Hai đứa bọn tôi đang ngồi co ro trước bàn lẩu, gió hồ Trúc Bạch thổi lạnh từng cơn. Đúng là gió đầu mùa. Vừa ăn lẩu vừa run cầm cập. Nàng bảo rằng thích ngồi đối diện để ngắm tôi run như cầy sấy cho rõ. Thật là ngược đãi người vô tội. Tôi uất ức mà chấm nốt miếng bắp bò và nuốt trong cay đắng. Con gái đúng là giống loài ngang ngược. Không thể cản được.
Thứ ấm áp duy nhất lúc ấy chính là ngọn lửa le lói phát ra từ dưới chiếc nồi đang sôi sùng sục. Tôi lấy đôi tay đã lạnh buốt bỏ đũa xuống mà úp vào cái vòng thép chắn gió. Một cảm giác ấm áp đã ghiền lan dần đến tay. Hết tay rồi đến trái tim tôi. Tôi tiếp tục câu chuyện đùa nhạt đang dang dở.
Bỗng nhiên bàn bên cạnh cũng có một đôi đang ôm nhau co ro bỗng nhiên lên tiếng. “Em ơi, lại đây anh bảo”.
Thằng nhân viên tóc ngả vàng le ve chạy lại hỏi: “Anh cần gì ạ”
“Cho anh cái giá” – Thanh niên kia dõng dạc.
“Hả, giá gì anh nhể”- Thằng nhân viên tròn mắt.
“Đúng! Cho anh cái giá phải trả” – Thanh niên tâm đắc xong cười thật tươi. “Cho anh thanh toán ý mà”
Bạn nữ đi cùng hắn cũng cười khúc khích. Thằng nhân viên tóc râu ngô cũng xoa đầu mà cười hùa.
Hai đứa bọn tôi lúc ấy sau khi mặt nghệt ra một lúc cũng cười như được mùa. Nàng cợt nhả:
“Bàn bên cạnh cũng có thêm một “An” nữa kìa”
Tôi hơi ngờ nghệch nên cũng không biết câu đó là khen hay chê. Nhưng mà công nhận khứa bàn bên khá hài. Tôi thích những người hài hước. Người hài hước thường thông minh. Và cũng đòi hỏi phải trải qua nhiều nỗi đau thì mới trở nên hài hước được.
Một lúc sau bàn của tôi cũng thanh toán. Dĩ nhiên là tôi thanh toán rồi. Thực tế tất cả cuộc hẹn đầu với bất kì ai tôi đều thanh toán. Lần này không phải ngoại lệ. Tôi cũng chả bao giờ hỏi lý do là tại sao cả. Có thể là do văn hóa Á đông. Cũng có thể là thế giới quan của tôi nó thế.
Có một hôm nọ, cách đây lâu lắm rồi, tôi gặp một bạn nữ giành bằng được việc trả tiền. Hình như sau đó bạn ý cũng lấy chồng rồi. Khá nhiều người tôi từng hẹn hò đã đi lấy chồng. Ai mà chẳng phải đến lúc lấy chồng mà phải không. Hôm đó là cái hôm tôi về mà băn khoăn vãi. Không hiểu nổi. Tôi nhắn tin hỏi quân sư của tôi. “Eiii em ấy tuyệt lắm mà cứ đòi trả tiền bằng được là sao nhỉ” “Hay em nghĩ tao nghèo không rủ nổi em ý đi xem phim nhỉ” “Hay em ý thừa tiền nhỉ” “Chả lẽ là không thích tao nên không muốn nợ tao”. Chỉ vì em ấy “khác thường” theo lẽ của tôi mà tôi hành vị quân sư một lúc lâu. Kết cục là tôi cũng vẫn không hiểu được em ấy nghĩ gì. Tôi bỏ cuộc hiểu ý nghĩa của hành động ấy. Sau đó, không có sau đó nữa.
Dần dần tôi mặc định việc trả tiền cho các cuộc hẹn là của đàn ông. Dần dần tôi khá chắc chắn rằng phụ nữ thích tiền của đàn ông. Dần dần tôi nghĩ một ý tưởng như thế này: “Tuổi trẻ của phụ nữ là thanh xuân, còn tuổi trẻ của đàn ông là thanh toán”. Tôi khá chắc nhiều ông ở đây nghĩ như thế.
Vế đầu tiên của triết lý ấy là thế này, đàn ông 72 tuổi lấy vợ 18 tuổi vẫn được. Nhưng phụ nữ 72 tuổi không thể lấy chồng 18 tuổi được. Vì thanh xuân của phụ nữ có hạn. Có người đến 27 tuổi là đã sang bên kia của sườn nhan sắc rồi. Chưa kể chuyện sinh con, đẻ đái, rồi đủ chuyện trên trời này. Nên phụ nữ rất ám ảnh với việc níu giữ thanh xuân là vì vậy. Phụ nữ đổ rất nhiều tiền vào làm đẹp. Nếu để ý thì sẽ thấy phụ nữ khá là “ganh đua” nhau về việc làm đẹp. Đó là một đường đua rất khốc liệt. Nếu như đàn ông đua nhau kiếm tiền thì phụ nữ đua nhau làm đẹp. Tất cả đều để níu giữ từng chút hơi ấm của mùa xuân.
Đẹp tự nhiên thì thường không tự nhiên mà đẹp. Đó là cả một quá trình. Và nói thẳng ra đó là một đống tiền. Ông nào ngố ngố như tôi mà có bạn gái cứ thử hỏi nàng đổ bao nhiêu tiền vào làm đẹp đi. Có thể các ông sẽ khá sốc đấy. Tôi thì chẳng có bạn gái để mà hỏi đây haha.
Nên là nếu trông em ấy xinh, thời trang, có thể em ấy thực sự là một phú bà đấy.
Vế thứ hai của cái lý thuyết ấy cũng dễ hiểu thôi. Tôi nghĩ đàn ông phải thanh toán cho mọi bữa ăn, cuộc hẹn, cuộc đi chơi với phụ nữ. Vì cô ấy đang mất thời gian thanh xuân vàng ngọc quý giá nhất của cô ấy để đi chơi với tôi. Và hơn thế nữa, cố ấy đang phải đổ một đống tiền để cố gắng níu giữ cái thanh xuân ngắn ấy cơ mà. Cách tôi thể hiện sự tôn trọng ấy chính là … thanh toán.
Thanh toán cho thanh xuân. Tôi chợt nảy ra điều ấy trong đầu và từng nghĩ nó là đúng. Cho đến khi tôi biết yêu.
Tình yêu thật kì lạ. Nó làm thay đổi mọi suy nghĩ cố hữu của tôi. Kể cả cái triết lý tôi đang trình bày với bạn ở đây.
Tôi từng hằng nghĩ là vì cái hai chữ thanh toán kia mà ngăn cản tôi đến với tình yêu rất nhiều lần. Không thanh toán được thì không yêu nữa. Tôi cực đoan như vậy. Nếu tôi không thể thanh toán được cho thanh xuân của cô ấy thì tôi nhất định sẽ không tiến thêm bước nữa. Chỉ làm mập mờ là đủ rồi.
Ngày xưa tình yêu với tôi như là nước hoa. Người có tiền thì họ mua lọ to, dùng được 2 3 năm. Tôi ít tiền thì mua lọ nhỏ chiết, dùng được 2 3 tháng, dùng tiết kiệm thì đến nửa năm là cùng. Được cái tôi có thể dùng nhiều lọ một lúc được, thay đổi luân phiên. Đi đâu cũng dùng được. Và sau này theo quy luật cung cầu, họ cũng làm nước hoa chiết tràn làn. Càng khiến tôi tin tình yêu chỉ là nước hoa, có thể mua bằng tiền được. Đến một hôm nọ tình yêu đến.
“An nhầm rồi, tiền chưa đủ mua được tình yêu đâu, An ạ”
Tôi vụn vỡ. Thế giới quan của tôi đổ sụp trước mắt. Tôi đã nghĩ mình phải dùng mọi giá để mua được tình yêu của cô ấy. Nhưng tôi không thể. Tệ là tôi không thể. Vô vọng, lần đầu tiên tôi thấy vô vọng như vậy. Tôi đổ hết mọi thứ lên việc tôi không đủ tiền mua lọ nước hoa to to kia.
Tôi đã nhầm. Hóa ra tình yêu không chỉ là nước hoa. Phụ nữ không chỉ cần tiền của tôi. Vì tôi cũng chả có đủ tiền để phụ nữ cần.
Hóa ra phụ nữ cần đàn ông thanh toán chỉ bởi vì thanh toán là việc duy nhất chúng ta có thể làm cho họ. Nếu chúng ta có thể làm được việc khác, chưa chắc họ đã cần ta thanh toán cơ.
Hôm nay, tôi chợt hiểu ra sự thật ấy.
25/12/2023 An