Quay lại quét dọn cái góc nhỏ của Cửu Lười và lục lọi trong tủ của mình để giới thiệu thêm cho mọi người một bộ phim hay khác.

   Hừm, dạo này trên Facebook đang khá nổi 1 dạng video gọi là “Review phim” – nói cho sang vậy thôi chứ thực ra hầu hết chỉ là các video tóm tắt, ban đầu là để dành cho những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn tiếp cận với điện ảnh. Mục đích ban đầu là tốt nhưng việc nhiều nguồn đạo nhái và xào lại mô típ đó một cách máy móc để câu view vô hình chung sẽ tạo cho người xem văn hóa thường thức ( lưu ý là “thường thức”) theo kiểu tàu nhanh, mì ăn liền; và việc không tực tiếp thưởng thức một tác phẩm như vậy cũng sẽ làm mất đi những chi tiết, giá trị đặc sắc của nó.
Thực ra tôi vô tình biết đến The Mad Detective cũng thông qua 1 video tóm tắt phim kiểu đó, và từ đó sử dụng những video ấy như một nguồn lọc phim; bên cạnh những bài review phim truyền thống và chất lượng. Một bộ phim nếu thực sự sở hữu cốt truyện nặng kí, những nhân vật được xây dựng kĩ lưỡng và chỉn chu; thì dù những tình tiết trong phim có bị tóm gọn thế nào thì cũng không giấu đi được nét đẹp nghệ thuật của nó.
  Quay lại với chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay. “The Mad Detective”. Đây là một bộ phim tâm lý- hình sự được Hồng Kông sản xuất năm 2007; với nhân vật chính được thủ vai bởi nam diễn viên Lưu Thanh Vân – một diễn viên rất có thực lực và chắc chắn là đã quá quen mặt với những ai hay theo dõi dòng phim hình sự Hồng Kông. Bởi vậy mà nhân vật chính – Bân được chú Vân thể hiện một cách vô cùng hoàn hảo.

  Tuyến nhân vật chính của một bộ phim hình sự thường gồm: lực lượng cảnh sát – người thực thi công lý và những tên tội phạm – kẻ cần bị thanh trừng. Lực lượng cảnh sát trong phim được thể hiện qua hai nhân vật: Bân – từng là một thám tử xuất sắc, và Hồ - chàng cảnh sát trẻ mẫn cán, tâm huyết với nghề. Ngày còn đeo trên ngực áo chiếc huy hiệu cảnh sát, Bân đã nổi tiếng trong ngành với cách phá án vô cùng đặc biệt: anh tự đặt bản thân mình vào từng hoàn cảnh khác nhau của các vụ án: tái hiện lại từng đường dao, nhát chém; tự nhốt mình trong vali rồi lăn xuống mấy tầng cầu thang... Không chỉ có cách phá án đặc biệt, Bân còn sở hữu khả năng nhìn thấy nhân cách thực của người khác. Chính vì khả năng đặc biệt ấy, cộng với tính cách có phần lập dị của Bân mà anh thường bị đồng nghiệp và những người xung quanh gọi là “kẻ điên”. Con người có xu hướng sợ hãi hoặc phán xét tiêu cực những thứ mà bản thân họ chưa hiểu rõ. Bân cũng không phải là một ngoại lệ của sự phán xét ấy. Có lẽ người duy nhất có thể hiểu và thông cảm cho Bân chính là Hồ. Hồ đã từng có cơ hội hợp tác cùng Bân điều tra một vụ án trước kia. Sau này, tuy Bân không còn làm trong tổ trọng án, bằng sự kính phục và lòng tôn trọng dành cho Bân; anh đã ngầm coi Bân là người sư phụ, và sử dụng cách thức của Bân phá được nhiều vụ án. Nhưng đến khi gặp phải vụ án của Cao Chính Vĩ; Hồ như đâm xe vào ngõ cụt’; và anh phải tìm đến sự trợ giúp của Bân – lúc này đã bị sa thải được 2 năm và đang sống dựa vào tiền trợ cấp.
  Nói đến Cao Chính Vĩ – y chính là kíp phản diện của bộ phim. Vĩ cũng là một cảnh sát; và vụ án mà Hồ đang điều tra có liên quan đến việc đồng nghiệp của y bị mất tích khi cả 2 đang làm nhiệm vụ.
   Cốt truyện của The Mad Detective không có nhiều những cú twist, hay những màn đấu trí, so tài căng thẳng; mà tập trung vào khai thác tâm lý nhân vật, nên ở bài viết này, Cừu cũng sẽ lược đi phần cốt truyện để tối đa chiều sâu về những nhân vật chính của phim. Để có được một cái nhìn sâu sắc về từng nhân vật, ta cần phân tích đến những nhân cách mà Bân nhìn thấy ở họ.
“Mỗi người đều có những chiếc mặt nạ khác nhau, nhưng dù có bao nhiêu khuôn mặt, chúng ta chỉ có duy nhất một trái tim chân thành phía sau (những) lớp mặt nạ ấy.”
                                              _Trích từ một bài viết trên cafef.vn_
   “Trái tim chân thành” đó -  nói cách khác, cũng chính là bản ngã của mỗi người. Và đứng trước con mắt của Bân, không một lớp mặt nạ nào có thể che đi bản ngã ấy.
    Ít ai ngờ được cô nữ sinh phút trước ngây thơ, hiền lành phút sau đã nảy sinh lòng tham, định tâm trộm đi thỏi son nhỏ trong cửa hàng tạp hóa. Cũng chẳng mấy người ngờ rằng ông bác đồng nghiệp lúc nào cũng vui tươi, niềm nở thực ra lời nói ngon ngọt ra miệng luôn đi kèm với ý nghĩ chửi rủa, miệt thị... Nhưng Bân thấy tất cả. Và với con mắt nhìn người như vậy, cái cách mà Bân đối xử với mọi người cũng rất khác. Bởi thứ anh nhìn hay tương tác với là bản ngã – là nhân cách thật của họ, chứ không phải là với mặt nạ mà họ đeo bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có những người mà Bân không thể nhìn thấy được nhân cách. Họ đứng đối diện với Bân bằng chính bộ mặt thật của mình, và Bân đánh giá họ qua một câu nói rất đơn giản: “...không có nhân cách bên trong”. Hai nhân vật điển hình cho cái sự đánh giá ấy, lại chính là Hồ, cùng một người khác là ông sếp mà Bân đã “cắt tai” (nghĩa đen) làm quà tặng khi ông về hưu. Và trái lại với những người ấy, là nhân vật phản diện Cao Chính Vĩ – y mang trong mình tới tận bảy nhân cách – tượng trưng cho Thất Đại Tội: Kiêu Ngạo, Lười Biếng, Tham ăn, Đố Kỵ, Thù Hằn, Tham Lam, Dâm Ô. Trong đó được khắc họa rõ nhất là Thù Hằn – một tay côn đồ luôn dùng cơ bắp và bạo lực để giải quyết mọi chuyện; Tham Ăn -  một gã béo ú nhút nhát với cái miệng không đáy; và nguy hiểm nhất, chiếm đất diễn chính trong bảy nhân cách kia, là kẻ nguy hiểm nhất:

     Kiêu Ngạo, vô cùng điềm tĩnh, lạnh lùng; điều khiển từng đường đi nước bước của đám còn lại với tính toán kĩ lưỡng và nguyên tắc cẩn trọng tối đa. Được khắc họa qua hình tượng người phụ nữ trong bộ vest văn phòng màu ghi, luôn xuất hiện với nét mặt cứng nhắc và không hề nao núng trước bất cứ hoàn cảnh nào; cho người xem thấy được Cao Chính Vĩ là một tay không dễ đối phó; trái lại nếu lơ là cảnh giác với hắn; sẽ ngay lập tức bị sự nham hiểm của hắn đánh gục. Và càng nguy hiểm hơn khi bản thân Vĩ cũng là một cảnh sát. Y có thể dùng chính nghiệp vụ và vỏ bọc hoàn hảo ấy để che dấu tội trạng hoặc hòng trục lợi cho bản thân. Bởi vậy, vụ án mà y bị tình nghi; dù có điều tra theo hướng nào, cũng khiến cho Hồ đâm vào ngõ cụt. 
    Vậy đặt ra một câu hỏi: với một con người phức tạp như Vĩ, thì đâu trong bảy nhân cách kia mới là bản ngã của hắn? Gã béo? Tay côn đồ? hay người phụ nữ trong bộ vest?

  ...
Không ai cả!
Bản ngã của Vĩ lại là một cảnh sát trung thực, liêm chính.
Nhưng bản ngã đó Vĩ đã mãi để lại nơi vụ án kia xảy ra, quanh quẩn, bế tắc nơi rừng sâu, không tìm được lối thoát. Vĩ đã đánh mất con người thật của mình; và càng ngày lún càng sâu vào ma đạo. Tội ác chồng tội ác, một lời nói dối sinh ra để che đậy một lời nói dối khác. Cao Chính Vĩ trước đây có lẽ từng là một cảnh sát mẫn cán; nhưng dần dần, bị lợi ích trước mắt tha hóa đi; bị biến chất; bị chính những nhân cách xấu xa của mình chiếm hữu!
Đối lập với Vĩ là chàng cảnh sát trẻ Hồ - đại diện cho công lý, cho chính nghĩa, quyết tâm theo đuổi sựt thật đến cùng và truy diệt cái ác. Hồ tuy ban đầu bị Bân nói là “không có nhân cách”; nhưng về đoạn sau của phim, anh đã xuất hiện trước Bân với nhân dạng của một đứa trẻ tầm 9-10(??) tuổi. Non nớt, sợ hãi, không có lập trường rõ ràng và dễ bị lung lay, ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Một đứa trẻ dễ dàng tin tưởng, và cũng dễ dàng đánh mất đi niềm tin của mình. Và khi niềm tin đánh mất, cũng là lúc con người dễ bị thay đổi, biến chất nhất. Hồ không phải là một ngoại lệ. Sau khi nghe về “căn bệnh tâm thần” và “việc Bân không chịu uống thuốc hay đi đến bác sĩ tâm lý”, cộng với việc trước đó Bân đã tự tiện lấy đi súng, xe và thậm chí là cả thẻ cảnh sát của Hồ để đơn phương điều tra Vĩ, niềm tin của Hồ đã bị đánh sập hoàn toàn. Và anh cũng quyết định phải tự thân đặt dấu chấm hết cho vụ án dai dẳng này.
Bân có khả năng nhìn thấy được nhân cách thực của người khác, vậy anh có thể nhìn thấy nhân cách của chính bản thân mình không?
Có!!
Nhưng nhân cách của Bân có phần đặc biệt hơn. Anh lấy chính hình ảnh của người vợ cũ để hình tượng hóa nhân cách của mình. Theo ý kiến của Cừu, người vợ cũ còn tượng trưng cho ước muốn sâu kín của anh; momg muốn có được một người đồng hành, thấu hiểu mình; khi ngoài kia người ta luôn nhìn Bân bằng những ánh mắt lạ lùng, phán xét, và thậm chí là kì thị. Một người vợ hiền dịu, đảm đang; luôn luôn quan tâm, lo lắng cho chồng; một người luôn đợi sẵn ở nhà với vòng tay ấm áp mỗi khi anh tan làm, có lẽ là tất cả những gì anh cần.
Người ta cứ nói Bân bị điên, Bân là kẻ chỉ biết gây rắc rối. Nhưng không! Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Bân hoàn toàn bình thường. Và cũng xin nhắc lại rằng: “...thứ anh nhìn hay tương tác với là bản ngã – là nhân cách thật của họ, chứ không phải là với mặt nạ mà họ đeo bên ngoài”. Vậy nên, anh sẵn sàng giáng một cú thật mạnh vào mặt “bà thím” xéo xắt, cay nghiệt nhưng luôn tỏ ra thân thiện hiền hòa ở tổ điều tra; hay lớn tiếng quát mắng “cô nhóc ăn chơi hư hỏng” đang có ý định nẫng đi thỏi son ở cửa hàng tiện lợi. Bân cũng không hề ngại ngùng hay gượng gạo; mà trái lại còn rất tự hào khi anh dẫn “cô vợ” của mình tới quán ăn quen thuộc, ngồi dùng bữa tối cùng Hồ và bạn gái anh ta.

Bản thân Bân cũng ý thức được khả năng của mình, biết rằng đó là sự khác biệt; là thứ làm mọi người nhìn anh bằng ánh mắt khác lạ. Nhưng Bân rất kiên định. Vì thế mà anh không bị nao núng bởi những gì mà người khác nghĩ về mình. Mỉa mai và trớ trêu thay, chính vì sự ý thức rõ ràng đó mà có  lúc Bân đã phải bất lực gào lên với “vợ” rằng: “...họ không thể nhìn thấy em đâu.” Lời khẳng định ấy đầy cay đắng, nghiệt ngã; như một dấu chấm than chắc nịch; thể hiện cái sự đối lập và lung lay từ chính trong tư tưởng của Bân, thậm chí là nghi hoặc; cố gắng phủ định thực tại sau tất cả những gì anh đã trải qua.

“Bạn sẽ chết như một anh hùng, hoặc sống đủ lâu để chứng kiến bản thân trở thành kẻ thủ ác.”
  Câu nói này dường như đúng với cả Vĩ và Hồ. Và trùng hợp thay, cái động cơ “thủ ác” của hai người họ lại giống hệt nhau – bệnh thành tích/ nỗi lo thăng quan tiến chức. Sợ bị đồng nghiệp tố giác việc mình làm mất súng khi thực hiện nhiệm vụ; làm mất cơ hội thăng tiến của mình, Vĩ đã thẳng tay giáng đòn chí mạng; đoạt mệnh người đồng nghiệp xấu số. Còn với Hồ, do sơ ý để Bân lấy đi mất cả súng và thẻ, nên cũng không tránh khỏi việ sẽ bị cấp trên kỉ luật, quở trách; ảnh hưởng đến con đường thăng tiến sau này, nhất là khi anh lại đang ở trên đỉnh sự nghiệp, quan lộ rạng ngời. Hai sự việc trên đền xảy ra khi Vĩ và Hồ chỉ còn cách vài bước nữa là sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn; bao mồ hôi, công sức và nỗ lực mà cả hai đã bỏ ra để gặt được thành quả ấy. Một bên là công danh sự nghiệp, một bên là đạo đức, lương tâm. Nặng? Nhẹ? Cán cân của ý chí sẽ đổ về bên nào? Liệu công lý có nặng hơn thứ mà người ta mang danh nó để thực hiện? Hay dã tâm và lòng tham sẽ che mờ đi lí trí on người?
Tạm kết: Cừu tôi xin bỏ ngỏ phần kết (cùng một vài chi tiết đắt giá) trong phim; với mong muốn mọi người có thể tự tìm được đáp án cho những câu hỏi Cừu vừa nêu trên trong cái kết của “The Mad Detective”. Và hẹn gặp lại mọi người trong một bài review khác trong cái Góc Nhỏ này vào thời gian sớm nhất có thể.
Chào thân thương và trìu mến.