Thất lạc cõi người- Viết nhân ngày sinh nhật Dazai Osamu
Tại London, tháng 12 năm 2003, một người phụ nữ tên là Joyce Carol Vincent đã chết một mình trong cô đơn tại chính căn hộ cô thuê....
Tại London, tháng 12 năm 2003, một người phụ nữ tên là Joyce Carol Vincent đã chết một mình trong cô đơn tại chính căn hộ cô thuê. Kì lạ thay, mặc dù tivi và lò sưởi của cô vẫn bật trong suốt 3 năm liên tục, nhưng không một ai phát hiện ra cô đã chết cho đến khi các nhân viên Sở nhà đất đến tịch thu căn hộ vào năm 2006.
Có quá nhiều thứ kì lạ xung quanh cái chết của cô và điều này đã trở thành cảm hứng cho một bộ phim tài liệu sau đó. Nhưng điều khiến mình băn khoăn nhất là, cô gái ấy chắc hẳn đã cắt đứt hết mọi mối liên hệ với thế giới này. Chỉ có thế, thì khi cô biến mất, khắp thế gian này mới chẳng một ai đi tìm như thế.
Thật cô độc. Con người ta hẳn phải thấy cuộc sống này đáng sợ lắm mới tránh xa tất cả mọi người như vậy. Dù cuộc sống có thiên biến vạn hóa thế nào thì có lẽ vẫn luôn có một số người sinh ra vốn đã không thuộc về thế giới này. Họ cũng như nhân vật Oba Yozo trong “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu vậy. Hoang mang, sợ hãi trước “nhân gian” và cả đời chỉ cố gắng hòa mình vào dòng chảy ấy, để rồi đến cuối cùng thấy mình vỡ vụn, tan hoang.
Ngay từ khi còn nhỏ, Oba Yozo đã đau đáu trong mình câu hỏi về hạnh phúc và ý nghĩa của một con người. Một câu hỏi lớn cuộc đời bỗng xuất hiện trong đầu một đứa trẻ. Nó thấy mình lạc lõng và không giống với tất cả “nhân gian”. Nó chọn cách hòa nhập vào thế giới ấy trong vai một anh hề. Nén chặt nỗi sợ hãi và cô độc của mình vào bên trong, tỏ ra hài hước và làm vừa lòng mọi người xung quanh là cách sống mà Yochan đã chọn trong suốt thời niên thiếu của mình.
Và nếu như mọi sự cứ suôn sẻ như thế thì thật tốt biết mấy. Thế nhưng bản chất của con người và thế giới này là gì, mà biết bao nhiêu thứ bất tín tồi tệ vẫn luôn diễn ra trước sự cố gắng nỗ lực hòa nhập của Yochan. Một con người đã nhận thức rõ sự cách biệt của mình với nhân gian đến thế, hẳn phải đau lòng lắm khi đã vùi mình trong nghệ thuật, tửu sắc, bằng hữu, thậm chí là cả lý tưởng cách mạng chỉ để mong cầu một nhịp điệu chung, một tiếng chung với thế gian này.
Sự thê lương, bĩ cực của Yochan được tác giả thể hiện bằng một giọng nói nội tâm đầy mỉa mai, hài hước và châm biếm. Có lẽ ngay đến cả khi viết lại cuộc đời mình trong cuốn nhật ký, Yochan cũng gửi gắm vào đó nỗi khao khát làm người đúng nghĩa, khi anh vẫn cố diễn tròn vai của một anh hề. Tự cười và hổ thẹn cho chính cuộc đời và hành động của mình. Nhưng cũng tự chấp nhận và thả trôi bản ngã, mặc cho “nhân gian” đối phó với vận mệnh của mình.
Có lẽ cũng có rất nhiều người ngoài kia, như Yochan, như cô gái Joyce Carol, đau đớn nhận ra dù cố gắng cách mấy thì mình cũng không thuộc về thế giới này. Sự mất kết nối giữa con người và cuộc sống như thế này mình cũng đã bắt gặp trong tiểu thuyết của Haruki Murakami rất nhiều lần. Phải chăng sau khi đã chiến thắng được thiên nhiên và làm chủ được công nghệ, loài người đang thực sự bước vào một cuộc chiến mới khi đối thủ lớn nhất lại là chính sự yếu đuối, cô đơn, lạc lõng trong chính bản thể mỗi con người?
Mình chưa bao giờ cổ vũ cho chuyện tự tử nhưng sau nhiều lần đọc các tác phẩm văn học Nhật, mình ngộ ra một chân lý: Con người ta có quyền được sống và quyền được chết. Tăm tối, mất mát, đớn đau. “Cuộc đời mà đến thế thì thôi, còn làm gì được nữa”.
[Viết nhân ngày sinh nhật Dazai Osamu- 19/06/1909]
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất