Bản thân mỗi người chúng ta hoặc là từng trực tiếp tham gia vào các trò chơi đồ hàng khi còn bé, hoặc là có cơ hội quan sát bọn nhóc chơi trò này. Những đứa trẻ thường tụ tập lại với nhau (thường là hai đứa trở lên), phân vai cho nhau rồi cư xử với nhau sao cho tròn vai của mình. 
Một thằng nhóc và một bé gái thường tự phân mình là hoàng tử và công chúa, sau đó cưới nhau rồi xem nhau như vợ chồng, khi đã xem như vợ chồng rồi, chúng lại cư xử như thể chúng là vợ chồng thật và có những trách nhiệm nhất định đối với đứa con tưởng tượng nào đấy của chúng: có thể là búp bê, gấu bông hoặc một cái gối được quấn chăn xung quanh.
Nguồn: trên ảnh.
Ngoài việc ôn lại một tí kí ức tuổi thơ, ví dụ trên của tôi nhằm khẳng định khả năng tưởng tượng của lũ nhóc thật tuyệt vời.
Và loài người cũng thế.
Tuyệt đại đa số những người đang đọc bài viết này là Homo Sapiens - loài Sapiens (tinh khôn) của chi Homo (người). Quan hệ của Homo Sapiens với các chi khác như Homo neanderthalensis, Homo erectus, Homo soloensis,... cũng tương tự như giữa sư tử, hổ, báo trong chi Panthera. Thế nhưng sau tất cả, Sapiens là loài người duy nhất tồn tại và phát triển thành người hiện đại ngày nay và là loài đứng đầu chuỗi thức ăn của Trái đất dù ban đầu chỉ là một loài đứng giữa trong chuỗi thức ăn, lại thua kém hẳn các loài người khác trong cùng chi Homo.
Vậy, đâu là sự khác biệt dẫn đến sự thành công vượt bậc này của Sapiens? Câu trả lời có vẻ không đơn giản, nhưng một trong những lí do lớn nhất đó chính là Nhận thức khác biệt của loài Sapiens.

1. Khả năng tán gẫu

Bí quyết để một loài trở nên nổi trội và thống trị có lẽ là ở khả năng hợp tác giữa các cá thể với nhau để tạo ra một tập thể mạnh mẽ và gắn kết. Một con sói không thể tự mình săn nổi một con bò mộng, nhưng một đàn sói thì có thể. Và để gắn kết một cách tốt nhất, mỗi loài cần có những phương thức giao tiếp hiệu quả. 
Lấy ví dụ về loài ong và kiến, chúng có khả năng thông báo cho nhau về vị trí con mồi và hạn chế được các rắc rối khi tham gia giao thông để cùng kiếm ăn và xây tổ. Nhưng chúng cũng chỉ làm được có thế. Ở một số loài khỉ và tinh tinh, các nhà khoa học ghi nhận những thông điệp rõ ràng mà chúng thường trao đổi với nhau như "Cẩn thận! Có đại bàng!" hay khác một chút là "Cẩn thận! Có sư tử!". Khi các tiếng kêu này được ghi âm và phát lại, chúng thường co cụm lại rồi nhìn lên trời khi nghe tiếng kêu đầu và nhanh chóng leo lên cây rồi dò xét dưới đất khi nghe tiếng kêu thứ hai. Ở một số loài khác như dơi hay cá heo, chúng có khả năng giao tiếp phức tạp hơn, nhưng điểm chung của tất cả các loài là sự hạn chế trong giao tiếp.
Trong khi sự giao tiếp của các loài khác khá hạn chế, khả năng giao tiếp của Sapiens lại vô cùng phong phú khi ghép từ này với từ khác lại được một từ khác nữa. Và chúng ta còn có nhiều câu khác nhau được ghép từ những từ giống nhau. Ví dụ loài khỉ chỉ có thể thông báo với nhau "Cẩn thận! Có sư tử!", chúng ta có thể kể lại một câu chuyện ly kì về con sư tử dụ con trâu để ăn thịt nhưng rồi bị con trâu lừa để rồi bị thiêu sống như thế nào. Đại loại thế. Và từ khả năng giao tiếp phong phú như thế, chúng ta trao đổi được nhiều hơn giữa các cá thể với nhau, thông báo với nhau về nhiều việc như nơi kiếm ăn, việc ai ghét ai trong cộng đồng, ai ngủ với ai, ai nói xấu sau lưng ai,... Chúng ta thường tán gẫu về nhiều thứ do khả năng vô hạn của ngôn ngữ, từ đó thông tin cũng được trao đổi nhiều hơn.
Và vì trao đổi được nhiều hơn, loài người hiểu nhau hơn và gắn kết hơn. Điều này vẫn được duy trì tới ngày nay: người ta vẫn thường tán gẫu để kết thân với nhau. Có thể hiếm thấy các nhà khoa học ở một bàn tiệc cùng bàn tán về sự vô tận của vũ trụ hay về sự phức tạp trong tính chất của các hạt hạ nguyên tử, và cũng hiếm khi thấy các nhà văn khi ngồi ăn trưa với nhau lại cùng phân tích các tác phẩm cũng như sẽ hiếm có các chính trị gia khi đi dạo cùng nhau lại bàn về chính sách công được vận động gần đây của một đảng cánh tả. Chúng ta thường bắt gặp họ bàn tán về một bộ phim nào đó, về một cô gái mặc áo lưng trần nào đó vừa đi qua hay việc vợ chính trị gia này bị bắt gặp hẹn hò với cậu trai trẻ nọ,... Sở thích tán gẫu này hiện hữu trong mỗi người, và vẫn duy trì dù loài người giao tiếp với nhau bằng nhiều hình thức khác nhau như trò chuyện trực tiếp, nói chuyện điện thoại hay thông qua tin nhắn, mail.

Thực tế cho thấy, đối với các hình thái tổ chức khoảng 150 người trở xuống, mọi thứ có thể được vận động trơn tru với ít tính kỉ luật hơn mà ít khi gặp các vấn đề. Điều quan trọng là các cá thể trong các tập thể này có một sự gắn kết lẫn nhau, thường là thông qua tán gẫu. Ví dụ như các tiểu đoàn quân đội khoảng 100 người thường tin tưởng lẫn nhau và nghe theo lời của một trung sĩ uy tín trong đoàn, hay các công ty kinh doanh gia đình vẫn thường phát đạt mà không cần phải có bất kì hội đồng quản trị nào nếu số lượng nhân viên lẫn lãnh đạo của công ty không quá 150 người. Nhưng nếu nâng mức độ tổ chức lên như cả một trung đoàn hoặc công ty gia đình kia muốn mở rộng, cần phải có nhiều thứ hơn là uy tín và những câu chuyện tán gẫu, nếu các tổ chức này không muốn gặp vấn đề dẫn tới giải thể.
Vậy, khi các nhóm Sapiens có số lượng cá thể dưới 150 người, khả năng giao tiếp giúp họ gắn kết hơn dẫn tới một mô hình hiệu quả hơn, nhưng để đạt được mốc hơn 7 tỷ cá thể như ngày hôm nay, Sapiens cần nhiều hơn thế. Và câu trả lời có lẽ là ở khả năng tưởng tượng của loài này.

2. Khả năng tưởng tượng

Không chỉ là khả năng tưởng tượng, mà là khả năng tưởng tượng cùng nhau đã khiến loài Sapiens có thể cùng nhau tạo nên những điều vĩ đại.
Các loài ong và kiến có thể hợp tác rất hiệu quả, nhưng chỉ trong quy mô họ hàng với nhau và có cùng nguồn gốc từ một ong chúa. Chó sói và một số loài thú săn mồi khác cũng có khả năng hợp tác, nhưng cũng chỉ là sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cá thể trong một đàn. Loài Sapiens không như thế, chúng ta cùng tin tưởng vào những điều vô hình nhưng lớn lao hơn.
Ở một quy mô lớn lao, nhiều người cùng tin vào một đấng sáng tạo nào đấy (Chúa Trời chẳng hạn), và họ đồng ý cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau giúp đỡ và cùng nhau chiến đấu với các tín đồ của các tôn giáo khác khi thần thánh của họ bị báng bổ. Ở một quy mô nhỏ hơn, những người sống trong cùng một khu vực đều tin tưởng với nhau về một dân tộc Việt, một đất nước Việt Nam, một đồng bào cùng sinh ra từ bọc trứng và họ sẵn sàng liên kết với nhau chống lại kẻ thù xâm lược, sẵn sàng chia sẻ của cải của bản thân cho những người kém may mắn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bạn không thể thuyết phục một con khỉ cho bạn trái chuối bằng cách hứa hẹn rằng sẽ cho nó vô hạn chuối trong tương lai, nhưng nhiều người trong chúng ta bị thuyết phục hi sinh vì một thứ to lớn và vĩ đại hơn (nhưng không hữu hình) đó là chính nghĩa, là tự do, là độc lập cho các thế hệ mai sau. 
Có thể nói, trí tưởng tượng cùng nhau này khiến loài người có thể tập hợp một số lượng lớn những cá thể cùng tin tưởng lẫn nhau để tạo nên nhiều hình thái từ các công ty trách nhiệm hữu hạn, chính phủ, luật pháp, tôn giáo,... để từ đó tạo ra những thay đổi lớn lao trong lịch sử loài người.
Kết quả hình ảnh cho microsoft


