Một trong những đề tài mà tôi ưa thích trao đổi và chia sẻ với người yêu, bạn bè là về lĩnh vực phim ảnh. Có lẽ ai cũng có một danh sách phim đáng xem nhất của mình, tôi cũng không ngoại lệ. Có những bộ phim mà tôi có thể xem đi xem lại hàng trăm lần không biết chán, ví dụ như: Groundhog Day, Schindler’s list, Saving Private Ryan, hay Sóng ở đáy sông… Về cố diễn viên Robin Williams, một trong những diễn viên mà tôi cảm ơn tạo hóa đã sinh ra cho cuộc đời, The Bicentennial Man (Việt Nam từng trình chiếu và dịch là Người 200 tuổi) là một bộ phim của ông mà tôi mê mẩn. Đây là một bộ phim khoa học viễn tưởng phỏng tác theo tác phẩm của nhà văn Mỹ gốc Nga – Issac Asimov, cha đẻ của ba định luật về Người máy được coi như khuôn vàng thước ngọc cho những ý tưởng sáng tạo của các nhà văn khác khi viết về đề tài người máy và trí thông minh nhân tạo.
Trong tác phẩm này, Andrew Martin (Robin Williams đóng) vốn là một robot gia nhân tiên tiến (người máy giúp việc nhà) được một người đàn ông tên Richard Martin mua về làm quà tặng cho cô con gái út Amanda Martin, chính cô đã đặt cho anh cái tên Andrew dựa theo cách nói lái của Android. Không biết là do lỗi sản xuất hay bàn tay đặc biệt nào của tạo hóa đã đem lại cho Andrew một khả năng sáng tạo phi thường – điều không bao giờ xuất hiện ở các nguyên mẫu khác cùng dây chuyền sản xuất với Andrew, hay chúng ta nên nói là người máy không thể được lập trình “sự sáng tạo”, đó là đặc ân mà hình như chỉ con người mới có. Người máy Andrew không ngừng học hỏi (từ hàng trăm quyển sách) và từ những người xung quanh để dần hoàn thiện bản thân, anh dần trở nên giống con người đến mức xuất hiện yếu tố thứ hai bất thường “cảm xúc”. Cảm xúc và sáng tạo sẽ sinh ra sự tò mò không giới hạn, Andrew như mọi con người khác, đã đòi quyền tự do (không còn là một loại tài sản để sở hữu). Sau khi chủ nhân cũ của anh mất, anh bắt đầu đi khám phá thế giới rộng lớn để thấu hiểu bản thân (lại một dạng khủng hoảng hiện sinh vốn chỉ nên xuất hiện ở con người). Và như mọi “con người” khác, anh phát triển cả ham muốn – đó là khao khát được yêu. Quá trình thay thế từng bộ phận máy bằng bộ phận sinh hóa để giống con người nhất chỉ thuần túy là khoa học, nhưng ẩn sau đó là hành trình khẳng định bản thân với không chỉ người mình yêu mà cả xã hội mà hai người đang sống, anh muốn thoát khỏi định kiến “vật hóa” các người máy như những cỗ máy tình dục thuần túy mà muốn được công nhận như một cá nhân có cảm xúc. Và đến điểm cuối cùng của hành trình trở thành con người, đó là phải có quyền được chết, vì đó là đặc quyền chỉ có một sinh vật sống thực sự, chứ không phải liên tục bảo dưỡng và tái tạo như một cỗ máy.
Andrew đã đi một hành trình dài 200 năm để khẳng định bản thân, và người đặt nền móng cho hành trình của anh không ai khác là ông chủ đầu tiên và duy nhất của anh – Sir Richard Martin, người đàn ông nhân hậu và rộng lượng, và hơn cả là ông có lòng tin vào những thứ phi thường trên đời. Sir Martin đã không thấy kỳ quái khi lần đầu chứng kiến sự sáng tạo của Andrew, người khác chắc sẽ kinh hãi trước viễn cảnh người máy của mình biểu hiện những trạng thái cảm xúc của con người, nhưng ông chỉ nhìn thấy tiềm năng vô tận của Andrew. Ông dạy anh kiến thức, kinh nghiệm của mình cần mẫn như một người cha đang dạy bảo con trai, và cũng đau xót khi anh xin ông sự tự do y như một người cha phải chấp nhận con trai mình trưởng thành và thoát khỏi sự bao bọc của tình thân. Có thể nói không có Sir Martin sẽ không có câu chuyện thần kỳ về Andrew Martin – một người máy tiến hóa ngược thành con người.
Ở một mặt nào đó, tôi tự hỏi, nếu Andrew được gửi đến một gia đình với những định kiến cố hữu của người đời với máy móc, nơi sự sáng tạo của anh bị bóp chết và biến chất sang thành sự xảo trá và mưu mô – một dạng thức khác đen tối hơn thì chúng ta sẽ có gì, một câu chuyện khác về Kẻ Hủy diệt chăng!
Tình yêu, tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố chính kích thích Andrew bước một bước cuối cùng để trở thành con người. Được sống và được chết cùng nhau có lẽ luôn là đích đến của sự gắn kết giữa hai con người không cùng huyết thống, nhưng tại sao lại cần phải lìa đời cùng nhau? Có phải là ký ức và kỷ niệm sẽ giết dần giết mòn người ở lại như một liều thuốc độc mà không ai muốn nếm trải, chẳng phải người ta nói thời gian sẽ xóa nhòa tất cả hay sao? Phải chăng vì chúng ta chỉ có một cuộc đời, tất cả quãng thời gian và cảm xúc ta dành cho đối phương, ngược lại cũng là những vết chạm khắc đã định hình nên con người ta, khi họ ra đi thật chẳng khác nào một phần trong ta đã chết, thời gian chỉ chữa lành vết thương chứ nào có thể hồi sinh những thứ đã chết. Và đây mới là điểm khiến cho Andrew thực sự đã thành người, vì nếu còn là một cỗ máy, anh chỉ cần tháo bộ phận bị hỏng ra và sửa chữa nó, còn với Andrew Martin – con trai của Richard Martin thì anh sẽ không cần sửa sai nữa, anh không cần cô tiên xanh nữa đâu – Pinochio à!!!
Minh Hiếu
16/03/2024.