Bố.

Giờ nghĩ lại, thói quen viết thư tay của con là được bố dạy. Ngày bé, cứ mỗi cuối tuần, bố lại đứng cạnh con bên bàn học, cắt nửa tờ giấy ô ly, chỉ con viết những dòng văn đầu tiên - bức thư gửi về cho bà nội. Lá thư ngô nghê được trang trí viền bằng thật nhiều hình trái tim, hình ngôi sao con hí hoáy vẽ, đến giờ chẳng nhớ rõ nội dung, nhưng con đã học cách truyền sự quan tâm, tình cảm của mình vào dòng viết như thế.

Ngày đó, chỉ cần là bố bảo, con sẽ nghe. Có lẽ vì vậy mà một đứa trẻ cứ mãi kiên trì ngồi mỗi buổi cuối tuần, không đi chơi, chỉ ngồi viết thư như thế. Để rồi háo hức cùng bố mở thư trả lời của bà ra đọc, dù thưa hơn thư gửi đi vì bà mắt đã kém, tay run. Vì con biết rằng bố vui khi con hỏi thăm bà nội. Những khoảng thời gian cùng bố làm con hạnh phúc, vì cuộc sống của con đã có bóng dáng bố trở lại sau một chuyến công tác dài. Con không nhớ bố đã đi đâu, chỉ biết rằng vài ngày một lần mẹ sẽ nhấc điện thoại bàn lên gọi cho bố, con với lấy đòi gặp bố, để rồi chỉ hỏi đi hỏi lại “Bao giờ bố về”, rồi cầm ảnh thẻ của bố khóc nức nở. Con chỉ biết rằng con nhớ bố.
Một thời gian dài mẹ không nhắc đến bố, bảo rằng còn lâu lắm bố mới về. Rồi một ngày bố về, ở chung với ba mẹ con ở nhà ngoại. Mẹ loáng thoáng nói rằng bố vào đó làm việc, lẽ ra lãi to nhưng lại gặp sự cố, còn léng phéng với cô nào trong đó. Con nghe bố kể với các chú các cô miền trong khác lắm, mạnh mẽ, nhưng rất tự nhiên như hương sắc trời đất miền cao. Con biết bố ghét ở nhà ngoại, nhất là sau khi bố trở về, họ đối xử với bố tệ bạc. Con vẫn nhớ những ngày bà ngoại nằm viện mổ sỏi thận, là bố thức đêm vào chăm mổ, giặt từng bộ quần áo nhỏ cho bà, nhưng khi về, trong bữa cơm gia đình mà con tưởng bà sẽ khen ngợi bố, bà lại lạnh lùng chỉ tay vào mặt bố và chửi bới. Bố không cãi lại, đứng lên ra ngoài hút thuốc, con cũng chạy ra và lần đầu tiên, con thấy bố khóc.
Những ngày hè nóng nực, bà ngoại lắp điều hoà trong phòng. Mẹ thích nằm điều hoà. Có hôm bố gọi về bảo mở cửa cho bố, bố đang về. Mẹ bảo “Thôi anh đừng về, mấy mẹ con đang nằm phòng bà mát”. Bố dập máy, đêm đó bố không về nhà. Con không biết bố đi đâu, con ghét mẹ vì mẹ lôi con vào. Hồi bé, mẹ biết bố thương con nhất, nên nếu mẹ muốn đi đâu mẹ sẽ bảo là con muốn đi đó để bố đồng ý cho đi. Ngày mẹ tát con trước cổng trường học, khi đón con mẹ lại nói rằng con đừng kể cho bố, bố sẽ giận. 
Có những buổi sinh nhật năm cấp 1 bố mẹ bảo mời thật nhiều bạn đến nhưng chỉ có một thằng bạn duy nhất dự, thắp nến cùng con trên chiếc vỏ hộp nhôm bánh quy Danisa, bố đã bảo “Xin lỗi cháu nhé”, con không hiểu sao lại xin lỗi? Bởi vì các bạn có bánh gato, còn con chỉ có bánh “nhôm”.

Lớn lên, nhà bớt khó khăn, bố tổ chức buổi tiệc sinh nhật lớn cho con, mời rất nhiều người, con không hiểu tại sao phải như thế, con không thích khoe khoang. Bố bảo “Bố muốn bù đắp cho con.”
Những ngày mưa bão, nước ngập ngang đầu gối, bố lội mưa con đi học cả quãng đường. Bố lén mẹ cho con thêm vài nghìn tiêu vặt để con đi ăn cùng bạn bè. Bố mua gà tần về, dỗ ngọt con ăn, vì “Hồi mẹ mang thai con nhà mình nghèo hơn khi mang anh, mẹ không được ăn gà tần”. Biết con thích ăn sữa chua, bố hay mua sẵn một hộp, để bên cạnh bát trứng vịt lộn, “Con ăn hết cả lòng trắng mới được ăn sữa chua”. Đến năm con chuẩn bị thi đại học, bố từ chối đợi thêm một chút nữa để có nhà đất đàng hoàng, nhận một căn chung cư để con kịp chuyển ra ôn thi, vì bố biết con không thể tập trung khi ở cùng ngoại.
Khi con lớn, con đòi đi làm thêm, bố nhất quyết không chịu. Những lần bố đi công tác về nhà, con về muộn lúc 1-2 giờ sáng, vẫn thấy bố đang thức, bấm điện thoại đợi con về. Suốt 21 năm, dù con có hư, bố vẫn không đánh con lần nào. Bố chỉ buồn, bố bảo: "Hư thì còn sửa được chứ đừng có hỏng".
Bố ơi, giờ này bố lại đang xa nhà hai trăm cây số. Con ước mình mau lớn, tốt nghiệp đại học, kiếm thật nhiều tiền để bố không cần đi công tác nữa. Bố có một mảnh vườn riêng, nuôi chim, trồng rau vui vẻ như ngày xưa, như những tấm ảnh ở nhà cũ mà bố luôn cười. Con không muốn làm bố phải lo lắng nữa. Bố ơi, con xin lỗi vì đã chưa ngoan.