Từ đồng bằng tại Ai Cập cổ tới lởm chởm vực núi ở Edinburg, thị thành đẩy lùi giấc mơ được tách biệt của loài người
Bài viết gốc của Sam Grinsell trên Aeon
Sam Grinsell là một sử gia về môi trường xây dựng, nghiên cứu sinh cao học thỉnh giảng tại Trung tâm Lịch sử đô thị Đại học Antwerp, Bỉ.
--
Thành cổ Alexandria nằm trên một doi đất hẹp ven Địa Trung Hải phía Tây đồng bằng châu thổ sông Nile. Phía Nam là Mariout, hồ nước từng bao khá sát thành phố, nhưng đã bị thu hẹp từ thế kỷ trước để nhượng đất cho nông nghiệp và Sân bay Quốc tế Alexandria. Năm 1921, dưới thời nước Anh thống trị, người ta đưa ra một quy hoạch tổng thế mới cho thành phố. Quy hoạch được William H McLean, một người Scotland sở hữu đế chế quy hoạch đô thị khắp Trung Đông thuộc địa, phác thảo; ông là kỹ sư trưởng ở thị trấn Khartoum, cũng là người vẽ ra quy hoạch cho Jerusalem. Trong hình dung mở rộng Alexandria từ Đông sang Tây của mình, McLean tin rằng bất cứ khu vực vỡ hoang nào thuộc hồ Mariout cũng đều cần thiết cho nông nghiệp, chứ không cho nhà cửa. Ngày nay thành phố cứ bừa bộn dọc theo bờ biển, thay vì đâm sâu vào nội địa, một phần là do quy hoạch này.
Một điều lý thú nữa về hình dạng của Alexandria chính là hai khu vịnh của thành phố. Khi Alexander Đại đế lập nên nơi này thế kỷ 4 TCN, nó là một vịnh lớn có một hòn đảo nằm ở giữa tên gọi Pharos. Đến thế kỷ 3 TCN, một con đường được xây nối hòn đảo vào đất liền. Theo thời gian, Địa Trung Hải đã gia bồi thêm cho chỗ đất ban đầu nhiều tới nỗi Pharos trở thành địa đầu của một bán đảo chứ chẳng còn là một hòn đảo nữa. Ở mỗi bên bán đảo là hai khu vực vịnh Alexandria. Trước khi sông Nile được giăng đập vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20, lũ hàng năm dẫn phù sa suốt chiều dài dòng chảy vào vùng châu thổ. Dọc chặng đường, phù sa bồi vào bờ sông và đồng bằng châu thổ khiến nơi đây trở thành một trong những vùng đất màu mỡ nhất trên Trái đất. Quá trình bồi phù sa này cũng làm châu thổ lấn ra biển hàng năm, và lượng đất được sóng biển cuốn về phía Tây Địa Trung Hải bồi tiếp vào đoạn nối giữa Alexandria và Pharos. Vùng châu thổ úng nước rất có lợi cho nông nghiệp nhờ có lượng đất phì nhiêu được dòng sông cuốn theo về phía Bắc, và lý do vùng đất quanh hồ Mariout được cải tạo cho nông nghiệp, chứ không dành cho phát triển đô thị, nằm chính trong cơ chế dịch chuyển phức tạp của đất đai và dòng chảy này.
Alexandria mà ta nhìn thấy trên bản đồ hay từ hình ảnh vệ tinh ngày nay, vì vậy, mang dấu ấn rất lớn từ các tác động của con người và tự nhiên; hình dáng hiện nay có là từ nhiều thế kỷ ròng hợp tác giữa đại dương, đất đai, sông ngòi và nhân loại. Nhưng đây lại chẳng phải là cách chúng ta vẫn thường hình dung về không gian đô thị.
Thành thị, thị thành chỉ là một lời nói dối ta tự kể cho mình. Cốt tủy của nó nằm ở chỗ chúng ta có thể tách đời sống con người ra khỏi môi trường, bằng bê tông, kính, thép, bản đồ, quy hoạch và cơ sở hạ tầng để kiến tạo một không gian tách biệt. Bệnh tật, bụi bẩn, động vật hoang dã, hoang nhiên, đất ruộng và vùng nông thôn tất thảy đều được tưởng tượng thành những thứ thuộc về bên ngoài, bị cấm ngăn và loại bỏ. Suy nghĩ này được duy trì bằng cách giấu đi hạ tầng, chia cắt không gian, chôn lấp sông ngòi, vẽ ra những triển vọng đô thị mới, kể cả bằng những câu chuyện mà chúng ta kể với nhau về thành thị. Mỗi khi cái từ bên ngoài đâm vào thành phố, lời nói dối đó bị bóc mẽ. Khi ta nhìn thấy môi trường lên tiếng giành lại quyền lợi, ta sẽ ngộ ra đâu là chân lý.
Lẽ đương nhiên, các thành thị vẫn là những địa điểm đặc trưng thường được phân lập ra hẳn không gian xung quanh. Chúng có thể được quây lại bằng tường để xác định giới hạn, hay bằng những vành đai xanh cấm xây dựng nhà cửa hoặc bị giám sát nghiêm ngặt. Kể cả tại khóm quận ngoại thành quy mô lớn bao quanh thành phố, chúng cũng thường có các hệ thống quản lý riêng biệt. Dù vậy, mọi thành phố đều lệ thuộc vào một khu vực lãnh thổ có kích thước lớn hơn nhiều bên ngoài các cột mốc địa giới kia. Trong danh sách sau đây: thức ăn, nước, vật liệu xây dựng (gỗ, đá, vân vân), thợ xây, thương gia và hàng hóa, vật liệu thô để sản xuất (len, sợi bông), năng lượng (dưới hình thức vật tư có thể tiêu thụ, như xăng, than, hay dây cáp nối vào một trung tâm phát như nhà máy điện hay nông trại gió), một phần hay tất cả đều cần phải được mang từ bên ngoài vào để duy trì khu vực trung tâm đô thị. Đây là thực tế bắt buộc bất luận thành phố kia có dáng dấp cụ thể như thế nào.
Alexandria cổ đại
Đa phần tranh luận xoay quanh thành phố, ít nhất tại các nền văn hóa sử dụng tiếng Anh, đều lặp lại các tranh chấp giữa Robert Moses và Jane Jacobs hồi giữa thế kỷ 20. Moses thường được khắc họa là một nhà quy hoạch “thợ cả” điển hình, người tìm cách kiểm soát cảnh quan đô thị New York bằng môi trường xây dựng, xây cất các cao tốc bất chấp sự phản đối của hệ thống đường bộ. Trong khi đó, Jacobs được cho là nhà vô địch của đời sống thị tứ, cho rằng chính những người dân thường, nếu được tự do giao tiếp, là đối tượng tốt nhất mang tới trật tự cho thành phố. Sự đối đầu về quan điểm giữa hai mô hình từ trên xuống và từ dưới lên nằm ngay chính trọng tâm của tư duy đô thị hiện tại, thế nhưng vẫn bỏ ra ngoài yếu tố không-phải-con-người. Jacobs và Moses đều hình dung về thành phố về cơ bản là một hiện thể do con người tạo ra, là thể hiện ra bên ngoài một viễn cảnh được con người hình dung. Đây là một nhận định căn bản mà tôi mong sẽ được xem xét lại.
Nói như vậy không có nghĩa là nói rằng tất các các nhà tư tưởng đô thị hiện đại đều bàng quan trước những yếu tố không thuộc về con người. Triết gia Henri Lefebvre phân biệt giữa không gian đô thị và quá trình đô thị hóa; ông tiên tri về một thời điểm khi quá trình đô thị hóa sẽ tạo hình cho mọi dạng thức cuộc sống ở phạm vi toàn cầu. Sử gia kiến trúc Sigfried Giedion và nhà đô thị học Lewis Mumford đều cùng chứng kiến các kỹ nghệ về môi trường chinh phục cả không gian lẫn thời gian. Học giả văn chương Raymond Williams truy dấu sự phân biệt về văn hóa giữa đô thị và nông thôn. Thế nhưng tất cả những công trình vừa nêu vẫn không thể khiến thay đổi quan điểm cho rằng đô thị là không gian thuộc về con người, và những gì không thuộc về sẽ phải ở bên ngoài. Trên thực tế, khi cho rằng các quá trình đô thị hóa hoặc kỹ nghệ có thể phát triển đến mức thống trị hết phần còn lại của thế giới, một vài nhà tư tưởng trong số này đang củng cố một phân biệt lâu đời giữa thành phố và tự nhiên, vốn chỉ là tưởng tượng.
