitchell. Và cao trào của phim chính là lúc cả hai người hoàn toàn “tái lập trình bản thân” và làm những điều trước giờ bản thân không nghĩ tới. Rick học cách sử dụng Youtube, và sau 28 phút cùng rất nhiều nước mắt, ông đã thành công đăng tải bộ phim “Good Cop Dog Cop” lên màn hình chính của trụ sở lũ Robot, phá huỷ hệ điều hành của chúng và giải cứu con gái mình.     Ở phía ngược lại, Katie đồng ý cùng bố biểu diễn bản song ca của bố và con gái mà khi trước cô còn từ chối với lý do mình đã lớn quá rồi. Trên nền nhạc bài “Live Your Life” của Rihanna, Katie và Rick cùng hát, cùng chiến đấu chống lại lũ Robot xấu xa và cùng sẻ chia khoảnh khắc này với nhau. Những pha ra đòn đẹp mắt cùng sự kết hợp đầy ăn ý của cha con Mitchell không chỉ cứu thế giới mà còn xoá nhoà đi khoảng cách thế hệ tưởng chừng chẳng thể bù lấp nổi giữa hai người, biến đây trở thành phân đoạn hay và ý nghĩa nhất phim. Bản song ca không chỉ là dấu mốc quan trọng trong hành trình kết nối của Katie và Rick, mà còn đánh dấu lần đầu tiên nhà Mitchell thật sự hoà hợp sau khi những mối bất hoà đã được giải quyết. Ngay lúc này, họ là một gia đình. Dù cho mỗi thành viên đều khác biệt, nhưng họ có chung một mục tiêu và cùng nhau tiến lên phía trước.
Nhà Mitchell cùng nhau tiến lên phía trước
Nhà Mitchell cùng nhau tiến lên phía trước
    Có một cái kết đã bị loại bỏ khỏi phim nơi mà ở đó Katie sẽ cứu mạng bố mình, đồng thời hy sinh bản thân để tiêu diệt Pal. Có thể thấy quyết định loại bỏ cái kết này là một lựa chọn sáng suốt của các nhà làm phim, vì ở bản phim cuối cùng, Rick và những thành viên khác trong gia đình quyết định yểm trợ cho Katie xông lên và tiêu diệt phản diện chính. Cái kết chính thức này có ý nghĩa hơn nhiều khi mang một thông điệp tích cực về vai trò của gia đình: Thay vì cố gắng bao bọc, gia đình hãy trở thành hậu phương vững chắc để con cái có thể tự tin tiến lên phía trước.
     Là bộ phim đã nhận về vô số giải thưởng và lời tán dương từ cả giới phê bình và người xem đại chúng. The Mitchell vs the Machines là một phim hoạt hình đáng để cả gia đình dành thời gian ra xem cùng nhau, vì sự hài hước, sáng tạo cũng như bài học quan trọng về sự kết nối giữa các thành viên. Mâu thuẫn có thể xảy ra với mọi nhà, và có thể đẩy những đứa con đi xa. Nhưng thay vì ngó lơ nó, cả cha mẹ và con cái hãy cùng ngồi xuống, nói chuyện và chia sẻ, để hiểu nhau và đồng cảm cho nhau như cách Rick và Katie đã làm, và để cùng nhau xây dựng một “Nhà” sao cho sát với ý nghĩa thiêng liêng của nó nhất.