Trong Kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka Sūtra) có ghi như vầy:
“Thị cố đương tri, nhất thiết pháp bất ly nhân duyên nhi hữu”.
Tức: Hãy biết rằng, mọi pháp trên đời đều không thể tách rời nhân duyên mà tồn tại.
Vạn sự tùy duyên, mọi thứ vì duyên mà đến, cũng vì duyên mà tàn, không gì không ràng buộc bởi nhân duyên, không gì mãi mãi hợp mà không tan. Hiểu được nhân quả nghiệp duyên, tức có thể hiểu được vạn pháp, lúc nào nên nắm mà lúc nào nên buông, thuận theo tự nhiên, một đời thong dong tự tại.
img_0
Ảnh bởi
Mattia Faloretti
trên
Unsplash

1. Nhân duyên là gì?

Theo chương trình Phật học Hàm Thụ (1998-2002) có định nghĩa:
- Nhân: là yếu tố chính làm sinh khởi một hiện hữu.
- Duyên: là điều kiện hỗ trợ cho nhân sinh khởi.
Nhân Duyên nương tựa nhau mà sinh khởi, cũng nương tựa nhau mà hoại diệt. Cái này có nên cái kia sinh, cái này không có nên cái kia diệt. Tương quan lẫn nhau.

2. Thập nhị nhân duyên là gì?

- Về mặt từ nguyên: Thập nhị có nghĩa là mười hai. Nên thập nhị nhân duyên có nghĩ là mười hai nhân duyên.
Tiến trình 12 nhân duyên chia làm hai chiều hướng là duyên khởi và đoạn diệt:
- Duyên khởi:  vô minh → hành → thức → danh sắc →  lục nhập → xúc → ái → thủ → hữu → sinh → lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh.
- Đoạn diệt:  đoạn diệt tham ái, vô minh (hành diệt) → thức diệt → danh sắc diệt; ...; → sinh diệt → lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt.
Lưu ý: tuy vô minh đứng đầu trong quá trình duyên khởi, nhưng không thể hiểu vô mình là nguyên nhân đầu tiên vì vô minh cũng do nhân duyên sinh mà tạo thành nên.
img_1
Ảnh bởi
David Edelstein
trên
Unsplash

3. Phân tích mười hai nhân duyên

1)- Vô minh (Avijjà): sự mê mờ, cuồng si của tâm thức; hay nói cách khác là sự không hiểu biết như thật về hiện hữu là duyên sinh, vô thường và không có một tự thể độc lập, bất biến.
2)- Hành (Sankhàra): động lực, ý chí hành động tạo tác (ý hành) của thân, miệng và ý.
3)- Thức (Vinnana): tri giác của con người về thế giới thông qua các cơ quan chức năng như mắt (nhãn thức), tai (nhĩ thức), mũi (tỷ thức), lưỡi (thiệt thức), thân (thân thức) và ý (ý thức).
4)- Danh sắc (Nàma-rùpa): sắc là phần vật lý và sinh lý, danh là phần tâm lý. Với con người, sắc là cơ thể vật chất, các giác quan và chức năng của chúng; danh là các tâm phụ thuộc (tâm sở), như xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.
5)- Lục nhập (Chabbithàna): có nơi gọi là sáu xứ, là sự tương tác giữa sáu căn (= 6 nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là sáu trần (= 6 ngoại xứ: hình thể, âm thanh, hương vị, mùi vị, xúc chạm và ý tưởng - pháp).
6)- Xúc (Phassa): sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn (chủ thể) và trần (đối tượng). Nói rõ hơn, xúc chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua 6 cơ quan tri giác. Lưu ý là, khi có thức phát sinh do mắt tiếp xúc với hình thể (sắc trần), thì sự nhận biết đó mới gọi là nhãn thức... Vậy, xúc là sự gặp gỡ, giao thoa giữa căn, trần và thức.
7)- Thọ (Vedanà): sự cảm thọ. Nói khác đi là các phản ứng tâm lý phát sinh khi mắt tiếp xúc với hình thể, tai tiếp xúc với âm thanh... ý tiếp xúc với ý tưởng (pháp).
Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (phi khổ phi lạc). Đây là chất liệu mà con người thường lấy để xây dựng những giá trị gọi tên là hạnh phúc và khổ đau, bất hạnh. Thực ra, chúng là do duyên sinh, luôn thay đổi, không hề có một tự tính cố định.
8)- Ái (Tanhà): gọi đủ là ái dục hay khát ái: sự vướng mắc, yêu thích, tham luyến; gồm có dục ái, sắc ái và vô sắc ái.
9)- Thủ (Upadàna): gọi đủ là chấp thủ: sự kẹt vào, bám víu, đeo chặt của tâm thức vào một đối tượng.
10)- Hữu (Bhava): tiến trình tương duyên để hình thành, gồm dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
11)- Sinh (Jati): sự ra đời, tạo nên, xuất hiện. Sinh ở đây không phải là sự sinh ra em bé, mà là sự thành tựu các bộ phận cấu thành (năm uẩn), thành tựu các xứ (các cơ quan tri giác và chức năng của chúng).
12)- Lão-tử (Jaramrana): sự suy nhược, tàn lụi, tuổi thọ lớn, tan rã, tiêu mất, tử vong. Với sinh mạng con người, lão tử được biểu hiện dưới các hiện tượng: răng long, tóc bạc, da nhăn, các cơ quan tri giác suy yếu và chết.
img_2
Ảnh bởi
Louis Hoang
trên
Unsplash

4. Vài lời của người chép

Chúng ta hay nghĩ từ nhân này sẽ sinh ra quả này, từ duyên kia sẽ tạo nên nhân kia, nhưng lại không biết rằng quá trình nhân duyên sinh khởi, đoạn diệt lại phức tạp và khó hiểu đến như thế. Bao nguyên duyên mới hợp thành một cuộc gặp gỡ, bao nhiêu nhân mới tạo nên một quả thiện ác. Sống ở đời, một giây, một khắc, một suy nghĩ, một hơi thở đều là nhân, quả, nghiệp, duyên.
Vài người nói, sống đơn giản, đời giản đơn.
Nhưng mà, đơn giản là gì? giản đơn như thế nào? Chúng ta không biết.
Sống như thể nào là vừa đủ? Chúng ta không biết.
Liệu việc vừa đủ ở hiện tại có phải là tự nhiên không, hay làm nhiều thành quen? Chúng ta cũng không biết.
Nên chúng ta phải học, phải kinh qua sóng gió bão tố, sống thử một đời bình yên, mới biết cái nào hợp hay không.
Vũ trụ quan của phật nói dễ hiểu cũng dễ hiểu, nói khó hiểu cũng khó hiểu. Học đi học lại cũng xoay qua xoay lại tứ diệu đế, bát chánh đạo. Nhưng khi phân tích tứ diệu đế, bát chánh đạo thì bao nhiêu chi phần bắt đầu quấy lấy người học, học mãi không hiểu, đọc mãi không ra. Nhưng dù có khó hiểu đến đâu nó cũng chỉ là tứ diệu đế, bát chánh đạo. Có người chỉ đọc một câu đã ngộ, có người học cả đời không hiểu.
Bài viết này người viết không viết, chỉ là copy những kiến thức phật học trong sách ghi ra, có phần giống y chang vì người viết không biết giảng giải làm thế nào để không bị mất ý gốc của sách. Nên không thể gọi người viết mà gọi là người chép. Tuy nhiên, vẫn có vài chỗ rút gọn cho mọi người dễ hiểu.
Nếu muốn đọc hiểu nhiều hơn mong mọi người có thể tìm đọc các sách phật học để có cái nhìn tổng quan hơn.