Nếu ta nghĩ tới những trải nghiệm tại không gian đô thị không liên quan tới con người, sẽ lại rất khó để thoát ra ngoài suy nghĩ rằng về cốt lõi, một thành phố chính là một con người. Năm 2016, David Attenborough dành cả tập 6 của chùm Planet Earth II phát trên BBC để đi theo các loài thú ở Jodhpur, Rome, New York và Mumbai. Khán giả xem tập phim được mớm quan điểm rằng con người, nếu ở trong cùng vai trò, sẽ biến các không gian này trở nên thích ứng hơn để nhiều loài có thể cùng chung sống. Thế nhưng trong cách thể hiện đó, con người cứ vẫn là kiến trúc sư của thành phố. New York được mô tả là “nơi kém tự nhiên nhất trên Trái đất”. Thực chất cái chúng ta nhìn thấy chỉ là phiên bản mới của lời nói dối cũ, cho rằng con người là động cơ chủ đạo kiến tạo ra một môi trường sống phức tạp, đa chủng loài.
Bạn hẳn sẽ tự hỏi vì sao tôi xem đó là một lời nói dối. Rõ ràng là kiến trúc sư, nhà quy hoạch, kỹ sư và các cơ quan đô thị tạo ra thành phố của chúng ta, có phải thế không? Nếu như tôi nói ngược lại mới đúng, thì bạn nói tiếp, liệu tôi có đang tìm cách giúp con người tránh né quy kết về tác động sinh thái của quá trình đô thị hóa? Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất thông qua phân tích kỹ lưỡng hơn về lời nói dối, trước khi quay trở lại câu hỏi thứ hai trong phần kết luận.
Có ba yếu tố chính trong cách nhìn nhận sai lầm về thành phố mà tôi đang phân ra. Thứ nhất: con người là loài duy nhất xây dựng thành phố; thứ hai, thành phố có một vùng đất nằm bên ngoài, một thế giới tự nhiên nằm ngoài quá trình đô thị hóa; và thứ ba, thành phố là một cách phân loại trừu tượng trong đó tất cả các thành phần đơn lẻ đều chỉ là các ví dụ. Yếu tố thứ nhất là cái lõi đơn giản nhất của lời nói dối, nhưng phụ thuộc khắn khít với hai yếu tố còn lại.
Hãy cùng nhìn một ví dụ cụ thể khác, để chúng ta hình dung rõ hơn về yếu tố thứ nhất: Edinburg, thủ đô Scotland. Du khách nào đi quanh các khu du lịch chính của thành phố cũng đều không thể bỏ qua vai trò của địa hình trong sự hình thành thành phố. Castle Rock nằm ở trung tâm của Old Town, tách khỏi New Town bằng một hẻm núi sâu ở ga Waverley, nơi các đường tàu chạy qua. Hẻm núi này trước kia từng ngập nước và có tên là Nor Loch (hồ Nor), một phần hệ thống phòng thủ của thị trấn trung cổ này. Trong quá trình mở rộng thành phố về phía Bắc từ đó tạo ra New Town, loch này được lấp đi để tạo khu vực đồi nhân tạo Mound và công viên Princes Street. Cũng như Castle Rock, sáu ngọn đồi khác bật lên khỏi cảnh quan chung của thành phố: đồi Arthur’s Seat, đồi Blackford, đồi Braid, đồi Calton, đồi Corstorphine và đồi Craiglockhart. Thử lên đỉnh một trong sáu đồi này ta sẽ thấy, nằm ngoài thành phố về phía Tây Nam, là các đỉnh cao hơn của Pentlands, và về phía bắc những ngọn đồi khác nằm xa khỏi Firth of Forth.
