Ngày 30/10 vừa qua, Thủ tưởng Chính phủ đã  ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ (nội dung nghị quyết ở đây), theo đó, sẽ tiến tới bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Nhiều người dân hân hoan khi biết được tin này bởi lẽ nội dung Nghị quyết hướng tới mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn nữa thì đây chưa hẳn là một ý hay ở thời điểm hiện tại bởi hệ thống hành chính của chúng ta vẫn còn một vài điểm có thể gây bất lợi cho quá trình hành chính. Thiết nghĩ, để thực hiện Nghị quyết, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một bộ máy hành chính có thể hoạt động ăn khớp với nhau.
Trước tiên, xin phép phân tích một số cái hay, cái lợi của Nghị quyết trên.
Thứ nhất, thay chứng minh nhân dân (CMND) thành số định danh và bỏ sổ hộ khẩu (SHK) giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc. Việc cấp mới hoặc cấp lại CMND tốn từ 20000- 70000 đồng và tốn từ 15- 30 ngày. Rõ ràng việc thay đổi trên sẽ giúp giảm thiểu tối đa khoảng thời gian dùng cho các thủ tục hành chính: thay vì phải trình SHK và CMND (hoặc bản photo công chứng của các giấy tờ trên), người dân đơn giản chỉ cần khai báo số định danh của mình. Việc đó làm giảm đáng kể khoảng thời gian người dân phải bỏ ra. 
Thứ hai, việc dùng số định danh và bỏ sộ hộ khẩu giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Thay vì phải đi lại giữa các cơ quan hành chính để xin các loại chứng nhận, nộp bản sao CMND chỗ này, xin công chứng bản sao SHK chỗ kia, người dân đơn giản chỉ cần trình số định danh của mình. Chẳng những thế, điều này còn giúp làm giảm lượng ùn tắc giao thông trên đường khi mà người dân sẽ bớt phải di chuyển hơn. Còn nữa, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính có thể giúp giảm lượng công chức phục vụ, từ đó góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. 
Thứ ba, phải đề cập đến việc bỏ SHK và CMND sẽ làm giảm các vụ nhũng nhiễu của cán bộ không liêm chính. Đã rất nhiều lần chúng ta chứng kiến các vụ nhân viên, cán bộ hành chính lạm quyền và lợi dụng các thủ tục hành chính để làm khó người dân. Việc giảm bớt thủ tục chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt các trường hợp trên.
Từ những điều trên, chúng ra có thể thấy là việc (bãi) bỏ CMND và SHK nhìn chung sẽ có lợi cho đất nước trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, cái viễn cảnh mà tôi vừa vẽ ra chỉ đúng ở điều kiện chúng ta làm đúng. Sở dĩ tôi nói là "làm đúng" với tình hình luật pháp và thủ tục hành chính ở Việt Nam hiện nay, sẽ có nhiều bất cập nếu như thiếu CMND hoặc SHK.
Thứ nhất, một số hồ sơ, giao dịch trước đó sẽ bị xáo trộn nếu CMND và SHK bị bãi bỏ. Khi chuyển đổi sang lộ trình mới, các cơ quan Nhà nước cần phải cân nhắc kĩ lưỡng và áp dụng các biện pháp một cách quyết liệt để quá trình diễn ra suôn sẻ hơn. Tôi đề xuất rằng nếu các thủ tục, hồ sơ người  dân đã hoàn thiện trước đó sẽ được cập nhật các  thông tin mới, đồng thời những thông tin cũ vẫn còn nguyên giá trị theo  quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc dùng số định danh đồng nghĩa với việc Nhà nước phải tiến hành đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ thông tin.  Tuy nhiên, ở các tỉnh thuộc khu vực biển đảo, miền núi thì việc này là không hề dễ dàng. Để thực hiện được điều này, cần có tinh thần quyết tâm đổi mới cao cũng như một khoản đầu tư nhất định.
Có thể thấy rằng, việc bãi bỏ CMND vad SHK  sẽ gây ra không ít trở ngại cho quá trình hoạt động của hệ thống hành chính cũng như đòi hỏi sự quyết tâm thay đổi và một nguồn vốn nhất định của toàn quốc gia.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc thiệt hơn, xét đến các yếu tố lâu dài cũng như tính đổi mới, cập nhật thì việc làm trên của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Để hoàn thành lộ trình vào năm 2020, chắc chắn chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn, cản trở, nhưng cái được mà việc này đem lại là rất lớn. Có thể nói, Nghị quyết 112/NQ-CP là một nghị quyết có tính lịch sử, vừa thể hiện tính bắt kịp xu thế của đất nước, đồng thời cũng là một cột mốc đánh dấu nỗ lực trong việc giảm thiểu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính công.