Thống kê đến tháng 9/2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 29.000 so với quý trước đó. Nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao nhất, hơn 202.000 người. Tiếp đến là cao đẳng 122.000 người và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người (Theo Vnexpress). Những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp vẫn là một hệ quả gây đau đầu dư luận của nền giáo dục và kinh tế hiện nay. Những tranh cãi, bàn luận xoay quanh vấn đề tồn đọng này chưa bao giờ tìm được hồi kết. Tìm hiểu một góc nhìn về nguyên nhân và cách thức “chữa trị” các căn bệnh đang ủ trong giáo dục hiện tại qua bài viết dưới đây:

1.  Hầu hết các trường học vẫn dạy học sinh cách ghi nhớ nội dung.
Sự thật là những phương pháp giáo dục được sử dụng trong các trường học vẫn dựa trên việc ghi nhớ nội dung, các sự kiện và khái niệm nhất định, một phương pháp đã được chứng minh là không mang lại hiệu quả. Về cơ bản, học sinh cần phải học thuộc rất nhiều nội dung và sử dụng lại những nội dung đó trong các bài kiểm tra. Vấn đề là học sinh không lưu lại được những kiến thức này. Thứ chúng ta cần là một chương trình giáo dục rõ ràng, bao quát, thực sự trang bị cho học sinh những kiến thúc và kỹ năng giúp thành công trong cuộc sống. Giáo dục nên dạy học sinh cách học chứ không phải là chỉ cho học sinh biết cần học thứ gì. Ngoài ra, nền giáo dục cũng nên giúp học sinh tìm được niềm đam mê và mục đích sống của mình, đồng thời dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết để theo đuổi ước mơ. Một hệ thống giáo dục như vậy sẽ tạo cảm hứng để học sinh cố gắng hết sức mỗi ngày và trở thành những công dân chủ động, có hiểu biết.

2.  Thị trường lao động đã thay đổi, do đó hệ thống giáo dục cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp.
Sự khởi đầu mạnh mẽ của kỷ nguyên thông tin cũng đã khiến cho rất nhiều công việc trở nên lỗi thời, công nhân được thay thế bằng các quy trình tự động. Kết quả là giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với một thực trạng kinh tế mới và hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực trạng này. Vậy nên thay vì đào tạo ra những công nhân chỉ biết thuộc lòng các khái niệm và làm những công việc lặp đi lặp lại, hệ thống giáo dục cần dạy cho học sinh tư duy sáng tạo để trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có khả năng giải quyết các vấn đề gặp phải trong tương lai. Nếu không thay đổi, hệ thống giáo dục sẽ trở nên lỗi thời và không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, nếu ta dạy cho giới trẻ cách vận dụng khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề, họ sẽ không những có thể tự nuôi sống bản thân mà còn tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và giúp cho đất nước ngày một thêm giàu mạnh.

3.  Cần phải có những phương pháp giảng dạy mới trong giờ học.
Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy chán ngấy khi phải ngồi nghe giảng trong suốt 60 hay thậm chí là 90 phút? Với đa số mọi người, nếu trả lời là “chỉ có vài lần” thì có nghĩa là đã nói giảm nói tránh đi rất nhiều. Cho dù có thể chúng ta đã chịu đựng được những giờ học buồn tẻ như vậy, vấn đề sẽ là chúng ta thực sự đã học được bao nhiêu? Điều quan trọng là những bài giảng đó không có mấy tác dụng. Điểm mấu chốt là với nguồn tài liệu và nội dung có sẵn 24/7, sinh viên không thật sự cần những bài giảng. Hệ thống giáo dục như vậy có thể phù hợp trong quá khứ, khi giáo viên là người duy nhất nắm giữ những kiến thức quan trọng mang tính chuyên môn; nhưng chúng ta đều biết rằng thời đó đã qua rồi. Ngày nay, sinh viên không phải chịu đựng những bài giảng đơn điệu kéo dài vô tận; và điều đó thật tuyệt vời, vì rất nhiều người phải cố gắng lắm mới ngồi nghe hết được. Ví dụ, trưởng nhóm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm Media Lab của trường MIT, Joi Ito, gần đây đã đề nghị một sinh viên tham gia quá trình theo dõi hoạt động của não bộ trong vòng một tuần. Ông phát hiện ra rằng não của sinh viên này ít hoạt động nhất trong các giờ giảng, còn ít hơn cả khi ngủ!

Xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn mắc kẹt ở phương pháp cũ. Kết quả là ta đang giáo dục giới trẻ theo các phương pháp đã lỗi thời. Để cho con cái chúng ta có cơ hội thành công, ta phải đổi mới ngành giáo dục một cách sáng tạo và toàn diện.
-------------------
Bài viết áp dụng 30% nội dung của bản tóm tắt trong cuốn sách "Cơ Hội Thành Công Cao Nhất" (Most Likely to Succeed) - Tác giả: Tony Wagner, Ted Dintersmith khi đưa ra nhận định về những lỗi thời của giáo dục Hoa Kỳ.
Khám phá toàn bộ bản tóm tắt tại ứng dụng http://bit.ly/SachCheckit