Mình từng nghe hàng loạt các câu chuyện và giáo lý về sự thấu cảm giữa người với người, rằng chúng ta cần đặt mình vào người khác để thấu hiểu được câu chuyện của họ, từ đó tìm ra cách giải quyết và xử lý vấn đề họ đang gặp phải một cách triệt để hơn.
Billie Eilish trong buổi phỏng vấn năm 2018
Mình tự tin vào trí thông minh nội tâm của mình, đến mức cho rằng hoàn toàn có thể thấu hiểu mọi thứ trong đầu một người nếu có đủ dữ liệu, nhưng thực tế thì hoàn toàn không như thế.
Bữa nọ mình nghe về những mẩu truyện như tóm gọn cả tâm tư 16 năm của mình, mình có thể ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ, bởi đó chính là những suy nghĩ của mình dừng lại và biến mất ở những lần tháo giày, những khi bóp phanh xe, hay một khoảnh khắc nào đó giật mình thoát khỏi sự mơ màng. Thực ra những cảm xúc hay dòng suy nghĩ ấy không biến mất, mà nó chỉ tạm thời nấp đi thôi. 
Những mẩu truyện ấy là những suy nghĩ của mình đã từng được viết ra với rất nhiều cách khác nhau để giấu nó đi, những mẩu cảm xúc vụn vặt được diễn tả qua hàng ngàn từ ngữ xa xăm để ẩn mình... Giữa một xã hội quá đỗi hạnh phúc, mình đã tưởng rằng mình là người duy nhất hứng chịu sự mệt nhọc và giằng xé trong đầu, cho đến khi mình tìm thấy sự đồng điệu từ một quyển sách đã mua từ nhiều tháng trước đó, và tác giả là một người tầm tuổi mình, cũng có những vấn đề như mình, và một sự khó thở như mình. 
Mình mệt, và kiệt sức.
Cùng 1 quyển sách đó, nhưng là những mẩu tâm tư khác, những bối cảnh và câu chuyện khác, mình không cảm thấy gì cả, và mình không thấy dễ chịu khi cố đọc theo KPI đọc sách mình tự set ra cho những mẩu truyện ấy.
Cũng giống như khi bạn nghe về sự khổ đau của người khác, chúng ta không trải qua chuyện đó, chúng ta không thể thực sự thấu hiểu điều đó. Thứ chúng ta thấu cảm không phải câu chuyện, mà chỉ là cảm xúc của họ trong khoảnh khắc họ nói ra. Khi người đó kể về một bi kịch với giọng vui, bạn thấy vui, khi người đó kể về một chuyện vui với giọng buồn, bạn thấy buồn, khi người đó kể về một bi kịch với đầy sự châm biếm, bạn cười nhạo. Đó chính là vấn đề của việc giao tiếp, khi mà chúng ta thực sự rất khó tìm được sự đồng cảm của người khác, chỉ qua vài câu nói, hay vài câu trên mạng xã hội.
Trong một bài phỏng vấn nọ với Billie Eilish, có một câu hỏi rằng: “Nếu được, bạn sẽ đưa ra lời khuyên nào cho bản thân mình của 1 năm trước đó?”
“Đừng post mọi thứ mình nghĩ. Đừng post hết về cảm xúc của mình. Đừng làm thế.”
Sẽ luôn có những người, trước mặt bạn thì cảm thông, nhưng sau lưng lại nói bạn làm quá, nhưng hãy hiểu rằng điều đó là hoàn toàn bình thường, và chẳng có gì sai khi họ nói ra những gì mình nghĩ cả. Thế nên, đừng chia sẻ tất cả những gì mình nghĩ trên mạng xã hội, đừng nói rằng bạn đang cảm thấy thế nào, đừng nói hết lòng mình cho thiên hạ nghe. Bởi lẽ, họ có nghe, cũng sẽ không bao giờ hiểu được.
Những vấn đề bạn gặp phải, những chuyện mà bạn đi qua hàng ngày, những tâm tư bạn có trong đầu, một đời này, sẽ không có ai thấu hiểu được ngoài chính bạn.
#sidavl