Thất bại của bóng rổ nữ Nhật Bản: Lộ bản chất khi không còn là chủ nhà?
Đến với Giải bóng rổ nữ vô địch thế giới – FIBA Women’s World Cup 2022 , đội tuyển nữ Nhật Bản được đánh giá là một trong những đội...
Đến với Giải bóng rổ nữ vô địch thế giới – FIBA Women’s World Cup 2022, đội tuyển nữ Nhật Bản được đánh giá là một trong những đội bóng ưu tú nhất, sau thành tích Huy chương Bạc Olympic năm ngoái.
Tuy nhiên, thành tích của đại diện xứ Phù Tang là hết sức đáng thất vọng. Theo sau chiến thắng duy nhất ngày mở màn trước đội bóng yếu Mali (tỷ số 89-56) lần lượt là các thất bại dưới tay Serbia (64-69), Canada (56-70), rồi Pháp (53-67) và Australia (54-71). Ở một giải đấu mà 4/6 đội ở mỗi bảng có vé đi tiếp, Nhật Bản chỉ có thể về thứ 5, đồng nghĩa với việc rời Sydney về nước.
Đương kim á quân Olympic không qua nổi vòng bảng World Cup có thể coi là một cú sốc, một bất ngờ lớn. Tuy vậy, trên nhiều diễn đàn bóng rổ, nhiều người hâm mộ cả Nhật Bản lẫn quốc tế lại nhận định: đây đơn giản là kết quả của việc Nhật Bản không còn được hưởng những lợi thế chủ nhà như Olympic Tokyo.
Xa Tokyo là bão tố
Tài khoản 粘着倭人ニート工作員の父親 (Nenchaku wajin nīto kōsaku-in no chichioya - Father of a sticky Japanese NEET agent) bình luận:
‘’Vì Nhật Bản lần này không phải là nước chủ nhà nên họ không có quyền xếp mình vào bảng đấu có nhiều đội yếu, trọng tài không giúp đỡ như hồi Olympic nên họ thua rất nhiều trận. Tôi đã xem trận đấu giữa Nhật Bản và Bỉ ở Thế vận hội và một trong những trọng tài người Đài Loan rõ ràng đã giúp đội Nhật Bản suốt thời gian thi đấu bằng cách trao bóng cho đội Nhật Bản khi rõ ràng là người Nhật để bóng ra ngoài biên. Giống như Hàn Quốc năm 2002, họ dựa vào trọng tài để đánh bại rất nhiều đội bóng giỏi.’’
Đây không phải là bình luận duy nhất nghi ngờ thành công năm 2021 của Nhật Bản là kết quả của sự thiên vị. Một số khác bao gồm: ‘’Nhật Bản là đội được overrate nhất giải đấu này’’, hay mỉa mai ‘’Quả là đáng tiếc, nhưng nếu Nhật Bản làchủ nhà giải đấu lần này và được xếp vào một bảng đấu hoàn hảo, samurai Nhật ít nhất là đã có huy chương bạc rồi’’ (đây là bình luận bằng tiếng Nhật và kèm thêm tác giả của nó tự dịch sang tiếng Anh).
Vậy có phải sự thật là Nhật Bản không thể làm tốt nếu không có sự thiên vị từ trọng tài, lợi thế chia bảng hay sân nhà? Thiếu đi các yếu tố này chắc chắn đóng góp vào thất bại của người Nhật (sẽ làm rõ phần sau), nhưng đánh giá một cách khách quan, nó không phải là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất.
Chuyên môn sa sút
Bản thân đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Toru Onzuka đã gặp những vấn đề đáng kể về chuyên môn. Các thay đổi của nhà cầm quân này so với người tiền nhiệm – HLV người Mỹ Tom Hovasse, người đã chuyển sang dẫn dắt tuyển nam Nhật Bản – rõ ràng đã không giúp ích nhiều.
Tài khoảng ahayling0222 bình luận: ‘’Nhật Bản có một giải đấu thật tệ. Họ đang rất nhớ HLV Tom Hovasse, các cầu thủ Saki Hayashi và Nako Motohashi (‘’và Rui Mahcida nữa’’ - tài khoản Dean Fleischer bổ sung). Suốt cả giải đấu, tôi tự hỏi có phải Nhật Bản đang gặp vấn đề về chiều sâu đội hình.’’
Tài khoản TAKA bình luận: ‘’Tôi tự hỏi nếu có bài đánh 5 ngoài như của Tom, liệu các hậu vệ có bị cô lập như thế này không? Miyazaki và Yamatomo đang không thể chuyền bóng được, họ phải cầm bóng quá nhiều. Cách tấn công của đội thực sự rất ngắt quãng, nhịp điệu thì ngày càng tệ.’’
Công không ổn, phòng thủ cũng không phải vũ khí của Nhật Bản. Tài khoản 高畑雄一 (Yuichi Takahata) bức xúc: ''Nếu đã tấn công không ổn định, thì hãy cho Ako và Mauri chơi cùng nhau đi! Phải rebound chứ, ít nhất hãy giữ ổn định tuyến phòng ngự!''
Và nếu cần một kết luận, bạn có thể đọc bình luận này từ tài khoản ボバン (Boban):
“Nhật Bản thật sự không biết họ muốn làm gì xuyên suốt giải đấu này. Tôi cảm thấy thật tiếc cho các cầu thủ. Sự dẫn dắt mà họ nhận được cần phải xem xét lại khẩn cấp. Tại sao Nhật Bản lại có thể yếu đi nhiều đến vậy chỉ trong có 1 năm, từ chỗ cạnh tranh sòng phẳng với những đội mạnh nhất thế giới với những hậu vệ giỏi và các tay ném tuyệt vời?’’
Nếu một người nói bạn không tốt, đó có thể chỉ là bình luận ác ý chủ quan. Nhưng khi đa số mọi người tin rằng bạn đang không làm đúng, rất có thể đó là sự thật.
Lỗi của HLV nội?
Chưa cần kết thúc vòng bảng, những người yêu đội tuyển nữ Nhật Bản đã gào thét đòi HLV Tom Hovasse quay lại.
So với Toru Onzuka, HLV tốt hơn là Tom Hovasse, đã được dành cho đội tuyển nam. Đây có thể gọi là một bất công với đội tuyển nữ, những người đã mang về vinh quang Olympic ngay trên sân nhà. Câu hỏi đặt ra là liệu kết quả thi đấu của Nhật Bản có khả quan hơn không, nếu các nhà chức trách giữ lại Hovasse hay thuê một nhà cầm quân ngoại quốc khác, thay vì bổ nhiệm một nhà cầm quân trong nước như ông Onzuka?
Rất có thể câu trả lời là ‘’có’’. Nhưng ở một góc nhìn nào đó, người Nhật không thuê HLV ngoại có thể là có lý do khác: họ có thể chấp nhận thất bại trong ngắn hạn này để hướng đến tương lai lâu dài.
Ở bộ môn bóng đá, ‘’phù thủy trắng’’ Philippe Troussier từng nhận định: việc JFA (Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản) bổ nhiệm ông Hajime Moriyasu làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển Olympic là một bước quảng cáo cho chất lượng của các thuyền trưởng nội địa, tiến tới Nhật hóa ở những vị trí chiến lược nhất trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Đó cũng là lý do JFA kiên quyết không sa thải Moriyasu bất chấp nhiều thành tích yếu kém trước thềm Olympic Tokyo cũng như giai đoạn đầu vòng loại thứ 3 World Cup Qatar 2022.
Đến hiện tại, sự kiên nhẫn ấy phần nào mang lại trái ngọt khi bóng đá Nhật Bản về thứ tư tại Olympic Tokyo và đã có vé trực tiếp đến Qatar. Dù bị bủa vây bởi rất nhiều tranh cãi về lối chơi, về danh sách triệu tập, HLV Hajime Moriyasu vẫn đảm bảo được mức thành tích chấp nhận được, mà thành tích vẫn luôn là thước đo quan trọng nhất cho thể thao chuyên nghiệp.
Tương tự như Moriyasu, có thể Onzuka cũng cần thêm thời gian để thiết lập đế chế của riêng mình. Những thay đổi chiến thuật và nhân sự của ông ở Sydney năm nay đã không phát huy tác dụng, nhưng đó là khởi điểm của một thời kỳ mới. Một thời kỳ có thể thất bại, cũng có khi sẽ huy hoàng, chưa thể biết được ở hiện tại.
Bàn thêm chuyện sân nhà
Trở lại một chút với giả thuyết: Nhật Bản chỉ là đội yếu khi không được thiên vị trên tư cách chủ nhà.
Trước hết, lợi thế sân nhà với thuận lợi về sân bãi, giờ thi đấu và đặc biệt là bốc thăm chia bảng, cùng những tiếng còi đôi khi bất công của các trọng tài,... là điều không thể phủ nhận và sẽ còn tồn tại ở mỗi kỳ đại hội thể thao lớn. Tuy nhiên, như đã đề cập, rất ít khi những lợi thế thực ra (khá tiểu tiết) ấy lại quyết định hoàn toàn đến thành bại của chủ nhà.
Phía trên, chúng ta đã nhắc đến một bình luận so sánh bóng rổ Nhật Bản ở Olympic 2020 với bóng đá Hàn Quốc ở World Cup 2002. Nhưng đừng quên, vô vàn clip đáng kinh tởm về cách những trọng tài FIFA đưa Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 20 năm trước đến giờ vẫn còn lan truyền rộng rãi.
Không ai quên những điều đó. Vậy nếu thật sự người Nhật đã tạo ra một scandal lớn như Hàn Quốc 2002, liệu công luận có im lặng cho họ đến tận bây giờ?
Ở kỳ đại hội bóng rổ châu Âu - EuroBasket 2022 vừa kết thúc, vấn đề trọng tài cũng rất nóng, với hàng loạt các tình huống sai lầm ngô nghê của trọng tài FIBA từ vòng bảng tới tận trận chung kết. Gần như tất cả các đội bóng, ngay cả những cái tên ưu tú nhất như Tây Ban Nha hay Pháp, những đội chủ nhà vòng bảng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải chịu thiệt thòi từ những tiếng còi phi lý.
Khắp các diễn đàn vang dậy chỉ trích không thương tiếc nhắm vào đội ngũ trọng tài cũng như FIBA, mà đấy còn là trường hợp không có đội cá biệt nào được thiên vị. Vậy nếu thật sự người Nhật đã tạo ra một scandal lớn như Hàn Quốc 2002, liệu công luận có im lặng cho họ đến tận bây giờ?
Và đừng quên, Nhật Bản chính là đồng chủ nhà với Hàn Quốc ở World Cup 2002, nhưng họ đã thi đấu rất mã thượng, chấp nhận thua Thổ Nhĩ Kỳ chứ chẳng sống chết thắng bẩn hết Ý rồi Tây Ban Nha như Hàn. Nếu ngày ấy sông Shinano đã chẳng chảy chung dòng với sông Hàn, thì tại sao 2020, Nhật Bản lại muốn tự làm xấu đi hình ảnh của mình?
Sau tất cả, một điều cần khẳng định là nếu không đủ thực lực (và không dùng đủ thủ đoạn xấu xí nhất như Hàn Quốc, điều đã trở nên xa xỉ ngày nay với công nghệ hiện đại, với mạng xã hội), thì mọi lợi thế chủ nhà cũng chẳng thể biến thành kết quả chiến thắng. Như đội tuyển Nga ở World Cup 2018, ai có thể nói họ đã thắng Tây Ban Nha bằng thứ gì khác ngoài thực lực?
Ở những đấu trường thế giới, chuyện đổi trắng thay đen như những quy định nực cười nhất mà Campuchia đặt ra cho SEA Games 32 – bao gồm chỉ cho phép các quốc gia khác đăng ký 70% số nội dung võ thuật, đối kháng – giờ đây quá khó xảy ra.
Thêm những sự kiện nữa từ bóng rổ để chứng minh rằng lợi thế chủ nhà không đi cùng thực lực sẽ chẳng biến giấc mơ thành sự thực.
Olympic 2020, cũng thi đấu trên sân nhà, nhưng đội tuyển nam Nhật Bản đâu thể đạt được thành tích như các đồng nghiệp nữ. Cùng bảng với những đối thủ cực mạnh là Slovenia, Tây Ban Nha và Argentina, các chàng trai Akatsuki Five lực bất tòng tâm, không có nổi một trận thắng.
Đại hội bóng rổ châu Á - FIBA Asia Cup 2022, Indonesia là nước chủ nhà. Rất có thể bạn chưa biết: Ở lễ bốc thăm, sau khi tất cả các bảng đã xác định được 3 đội, Indonesia được quyền chọn sẽ ở bảng nào! Đội bóng xứ Vạn đảo đã lựa chọn bảng A, cùng với Australia, Jordan và Saudi Arabia.
Cuối cùng, họ chỉ thắng được Saudi, thua Jordan và Australia, sau đó thua nốt Trung Quốc ở trận tranh vé vớt vào tứ kết. Những khán đài cuồng nhiệt cùng thể thức tranh vé vớt lạ lùng – đáng ra không tồn tại ở một giải đấu 16 đội, chia 4 bảng! - cũng chẳng thể giúp chủ nhân Huy chương vàng SEA Games 31 tại Hà Nội tiến sâu, đơn giản vì trình độ của họ vẫn còn khoảng cách đáng kể với nhóm anh tài châu lục.
Kết lại
Bóng rổ nữ Nhật Bản đã thất bại toàn tập ở FIBA Women’s World Cup 2022, nhưng không thể phủ định sạch trơn, nói rằng họ đơn giản không thể cạnh tranh khi không phải chủ nhà giống như tại Olympic Tokyo. Lợi thế sân nhà, nếu có, chỉ là một yếu tố thêm vào, không thể là yếu tố xác quyết thành bại của một đội bóng.
Thực tế hơn, các cô gái Nhật Bản thất bại là vì những vấn đề chuyên môn. Một lối chơi tấn công mới, cách sắp xếp nhân sự của HLV Toru Onzuka đều chưa cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải đấu chính thức đầu tiên ông Onzuka đồng hành cùng các học trò, và biết đâu đó, chặng đường tiếp theo sẽ lại xán lạn hơn với bóng rổ nữ Nhật Bản?
Với cách tính toán và tầm nhìn của người Nhật, một thất bại từ vòng bảng World Cup sẽ là chưa đủ để gạch họ ra khỏi tính toán dài hạn.
Hãy cùng chờ xem.
Chú thích:
- Tất cả các bình luận được trích dẫn trong bài là bên dưới các video highlights của Nhật Bản trên kênh chính thức FIBA.
- Các tên tài khoản tiếng Nhật được dịch bằng Google Translate.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất