Ảnh bởi
Green Chameleon
trên
Unsplash
Nghề nghiệp nào cũng có khó khăn riêng và viết lách cũng không ngoại lệ. Cứ nghĩ chỉ cần có chút thơ trong người thì viết lách là chuyện nhỏ. Tôi đã sai khi suy nghĩ như vậy, không phải lúc nào cũng có thể tìm ra được nguồn cảm hứng hay niềm đam mê để viết. Tôi mới bước chân vào con đường viết lách nhưng tôi đã cảm nhận được sự khó khăn chông gai rất nhiều phía trước. 

Thất bại/ khó khăn tôi từng gặp trong viết lách

Ảnh bởi
Aaron Burden
trên
Unsplash
Khó khăn nhất chính là không biết bắt đầu từ đâu. Phải viết chủ đề gì, viết như thế nào, và cứ thế tôi rơi vào trạng thái hỗn loạn, muốn bỏ cuộc. Đã có nhiều lúc tôi ngưng luyện viết bởi vì tôi không biết phải viết gì. Rồi tôi lại bắt đầu vì cảm thấy có lỗi với bản thân khi chưa làm gì đã bỏ cuộc. Quan trọng hơn tôi tiếc số tiền lớn đã bỏ ra đăng ký khóa học viết lách.
Tôi vốn là một người có sự tập trung rất kém nên tôi phải dành rất nhiều thời gian để viết xong một bài viết chỉ 500 - 800 từ. Khi nghiên cứu tài liệu để viết bài, tôi không thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng mà đầu óc thường lơ mơ không nghĩ ra vấn đề. Sau một lúc, tôi lại không biết mình muốn tìm tài liệu gì, muốn viết chủ đề gì. 
Không quản lý tốt thời gian cũng là thất bại lớn của bản thân tôi. Sự ham chơi, xem thường thời gian thời tuổi trẻ đã tạo nên tôi kém cỏi của ngày hôm nay. Tôi luôn trì hoãn tất cả mọi việc, “thôi để ngày mai đi, mình còn thời gian mà.” Cứ thế, từ việc này qua việc khác, ngày này qua ngày khác tôi ngày càng trở nên trì trệ hơn. 
Tôi thích viết vì viết ra có thể giúp tôi sắp xếp lại suy nghĩ, có thêm vốn từ, luyện khả năng tư duy. Nhưng tôi chỉ giỏi viết suy nghĩ của mình, khi phải viết theo một chủ đề từ người khác yêu cầu tôi lại như gà mắc tóc mà không thể nghĩ ra được câu chữ nào. 

Cách khắc phục

Khi mới viết, ai cũng đặt kỳ vọng thật cao cho tác phẩm của mình rồi đến khi thành quả ra lò lại thật thất vọng biết nhường nào. “Mình đang viết gì vậy? Tại sao mình lại viết dở như vậy?” Là những câu nói thường xuyên xuất hiện trong đầu mỗi khi tôi viết gì đó. Mặc dù đã tự động viên bản thân viết càng nhiều sẽ càng tiến bộ, có công mài sắt có ngày nên kim. Nhưng khi dạo quanh và đọc bài viết của các blog khác tôi lại tự ti về bản thân mình. Những lời tự động viên trước đó đều bay đi hết, để lại những chỉ trích về sự kém cỏi của bản thân. Không biết phải làm gì hơn, rồi tôi đọc lại những lời nhận xét từ chị dạy tôi viết lách, đến lời khen của bạn bè. Tôi chú ý đến những lỗi mình hay mắc phải, đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết của mình rồi rút ra kinh nghiệm. Tôi nhận ra, chẳng có lời khen chê nào có thể ảnh hưởng mình trừ chính bản thân tự đánh giá mình. 
Ảnh bởi
Julia Joppien
trên
Unsplash
Đọc nhiều hơn, đọc để trau dồi vốn từ, có thêm thông tin kiến thức rồi áp dụng vào bài viết của mình. Đôi khi, nhờ đọc mà tôi có thêm ý tưởng, chủ đề khi đang không biết viết gì. Những câu hát vô tình nghe được, những sự việc xảy ra hằng ngày xung quanh cũng là nguồn cảm hứng để tôi viết đôi ba câu về nó. 
Qua những ngày tập viết, tôi rút ra được rằng nếu cố gượng ép thì sẽ không thể nào viết được. Tôi để mọi chuyện chảy tí tách như từng giọt sương mai mà không phải quá vồn vã gồng mình để viết. Có khi là đôi ba dòng vu vơ tôi bắt gặp một chú chó nhỏ trên đường, lúc khác lại trải lòng vì thấy sự dễ thương của hai ông bà cụ dắt tay nhau đi dạo ngắm hoàng hôn bên bờ biển. 
Mặc dù, viết lách phải cần một sự kỷ luật thép để rèn luyện mỗi ngày nhưng cũng đừng quá gồng mình khi bản thân chỉ mới viết được một đoạn trong cả giờ đồng hồ. Tôi đã và đang trải qua giai đoạn đó và tôi hiểu cảm giác bất lực ra sao. Tôi đã tìm ra biện pháp cho chính bản thân là viết những gì đang ở trong đầu ra, đừng để chúng kiểm soát bạn. Sau khi viết xong, hít thật sâu, uống một ngụm nước rồi quay trở lại với việc vừa bị gián đoạn. Tôi không biết cách này có giúp gì được cho bạn không, ít ra đối với tôi, nó giúp tôi suy nghĩ thoáng hơn. Hy vọng bạn cũng tìm ra cách giúp bản thân mình viết tốt hơn.