Trong hình ảnh có thể có: 2 người


Để thực sự miêu tả đươc trọn vẹn điện ảnh Hollywood đầu thập niên 1970 trở đi quả là một điều gần như không thể: Nó đa dạng, hỗn loạn và phong phú y hệt như tình hình chính trị nước Mỹ lúc ấy. Khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn cuối và phong trào phản văn hóa hippie cũng đã chấm dứt, để lại dư âm là sự thiếu tổ chức và một nhà nước chuyên quyền bên dưới cái văn hóa “tự do” của một thể chế lắt léo, với những kẻ tiêu thụ chính là thế hệ baby boomer. “Giấc mơ đã kết thúc”, như những gì mà John Lennon đã nói, và thập niên 60 mơ mộng kết thúc để nhường chỗ cho một thập niên 70 khốc liệt và tàn tạ.
Cuộc chiến tranh vô nghĩa cũng đã để lại không ít những tổn thất to lớn cho nền kinh tế, quân sự, và trên hết là nhân sự. Những người lính Mỹ đã trở về - không những là về với hai bàn tay trắng - mà họ trở về với tâm trí và cơ thể không còn nguyên vẹn nữa. Họ được chẩn đoán với căn bệnh tâm lý PTSD - rối loạn stress sau sang chấn và phải học cách tái hòa nhập với xã hội một cách miễn cưỡng cùng những suy nghĩ càng lúc càng xa rời thực tại.
Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn mới nổi tài năng hiện thời, đặc biệt là những đạo diễn trong phong trào Làn Sóng Mới như Francis Ford Coppola (Apocalypse Now), Martin Scorsese (Taxi Driver), hay một cái tên ít được biết hơn là Michael Cimino với tác phẩm The Deer Hunter.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời

The Deer Hunter là một tác phẩm kết tinh của những gì làm nên điện ảnh thập niên 70: Nội dung gai góc, lối diễn xuất tự nhiên bồi thêm bằng kịch bản như có sự ứng tác tự nhiên hơn là sự giả tạo như ở các thập niên trước, thể hiện qua những góc máy lột tả vạch trần được sự bẩn thỉu đen tối. Với những diễn viên có tiếng tăm nhất thời điểm ấy như Robert De Niro, Christopher Walken và Meryl Streep, The Deer Hunter đã được đề cử Oscar vào năm 1979.
Những gì bộ phim chạm đến, đơn giản là nỗi đau và mất mát. Nhưng những nỗi đau mà Cimino khắc họa trong Deer Hunter nó dường như sâu hoắm hơn bất cứ tác phẩm về chiến tranh nào khác. Nếu như Apocalypse Now của Coppola tập trung vào sự ác liệt tàn khốc vô nghĩa mà những binh lính phải trải qua, Deer Hunter lại muốn khán giả cảm nhận những hậu quả dai dẳng đeo bám họ nhiều năm sau cuộc chiến.
“It is not an anti-war film. It is not a pro-war film. It is one of the most emotionally shattering films ever made.” - Roger Ebert
Bộ phim có thời lượng hơn 180 phút, với kết cấu như được chia làm ba phân đoạn rõ rệt: Trước cuộc chiến tranh, trong cuộc chiến tranh và sau cuộc chiến.
Trong hình ảnh có thể có: 5 người

Một phần ba đầu phim được Cimino dành trọn để xoay quanh lễ cưới...Đó là khoảng thời gian dành trọn cho sự hồn nhiên trong trắng của những người lính trước khi bị lấy đi bởi sự khốc liệt bom đạn mang lại. Khoảng thời gian mà những người bằng hữu ngân lên giai điệu “Can’t Take My Eyes Off Of You”, đánh bi-a, uống bia và trêu đùa nhau thay vì nơm nớp lo sợ ngày qua ngày rằng mạng sống của bản thân sẽ bi tước đoạt vì một viên đạn của phe địch, hay là của chính bản thân.
Đúng vậy, một chủ đề lớn nữa trong Deer Hunter chính là trò chơi mang tính sinh tử: Russian Roulette - Nòng xoay Nga. Một trò chơi đầy sự phi nhân tính và tàn khốc tuy không thực sự tồn tại trong chiến tranh Việt Nam song vẫn được thêm vào phim, đóng vai trò tô điểm và nhấn mạnh nỗi khổ tâm, đồng thời là ẩn dụ cho cuộc chiến tổng thể lớn hơn. Về cơ bản, cách chơi của Russian Roulette bao gồm một khẩu súng sáu nòng revolver và một viên đạn. Người chơi bỏ một viên đạn vào nòng, xoay lên, chĩa súng vào đầu, rồi bóp cò. Năm ổ trống và một ổ có đạn. Tỷ lệ là một trên sáu, chỉ một trên sáu, cho cuộc đời của một con người.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời

Những người lính Mỹ trong phim đã bị ép buộc phải chơi nòng xoay Nga, bao gồm hai nhân vật chính là Michael và Nick. Đến cảnh quay ấn tượng nhất của bộ phim, khi Nick và Michael bị ép buộc phải chơi Russian Roulette với ba viên đạn. Đây chính là một trong những cảnh quay căng thẳng và chân thực nhất từng được đưa lên màn ảnh của Hollywood. Cả Robert De Niro, Jon Savage và Christopher Walken đều ở giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp trong Deer Hunter; thế nhưng vai diễn Nick của Walken mới tỏa sáng hơn cả với sự biểu hiện chuyển biến tâm lý sau dư chấn của chiến tranh. Nick như trở thành một con người khác hoàn toàn, một con người dường như sau khi đã chạm đáy nỗi khốn cùng đã vực dậy và trở nên vô cảm hoàn toàn sau bao nhiêu lần cận kề với cái chết.
Đoạn kết của phim với bài hát “God Bless America” được cất lên có phần chua cay, cắt sâu vào lòng tự tôn dân tộc của những công dân Mỹ với một niềm tin một mực vào Đế quốc hùng mạnh với một lý tưởng, một giấc mơ chung cùng những cuộc chiến tranh được họ gán ý nghĩa. Chúa phù hộ cho nước Mỹ, thế liệu Chúa có phù hộ cho Việt Nam?
Lần đầu tôi xem bộ phim này, tôi mới chỉ là một thằng nhóc lớp 9. Một thằng bé chưa có đủ sự trải đời và kinh nghiệm sống cũng như một cái nhìn cảm quan trưởng thành về phim ảnh. Thế nhưng ngay sau khi bộ phim kết thúc, tôi biết mình vừa chứng kiến một kiệt tác điện ảnh lịch sử đương đại. The Deer Hunter đã chạm vào một cái gì đó sâu thẳm nhất bên trong tôi, một nỗi lòng, một sự đồng cảm, một niềm oán hận chất chứa bên trong đối với không chỉ là với những cựu binh Mỹ, cựu binh Việt, mà là bất kỳ những ai đã từng trải qua cái gọi là mất mát, cam chịu và khổ đau. Bao gồm cả người ra đi và người ở lại.

Bỗng chợt, những câu hát của cô Thanh Tuyền trong Rừng Lá Thấp lại văng vẳng trong đầu tôi:

“Sao Không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua.”

Michael Cimino không có bất cứ bộ phim nào thành công như Deer Hunter nữa. Dự án Heaven’s Gate tốn kém của ông tiếp theo sau đó đã lụn bại một cách thê thảm trên cả hai phương diện nghệ thuật và thị trường, thậm chí còn được mệnh danh là “thất bại nặng nề nhất trong lịch sử điện ảnh”. Cimino mất vào năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi.
Kết quả hình ảnh cho Deer Hunter


Minh Tu Le (Tule)