Thất nghiệp nhưng không thất bại
"Can đảm không phải là có dũng khí để bước tiếp, mà là vẫn tiếp tục bước dù không có dũng khí" - Napoleon Bonaparte

Đây là một bài viết không được vui vẻ lắm.
Mấy năm gần đây trên mạng xã hội hay có trào lưu bình thường hoá: bình thường hoá việc đi làm về đúng giờ, bình thường hoá việc không đi team building, bình thường hoá việc không đọc sách, bình thường hoá lì xì có 10 nghìn, bình thường hoá nắm tay nhưng chỉ là bạn bè...nhưng mà đa số đó chỉ là ở dạng chia sẻ quan điểm, vô thưởng vô phạt. Còn thất nghiệp ở tuổi 35, 40 thì mình chắc chưa ai đi kêu gọi bình thường hoá cả, chắc vì nó đụng đến những thứ thực tế khắc nghiệt hơn là những suy nghĩ để tiêu khiển. Có lẽ đây là một trong những bài viết đầu tiêu kêu gọi mọi người chuẩn bị tinh thần để "bình thường hoá" thất nghiệp ở tuổi trung niên để vì khi chuyện xảy đến, bạn cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần và một lít nước mắt để bước tiếp.
Mình viết bài này khi mình chưa ở tuổi 35 nhưng cũng đang trải nghiệm thất nghiệp ở mức vừa phải. Nói là ở mức vừa phải vì mình chỉ chủ động xin nghỉ và sau đó mình đi làm các dự án cá nhân chứ không chủ động đi tìm việc ở một công ty mới. Tuy nhiên khi mình nhìn lại thì mình nhận ra nếu mình tiếp tục làm thì mình cũng không rõ bản chất công việc của mình sẽ trở nên như thế nào nhưng mình đoán là nó không được tươi sáng lắm, vì chỉ trong chưa đầy 6 tháng, các công cụ AI mình dùng để viết nội dung tài liệu ở mức cơ bản giờ đã có thể tư duy có chiều sâu, lên kế hoạch và chiến lược chi tiết. Vài tháng nữa khi AI Agent trở nên phổ biến thì việc toàn bộ một quy trình ("workflow) được trở nên tự động hoá là điều không có gì bất ngờ. Tất nhiên các công cụ này vẫn tốn tiền để dùng và cần người thiết lập, nhưng chi phí bỏ ra để làm việc đó ít hơn so với việc bỏ tiền ra cho mình hoặc những người làm việc giống mình rất nhiều.
Nhìn rộng ra, thất nghiệp có lẽ là xu hướng đang nổi lên ở nhiều quốc gia và nó không chỉ nằm trong phạm vi của một nhóm công ty, ngành nghề nữa mà lan rộng tới mọi lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả các chính trị gia. Thất nghiệp không phải gây ra chỉ bởi AI và robot, nó đến còn từ nhiều yếu tố vĩ mô khác. Tuy nhiên AI và robot có góp công nhiều trong đó. Nếu như năm 2022, người đi làm ở Việt Nam chỉ hay bàn tán về các đợt sa thải nhân sự bên Mỹ như một chuyện để đàm tiếu, thì qua năm 2023 các nhân viên IT ở Việt Nam bắt đầu thấm nỗi đau, mọi người bắt đầu nhận ra rằng IT không còn là "vua của mọi nghề". Đến cuối năm 2024 thì làn sóng sa thải, nghỉ việc bắt đầu lan rộng qua các ngành nghề khác, bao gồm cả các vị trí được gọi là không thể bị sa thải (trừ khi phạm tội) như thứ trưởng, cục trưởng, phó phòng. Đến đầu năm nay thì chuyện ngân hàng X, công ty sữa Y, hay tập đoàn FMCG U cũng "tái cấu trúc" càng khiến tâm lý chung của thị trường lao động trở nên trầm lắng hơn. Mười năm kinh nghiệm, mười lăm năm cống hiến không vượt được qua cụm từ "cắt giảm chi phí".
Bản thân mình cho rằng năm nay có lẽ là năm đặt dấu chấm hết cho suy nghĩ "công việc ổn định". Thật ra cái khái niệm này tồn tại lâu hơn mình tưởng vì mình đã nghĩ rằng khi người ta chứng kiến những ngành nghề cũ bị lấn át bởi các công nghệ và xu hướng làm việc mới, người ta đã phải nhận ra họ cần thay đổi. Mình rất bất ngờ khi vào năm 2024, 2025 vẫn nghe nhiều bạn trẻ kể họ đang muốn làm việc này, việc kia vì nó "ổn định". Đúng là với rất nhiều người, họ chỉ thay đổi khi quyền lợi của họ bị đe dọa trực tiếp.
Mình thấy cuộc sống ngày càng nghiệt ngã, bởi vì khi những công việc cuối cùng thuộc nhóm "công việc ổn định" biến mất thì chúng ta nhận ra rằng chỉ chúng ta mới có thể tự nuôi được bản thân mình. Nhưng ở thời đại này làm điều đó khó hơn rất nhiều. Giải pháp chúng ta hay nghĩ đến là chúng ta phải thường xuyên học hỏi, nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng, nhưng điều đó có ý nghĩa gì nếu thứ thay thế chúng ta cũng trở nên giỏi giang hơn. Một người hơn 40 tuổi làm việc gần 20 năm ở một nhà máy sản xuất ô tô, hoặc chị thiết kế đồ họa 35 tuổi với 10 năm kinh nghiệm phải nâng cao kỹ năng hay học hỏi liên tục như thế nào, khi phần lớn kỹ năng và kinh nghiệm của họ ta bỗng nhiên không còn giá trị, hoặc nó có thể bị thay thế bởi AI và robot với chi phí thấp hơn rất nhiều. Vấn đề họ ở đây không phải là họ không thường xuyên nâng cấp kỹ năng, mà là đang có những thứ không-phải-người có thể làm việc giống như họ với chi phí thấp hơn rất nhiều, và đã vậy chúng cũng liên tục được nâng cao kỹ năng. Con người chúng ta càng nâng cao kỹ năng thì càng nâng cao giá trị bản thân, trong khi công nghệ lại đi theo hướng xịn hơn nhưng rẻ hơn.
Tất nhiên sẽ có những tiếng nói phản biện bảo rằng mình đang bi quan thái quá, và việc máy móc thay thế con người diễn ra thường xuyên trong lịch sử và xã hội loài người vẫn phát triển bình thường, chất lượng cuộc sống vẫn tăng cao và con người vẫn sống ổn. Điều đó mình hoàn toàn đồng ý, nhưng có những đặc điểm của làn sóng công nghệ mới này khác với trong lịch sử.
Thứ nhất là thời gian. Trong quá khứ, các máy móc mới trong sản xuất thường mất nhiều thời gian để được tinh chỉnh hoàn thiện và thời gian nâng cấp thường kéo dài trong nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ, thì AI và robot lại đang có tốc độ phát triển tính theo tháng. Chúng ta chỉ cần so sánh bởi ảnh tạo bởi công cụ AI Midjourney vào tháng 12/2022, khi chatGPT mới được giới thiệu, và tháng 12/2024 sẽ thấy sự thay đổi một trời một vực của công nghệ.
Thứ hai là về quy mô ảnh hưởng. Trước đây các công nghệ mới thường chỉ gây ra thay đổi trong phạm vi nhỏ trong một số ngành nghề nhỏ, bởi vì công nghệ đó chỉ được thiết kế cho nhóm ngành nghề đó. Ví dụ như khi máy khâu ra đời thì ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến người thợ đan, nhưng không ảnh hưởng tới người thợ rèn. Hoặc khi Photoshop ra đời nó chỉ ảnh hưởng tới những người làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa chứ không ảnh hưởng đến những người làm kế toán. Trong khi đó AI lại khác, nó được thiết kế để học và làm tất cả những thứ con người đang làm hiện nay, tức nó là một công cụ "đa chức năng" (general purpose) có thể nhanh chóng được tinh chỉnh cho phù hợp với từng công việc. Công cụ AI mà người lập trình viên đang dùng để hỗ trợ viết code cũng là công cụ AI mà một chuyên viên tài chính đang dùng để phân tích dữ liệu, và cũng là công cụ AI đang được công an dùng để nhận diện khuôn mặt tội phạm. Ngay cả những việc lao động chân tay tưởng như không sợ bị AI thay thế cũng đang gặp rủi ro bị thay thế bởi robot trang bị AI, và không nơi nào thể hiện điều đó rõ hơn là ở Trung Quốc, nơi xe hơi tự lái, robot phục vụ nhà hàng và robot làm việc trong kho hàng ngày càng trở nên phổ biến.
Thứ ba là về số lượng công việc mới tạo ra. Khi Facebook ra đời, nó không đe dọa nhiều đến ngành quảng cáo truyền thống, nhưng đồng thời lại tạo ra một kênh quảng cáo rất mới và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực này. Khi xe điện của Tesla trở nên thành công về mặt thương mại và thu hút nguồn lực đổ vào công nghệ mới này, nó đe dọa toàn bộ nền công nghiệp động cơ đốt trong truyền thống, nhưng đồng thời tạo ra một lượng lớn việc làm mới trong ngành công nghiệp pin và xe điện. Còn với AI và sắp tới là robot, đã hai năm rưỡi trôi qua và chúng ta chưa thấy một ngành nghề nào đang thu hút lao động mới, và làn sóng cắt giảm nhân lực tưởng như đã dừng lại thì hóa ra lại tăng mạnh hơn. Một vấn đề với AI là dường như nó không cần thu hút thêm quá nhiều người để phát triển nó. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, người đứng đầu đội ngũ phát triển mô hình DeepSeek đang làm mưa làm gió trong tháng qua, Liang Wengfeng đã nói rằng đội ngũ của ông luôn cần nhiều dữ liệu và năng lực tính toán (compute power) hơn để phát triển các mô hình tốt hơn. Ông không nói gì đến cần tuyển thêm người.

Ngay cả CEO của Nvidia, ông Jensen Huang, cũng nói rằng yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của AI là năng lực tính toán của các card đồ họa (GPU), và hầu như không nói đến việc cần có nhiều người làm trong lĩnh vực này hơn nữa. Dường như ngành nghề nào đang không hề rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, và nhu cầu tuyển thêm người vào ngành nào không thể bù đắp nổi cho những sự thừa thãi nhân lực mà nó tạo ra.
Ba yếu tố then chốt đó: thời gian phát triển quá nhanh, quy mô phát triển quá lớn và nhu cầu tuyển dụng mới quá thấp đang tạo ra một sự hỗn loạn lớn trên thị trường lao động gần như ở mức toàn cầu.
Nhưng không phải tất cả các thay đổi đó đều khiến cuộc sống chúng ta tệ đi. Nghĩ theo một điều tích cực, sự hỗn loạn của AI này giống như lại tháo bớt những xiềng xích định kiến trong đầu mỗi người hiện nay. Việc bạn bị sa thải bỗng nhiên không phải là điều gì đó thật xấu hổ để giấu gia đình (giống như phim "Upstream" mô tả), mà thay vào đó là một việc hiển nhiên giống như tỏ tình bị từ chối là điều phổ biến vậy. Người chê cười bạn thất nghiệp hôm nay, vài tuần sau cũng có thể rơi vào cảnh giống bạn. Ngoài ra việc phá vỡ các mối quan hệ lao động truyền thống cũng giúp chúng ta thoát khỏi tâm lý mong chờ một nơi nào đó sẽ nuôi chúng ta và mang hạnh phúc đến cho chúng ta, chúng ta quay về với người trung thành với mình nhất là trái tim và khối óc của mình. Thật ra điều đó đã xảy ra trong thời gian gần đây với các mô hình tự kinh doanh online, nhưng bây giờ nó được đẩy nhanh lên gấp cả trăm lần nhờ vào AI và robot cao cấp.