Edinburg quây lấy một khu đất thấp có bảy ngọn đồi, và thành phố đã hình thành từ mối quan hệ địa lý này. Nếu nơi này không có ngọn đồi nào, nó cũng chẳng có các đặc điểm phòng ngự dẫn tới sự ra đời của một tòa lâu đài và sự phát triển của thị trấn bên cạnh. Chính chữ Edinburg đến từ gốc Celt có nghĩa “pháo đài trên dốc”.
Nhưng địa lý chẳng hề là một đặc điểm cố định của thế giới quanh ta, mà tự nó là sản phẩm hình thành từ rất nhiều quá trình khác nhau. Các ngọn đồi và hẻm núi bên dưới Edinburg được hình thành từ nhiều thế kỷ hoạt động của núi lửa và băng hà. Nếu ta thừa nhận Castle Rock và sáu ngọn đồi còn lại đã đóng vai trò nhất định trong việc hình thành khung cảnh của Edinburg, khi đó chúng ta cũng đã chấp nhận núi lửa và băng hà tiền sử cũng nằm trong danh sách những nguồn lực tác động vào quá trình hình thành thành phố này, cả khi chúng đã kết thúc trước khi con người đến đây sinh sống.
Nhận thức về thang địa tầng và vai trò của thang địa tầng trong việc làm nên một thành phố có thể khiến chúng ta nán lại suy nghĩ thêm về Edinburg, nhưng có lẽ sẽ khiến ta gặp khó khăn với yếu tố thứ hai và thứ ba của lời nói dối. Chúng ta có thể cho rằng quá trình đô thị hóa theo định nghĩa là một tiến trình do con người tạo ra, không bị ràng buộc trong không gian riêng biệt của tự nhiên; và chúng ta cũng có thể tranh luận rằng một tự nhiên cụ thể nào đó của bất kỳ thành phố nào cũng không có sự quan trọng ngang với một thành phố theo nghĩa khái quát, trừu tượng. Chính vì những yếu tố này mà chúng ta vẫn duy trì lời nói dối kia, trang bị cho nó những phòng vệ chống lại sự chỉ trích rằng một số yếu tố khác nằm trong dáng hình thành phố, như địa hình, phụ thuộc vào các quá trình không do con người tạo ra, một cách dễ dàng.
Quá trình đô thị hóa, tổng hợp phức các quy trình tạo nên và duy trì đời sống thành thị, cần một khu vực rộng lớn hơn rất nhiều bản thân thành phố đó. Như đã chỉ ra, các thành phố đều cần nước, điện, vật tư và thức ăn nhiều hơn rất nhiều khả năng tự sản xuất, thế nên chúng vươn tới các vùng hoang vu bằng các xúc tu hạ tầng hòng rút lấy những gì cần thiết. Đây là một kiểu góc nhìn ở cấp độ nhỏ nhất, cấp độ tế bào, minh họa cách thành phố rút lấy dưỡng chất từ thế giới quanh mình để phát triển. Nhưng quá trình này không mấy khác với những gì xảy ra giữa thế giới tự nhiên và vùng nông thôn – càng nhìn kỹ càng khó tách bạch. Đâu là nơi kết thúc của thành thị và bắt đầu của hoang nhiên? Liệu những quá trình diễn ra bên trong thành phố có ảnh hưởng ngược lại môi trường, hay thành phố tự thân nó là một sản phẩm hình thành từ những thay đổi trong cách quản lý môi trường?
Đồi Calton tại Edinburgh
Các sử gia môi trường như William Cronon và Debjani Bhattacharyya cũng đã chỉ ra đặc điểm các đường biên bị xóa nhòa này. Trong quyển Siêu đô thị của Tự nhiên: Chicago và vùng Great West (1991), Cronon cho thấy chúng ta cần phải đọc về lịch sử nông nghiệp của miền Tây nước Mỹ như một phần không tách rời khỏi lịch sử Chicago, trong protein từ đàn gia súc chăn thả ở các cánh đồng nuôi sống dân số đô thị ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ là vấn đề thành thị sử dụng và khai thác môi trường nông thôn xung quanh: các hệ thống nông nghiệp phát triển ở miền Tây cốt để duy trì dân số, lấy từ các dòng tiền sinh ra từ siêu đô thị. Gần đây, Bhattacharyya khám phá lịch sử về nước của Calcutta trong quyển Đế quốc và Sinh thái Đồng bằng Bengal (2018) của bà. Nhà nghiên cứu này truy lại lịch sử bị lãng quên của chuyện đầu cơ và khai hóa đất tạo nên nền móng của thành phố. Các sử gia này chỉ ra rằng thành thị và vùng hoang nhiên kiến tạo lẫn nhau, thay vì một thực thể ký sinh trên thực thể còn lại.
Từ xuất phát điểm tương đối khác, hai nhà đô thị học Neil Brenner và Christian Schmid phổ biến rộng rãi khái niệm đô thị hóa hành tinh. Quan điểm này lấy từ các lập luận trước kia của Lefebvre cho rằng quá trình đô thị sẽ chẳng mấy chốc lan tới mọi vùng đất trên thế giới. Brenner và Schmid cho rằng thời điểm này đã tới, và mỗi vùng đất của hành tinh Trái Đất hiện nay theo một cách nào đó đều ở trong quá trình này. Kể cả ở những nơi hẻo lánh, con người vẫn tìm cách khai thác khoáng sản, thức ăn và vật liệu để tiếp tục chu cấp cho lối sống đô thị của mình, từ kim loại quý cho điện thoại, phốt-pho cho nông nghiệp thâm canh, hay cá ngừ cho bữa tối. Đồng thời, nhựa nhân tạo có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, kể cả ở những vực sâu nhất dưới đáy đại dương. Lập luận này không xem bất cứ đâu là thành thị, mà cho rằng chẳng còn nơi nào nguyên vẹn chưa bị quá trình đô thị hóa, quá trình kiến tạo và duy trì thành thị, chạm ngõ.
Nối liền hai dòng tư tưởng này lại với nhau sẽ đưa ta tới một câu hỏi: liệu các thành phố chưa từng có vùng ngoại vi, hay chúng từng có nhưng nay đã không còn? Đó là một vấn đề nóng hổi dành cho các học giả đô thị, nhưng ở đây tôi cho rằng cái ranh giới kia nếu có vẫn chưa bao giờ thật sự rạch ròi. Tất cả các thành phố luôn bị ràng buộc trong các mối quan hệ phức tạp với những nơi khác, một số mạnh mẽ hơn và số khác kém hơn. Đây không chỉ đơn thuần là khả năng cung ứng của vùng hoang dã. Các mạng lưới văn hóa, kinh tế và chính trị trói buộc các thành phố cũng như các vùng đất nông nghiệp quanh chúng, và thực tế này luôn đúng từ rất lâu.
Khi đó, nhận định vừa nêu cho rằng đô thị hóa là một quá trình vận hành bên trong các hệ thống cuộc sống khác trên hành tinh, và không dễ gì phân biệt các hệ thống kia. Cho dù một thành phố liên kết với các nơi khác, điều đó không có nghĩa là các quá trình đô thị dừng lại ngay tại biên giới của thành phố đó. Có lẽ chúng ta tốt hơn nên nghĩ về đô thị hóa như sự tập trung đậm đặc các chuyển dịch giao cắt, các quỹ đạo, theo kiểu gọi của nhà địa lý Doreen Massey. Một thành thị không giống một tế bào, mà như một nút thắt.
Vậy còn thành phố trừu tượng? Yếu tố thứ ba của lời nói dối cho rằng đời sống đô thị có một cái gì đó đặc dị, từ đó tạo sinh ra nền văn minh con người, và thành phố do đó nên được nhìn nhận như một địa điểm thượng hạng của con người. Ở đây nhận định tách bạch ra khỏi tự nhiên kém mang tính vật chất mà nặng tính triết học hơn: nhân loại đã tự tách khỏi động vật bằng cách xây dựng mái nhà riêng cho mình. Theo quan điểm này, tất cả các thành thị, theo một nghĩa nhất định, đều có các điểm chung khiến cho đời sống thành thị trở nên phong phú. Hơn nữa, về cơ bản, nó khác với mọi lối sống khác, như lối sống nông thôn, ngoại thành hay du mục.
Như chúng ta đã bắt đầu nhận thấy, thành phố là các điểm tụ phức tạp của rất nhiều quỹ đạo khác nhau. Ở một mức độ, điều này đúng với tất cả các nơi, bất luận thành thị hay không. Nhưng về mặt con người, các thành phố dường như là sự quy tụ đậm đặc các hoạt động của con người. Thành phố là nơi ta có thể chạm vai với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng loại của mình, trong khi ở các vùng ngoại ô, nông thôn hay hoang dã chúng ta tiếp xúc với càng lúc càng ít con người hơn. Tùy vào nơi ta đang ở, ý niệm về một lượng đông đảo người, sống chen chúc, có thể sẽ khác nhau: gần 7% dân số thế giới sống ở các thành thị có dân số trên 10 triệu người, nhưng 26,5% sống ở các thành phố dưới 500.000 cư dân. Gần một nửa loài người chẳng hề sống ở thị thành. Khi hình dung về một thành phố, ta có thể hình dung các tòa nhà chọc trời và các khu dân cư không chính thống ở Mumbai, vẻ lộng lẫy của Rome cổ kính, mạng lưới đường xá ở Manhattan, hay Dubai như viên ngọc lấp lánh giữa sa mạc. Hay điều đầu tiên nảy tới trong đầu chúng ta có thể là thành phố mà ta lớn lên hay sống cạnh bên – nơi đầu tiên mà ta tiếp xúc với mọi khả năng có thể xảy ra khi có một lượng lớn con người sống chung với nhau.
Chắc chắn các nơi này đều gắn bện với nhau bằng quá trình đô thị hóa. Nhưng chúng cũng vô cùng đặc trưng. Địa hình, khí hậu, nền kinh tế, đời sống hoang dã và nhiều yếu tố khác đều cực kỳ khác biệt. Và chúng không chỉ là những chi tiết duy nhất của đời sống đô thị: một thị trấn sinh viên có một bầu không khí rất khác một hải cảng hay một trung tâm thương mại; một căn hộ ở Edinburgh sẽ mang lại cảm giác khác một căn hộ về phía Nam đất liền tại Alexandria. Khi mang vào tất cả các nguồn lực để kiến tạo thành phố, như con người vẫn luôn thực hiện, chúng ta đã làm mờ đi nhận thức cho rằng thành phố là một phạm trù trừu tượng. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đẩy nhận định này đi xa hơn đôi chút.
Hãy thử nghĩ lại về thành phố ta đang sống, nơi sẽ xuất hiện đầu tiên trong đầu khi ta nghe thấy tên nó. Thành phố này không cần phải là nơi ta đã từng tới, bởi các đô thị hiện đại cũng vận hành như các biểu tượng văn hóa cho cả những người chưa từng đặt chân tới. Hãy hình dung đường phố, các công trình và con người tại đó. Những gì ta có trong đầu là một nơi chốn cụ thể, hay ít nhất là hình dung về nơi chốn đó. Càng hiểu rõ hơn, thành phố càng cụ thể và bớt đi tính trừu tượng. Và hầu hết các chi tiết mà ta đang hình dung có rất ít liên quan tới các thành phố trừu tượng: điều gì mang cho Edinburgh hay Alexandria phong vị riêng biệt chính là cá tính riêng của chúng, chẳng phải những gì chúng có chung. Do đó, dù rằng các đô thị có thể cùng quá trình đô thị hóa, nhưng thứ thật sự hằn sâu mỗi khi chúng ta nghĩ về bất kỳ thành phố nào chính là những đặc thù của nó, nhất là những gì không thể trừu tượng hóa. Một thành phố không chỉ làm nên từ các quá trình vật chất, hữu hình khiến nó riêng biệt, mà còn từ đời sống văn hóa và diện mạo luôn khác biệt của nó. Vì thế, khi ta xem thành phố là một tập hợp các cuộn chỉ lẫn vào nhau, chúng cũng nên nhận thức về những đặc điểm đặc thù của từng cuộn chỉ và cách bố trí đặc thù của chúng trong tại không gian cụ thể này.