Lấy ví dụ về một thứ-tưởng-tượng-nhưng-không-phải-dối-trá đó là các "công ty trách nhiệm hữu hạn". Ví dụ Microsoft, mọi người đều biết đến công ty/tập đoàn này, và pháp luật cũng xem nó như một "thực thể pháp lý". Microsoft do Bill Gates cùng Paul Allen sáng lập, nhưng nếu hai người này chết đi, công ty vẫn còn ở đó. Nếu tất cả các thế hệ nhân viên của Microsoft bị thay thế, công ty vẫn ở đó. Nếu Microsoft phá sản, thì bản thân nó sẽ chịu trách nhiệm chứ không phải Bill Gates hay bất kì một người nào khác. Nếu Microsoft không kinh doanh các phần mềm cũng như phần cứng máy tính nào nữa mà chuyển qua bán bánh tráng nướng, thì nó vẫn là Microsoft. Chỉ khi một luật sư được ủy quyền thực hiện các thủ tục pháp lý giải thể Microsoft, nó mới biến mất. Vậy Microsoft là gì? Nó không phải là một thứ thực sự tồn tại, mà là một thứ tồn tại trong tưởng tượng, trong niềm tin của mọi người, và niềm tin đó được đảm bảo bằng các giấy tờ pháp lý liên quan và được pháp luật bảo hộ - mà thực chất pháp luật cũng chỉ là một dạng tưởng tượng khác.
Chúng ta có các hình thái nhà nước, những tòa án, những bộ luật, những luật sư,... đều là kết quả của trí tưởng tượng con người mà ra. Hãy giả sử bạn là Chúa Trời và từ trên cao nhìn xuống quan sát một phiên tòa, sẽ chẳng khác gì người lớn đang xem lũ trẻ chơi đồ hàng: Một nhóm người được gọi là cảnh sát đi bắt một người nào đó dựa vào một thứ họ gọi là "trát tòa", người đó sau đó bị giải ra tòa, gọi là "bị cáo", rồi có những người khác là các công tố viên dựa vào những thứ mà cũng do loài người vẽ ra là luật pháp để kết tội bị cáo kia, rồi có một vài người khác là luật sư sẽ có trách nhiệm biện hộ cho bị cáo, rồi thì thẩm phán cùng bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng... Sau đó người kia bị nhốt vào tù, một thời gian sau thì đem ra ngoài xử bắn - Và mọi người đều hài lòng vì quy ước với nhau là như thế. Tất cả, tất cả những thứ trên đều hoạt động dựa trên một thứ tưởng tượng, không có thật gọi là "luật pháp", nhưng đây là một sản phẩm tưởng tượng chung của loài người và mọi người ngầm quy ước với nhau là ai cũng nên tuân theo nó.
Ảnh: Monster Box - Một channel animation Khoa học của Việt Nam.
Đi theo bước tiến của nhân loại, chúng ta có thể quan sát thấy nhiều người sợ hãi chúa trời và tin vào lời của những linh mục, sư thầy, một số người khác thì sợ hãi quyền lực của một người được gọi là "chân mệnh thiên tử", ngày nay thì người ta sợ "pháp luật" và "chính phủ". Cũng như nhau cả, tất cả đều là trí tưởng tượng và lòng tin của con người.
Lòng tin của con người cũng là thứ khiến mọi người đồng ý với nhau rằng tờ giấy in hình Benjamin Frankin cùng một vài họa tiết phức tạp khác được Cục dự trữ liên bang phát hành có mệnh giá 100$ và có thể đổi lấy rất nhiều quả trứng, một nửa cái quần của tụi rich kid hay gì đấy đại loại thế. 
*Để hiểu rõ hơn về cách niềm tin tác động tới nền kinh tế, đọc bài này:
Tất nhiên một "thực tế tưởng tượng" không phải một lời nói dối. Một con khỉ có thể nói dối "Cẩn thận! Có sư tử!" để trêu đùa bọn khỉ khác khi thật ra chẳng có bất kì con sư tử nào cả, và thực tế đã có nhiều con khỉ chơi trò này để ăn cắp các quả chuối rơi vãi do các con khỉ khác hoảng loạn vứt lại. Một thực tế tưởng tượng là điều mà mọi người tin vào và chừng nào cộng đồng còn tin vào thì nó còn tồn tại. Một số giám mục là kẻ đồi bại và ấu dâm, nhưng phần lớn tin vào sự tồn tại của Chúa Trời và các giáo điều. Hầu hết các triệu phú tin vào sự tồn tại và quyền lực của tiền và trách nhiệm hữu hạn của các công ty. Hầu hết các nhà hoạt động nhân quyền thật sự tin vào sự tồn tại của các quyền con người. Không ai nói dối khi vào năm 2011, Liên Hợp Quốc yêu cầu chính phủ Lybia tôn trọng các quyền công dân, mặc dù kể cả Liên Hợp Quốc, Lybia và nhân quyền đều là những khái niệm bịa đặt bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của chúng ta.
Và vì những "thực tế tưởng tượng" này là không thật, chúng có thể nhanh chóng thay đổi và con người cũng nhanh chóng thay đổi chấp nhận các "thực tế tưởng tượng" mới vào các thời điểm cần thiết, tạo ra các cuộc cách mạng, thay đổi thế giới. Ví dụ như người ta đã từng tin vào quyền lực của nhà vua, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra quyền làm chủ của nhân dân,... người ta đã từng nâng cao quyền lực của nam giới rồi sau đó lại mong muốn bình đẳng giới hoặc hơn thế nữa,... người ta đã từng chấp nhận khổ sai làm việc trong điều kiện khắc nghiệt chỉ để có tiền rồi sau đó lại tin vào một tập thể công nông vô sản và vùng lên đập đổ những  tư liệu tư bản...
Và rất có thể, trong tương lai, loài Sapiens sẽ lại nhìn nhận một "thực tế tưởng tượng" mới khác để rồi vùng lên đạp đổ một "thực tế tưởng tượng" lỗi thời nào đấy.

