Bạn bè tôi, bao năm qua bôn ba khắp chốn mây ngàn, Tết này nổi hứng, từ mỗi phương trời, cả đám kéo nhau về thăm lại mảnh đất cố hương.
Thằng Giáo Sư tặc lưỡi "sao nó chả thay đổi gì vậy nhỉ ?".
"Thì nó có chịu thay đổi đâu !", Gió Lào ha hả chêm vào.
"Ta thích nó thế này, cứ mãi như vậy thì tốt biết mấy", con Nấm Lùn khoái chí buông câu chốt hạ.

Rồi không ai bảo ai, chúng tôi ngồi yên lặng trong vài phút, ngắm nghía cái con đường xưa cũ mà cả đám nghêu ngao mỗi ngày trong suốt những năm tháng học trò. Cái con đường kì lạ này, cứ như thời gian đã đóng băng ở đấy, cảnh vật vẫn vẹn nguyên như cái ngày chúng tôi rời đi, để chờ đón những kẻ du hành trở về, dù đã gần chục năm cuộc đời trôi qua, chúng tôi đã không còn là những thiếu niên ngày ấy.
Không chỉ mỗi một con đường, nó là đặc tính của cái thành phố này. Một biểu trưng điển hình, là khi bạn đứng trên cây cầu được ghép bởi 12 chiếc vành lược, để nhìn xuống dòng sông chia đôi 2 miền nam - bắc thành phố, quan sát nhịp chảy của nó. Trong 1 buổi chiều lặng gió, dòng sông ấy sẽ thách thức chân lý nổi tiếng của Nancy Cato - Nó trông lặng yên như 1 mặt hồ.
Thành phố gì, mà bao năm vẫn giữ cái bộ mặt ấy, chẳng phải là trì trệ lắm sao ? Người trẻ chúng tôi thấy nó chán ngắt, nên phần lớn bỏ xứ để đi tìm kiếm những trãi nghiệm mới mẻ và đầy sắc màu ở những vùng đất năng động. Đến lúc trưởng thành, chúng tôi lại tha thiết trở về tìm lại những giá trị thân thương, rồi nghẹn ngào vì nó vẫn ở đó, vẹn toàn sau bao năm tháng. Như được trở về căn nhà xưa cũ.
Chúng tôi gọi nó là ngôi nhà lớn, thay vì 1 thành phố nhỏ. Bởi vì nó bé tí teo, đến mức tôi có thể vi vu 1 vòng quanh thành phố vào mỗi tối trên chiếc xe đạp của mình. Nhưng ngôi nhà này luôn có đủ không gian cho mọi tâm hồn. Từ những bảo tàng nghệ thuật mang phong thái thoát tục dành cho giới nghệ sĩ, đến những khu tổ hợp hoạt động 24/7 của đám trẻ nổi loạn. Từ những kiến trúc cổ kính phủ đầy dấu tích rêu phong hàng trăm năm lịch sử, đến những con phố Tây đa văn hóa mang hơi thở của thời đại. Từ những cánh đồng rộng khắp đến những dãy nhà cao tầng. Từ những khu tập thể in dấu thời bao cấp đến những khu đô thị hiện đại. Từ những căn gác gỗ miên man hương vị trà đạo, cho đến những thương hiệu cà phê nổi tiếng Thế Giới. Mấy chú dế vẫn rêu rao mỗi đêm trong lòng thành phố, cùng với đó là tiếng nhạc điện tử phiêu du thách thức màn đêm.

Những người con của thành phố này, nếu gắn bó với nó đủ lâu, sẽ chìm trong cơn mộng mị bất tận của những xúc cảm phiêu linh. Đâu đó quanh đây luôn vang vọng tiếng đàn du ca của những tâm hồn trẻ trung, hay những bản blue mang nỗi lòng của những kẻ trãi đời. Một anh họa sĩ trẻ đang đắm chìm vào thế giới bên trong bức tranh dang dở, bên cạnh trưng bày ngay ngắn gần trăm tác phẩm đang dầm mưa dãi nắng trên vỉa hè. Bác xe ôm trên đường chở tôi ra sân ga cũng vội giới thiệu vài con thơ tự bạch ấp ủ bấy lâu.
Nhiều lần đi xa, mang theo cái xúc cảm đó bên mình, khiến chúng tôi phải mất một thời gian dài để hòa nhập với thế giới bên ngoài. Có lần, bạn tôi bảo "thành phố này như một thực thể siêu thực, vì thế mới sinh ra nhiều kẻ mộng mơ". Lúc đó, chúng tôi đang nằm thảnh thơi ngắm sao trời, trên cái ban công của tòa kỳ đài cao ngót ở trung tâm thành phố, vào lúc 2h00 sáng. "Xứ mộng mơ", tôi đã nghe nhiều người nói một cách khó hiểu về nó như vậy. Dần dà, tôi cũng chịu chấp nhận rằng có những thứ không thể diễn đạt thông qua lý trí, ấy là khi tôi học cách cảm nhận từng hơi thở của cái thành phố này. Đó là cái thở dài của một người con gái trầm tư với những ảo mộng của kiếp phàm, như một lời nguyền dịu êm phủ xuống hàng triệu hình hài được nàng bao bọc vào lòng.