Với những người không quá thích thể loại phim nhạc kịch, phim về thế kỷ trước tầm thế kỷ 18 và 19, thì bộ phim này có lẽ sẽ không truyền tải hết đầy đủ ý nghĩa đến cho họ. Nhưng với mình, một đứa dậy thật sớm, bất chấp trời mưa như trút cùng cái lạnh cắt da cắt thịt 11 12 độ để đi xem xuất chiếu sớm nhất không bị ai làm phiền, thì bộ phim đáng giá đến từng cảnh quay cuối cùng. Cảnh báo: có spoiler.
Ấn tượng sâu sắc nhất của mình đối với bộ phim, đầu tiên chính là phân cảnh mở đầu. Bộ phim mở đầu bằng phong cách rất retro: màn hình đen, kẻ khung tinh tế và những dòng chữ trắng giống như vẽ phấn trên chiếc bảng đã bị dùng quá độ, đằng sau những con chữ vẫn còn vệt phấn trắng mờ mờ. Cho dù cả bộ phim vẫn có chút nét hiện đại, nhưng qua trang phục, qua bối cảnh được gây dựng tỉ mỉ, ta vẫn cảm giác được hơi hướng những năm khó khăn của nước Mỹ. Cũng là phần mở đầu, nhưng cũng là nét chấm phá, theo bộ phim đến từng giây phút cuối cùng, là tình yêu của đôi uyên ương trẻ P.T và Charity. Sức mạnh tình yêu có thể lớn đến mức nào, mà giữ cho ta ý chí mạnh mẽ vươn lên. Như Aomame và Tengo trong tiểu thuyết 1Q84 của Murakami, chỉ cần tình yêu của anh, em có thể tiếp tục sống, vượt qua những tháng ngày khổ sở. Và cũng chỉ cần tình yêu của Charity, mà cậu trai nghèo khổ P.T sẵn sàng làm tất cả để chống lại số phận của mình. Những lá thư trở thành cầu nối, và chỉ đơn giản vậy thôi để họ biết họ luôn có nhau, luôn ở bên nhau. Tình yêu thật đơn giản, mà cũng thật lớn lao.
Đương nhiên, không phải ai sinh ra cũng biết được mình sinh ra để làm gì, và con đường mình đang đi có thực sự đúng đắn hay không. Barnum cũng vậy. Anh là con trai của người thợ may, lớn lên anh theo ngành đường sắt, rồi chuyển qua buôn bán hàng hải. Những công việc từ tay chân chuyển qua bàn giấy, ngày qua ngày không đủ để nuôi sống cả gia đình, nhưng anh có tình yêu của cô, và hai đứa trẻ – điều kì diệu cô mang tới cho anh. Và chính điều đó giúp anh vượt qua những tháng ngày khổ cực.
“Đây không phải là cuộc sống anh hứa với em.”
Cứ nghĩ là tình yêu có thể giữ họ mãi bên nhau, họ đã cùng nhau vượt qua những tháng ngày gian khổ, chẳng nhẽ không thể nào bên nhau khi cuộc sống khá giả hơn. Nhưng cô đã thấy trong mắt anh niềm xúc cảm anh dành cho tài năng mới. Cô đã thấy trong nụ cười của anh, thấy trong anh có gì đó đã nảy nở. Cô cũng thấy trong mình lo lắng không thôi. Nhưng cô vẫn tin ở anh, tin ở người đàn ông cô chọn làm chồng, ở người đã cho cô hạnh phúc. Cuộc hôn nhân nào cũng phải trải qua khó khăn, nhưng chỉ cần hai người tin tưởng nhau, rồi bão tố gì cũng có thể vượt qua. Nhưng thời bấy giờ, chỉ cần xuất hiện trên mặt báo thì việc gì cũng không thể chối từ nổi.
Thế ta mới thấy được, báo giấy ngày xưa quan trọng đến mức nào. Không có TV, không internet, tất cả những thông tin trên báo hoàn toàn được mọi người tin tưởng. Chỉ cần một lời phê bình gay gắt cũng đủ để hủy hoại cuộc đời của một con người. Và lúc ấy, Barnum, người đánh cuộc toàn bộ gia sản của mình, đánh mất tất cả. Anh đánh mất số tiền đầu tư vào cô ca sỹ Opera, đánh mất gia đình nhỏ luôn ủng hộ mình, đánh mất danh tiếng, mất cả gánh xiếc anh tự mình gây dựng trong một trận cháy. Hay sự kì thị chủng tộc, kì thị người da màu, kì thị những con người có thể trạng khác với bản thân.
