Trời đã bắt đầu trở lạnh. Những cơn gió không biết từ đâu kéo về, ngang qua con ngõ nhà Bông. Trời âm u không một tia nắng. Cuối chân trời, những màng mờ đục của bụi mịn khiến không gian phía xa thêm mịt mù như Đà Lạt mờ sương. Tiếng vi vu khe khẽ, cành lựu lay đưa uốn mình trong gió trước hiên nhà làm Bông thích thú.
Bông đưa đôi mắt tròn xoe, nhìn ngắm chú chim sẻ nhỏ vừa đậu xuống dưới sân tìm kiếm thức ăn. Gần đến tết, nên cái không khí ở thành phố Sài Gòn đâm ra chiều lòng người. Bông chạy lon ton trước sân, chơi đùa cùng cây chổi, đoá hoa mẹ trồng. 
Tiếng lạo xạo, đong đưa của những lá sả va vào nhau khi gió thổi qua nghe vui tai. Cuộc sống, buổi bình minh đẹp và bình yên đến lạ.
Mẹ Bông ở trong bếp, mẹ đang loay hoay nấu ăn. Bông chạy ù vào nhà đứng bên cạnh mẹ ngó nghiêng xung quanh. Mỗi lần mẹ nấu ăn, Bông thường có thói quen quấn quýt cạnh mẹ. Vì vừa được phụ mẹ nhặt những cọng rau hay xem mẹ nấu nướng. Mùi thơm của thức ăn làm cái bụng nhỏ của Bông reo lên vì đói.
Bất chợt mẹ nói: “Hôm nay nhà hết gạo, nhà mình ăn gạo lứt nha con.”
Mẹ vơ tay lấy ra một hủ gạo nhỏ xíu. Loại gạo mà ăn vào Bông cảm thấy cứng và khô. Bông đang còn mãi suy nghĩ, mẹ lại nói:
-Nhà mình hết gạo rồi!
Nghe mẹ nói, Bông chạy lại nơi thùng gạo vẫn ở ngay bếp. Bông giở nắp thùng ra, bên trong trống hoắc. Bông đi về phía góc nhà, nơi bao gạo to bự vẫn nằm ở đó. Bữa nay nó cũng trống trơn. Có lẽ, mẹ đã dọn dẹp sạch khi nhà hết gạo. Loại gạo trắng vừa dẻo vừa thơm mà cả nhà vẫn thường ăn. Bông nhìn hủ gạo lứt trên tay mẹ nhỏ xíu, mặt tiu nghỉu như con mèo con. Mẹ nhìn Bông, mặt mẹ đượm buồn nói:
-Mẹ hết tiền rồi! Sắp tới nhà mình không biết sẽ lấy gì mà ăn.
Mẹ có vẻ lo lắng và nhìn ra hiên cửa sổ. Nơi gió vẫn thổi, mắt mẹ mông lung nhìn xa xăm. Khi thành phố chuyển mình trở lạnh những ngày cuối đông.
Trong lòng Bông cũng có chút lo lắng và thương mẹ. Cô bé đang tuổi đi nhà trẻ nhưng vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán nên mẹ cho bé ở nhà. Cái tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi cùng chúng bạn nhưng nhà hết gạo thiếu cái ăn, thật đáng lo đối với một đứa trẻ.
Bông chạy lên chạy xuống chỗ bao gạo quen thuộc hay ở đó. Bữa nay nó vắng hoe, mẹ đã dọn đi từ bao giờ vì gạo đã hết. Bông lại chạy xuống bếp, ngồi trên chiếc ghế sau lưng mẹ, im lặng. 
-Hết gạo rồi, mẹ biết lấy gì cho Bông ăn đây. Con sẽ ăn gì khi hết gạo, hết tiền hả Bông ơi?
Tay mẹ vẫn bận rộn ngắt những cọng rau. Miệng mẹ vẫn nói với vẻ lo lắng. Như hiểu được nỗi lo của mẹ, lòng Bông cũng thấy bối rối lo lắng trong phút chốc. Bông nhanh nhảu đáp:
-Hết gạo rồi con ăn gạo lứt.
Thế hết gạo lứt thì sao? Con nhìn nè còn có một ít gạo này thôi. Mẹ chưa có tiền mua gạo nữa. Mẹ Bông lại nhẹ giọng nói:
-Con ăn yến mạch. Bông nhìn lên hủ yến mạch còn ít hơn nửa hủ vẫn ở trên đầu tủ. Mặt cô bé đầy quả quyết.
Mẹ lại thở dài. Rồi hỏi tiếp:
-Thế yến mạch cũng hết thì ăn cái gì đây!
Bông mím chặt môi nhìn xung quanh. Mắt cô bé dừng lại trên hai gói mì cuối cùng còn lại trên bàn. Mẹ vẫn hay mua một hai gói để đó chứ ít khi thấy ba mẹ ăn.
-Con ăn mì tôm mẹ ạ! Bông nhanh nhảu đáp.
-Rồi hết mì tôm lấy gì cho con ăn. 
Mẹ như lo bé Bông của mẹ sẽ đói, khi năm nay dịch bệnh ba mẹ chẳng làm được nhiều tiền lo cho Bông. 
Bông nhìn ra ngoài sân, Bông  thấy những cây rau mẹ trồng xanh mướt, đang đong đưa trong gió như mời gọi. Khoảng sân phía trước mát rượi, khi được những ngôi nhà cao tầng che chắn bằng các chiếc bóng dài. Lòng cô bé nhẹ tênh, nỗi âu lo cũng tan biến. Bông nhẹ nhàng nói:
-Hết gạo thì con ra sân trồng rau ăn mẹ ạ!
-Thế tiền đâu mua hạt giống, mua đất hả con. Trồng rau phải có đất, có hạt mới trồng được. Muốn trồng là một chuyện, trồng được hay không lại là chuyện khác con à!
Mẹ hỏi với vẻ mặt lo lắng, làm bông cũng lo lắng theo. Bông bối rối đưa mắt nhìn ra ngoài sân nghĩ ngợi. Mẹ vẫn loay hoay ngụp lặn ở trong bếp làm bữa trưa. Ba thì ngồi nơi góc bàn làm việc chăm chú vào màn hình, tai vẫn đeo chiếc phone. Nhìn ba "chill lắm".
Từ ngày ba Bông bỏ công ty ra làm ông giáo và làm nhà sản xuất phim, cuộc sống nhà bông thay đổi hẳn. Bông chưa kịp cảm nhận thay đổi như thế nào thì dịch bệnh kéo đến. Mọi hoạt động kinh tế trở nên chậm chạp và Bông cũng được ba mẹ cho nghỉ học khi nghe có dịch bệnh bùng phát. Thăng trầm và biến động nhưng cả nhà rất vui vì luôn quay quần bên nhau. 
Cuộc sống, được làm những điều mình thích khiến người ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Mỗi người sinh ra trên đời, suy cho cùng thì cũng chỉ cầu mong và ước muốn có một cuộc sống vui vẻ bình yên. Dù giàu hay nghèo, nam hay nữ...v.v. Ba mẹ Bông đi theo tiếng gọi của trái tim đi tìm niềm vui, bình yên. Nhưng liệu có bình yên như ba mẹ vẫn nghĩ và mơ tưởng về nó.
Ở cái thành phố Sài Gòn hoa lệ này, ra đường là tốn tiền, chi phí đắt đỏ không có tiền sao mà sống nổi. 
Ba đang đi dạy yên lành, tự nhiên dịch bệnh kéo tới bữa dạy bữa nghỉ. Ảnh hưởng đến công việc thu nhập của gia đình. Chưa kể những dự án làm phim quảng cáo, Mv ca nhạc, làm hậu kỳ cho phim ảnh hay làm website cho doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Lúc đó, Bông thấy ba mẹ thật dũng cảm, dám từ bỏ công việc mà người ta gọi là ổn định. Để dấn thân vào hành trình không mấy ổn định. Vì rời xa công ty của người ta là bão tố. 
