Sau tốt nghiệp, mình rời kí túc xá, nơi luôn tràn ngập tiếng cười, câu nói nô đùa của 7 đứa bạn cùng phòng để ra trọ, sống một mình với sự tĩnh lặng và nhiều chút cô đơn.
Nhưng sống một mình lại có rất nhiều điểm cộng, đặc biệt với một người thích dành thời gian một mình để làm những điều mình thích
Mấy ngày vừa qua, mình đang có một vài bất ổn về mặt tâm lý khi những mối quan hệ xung quanh có những sự đảo lộn.
Suy nghĩ.
Hụt hẫng.
Và buồn chán.
Như một lời nhắc nhở về sức khỏe của bản thân, trong thời tiết khó chiều chuyển mùa này, vô tình mình bị ho, đau họng rồi viêm họng và sốt.
Trong lúc tâm lý bản thân không ổn định, mình đã chọn về nhà với ba mẹ. Mình chỉ muốn ôm chầm lấy mẹ mà khóc thôi. Nghĩ trong lòng vậy, nhưng mình chưa có làm được. Có lẽ điều gì đó còn ngăn cản mình trong việc thể hiện và bày tỏ cảm xúc của mình với gia đình, đặc biệt là ba mẹ.
Về nhà, đau họng mẹ nấu quất mật ong cho, ra vườn hái lá ngải cứu đắp hạ nhiệt, ba đi mua thuốc, nấu cháo cho. Ba mẹ lo và thương cho.
Rồi những chuyện buồn, những khúc mắc chưa kể cho ai, mình cũng kể được với mẹ và ba, và chị gái. Điều tuyệt vời nhất là gia đình cho mình một nền tảng tinh thần vững chắc để mình không có những suy nghĩ tiêu cực. Hơn hết, mình thấy được rằng gia đình đã lắng nghe mình, cho mình góc nhìn tích cực chứ không phải gieo rắc trong mình những sự căm ghét, hận thù về những nhân vật trong câu chuyện của mình. Nói xong thấy lòng nhẹ nhàng và bình yên hẳn.
Mình ngẫm lại, nếu mình ở lại phòng trọ trong thân hình với nhiệt độ cao hơn 37, cổ họng rát buốt, đầu nhức ong ong mà chỉ một mình trong tinh thần tồi tệ, chắc mình sẽ thành “con ma lẻ loi” trong căn phòng mất.
Thế mới thấy, bài học về sự trân quý gia đình tưởng chừng như rất dễ hiểu, dễ nhớ nhưng phải nói là khó thực hành vô cùng. Có những lúc, phải rơi vào tình thế éo le, những hố sâu tinh thần không thế nào tự cứu rỗi, mình mới nhận ra được giá trị của gia đình là như thế nào.
Mình hiểu rằng ở đây, có nhắn nhủ bao nhiêu lời khuyên tới các bạn trẻ, chẳng hạn như hãy yêu thương gia đình nhiều hơn, hãy gọi về gia đình và hỏi thăm ba mẹ nhiều hơn thì cũng sẽ rất khó thực hiện nếu bản thân các bạn chưa nhận ra được bài học liên quan đến gia đình. Thay vào đó, mình sẽ nhấn mạnh lại một điều rằng: Trong tất cả các mối quan hệ, gia đình sẽ là nơi yêu thương mình vô điều kiện và sẽ là nơi dang vòng tay đón lấy mình khi mình chẳng biết đi đâu, về đâu.
Có thể điều trên sẽ không đúng với trường hợp của những bạn không có nền tảng gia đình hạnh phúc, nhưng cho dù điều gì có xảy ra, mình vẫn luôn tin tình thương máu mủ là điều ẩn sâu trong mỗi người đều có, chỉ là cách thể hiện của mỗi người là khác nhau hoặc họ chưa biết cách thể hiện như thế nào mà thôi.
Mình vẫn nhớ lần nọ mình tâm sự với chị đồng nghiệp, chị ấy bảo ba chị ấy chưa bao giờ khen chị ấy một lời từ bé tới giờ, dù là học giỏi hay đạt giải xuất sắc trong các cuộc thi cấp thành, thậm chí là quốc tế. Nhưng bạn biết sao không, mỗi lần nhắc tới con gái trước mặt người khác, chú ấy luôn tự hào về những điều con mình làm được. Mỗi lần chị xảy ra vấn đề gì, chú ấy vẫn luôn theo dõi và cập nhật, có điều là gián tiếp qua mẹ chị ấy mà thôi. Chị đồng nghiệp kể thêm về chuyện chị hiểu sao ba mình lại ít bày tỏ tình cảm với con cái, không phải là ba chị không muốn mà bởi vì ba chị ấy có khi chưa biết phải làm thế nào. Lý do bắt nguồn từ chuyện ông nội của chị mất sớm, từ lúc ba chị ấy còn nhỏ. Thế nên, ba của chị ấy đã không cảm nhận được tình thương và sự săn sóc của một người cha, thế nên, cũng không học được cách làm cha từ ba của mình…
Ba mình cũng vậy. Một người đàn ông tưởng chừng sắt đá, hoặc luôn làm trò vui để gia đình cùng cười nhưng cũng có những lúc yếu mềm. Là những lúc ba mệt mỏi vì cuộc sống cơm áo gạo tiền lo cho con ăn học nhưng vẫn gồng mình lên và bảo “Ba lo cho bọn con được”. Là những lúc ba rất nhớ con cái, đặc biệt là người con đã mất nhưng ba chọn rượu giải sầu, kìm nén những giọt nước mắt trong lòng mà chẳng tâm sự với ai. Hôm mình lên xe đi Sài Gòn, ba thấy mình loay hoay ở cửa một lúc, tính hỏi sao mình chưa lên xe. Mình mới bảo "Con phải ôm ba một cái đã chứ". Lúc đó, ba bật cười "Rồi rồi" và dang tay ôm mình một cái. Lên xe ngồi một lúc, bỗng mình nghe tiếng ba hỏi "Con bé nhà chú đâu rồi?". Thấy mình ngồi phía xa xa, ba dạm hỏi bác tài "Cho con bé nhà chú lên trên xíu được không, con bé nó đang bị ốm." Lúc đó, mình chỉ muốn chạy xuống xe về lại với ba mẹ thôi... Ba mình xưa nay ít bày tỏ tình cảm, cũng ít nói lời yêu thương, ấy vậy mà lúc ba về đến nhà, ba liền nhắn cho mình một tin "Con gái ba vui vẻ, thượng lộ bình an"...
Hoặc mẹ mình cũng thế. Mình vẫn nhớ có lần, mẹ gọi điện cho mình và mẹ khóc đỏ con mắt. Có lẽ đó là lần gọi điện mình sẽ không bao giờ quên. Mẹ bảo lâu không thấy mình gọi, tưởng mình giận hờn ba mẹ điều gì hoặc có chuyện gì đó. Lúc đó, mình mải mê với cuộc sống xã hội xung quanh, có chuyện gì thì sẽ kể lể trên mạng xã hội, bạn bè đó đây mà bỏ lơ đi những mối quan hệ quan trọng, đặc biệt là gia đình. Giờ thì mỗi ngày, 5 phút cũng được, gọi điện về với mẹ, lâu lâu đặt vài món đồ tân trang nhà cửa hoặc những món ba mẹ thích để mình cảm thấy kết nối với ba mẹ và gia đình hơn. Đi về nhà được thì về, càng tốt.
Khi mình bé, chuyện gì cũng kể với ba mẹ, ba mẹ đi đâu cùng đòi theo. Nhưng khi lớn, khoảng cách cũng mỗi ngày một lớn, chuyện kể với ba mẹ một ngày ít dần, những việc đồng hành với ba mẹ cũng ít hơn. Điều đó là hệ quả tất yêu, vì mình và ba mẹ không thể nào gắn liền với nhau đến hết đời. Mỗi người đều có sứ mệnh, lựa chọn và những sự quan tâm khác nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là dù khoảng cách có bao xa hay như thế nào đi chăng nữa, gia đình luôn là viên ngọc quý mà mỗi người cần quý trọng và nâng niu.