Có một thứ mình nghĩ cũng sẽ thay đổi, đó là chúng ta không còn định nghĩa "thành công" bằng khái niệm "mãi mãi trường tồn". Có lẽ đây là một hiện tượng chỉ xuất hiện trong thế giới hiện đại. Bạn mở một tiệm bánh kinh doanh rất thành công trong nhiều năm và thu hút được nhiều khách hàng, nhưng sau vài năm kinh doanh khó khăn bạn lỗ vốn và phải đóng cửa. Người ta sẽ coi đó là "kinh doanh thất bại". Bạn đã là một nhân viên xuất sắc của công ty trong nhiều năm, đóng góp nhiều cho công ty, nhưng đến một thời gian bạn không theo kịp công nghệ mới và bị lứa trẻ giỏi hơn, tài năng hơn thay thế khiến bạn bị thất nghiệp, bạn sẽ bị coi là "thất bại trong sự nghiệp". Bạn đã cưới và sống chung với một người mười năm, đã có nhiều tháng ngày hạnh phúc bên nhau, nhưng rồi cả hai thay đổi, hai người không hợp nhau nữa và ly dị, người ta sẽ coi đó là "thất bại trong hôn nhân". Dường như đối với xã hội chúng ta, chỉ những thứ gì "mãi mãi trường tồn" mới không là thất bại.
Điều đó chẳng phải là trái với quy luật tự nhiên, rằng không có gì là mãi mãi trường tồn? Chúng ta hoàn toàn có thể coi một thứ nào đó là tốt đẹp, là thành công, dù nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và cuối cùng kết thúc. Khái niệm như "thất bại trong cuộc sống" mình nghĩ nó xuất phát từ việc chúng ta gắn chặt cuộc đời mình vào một thứ nào đó, và cho rằng chúng ta không thể sống thiếu nó. Có rất nhiều mục tiêu trong cuộc sống chúng ta muốn đạt được chỉ vì chúng ta muốn được công nhận trong mắt người khác, từ việc chọn trường, chọn ngành nghề cho đến chọn công ty. Có những người mình biết vẫn hay kể về quãng thời gian họ làm ở một công ty danh tiếng cho dù họ đã rời công ty đó hơn 5 năm, hay một người dù đi làm đã gần chục năm vẫn khéo léo nhắc về tên ngôi trường đại học danh tiếng họ từng học. Mọi thứ cứ như giá trị bản thân họ luôn được định nghĩa bởi một thứ bên ngoài.
Khi chúng ta ở một mình với bản thân chúng ta sẽ thấy mọi thứ chỉ là một giai đoạn mà chúng ta trải qua. Bị sa thải khỏi công ty chúng ta gắn bó nhiều năm, đó không phải là một thất bại, đó chỉ là dấu mốc cho một giai đoạn không còn quay lại nữa trong cuộc đời, và chúng ta chuyển qua một giai đoạn khác. Chúng ta không cần nghĩ đến khoảnh khắc đó và thấy tệ hại cho bản thân, cũng như không cần phải lấy hình ảnh công ty đó để đo giá trị bản thân mình. Mọi thứ có thể tệ đi về mặt tài chính nhưng ít nhất chúng ta có nhiều thời gian cho bản thân hơn, để chúng ta nhận ra cuộc sống của mình không phụ thuộc vào những đánh giá ở ngoài kia. AI và robot có thể đã khiến chúng ta rơi vào tình huống khó khăn, nhưng nó cũng là thứ có thể giúp chúng ta tự làm chủ cuộc sống của chính mình, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Why Greatness Cannot Be Planned: The Myth of the Objective

Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
Nói một cách lạc quan thì những thay đổi gần đây ép buộc chúng ta phải thay đổi, mình là người có tính cách nhút nhát và thích sự ổn định trong vùng an toàn nhưng bỗng một ngày nhận ra là điều đó không còn phù hợp với thời đại nữa.
Nhưng cho dù thế nào thì cũng lạc quan vào ngày mai thôi, mỗi tội ngày mai... lại chưa đến :)))