Campuchia được biết đến như mảnh đất đau thương với những “cánh đồng chết” trong nạn diệt chủng dưới thời Pol Pot. Một trong những bộ phim để lại ấn tượng sâu sắc về đề tài này là "The killing field" (1984), đạo diễn bởi Roland Joffé. Dựa trên câu chuyện có thật và tập chung vào tình bạn giữa nhà báo người Mỹ Sydney Schanberg (Sam Waterston) và phóng viên người Campuchia Dith Pran (Haing S. Ngor), bộ phim đã làm nổi bật sự kinh hoàng của chiến tranh cùng với ý chí, sức mạnh kiên cường của con người.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 5 năm 1973, hai phóng viên Sydney Schanberg và Al Rockoff của tờ New York Times vừa đến thủ đô Phnom Penh để đưa tin về cuộc nội chiến giữa quân đội Campuchia và nhóm quân li khai Khmer Đỏ đang diễn ra hết sức ác liệt. Người chịu trách nhiệm tháp tùng họ trong những ngày công tác tại Campuchia là thông dịch viên Dith Pran. Khi đặt chân xuống sân bay chưa được bao lâu thì Sydney nhận được tin một quả bom B52 đã rơi xuống ngôi làng nhỏ Neak Leung. Với sự giúp đỡ của Pran, Sydney quyết định vào cuộc để điều tra xem đây chỉ là một tai nạn hay là một vụ thảm sát có chủ đích.
Pran và Schanberg
Pran và Schanberg
Những ngày tháng tiếp sau đó, Schanberg và Pran đưa tin về cuộc nội chiến ở Campuchia, nơi họ chứng kiến sự sụp đổ của Phnom Penh dưới tay Khmer Đỏ vào năm 1975. Khi thành phố chìm vào hỗn loạn, Pran quyết định ở lại để giúp đỡ Schanberg bất chấp nguy hiểm cận kề, và cuối cùng anh bị bắt và đưa đến trại lao động khét tiếng.
Ngor, người đã giành giải Oscar cho vai diễn này, cho ta thấy một diễn xuất đầy xúc động khi vào vai Dith Pran, một người mất đi mọi thứ nhưng vẫn kiên cường chiến đấu cho sự sinh tồn. Hành trình của ông từ một nhà báo có học thức đến tù nhân bị ép buộc chịu đói khát và tra tấn được thể hiện một cách trung thực và đau đớn trên màn ảnh. Trải nghiệm cá nhân của Ngor với việc sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ còn khiến câu chuyện của Pran trở nên chân thực và cảm động hơn. Joffé đã xây dựng một cách khéo léo đối lập giữa sự an toàn của Schanberg, người trốn thoát về Mỹ, và nỗi khổ đau không thể tưởng được của Pran dưới chế độ độc tài. Những thước phim mô tả chân thực về các trại lao động trong phim, những hình ảnh người dân bị thương bởi bom đạn chiến tranh nhuốm máu đỏ để lại ấn tượng sâu sắc về mặt hình ảnh, đau lòng về cảm xúc với người xem.
Một điều nữa giúp "Cánh Đồng Chết" trở nên cuốn hút khán giả chính là sự kết hợp giữa tình bạn, câu chuyện cá nhân và thảm kịch lịch sử. Phim không né tránh việc thể hiện những tội ác dưới thời Khmer Đỏ, nhưng cũng tập trung vào sức mạnh bền bỉ của con người. Cảm giác tội lỗi và đấu tranh nội tâm của Schanberg, khi biết rằng người bạn, người đồng chí của mình vẫn đang bị mắc kẹt trong địa ngục. Sydney đã viết rất nhiều thư cho các tổ chức trên thế giới với mong muốn tìm được nơi Pran đang ở, tìm mọi cách để có thể đưa được Pran sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Ngay cả khi chính gia đình của Pran bỏ cuộc, chấp nhận rằng Pran đã hi sinh, Schanberg vẫn không từ bỏ niềm tin rằng Pran vẫn đang tồn tại và đấu tranh cho sự sống của mình. Những cảnh cuối cùng, khi Pran trốn thoát thành công và gặp lại Schanberg, mang đến cho ta tia hy vọng giữa bối cảnh chiến tranh đen tối, cho ta thấy được ý chí và sức mạnh của anh.
Nửa sau của phim được chuyển sang góc nhìn của Pran, người đã phải chứng kiến đất nước mình trở thành nhà nước độc đảng do Khmer Đỏ cai trị với bạo lực, sự không khoan dung tàn bạo đối với bất kỳ dấu hiệu nào về sự hiện diện của Pháp và Mỹ trong thời kỳ thuộc địa. Nhiều cảnh phim trong nửa sau chú trọng vào mặt hình ảnh và gần như không có lời thoại, quay phim khéo léo ghi lại sự tương phản giữa khung cảnh tươi đẹp của vùng đất, là phông nền cho sự tàn nhẫn của nạn diệt chủng dưới chế độ Pol Pot.
"Cánh đồng chết" chứa nhiều cảnh quay đẫm máu tàn khốc, như một bản tường thuật của lịch sử, một lời nhắc nhở về sự kinh hoàng của chiến tranh. Diễn xuất của các diễn viên trong phim, đặc biệt là Haing S.Ngor đã góp phần trong sự thành công của bộ phim, đem đến cho người xem một trải nghiệm khó quên đầy cảm xúc.