* Chưa xem phim đọc cũng được, không đọc cũng được vì thực ra chúng ta xem phim của Wes Anderson có phải vì plot twist đâu.
* Bài viết khá dài và tâm huyết, để có được trải nghiệm tốt nhất, các bạn có thể nghe ca khúc này.

Trong khi The Grand Budapest Hotel được coi là bộ phim “Wes Anderson” nhất của Wes Anderson, tôi lại có một sự rung động mạnh mẽ đối với The Darjeeling Limited.

Nếu như ví The Grand Budapest Hotel như một lời thương tiếc về ánh hào quang nay đã tàn phai, Moonrise Kingdom là bản tuyên ngôn về tình yêu và tuổi trẻ thì The Darjeeling Limited là hành trình tìm kiếm và hàn gắn mảnh ghép con người. Trong tất cả các phim của Wes Anderson, tôi đánh giá đây là bộ phim mang đậm tính cá nhân của ông nhất.

Bộ phim xoay quanh ba anh em nhà Whitman trên chuyến hành trình tâm linh qua vùng đất Ấn Độ. Ba người đã không còn nói chuyện với nhau kể từ đám tang của bố một năm trước, trong khi người mẹ đã li dị và chuyển đi chỗ khác từ lâu. Trước tình cảnh đó, anh cả Francis (Owen Wilson thủ vai) đã lên kế hoạch gặp mặt các em Peter (Adrien Brody thủ vai), Jake (Jason Schwartzman thủ vai) trong khi bí mật liên hệ với người mẹ của họ.

Thực ra, nếu đã quen thuộc với phim của vị đạo diễn này, chúng ta sẽ dễ dàng để ý rằng hầu hết những nhân vật chính của ông đều xuất thân từ một gia đình không trọn vẹn: cha mẹ bất hoà (Suzy trong Moonrise Kingdom), người giám hộ tệ bạc (Sam trong Moonrise Kingdom), không nơi nương tựa (Zero trong The Grand Budapest Hotel ), thiếu vắng hình bóng người cha (Margot trong The Royal Tenebaums), thiếu vắng hình bóng người mẹ (Max trong Rushmore)… Điều này có lẽ đến từ tuổi thơ không mấy hạnh phúc của Wes khi cha và mẹ li dị vào năm ông lên tám. Cụ thể hơn, ông là người thứ hai trong một gia đình có ba đứa con trai. Và, ừ, nhìn sự tương đồng về ngoại hình giữa ông và người con thứ Peter, tôi có thể đoán mò đây còn là lời nhắn nhủ của Wes đối với chính gia đình mình. 
Wes Anderson cũng là người thứ hai trong gia đình ba con trai, bố mẹ li dị.
MỞ ĐẦU
Dù sao thì, bộ phim bắt đầu với hình ảnh một ông già thương nhân mà có lẽ là ẩn dụ cho hình ảnh người cha Whitman, chạy đuổi theo đoàn tàu. Sau đó, ông bị vượt mặt bởi Peter, người con thứ trong gia đình và bị lỡ chuyến. Ông đã không bao giờ lên được, trong khi người con thứ tay xách đầy vali như muốn tiếp nối hành trình của cha. Ngoài ra, hình ảnh những chiếc vali còn được xuất hiện xuyên suốt trong chuyến hành trình của ba anh em như một biểu tượng về những gánh nặng trong cuộc sống.
Wes chơi chữ, từ “emotional baggage” vừa có nghĩa là hành lý du lịch vừa có nghĩa là những cảm xúc con người
NHỮNG ĐỨA CON CỦA MỘT GIA ĐÌNH TAN VỠ
Cảnh tiếp theo, ba nhân vật chính của chúng ta lần lượt xuất hiện và được khắc hoạ khá rõ nét: người anh cả Francis chằng chịt vết thương trong một vụ “tai nạn” - có vẻ như lần suýt chết đó đã thôi thúc anh phải thay cha mẹ làm nhiệm vụ hàn gắn gia đình, tính cách đó cũng một phần thể hiện trong sự độc đoán đối với các em (mà sau này mẹ anh cũng hành xử tương tự). Đảm nhiệm hình mẫu người cha, anh quấn đầy băng gạc và lắp răng giả như muốn che đậy những niềm đau và dùng từ “thoả thuận” để bắt những đứa em tuân theo mình một cách cứng nhắc. Và sau đó, anh phải thừa nhận chuyến đi này là một sai lầm và anh đã thất bại dưới tư cách một người anh cả. Francis, không chỉ tổn thương về mặt thể xác mà còn đau đớn về mặt tinh thần.
“Anh đã cố hết sức rồi. Anh không biết phải làm gì hơn nữa.”
Người em út Jake là một nhà văn và đang dây dưa không rõ với cô bạn gái người Pháp của mình, những tác phẩm “viễn tưởng” của anh chịu ảnh hướng lớn bởi gia đình, đến nỗi Peter khi xem xong phải chạy vào nhà vệ sinh khóc nấc. Ở một phân cảnh khác, chúng ta nhận ra anh vẫn còn giữ chai Viltaire #6 mà cô bạn gái thường dùng, mà ngay lập tức hai người anh lớn bắt phải đập đi. Không như mọi người nghĩ, kỉ niệm chẳng hề tan đi mà mùi nước hoa còn nồng nặc hơn nữa.
Ba anh em bị buộc phải đối diện với nỗi đau của mỗi người và chạy trốn còn chẳng phải một sự lựa chọn.
Và tất nhiên, người con thứ Peter có lẽ là người chịu ảnh hưởng lớn nhất khi anh gần như không còn tin tưởng vào tình yêu và hôn nhân. Lúc bạn gái mang thai được bảy tháng, anh chọn cách chạy trốn. Hơn ai hết, Peter hiểu việc thiếu vắng hình bóng người cha có ảnh hưởng như thế nào. Đến cả anh cũng chưa vượt qua nổi việc đó khi luôn mang theo chiếc kính râm, chiếc chìa khoá và dao cạo râu của ông bên mình. Anh cũng tỏ ra hiếu thắng trong việc khẳng định mình là đứa con yêu thích của ông.
Nếu Richie trong The Royal Tenenbaums dùng chiếc kính râm để che dấu cảm xúc của mình khỏi thế giới, Peter lại đeo kính của cha để cố gắng nhìn thế giới theo cách của ông.
Đỉnh điểm của sự đổ vỡ giữa tình cảm anh em là khi cả ba bị đuổi xuống tàu, vẫn xách theo hàng loạt những chiếc vali và lên đỉnh núi đốt lửa qua đêm. Họ cố gắng dùng những cách có vẻ tâm linh ngu ngốc nhất như ‘lá bùa lông công’ trước khi quyết định mọi chuyện chẳng đi đến đâu cả và chuyến đi này là một sự sai lầm và họ rồi cũng sẽ mỗi người một nơi.
“Đôi khi em tự hỏi liệu chúng ta có thể trở thành bạn tốt ngoài đời được không. Không phải ruột thịt đâu, mà là như người với người ấy.”- Jake Whitman
SỰ THỨC TỈNH KHI CHỨNG KIẾN HAI ĐÁM TANG
Wes dành 2/3 bộ phim để nói về cách gia đình ảnh hưởng đến con cái. Tiếp theo, ông lại khắc hoạ tầm quan trọng của một người con trong gia đình thông qua cái chết của một cậu bé Ấn Độ. Trong thác nước chảy xiết, chỉ riêng Peter là không cứu được “cậu bé của mình”. Với tư cách một người sắp làm cha, nhìn sự buồn bã trên gương mặt những người Ấn Độ lạ hoắc, lần đầu tiên anh nhận ra nỗi đau có thể đến từ bất cứ ai và tình cảm cha con có thể thiêng liêng đến mức nào. Một lần nữa, anh có lý do để quay lại với con mình (mà sau này anh tiết lộ đó là bé trai) và bù đắp cho con cũng như cho chính bản thân mình.
“Chú tuột mất bạn ấy ở trên tảng đá. Cơ thể bạn ấy quá trơn. Chú đã bế bạn ấy suốt quãng đường còn lại. Chú muốn họ biết điều này.”
Đồng thời ở cảnh này, Wes cũng hé lộ khung cảnh đám tang người cha già Whitman. Họ tìm được chiếc vali cuối cùng của ông và có lẽ đến tận lúc đó, họ mới chấp nhận sự thật là mối liên hệ cuối cùng giữa ba anh em đã mất đi (Người mẹ đã bỏ đi từ lâu và còn chẳng tham dự đám tang, sau đó bà tiết lộ một cách lạnh nhạt là bà không muốn đến.) Đối với cái chết của cha, ba anh em đều thể hiện nỗi đau một cách khác nhau. Peter, như thường lệ, tỏ ra quá khích khi luôn miệng đòi lấy chiếc xe đang sửa chữa của cha (nhưng tôi khá là ấn tượng cảnh anh dừng lại và ôm chầm lấy lão sửa xe – người đang gìn giữ kỉ niệm của cha anh); Francis muốn nhập chiếc vali cuối cùng của ông vào tài sản chung của ba người còn Jake thì đau lòng khi chiếc phong bì mình gửi chưa từng được ông mở ra.
Cũng thật đau lòng khi chứng kiến Peter phải gồng lên che chở cho hai đứa em khi hết lần này đến lần khác bị đặt câu hỏi: “Mẹ đã đến chưa anh?”, “Mẹ có biết chúng ta ở đây không?”, “Mẹ có muốn chúng ta đến không?”