Tham khảo:
Kết quả hình ảnh cho sapiens lược sử loài người

*có một số đoạn ngắn được chép lại nguyên văn từ bản dịch của Omega.

Ủng hộ tác giả:
- Ngân hàng: Vietcombank
- Số tài khoản: 0091000650947
- Chủ thẻ: Tran Van Tien
- Chi nhánh: Vietcombank Kien Giang
Mình rất vui và cảm kích nếu nhận được sự ủng hộ của các bạn.
Vô cùng cám ơn anh Ngô Thanh Liêm và chị Nguyễn Thị Huệ đã donate để mình có thêm động lực viết bài.

*Bonus:
Có thể lý giải vì sao các bức tranh quý, những bộ phím cơ trông đơn giản hay trang phục streetwear của cộng đồng 'rich kid' có giá trị cao như thế, vì giá trị của những món này được cộng đồng những người sử dụng, "chơi", chiêm ngưỡng,... đánh giá cao vì thế nó có giá cao. Chừng nào những người trong cộng đồng vẫn thừa nhận một cái quần rách đùi có giá 100 triệu, thì bạn vẫn có thể yên tâm bỏ ra 100 triệu mua về mặc để mọi người trầm trồ và sau đó bán lại với giá không chênh lệch lắm. Đó là lý do vì sao dù cho một cái áo có chất lượng tốt hơn hẳn nhưng không bằng một cục gạch có khắc chữ "Supreme".