Thanh xuân và ước mơ mang tên "Tết nhà ngoại" của một người phụ nữ...
Con rất thích Tết, nhưng Mẹ thì không. Con không muốn hỏi lí do tại sao, vì con sợ khi nói ra đôi mắt mẹ sẽ lại ánh lên chút u buồn...
Con rất thích Tết, nhưng Mẹ thì không. Con không muốn hỏi lí do tại sao, vì con sợ khi nói ra đôi mắt mẹ sẽ lại ánh lên chút u buồn xa xăm vô định…
Năm nay con mới 19 tuổi, chắc là phải lâu lâu nữa mới bị gả đi mẹ nhỉ. Còn mẹ thì đã có 30 năm gắn bó với nhà chồng mỗi dịp Tết đến. Thật buồn là con chẳng thể hiểu được mỗi khi Tết đến xuân về, đứa con gái nhỏ nhắn này muốn được ở bên bố mẹ nhiều biết bao nhiêu, thì mẹ lại muốn về ngoại ăn Tết bấy nhiêu. Con cũng chẳng thể hiểu 30 năm qua ở bên nhà chồng ăn Tết là hơn 30 năm qua mẹ luôn đau đáu một nỗi nhớ, nỗi khắc khoải không thể nào nói ra và hầu như chẳng có ai có thể nhìn thấy được… Cho đến khi con nghe được câu chuyện này từ bố con…
Bố kể rằng mẹ đã rất vất vả từ những ngày chập chững về nhà nội. Ông bà nội có tận 8 người con. Hồi ấy nhà nội lại nghèo, Tết đến mà các cô chú trong nhà vẫn chưa có quần áo mới để mặc, thế là mẹ phải cặm cụi cắt từng chiếc quần áo cũ để may áo mới cho các em của chồng, rồi còn đi làm thuê để có tiền phụ giúp ông bà lo cho các cô chú có được một cái Tết no đủ hơn. Tết năm ấy lạnh lắm, năm đó mẹ đang mang thai anh trai con, bố lại đi nghĩa vụ. Bố kể đã có lần bố đọc được những dòng nhật kí viết cho ngoại ướt nhòa dưới trang sổ của mẹ. Con xót xa biết bao nhiêu khi biết quanh mẹ đầy vơi những nỗi nhớ, nỗi nhớ chồng nơi biển đảo xa xôi, nhớ cha mẹ bên quê không còn có con gái bên cạnh để săn sóc, để chăm lo, để quây quần bên cạnh mỗi khi Tết đến, nhớ lũ em nhỏ xuân nào cũng lon ton cùng chị don dẹp nhà, cùng chị ra chợ bán gà để đổi lấy hành làm dưa, để mua lá dong và gạo nếp để gói bánh… Mà mẹ lại chẳng thể về ngoại cùng sum vầy lúc xuân sang… Có lẽ bởi mẹ hiểu được rằng “xuất giá” thì phải “tòng phu”, mẹ hiểu tình yêu dành cho bố con lớn lao nhường nào, và mẹ sẽ thay bố để chăm sóc bên nội, chăm sóc đàn em thơ dại… Từ những tháng ngày ở cùng ông bà nội, cho đến khi dọn ra một ngôi nhà rộng rãi hơn, con chưa bao giờ thấy mẹ thực sự vui khi thấy xuân đang về, và cả khi hoa đào đã nở rộ trên khắp mọi nẻo đường quê. Mẹ bận rộn dọn dẹp nhà cửa, bận rộn trong gian phòng khách với những câu đối, với những lọ hoa tươi, với bàn thờ tổ tiên mà trên đó là biết bao nhiêu thứ mẹ đã chăm chút, chuẩn bị từ rất lâu rồi. Nào là mâm ngũ quả rất to với những trái táo, lê, dưa hấu… Được mẹ chạm khắc rất cẩn thận nào là các đĩa hoa được đan rất đẹp, nào là gà cúng, xôi vò, mía buộc, bánh chưng xanh, bánh kẹo và rượu, thuốc, trầu têm… Mẹ bận rộn trong phòng ngủ với việc giặt chăn ga và màn, rèm cửa, dọn tủ quần áo. Chưa bao giờ con thấy phòng của mình không thơm thoang thoảng một mùi hoa xuân rất thanh mát mỗi khi Tết đến… Rồi gian bếp cũng níu chân mẹ khỏi những shop quần áo, giày dép đẹp và thời trang. Mẹ bận rộn chuẩn bị nguyên liệu cho bố gói bánh, rồi đến các món củ kiệu, thịt đông, giò, thịt gà, dưa hành, các món