Liệu phơi bày lời dối trá này giúp ích gì cho chúng ta không? Chẳng phải đó là vấn đề chỉ được các nhà hoạch định, kiến trúc, kỹ sư, kiến thiết thành phố quan tâm sao? Hay chúng ta nên dành phần kiến tạo này riêng cho các chuyên gia như William McLean? Để trả lời, chúng ta nên quay lại Alexandria.
Vùng bờ châu thổ hiện đang bị thu hẹp và, giữa tất cả các thành phố trên thế giới, Alexandria lại nằm trong số những nơi dễ bị xâm thực nhất khi mực nước biển dâng lên. Tới thập niên 2070, Alexandria có thể có 4 triệu cư dân có nguy cơ bị lũ tác động. Dải đất mỏng giữa biển và hồ này ngày càng thu hẹp khi biển cả đang giành lại châu thổ. Quá trình này không chỉ là một phần của lịch sử biến đổi khí hậu toàn cầu do nhiên liệu hóa thạch gây ra, mà còn là một lịch sử thay đổi xảy ra tại khu vực sông Nile đã làm giảm đi sức mạnh của lũ và khối lượng phù sa mang tới châu thổ hàng năm. Khả năng bồi thêm đất đai của dòng sông đã bị thay đổi bởi các nỗ lực liên tục nhằm kiểm soát dòng chảy; và khi không còn những khoáng vật trù phú của dòng lũ, châu thổ Alexandria đang thay đổi. Các thành phố Ai Cập rối bòng bong trong cái lịch sử biến đổi môi trường này, là một phần của bối cảnh đất và nước vùng châu thổ. Hình dung ra biên giới giữa đô thị và môi trường tự nhiên chỉ giúp chúng ta bỏ qua các mối quan hệ này. Bức tường thành phố mà ta tưởng tượng ra không còn đứng vững.
Mở mắt chấp nhận những tác động khác nhau làm thay đổi thành thịkhông có nghĩa là từ bỏ bất cứ trách nhiệm nào trước thế giới quanh ta. Kỳ thực, chính lời nói dối cho rằng chúng ta tách riêng ra khỏi tự nhiên mới là thứ duy trì một thái độ chiết xuất, khai thác đối với môi trường. Nếu như các thành phố cũng chính là một phần của các quá trình tự nhiên hệt như các nông trại hay cơ sở đánh bắt cá, thì chúng ta nên tập nhận thức về cách vận hành của các mối quan hệ này. Nhìn rõ vào chân tướng lời nói dối sẽ cho chúng ta thấy rõ tác hại do hành động của con người gây ra rõ nét hơn bao giờ hết, nếu vẫn tiếp tục khư khư lối cũ.
Sống trên thế giới này, chúng ta buộc phải xem thành thị như một tổng hòa môi trường phức tạp đúng theo bản chất của chúng. Khi học được cách mà đất, nước, khí hậu, các dạng sống khác và tài nguyên khác đã kiến tạo các thành phố cùng với con người, chúng ta mới bắt đầu hiểu cách sống hòa thuận hơn với các sinh vật xung quanh. Những giấc mộng tương lai nơi kỹ nghệ sẽ cứu giúp con người khỏi sự sụp đổ sinh thái vẫn đang tìm cách gìn giữ cái ranh giới giữa con người và môi trường, giữa thành thị và hoang nhiên, giữa đô thị hóa và hoang dã. Thế nhưng các đối lực nhị phân này chẳng hề phản ánh những tác động đan xen tạo ra nên thành thị, môi trường sống và chính con người. Đã đến lúc chúng ta từ bỏ chúng, và bắt đầu học những cách cảm nhận và tư duy về đô thị mới mẻ hơn.

k.