Quay trở lại thực tại, ba người nhận ra họ đã bị tổn thương nhiều tới mức nào và lần đầu tiên trong đời quyết định sẽ cùng nhau chịu đựng. Một trong những phân cảnh yêu thích nhất của tôi là lúc ba anh em đứng trong nhà tắm soi gương: Jake tỉa tót lại râu, Peter tháo chiếc kính của cha ra còn Francis thì gỡ hết băng gạc và để lộ cho các em những vết thương mà mình phải chịu đựng.
Francis chia sẻ nỗi đau của mình với các em.
Và tôi còn thích cái cách Wes để âm thanh khởi động của máy bay tràn ra hết khung cảnh, chẳng ai thể biết ba anh em đang cãi nhau về cái gì. Nhưng cuối cùng, họ quyết định xé nát tấm vé và quay trở lại vùng đất tâm linh. Lần này, họ tìm đến người mẹ.
Mặc kệ những bất hoà lúc trước, ba anh em cùng nhau đi tìm về người mẹ.
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI MẸ VÀ SỰ HOÀN THIỆN 
Xuyên suốt cả bộ phim, hình ảnh người mẹ chỉ được nhắc đến thông qua lời nói của ba anh em. Tôi cũng có thể tưởng tượng là bà, một người phụ nữ chạy trốn khỏi những vấn đề của mình bằng cách đi tu và tự tẩy não rằng mình đang giúp đỡ những người yếu kém hơn. Cũng như những người con của mình, bà chạy trốn khi có điều gì đó lệch khỏi quỹ đạo xảy ra. Nhưng đến cuối, bà vẫn không chịu chấp nhận sự thật.
– “Những người này cần mẹ.” – “Vậy chúng con thì sao?” – “…Mẹ không biết câu trả lời và mẹ cũng không muốn trả lời.”
Nhưng nhìn cách Peter cố gắng chia sẻ bản thân với mẹ, tôi thực sự mong rằng sẽ có gì đó thay đổi. Tất nhiên là không. Sau tất cả chuyến hành trình vĩ đại, sau những lần bị đuổi khỏi ga, sau bao nhiêu vết thương và nước mắt… ba anh em lại bị mẹ bỏ rơi lần nữa. Nhưng lần này, họ không còn phải chịu đựng một mình, và họ cũng sẽ không chạy trốn. Ba anh em trèo lên đỉnh núi cao nhất và cùng nhau thực hiện ‘lá bùa lông công’. Họ còn có nhau.
Sau cùng thì, họ còn có nhau.
CÁI KẾT
Phim của Wes Anderson có tính đối xứng, không chỉ ở trình bày mà còn ở nội dung. Bộ phim mở đầu với hình ảnh người con thứ chạy vội lên tàu và kết thúc tương tự. Nhưng lần này, họ quyết định buông bỏ vali hay những gánh nặng cảm xúc ra ngoài. Sau cùng thì chuyến hành trình tâm linh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó khi cả ba đã thực sự được giải thoát về mặt tâm hồn. Phim kết thúc với cảnh ba anh em lên tàu, Peter tháo kính ra còn Jake quyết định chấm dứt với cô bạn gái. Và họ quyết định làm một điếu thuốc, cùng nhau.
Cuối phim, ba anh em như đã được giải thoát khỏi bóng ma quá khứ.
LỜI KẾT
Còn một điều nữa mà chắc cũng không nhiều người biết đến là vào thời điểm bộ phim công chiếu, Owen Wilson đã tự tử bất thành (và có vẻ anh đã trong tình trạng thực sự nguy hiểm đến nỗi mà phải từ bỏ vai diễn trong Tropic Thunder mà người bạn thân cũng như diễn viên, đạo diễn Ben Stiller đã viết riêng cho mình). Và tôi cũng chẳng thể xác định hành động này xảy ra trước hay sau ngày phim đóng máy, nhưng nhân vật của anh, Francis đã xuất hiện dưới dáng dấp một người đàn ông băng bó đầy mình, được cho là đã cố tự sát khi đâm đầu vào chiếc xe máy đang chạy. Sự trùng hợp này cũng khiến tôi rùng mình một tẹo. Đấy là chưa kể đến những diễn viên trong bộ phim này đều là những người đã rất quen thuộc đối với Wes Anderson.
Và tất nhiên, bộ cục, màu sắc và âm thanh trong phim thì tuyệt đỉnh.
Và đấy, chính bởi sự hoà hợp mượt mà giữa nội dung và nghệ thuật mà The Darjeeling Limited trở thành bộ phim tôi thích nhất của Wes Anderson. Ông làm phim này để cứu rỗi chính mình, hay gia đình mình, hay tôi cũng không biết nữa, nhưng thực sự tôi đã thấy bản thân trong chuyến hành trinh tâm linh này. Trong quá trình viết bài phân tích, tôi đã tua đi tua lại bộ phim và nghiền nghẫm từng chi tiết nhỏ. Mong các bạn sẽ thích. Để lại bình luận bên dưới nhé.