xào, món lẩu, món xôi, chè để chuẩn bị cho đêm 30 và các ngày mùng 1, 2, 3. Mẹ cứ thế, cứ mải miết với những công việc ấy mà chưa bao giờ than phiền điều gì cả. Cho đến đêm 30 Tết năm ngoái, mẹ bị cảm lạnh và đau lưng dữ dội. Và người đầu tiên đến bên mẹ, không phải bố, không phải anh và con, mà chính là ngoại. Lúc ấy con mới thực sự cảm thấy một cảm giác tội lỗi ngay trong tâm khảm mình. Con đã luôn tỏ ra khó chịu, đôi khi là bực bội với mẹ vì Tết ấy mẹ không cắm hoa hồng trong phòng con như mọi Tết trước, mà chẳng thể hiểu rằng lưng mẹ sẽ rất đau, đôi tay mẹ sẽ rất lạnh nếu phải dậy sớm để chọn từng bông hồng còn sương sớm cho con, để ngắt từng bông cúc với độ nở vừa đủ để lọ hoa trên bàn thờ còn đẹp suốt mấy ngày xuân đến. Con đã luôn trách mẹ vì sao dưa hành gần đây mẹ làm đã hơi mặn và không còn thơm nữa, mà chẳng thể hiểu mẹ đã kiên nhẫn biết bao nhiêu để làm những hũ dưa hành cho gia đình mình giữa cơn đau gai cột sống đang hành hạ. Tại sao khi trên mâm cỗ cúng tổ tiên đêm giao thừa bị thiếu một thứ gì đó, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào mẹ, mà chẳng ai có thể hiểu rằng mẹ đã tần tảo sớm hôm suốt một năm qua, cho đến khi mọi người đều được thảnh thơi thì đôi bàn tay của mẹ lại vẫn chẳng thể nào ngơi nghỉ. Khi chứng kiến khuôn mặt mẹ nhỏ bé dưới đôi bàn tay chăm sóc với tất cả tình yêu và nỗi xót xa của ngoại - một người mẹ già thương con đã gần đất xa trời, con mới hiểu được rằng là phụ nữ, ai rồi cũng sẽ muốn được ở bên cha mẹ của mình để đón một năm mới đến, nhưng ít người có đủ can đảm để có thể làm điều ấy, vì những bộn bề của công việc xung quanh, và vì những tư tưởng lạc hậu về trách nhiệm với nhà chồng vẫn còn đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của họ. Thanh xuân của mẹ dường như đã không còn từ khi mẹ nguyện cùng bước chung con đường với bố con đến tận bây giờ.
Giờ thì con đã hiểu, thanh xuân của một người phụ nữ là thực sự quý giá, ngay cả khi họ đã lập gia đình thì thanh xuân ấy vẫn không thể bị chôn vùi bởi nỗi vất vả trong mỗi gian bếp, trong nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, ở mỗi gia đình, nhất là khi Tết đến xuân về. Con ủng hộ việc các mẹ, các chị về ngoại ăn Tết bởi họ đã chịu vất vả suốt 1 năm trời, vậy thì có lí do gì đâu để họ không thể xách va li về quê cùng đoàn tụ với cha mẹ của mình trong 3 ngày Tết ngắn ngủi, có lí do gì đâu để họ không thể về với gia đình ấm êm, nơi đã nuôi dưỡng họ trở thành những người phụ nữ đảm đang và tần tảo nhất.
Mẹ của con đã vất vả quá nhiều rồi, năm nay nhà mình về ngoại ăn Tết nhé. Con và bố sẽ giúp đỡ mẹ việc dọn dẹp, nấu nướng và chuẩn bị trang hoàng nhà cửa để mẹ có thể ở bên ngoại hưởng một cái Tết trọn vẹn hơn. Sẽ không còn những lắng lo, những khắc khoải, những vất vả và đớn đau mà mẹ đã phải trải qua suốt ba mươi năm qua nữa. Và con cũng muốn nói với mẹ rằng, mẹ ơi, tình yêu thương mà con dành cho mẹ cũng dạt dào như tình cảm mà mẹ dành cho ngoại vậy. Hãy luôn mạnh khỏe và hạnh phúc nhé, mẹ yêu của con!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất