“The Cabinet of Dr. Caligari” (1920): Chả biết ai mê ai tỉnh
Gác lại câu hỏi thường nhật là “Mình có bị điên không?”, tôi quyết định xem vài phim về người điên để tìm lại sự yên bình. Lựa chọn...
Gác lại câu hỏi thường nhật là “Mình có bị điên không?”, tôi quyết định xem vài phim về người điên để tìm lại sự yên bình. Lựa chọn đầu tiên là “Cabin của Tiến sĩ Caligari” (Hans Janowitz & Carl Mayer, 1920) – hiện được xem là một trong những kiệt tác của thể loại phim câm và Chủ nghĩa Biểu hiện Đức.
Vừa bước vào bộ phim có phần u ám và kỳ dị, khán giả đã bị nhân vật Francis kéo vào một cốt truyện trinh thám ly kỳ nhằm truy lùng kẻ giết người hàng loạt đã sát hại bạn anh và bắt cóc bạn gái anh. Cuộc rượt đuổi dẫn chúng ta đến với kẻ tình nghi số một là Cesare – một người mộng du đẹp trai đã say ngủ suốt 23 năm, và đang bị một nhà bác học điên tên Caligari dùng thuật thôi miên để điều khiển. Khi Francis truy đuổi Caligari đến cánh cổng một bệnh viện tâm thần nghiêm nghị nhưng u ám, bộ phim ném khán giả vào một cái kết bất ngờ, buộc họ phải tự hỏi: “Giữa Caligari và Francis, ai mới là kẻ đang kể câu truyện thật, và ai mới là kẻ điên?”. Áp dụng cấu trúc truyện kể chưa bao giờ cũ của “The System of Doctor Tarr and Professor Fether” (Edgar Alan Poe, 1845) và “Shutter Island” (Martin Scorsese, 2010), bộ phim buộc chúng ta phải nhìn nhận rằng trong cuộc đời này, ta khó biết mình đang tỉnh hay mê. Và rằng có một sự điên rồ nhất định đang trốn sau những điều mà xã hội xem là tỉnh táo, bình thường, cùng những định chế có thẩm quyền duy trì sự tỉnh táo và bình thường đó.
Điểm đặc biệt của “Caligari” nằm ở chỗ bộ phim không kết thúc trên màn ảnh, mà tràn ra đời thực và tiếp tục ngoài đời thực. Từ nhiều năm nay, đoàn làm phim, khán giả và các nhà phê bình vẫn đang tranh cãi xem kẻ điên và kẻ phản diện là Caligari hay Francis. Phe chống Caligari tập hợp những cây bút ủng hộ tuyên bố về sau này của Janowitz – rằng trong kịch bản gốc mà ông bị ép phải từ bỏ, Caligari là ẩn dụ về chế độ quân chủ vừa thôi miên những người lính như Cesare trong Thế Chiến I, và thuật thôi miên của Caligari đã được thể chế hóa ở đoạn cuối phim. Phe đối nghịch hoài nghi giả thuyết này, phần vì không có bằng chứng vững chắc nào ủng hộ tuyên bố muộn màng vừa nêu, phần vì Hermann Warm, họa sĩ thiết kế khung cảnh của bộ phim, đã nói rằng Mayer không có bất cứ ý định chính trị nào trong quá trình soạn kịch bản. Giữa biên kịch và họa sĩ, ai tỉnh ai mê? Có lẽ bí ẩn này nên được duy trì như một hiệu ứng nghệ thuật từ phim tràn ra ngoài đời, thay vì như một câu đố cần phải giải quyết.
Một điểm đặc biết khác của “Caligari” là khung cảnh phim được thiết kế theo trường phái Biểu hiện – theo đó nội tâm của nhân vật được phóng chiếu thành không gian xung quanh. Nhiều khán giả đã viết rằng khi lạc giữa không gian bị bóp méo và xô lệch của bộ phim – nơi những góc nhọn, những họa tiết kỳ quái, những con đường uốn khúc vòng quanh và những mảng sáng tối tương phản ngự trị – họ cảm thấy như sống trong cái nhìn của một kẻ điên, và vì vậy sợ hãi. Về phần mình, tôi tự hỏi họ đã điên chưa mà biết người điên nhìn thấy gì, và liệu “sợ” có phải là phản ứng hợp lý khi gặp những điều khác thường hay không. Tôi đã bước vào không gian của “Caligari” như dự một đại tiệc của cảm giác phấn khích, hồi hộp và tò mò – có lẽ vì sự khác thường của khung cảnh đã bãi bỏ quyền lực của những điều đang được xem là bình thường quanh tôi, và cho phép tôi tự do theo đuổi những câu hỏi, cảm nhận, góc nhìn từng bị sự “bình thường” buộc phải im tiếng.
✠ Xem phim: https://youtu.be/e--etHguAWI
✠ P/S: Tôi đang cần tìm một công việc liên quan đến review phim, bạn nào biết xin giới thiệu giùm. Chin cảm ơn :< !
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất