5. SOI NHÁI ĐÊM.
Trời dần tối, chuyển đêm, vân vũ trên không, một cơn mưa nhẹ phùn phùn rơi, tiếng côn trùng rĩ rả, âm thanh của đồng ruộng những ngày đầu mùa mưa, mỗi lúc mỗi tô đậm thêm vẻ tĩnh mịch của vùng quê này. Trên con đường nhỏ trong xóm, lấp ló vài ánh đèn pin của những người dân cùng nhau đi bắt nhái đêm, xa gần tiếng vài đứa trẻ con ý ới gọi rủ nhau đi coi.
Ở nơi đây, vài cơn mưa đầu mùa trôi qua, là lúc các sinh vật lưỡng cư, như ếch nhái tỉnh giấc sau giấc ngủ dài, vùi mình trong bùn mấy tháng trời. Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt lũ nó. Dụng cụ được các bác, các chú mang theo khá đơn giản, chỉ một chiếc đèn đội đầu, một bình ắc qui sạc mang lưng, và một cái giỏ tre, để đựng lũ nhái,
Trông Tiến khá bồn chồn, cứ đi đi lại lại liên hồi, anh hiểu ra ngay.
Tiếng vỗ tay mỗi lúc một to, tiếng tụi nhỏ nô đùa, vài ánh đèn đã bắt đầu khuất sau con đường đất nhỏ. Cậu bé như không còn đợi được nữa, Tiến nháy mắt với anh, vừa thì thầm: “đi với cháu chú, nhẹ nhẹ thôi, không ba cháu nghe thấy là tiêu đó”. Như có một sức hút kỳ lạ, anh cứ thế bước theo cậu bé mà không hề nói gì. Ra đến đầu ngỏ, Tiến bắt đầu chạy nhanh hơn, vừa kịp lúc tụi thằng Đại, thằng Hoài phía trước.
Để tránh tụi nhỏ giật mình, anh chủ động lùi lại ra xa để quan sát,
Tiếng cậu nhóc Hoài cất lên: “tao tưởng mày trốn trong nhà luôn rồi chớ, tụi tao vỗ đến rát cả tay, không thấy mặt mày đâu. Nên đang định đi luôn đây”.
Tiến vừa thở hổn hển, vừa trả lời: “tối nay trời mưa lâm râm, ba tao ở nhà, không đi đánh cờ với bác Bốn, tao trốn mãi mới ra được đó, thể nào tý về bị la là cái chắc”.
“Đợi cả năm mới chờ được hôm nay, bị la hay ăn chút đòn cũng đáng lắm” tiếng thằng Đại hồ hởi nói.
“Thế hôm nay, chú không đi với mày ak?” Đang nói, nhưng nhớ ra điều gì đó, Hoài vội im bặt.
Hành động ấy không thể nào qua được ánh mắt nghi ngờ của thằng Đại, thế quái nào mà hai đứa bạn thân của nó cứ úp úp mở mở. Nó liền lên tiếng “chú, chú nào vậy tụi bay?”
“Đâu có chú nào đâu.” Tiến nhanh nhảu đáp, Hoài tiếp lời.
Không tin, nhóc Đại tiếp tục tra hỏi 2 đứa bạn thân của mình nhưng vẫn không moi thêm được thông tin gì, nên đành chịu.
Tiếng mấy đứa nhỏ xôn xao, vang vọng khắp một vùng hoang vắng, phủ trùm bởi màng đêm mỗi lúc một dày hơn.
Trời về khuya, sương xuống nhiều, không khí khá lạnh, anh đứng xa xa quan sát, không phiền mấy đứa nhỏ. Mùi của đồng ruộng, các thân thảo mục nát, thoang thoảng trong gió. Đứng trên bờ gần đấy, tư lự, anh miêng man nhớ về những đêm tối, ở vùng biển, lúc nước triều rút, anh cùng tụi bạn trong xóm lò mò đi bắt ốc. Cứ như thế, cái khoảng thời gian tuổi thơ ấy, chìm đâu đó sâu trong anh, nay lại có dịp trổi dậy, nhẹ mơn mang tâm hồn trống trải khô cằn, trơ cảm xúc ấy.
Tiếng bước chân lội bì bỏm trong làn nước xâm xấp đến mắt cá chân vang tới. Hai, ba người đàn ông đứng tuổi cùng những chiếc đèn pin đang chiếu rọi, những luồng sáng phát ra từ những chiếc đèn đội đầu, quét qua, quét lại, khắp một mảng ruộng nước bao la. Chốc chốc, lại thấy một luồng sáng thấp xuống, rồi quét ngược lên trời. Cứ thế, tiếng bước chân nhẹ nhàng, tiếng lội nước bì bỏm, tiếng mấy đứa trẻ thủ thỉ hoà vào trong âm thanh của côn trùng và các sinh vật của đồng nước.
Hắn có thể nghe tiếng nói của Tiến từ xa, vang lên, thắc mắc: “mấy con nhái nhạy lắm mà ta, sao tụi nó không chạy, mình lại gần, nó phải nhảy phóc đi chứ?”
Nghe cậu bé thắc mắc, chú Năm đi cùng cười ha hả một tiếng rồi bắt đầu giải thích: “tụi nhái mới thức tỉnh sau cơn ngủ li bi dưới bùn, mắt tụi nó rất nhạy cảm, nên khi cháu rọi trực tiếp ánh sáng đèn vào, nó như bị mù vậy, lúc đó cháu chỉ cần nhẹ nhẹ tiến đến là bắt được. Bởi vậy, thường chú với các bác trong xóm chỉ có đi soi nhái vào mùa này của năm thôi cháu hiểu không.
Tiến nghe giải thích như mở cở trong bụng, hiểu ra, thế là liền nài nỉ chú Năm để được đội cái mũ đèn kia. Nhìn cậu bé hiếu kì với ánh mắt đầy mong mỏi, chú Năm liền tháo chiếc đèn trên đầu mình, siết lại quai cài, đội lên đầu Tiến, còn mình thì cầm chiếc bình sạc đi cạnh. Ánh đèn pin cứ thế lại nhẹ quét khắp cánh đồng nước những ngày đầu mùa mưa, giữa không gian tĩnh mịch với tiếng côn trùng kêu, chốc chốc lại vang lên vài thắc mắc nho nhỏ của cậu bé hơn mười tuổi, sau đó là âm thanh trầm thấp đáp lời của chú Năm. Tiếng gió rít nhè nhẹ, đêm trôi dần về khuya.
Anh đứng từ xa quan sát, hít một hơi sâu mùi của đồng ruộng, của bùn đất, mùi cũ kĩ, mùi của làng, mùi của quê, mùi cũa những kí ức xa xôi trở về.
[còn tiếp...]