“Con không thấy xấu hổ hay sao?”
Trên đời luôn có những người ủng hộ mình và những người ghét bỏ mình. Điều khiến mình ngưỡng mộ ở Barnum nhất, đó là anh nhìn thấy cái đẹp của con người, nhìn thấy mặt tốt và hướng tới mặt tốt ấy. Anh nhận thấy vẻ đẹp trong những con người kì dị, tôn vinh những độc đáo của họ, để họ thấy tự tin về bản thân mình, để họ được sống là chính họ, mang lại tiếng cười cho độc giả bằng chính những gì họ có. Về điểm này, những người đã từng một lần được sống dưới ánh đèn sân khấu chắc sẽ hiểu. Dù chỉ có 5 phút thôi, nhưng cái cảm giác thật sự được sống với chính bản thân mình, được cháy hết mình dù chỉ trong phút giây ngắn ngủi thôi, vậy cũng đủ. Những con người ấy, chưa từng được nếm trải yêu thương, chưa từng cảm thấy bản thân mình có gì tốt đẹp, luôn phải giấu mình trong lớp vỏ bọc chống lại tất cả. Phải bao nhiêu dũng cảm, bao nhiêu đau đớn cho đủ để họ có thể đứng trên sân khấu kia, phô bày bản thân trước bao nhiêu người, truyền cảm hứng cho bao nhiêu người. Giây phút bài hát “This is me” vang lên, mình cảm thấy như trái tim bị bóp nghẹn, vừa tan chảy vừa vụn vỡ. Vụn vỡ vì những đau đớn con người phải trải qua vì khiếm khuyết trên cơ thể, tan chảy vì sự dũng cảm của họ trước hàng trăm ánh nhìn kì thị chĩa về. Họ không đối mặt một mình, mà họ đứng cùng nhau, hỗ trợ nhau.
“Đây những dũng cảm. Đây những mạnh mẽ. Đây chính là tôi.”
Barnum có thể thất bại với “Giọng ca Oanh vàng” - Jenny Lind khi cô rơi vào lưới tình với anh, nhưng anh lại thành công khi xây dựng được cả một gia đình dù anh thất bại nhưng vẫn ở lại bên anh, ủng hộ anh, cùng anh bước đi trên con đường nghệ sĩ đầy trắc trở. Có lẽ những gánh xiếc ở thời kì đầu tiên (trong hiện thực) không hề được đẹp đẽ, được hoành tránh và đầy màu sắc như trên phim. Những ông bầu bà bầu thu thập những con người dị dạng về với mục đích thu tiền từ quái thai trên cơ thể con người. Nhưng ít ra, qua bộ phim ta cũng có thể thấy được phần nào, chỉ cần có ước mơ, có tưởng tượng, có đam mê, thì dù vất vả mấy ta cũng sẵn sàng đương đầu với khó khăn.
Ngoài tình yêu của Barnum và Charity, trong phim cũng có một tình yêu khác đẹp không kém. Carlyle, anh chàng lãng tử có tiền, có địa vị, có tiếng tăm, nhưng lại không có mục đích sống. Anne, cô gái da màu sống bằng nghề đu dây trong gánh xiếc. Carlyle yêu Anne từ cái nhìn đầu tiên, không khỏi bị cuốn hút bởi làn da nâu khỏe khoắn, mái tóc hồng và sự quyến rũ của cô. Anh yêu cô, nhưng lại bị ngăn cản bởi định kiến xã hội. Họ không phải là cặp đôi duy nhất, nhưng họ dũng cảm đến với nhau. Hiếm có ai có thể đứng lên chống lại định kiến như họ, vì tình yêu và tự do mà ở lại bên nhau. Ai nói tình yêu là sai trái, vì sai trái chỉ là do con người.
Mình phải nói bộ phim đề cập tới khá nhiều vấn đề: quyền sống, quyền tự do bình đẳng, tự do ngôn luận, quyền được ước mơ và sống với ước mơ của bản thân mình. Đôi khi để có thể được làm cái nghề mình yêu thích, ta phải trả một cái giá rất lớn, thậm chí là đánh cược để biến nó thành sự thật. Và ta có thành công hay không, cái đó nằm ở bao nhiêu mong muốn và bao nhiêu quyết tâm biến ước mơ thành sự thật của chính bản thân mỗi người.