1. Các mối bận tâm riêng ... 

Bạn thích chơi game à? Tôi thì không. Bạn thích tiếng nhạc sôi động xập xình của quán bar, vũ trường à? Tôi thì không. Bạn có thích văn học không? Tôi có này, tôi thích các tiểu thuyết kinh điển của thế giới, còn bạn? Bạn thích đọc sách self-help để nâng cao kỹ năng sống à ... ừm, tôi cũng thi thoảng có đọc qua qua ...
Vậy đấy, trong cuộc sống chúng ta là một cá thể riêng biệt. Bạn có niềm đam mê với những nhân vật được thiết kế bắt mắt cùng hiệu ứng âm thanh kỹ xảo của thế giới game. Người khác thì họ lại bình bình với các thú vui "dân dã" hơn như chơi cờ chả hạn. Hay như bố tôi thích những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn nhưng với thanh niên đang tuổi mới lớn như tôi lại thích mấy bài hát "động vào trái tim" như của Mr. Siro cơ. Tất cả chúng ta đều có sở thích và mức độ thích khác nhau. Bạn không thể đánh giá hay chỉ trích người khác vì họ chơi cờ vua mà không phải chơi Pubg thời thượng như bạn. Cũng như thế, bạn không thể chề môi chê mấy bạn trai thích đọc sách thay vì có thể kể hết tên các cầu thủ ở Ngoại hạng Anh. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ có điều gì đó mà tất cả chúng ta đều "liên quan" không? Điều gì đó như nền tảng của chúng ta, từ đó chúng ta được "build lên" phát triển ra nhiều nhánh khác nhau không? 
~ Ngẫm nghĩ chút rồi đọc tiếp nhé ~

2. Nhu cầu của con người 

Tháp nhu cầu của Maslow
Trong tháp nhu cầu của Maslow có đề cập đến thạm vọng của con người, chỉ cần đáp ứng được gì đó, chúng ta lại càng đòi hỏi nhiều hơn. Nếu bạn đang đói, chắc chắn bạn sẽ muốn lấp đầy cái bụng, đang lạnh thì cần cái áo dày dày. Khi có đủ cơm ăn áo mặc thì tiếp tục có người để yêu thương rồi muốn được mọi người công nhận. Nhưng khi ta đã đạt đến đỉnh cao của của tháp thì sao? Đó gần như là những diễn viên nổi tiếng, các tỷ phú, ... họ được thể hiện, được công chúng ngưỡng mộ, tôn vinh. Bạn có thắc mắc tại sao nhiều người trong số họ sau khi có hết những cái mà không phải người nào cũng có, cuối cùng họ tìm đến cái chết không? Bạn có bao giờ tự hỏi phía trên cao của cái chóp kia là gì không? Đó là bởi vì họ bị chênh vênh, họ đã bị lạc lối trong chính cái thế giới mà họ hằng mong ước. Nhiều người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát, nhưng cũng có nhiều người đã rũ bỏ mọi cái sau lưng, "về rừng về núi ở ẩn" họ may mắn hơn vì họ "biết mình là ai và vì sao họ tồn tại". Khi bạn biết "bạn là ai" thì những cái xa hoa, phú quý chỉ như những gánh nặng đeo bám và quay trở về với cội nguồn mới là đích đến duy nhất. Bạn đang ở giữa xã hội, lúc nào cũng đau đáu muốn tìm kiếm chính con người mình là gì. Có thể nó không hiển hiện ra ngoài rõ ràng như cơm áo gạo tiền nhưng bạn biết trong sâu thẳm tiềm thức, bạn luôn khát khao về "cội nguồn".

3. Triết học là gì?

Khi chúng ta là "cái gì đó" chúng ta mới có thể biết ăn, biết mặc, muốn được yêu thương rồi cuối cùng chúng ta lại tìm kiếm "cái gì đó" để có thể sống trọn vẹn. "Cái gì đó" vừa là nền tảng và cũng là đỉnh chóp. Triết học chính là cái mà chúng ta học để tìm hiểu "cái gì đó" luôn sâu thẳm trong trong tiềm thức, để biết mình thực sự là ai. Nó không phải mối bận tâm "vặt vãnh" của mấy người hâm mộ bóng đá. Nó là cái mang tính phổ quát của tất cả mọi người. 
"Thế giới được tạo ra như thế nào?", "có chăng sự sống sau cái chết?", ... Đó là những câu hỏi triết học. Hàng nghìn đời nay, nhân loại luôn đi tìm kiếm câu trả lời, đặt ra câu hỏi thì dễ nhưng trả lời được nó là cả một vấn đề, có khi sẽ mãi mãi không tìm ra được nhưng trong quá trình tìm hiểu đó, ta sẽ khám phá ra nhiều hơn về mình - "mình không là gì cả" và từ đó biết vứt bỏ cái tôi, biết sống chậm hơn. 

4. Thế giới bắt nguồn từ đâu?

Khoan hãy trả lời hỡi những người vô thần hay hữu thần kia!!
Vũ trụ (internet)
Đùa chút thôi, trước khi trả lời, có ai ở đây xem truyện tranh hay đọc Conan thì sẽ biết đến câu "Sự thật luôn luôn có một và chỉ một mà thôi" rất cool, xúc tích và đầy hàm ý.
Quả thật thế khi cảnh sát điều tra bất cứ vụ án nào dù khó đến đâu, phần lớn sẽ ra được hung thủ nhưng cũng có đôi lúc vào thế bí, vụ án đi vào ngõ cụt, rồi ngâm lại mãi không ra kết quả. NHƯNG không phá được án không có nghĩa không có kẻ chủ mưu, không có nguyên nhân và động cơ. Những thứ đó chỉ bị che lấp đi bởi bức màn sự thật.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu "Thế giới bắt nguồn từ đâu?". câu hỏi tưởng chừng giản đơn này nhưng trong suốt 125.000 thế hệ con người vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Con người có thể giả định vũ trụ vẫn luôn hiện hữu đời đời và bỏ qua giả định về sự khởi đầu. Nhưng liệu có " cái gì có thể" hiện hữu đời đời hay không? vạn vật trên đời đều sinh, lão, bệnh, tử, ắt hẳn khó có gì hiện hữu đời đời. Cái gì hiện hữu cũng cần có khởi đầu, vậy vũ trụ phải được sinh ra bởi "thứ gì đó" !
Bây giờ đến góc nhìn của những người hữu thần, họ có niềm tin mãnh liệt Thượng Đế tạo ra thế giới, Ngài có thể tạo ra bất cứ cái gì Ngài muốn từ hòn đá đến con người. "Cái gì đó" chính là Thượng Đế. Nhưng cũng không ổn, Ngài cũng cần có " cái gì đó" tạo ra chính Ngài, và bây giờ chúng ta lại đi vào một vòng lặp "for" vô tận => Thượng Đế vẫn luôn hiện hữu đời đời (đúng theo niềm tin của người Công Giáo nói riêng và người hữu thần nói chung)

Nhưng nếu Thượng Đế luôn hiện hữu thì lại không đúng với kết luận phía trên, những gì hiện hữu thì phải có khởi đầu
Conan <3
Cả ngàn đời nay con người vẫn sống và đau đáu với những điều mình tò mò, vẫn tìm hiểu trên cả lãnh địa khoa học và đức tin, cho đến tận bây giờ vẫn chưa ngã ngũ giữa các tranh cãi, ai cũng bảo mình đúng kẻ kia sai. NHƯNG dù có thế nào thì sự thật mãi chỉ có một và chỉ một mà thôi. 
~ Đoạn này trích từ một bài viết ngăn của mình trên trang Facebook cá nhân :"https://www.facebook.com/sonhoangpianist", kết bạn với mình để cùng nhau chia sẻ nhé ~

5. Kết Luận ...

Triết học là bộ môn tìm hiểu về "cái gì đó" -  cái vừa là điều tạo ra con người, cũng là điều tối thượng con người đau đáu tìm hiểu. Đưa ra các câu hỏi thì dễ nhưng trả lời và chứng mình được nó thì là một điều chưa ai dám khẳng định. Thậm chí những đáp án con người "biết là một trong hai sẽ đúng" nhưng "chưa chắc sẽ là đúng". Và từ đó ta biết mình dốt nát như thế nào, nhỏ bé như thế nào, chúng ta sẽ trọn vẹn hơn ...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
~ Đây là bài đầu tiên về chủ đề triết học của mình. Tất cả những ý chính của bài đều được mình lấy ra từ cuốn sách "Thế giới của Sophie" và tự bản thân ngẫm nghĩ. Cuốn sách này như một cái "đánh vào đầu" mình, thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về thế giới. Mình khuyên các bạn nên tìm mua, đọc và ngẫm nghĩ (mình đã đọc hàng chục lần nhưng chưa bao giờ hết cả quyển vì lúc nào đến một đoạn nào đó, mình phải đọc lại từ đầu vì nó khá khó nhớ và cũng muốn cho chắc nền tảng). Là một mem "coi chùa" của động nhện đã lâu, có niềm yêu thích (không dám gọi là đam mê) với văn học và cũng muốn nói lên suy nghĩ qua dòng chữ. Nếu có điều gì lủng củng, dài dòng thì cũng mong các bạn cho ý kiến và thông cảm nhé. Tạm biết các bạn và hẹn các bạn trong bài viết sau ~