Vốn dĩ, ba Bông đang làm ở một công ty lớn. Tự nhiên một ngày, ba mẹ dắt Bông đi du lịch về rồi ba bỏ việc ở công ty luôn. Mặc dù, thấy ba lúc nào cũng bận, nhưng Bông lo quá!
Còn bé nhưng Bông hiểu thế nào là đói. Cái bụng trống rỗng, cồn cào, rên rỉ vì đói rất khó chịu. Bông biết, mình không thể chịu nổi khi cơn đói ghé qua.
Nếu thu nhập mà không bằng chi thì nguy to, Bông lo theo nỗi lo của mẹ. 
-Mình về quê ngoại đi mẹ! Về xin đất ngoại trồng lúa để có gạo ăn. Con không muốn đói, con chịu đói không được. Không có gì ăn, con không muốn chết đói.
Bông nói với gương mặt nghiêm nghị, không có lấy một nụ cười. Chỉ thấy trên khuôn mặt con bé đầy lo lắng. 
Nghe Bông nói, mẹ Bông thấy xúc động. Chị cảm thấy xấu hổ và thương con vô cùng. Chỉ muốn bỏ hết mọi việc đang làm dở dang, để ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Một con bé chưa tròn năm tuổi đã sợ đói, biết lo đói no khiến lòng chị nhiều lúc thấy mình kém cỏi. Tình yêu dành cho Bông, khiến chị mạnh mẽ hơn, ra dáng một người đàn bà hơn. Dù như thế chị vẫn thấy chưa đủ. Vì nhiều lúc, chị thấy mình vẫn là em bé bên cạnh ba con của Bông. 
Mỗi ngày trôi qua, trời vẫn buồn như mọi khi. Phía chân trời những màng mỏng của bụi mịn vẫn còn đó. Gió vẫn ghé qua sân nhà Bông mỗi sáng. Tuy nhiên, nắng thôi óng ánh vàng ươm như những ngày hè.
Ở thành phố náo nhiệt là thế, đèn hoa lấp lánh nhưng cũng chẳng sung sướng gì nếu không kiếm được tiền. 
Nhiều người nghĩ, bỏ quê lên phố là cuộc đời nó khác lắm. Đúng rồi, khác lắm nhưng khác như thế nào thì mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng. Chẳng ai giống ai...
 Ở phố chi phí đắt đỏ, lắm thứ phải lo. Những nỗi lo rất đời thường nhưng khiến người người ta mệt nhoài. Cũng vật lộn với cơm áo gạo tiền như ở quê. Tâm hồn vẫn da diết, day dứt trên con đường trưởng thành mưu sinh. Chẳng qua, người ta đang ở phố thị nghe xa hoa lộng lẫy thế thôi. Hoa cho kẻ giàu và lệ cho kẻ nghèo. Người ta vẫn bảo: "Sài Gòn hoa lệ đấy thôi!" Chị nhìn Bông nói:
-Ai cho hả con, không phải cứ xin là sẽ được cho. Con muốn thì về xin ngoại thử xem sao?
Mặt mẹ buồn buồn, như cơn gió sớm mai vừa mang nỗi buồn ghé qua ngang cửa nhà Bông. Đất thì không có lấy đâu trồng lúa. Tiền không có lấy đâu đong gạo, nuôi con. 
Ngày vẫn ba bữa, dù không được ăn cơm trắng với thịt gà, rau củ. Thức ăn vị không ngon như thường lệ nhưng Bông vẫn được mẹ cho ăn ngày ba bữa. Chưa bị đói bữa nào. Khi mẹ hỏi: 
-ngon không con?
 Bông đều gật đầu lia lịa, miệng cười tươi khen ngon. Cô bé nói: 
-Mẹ ơi! ăn còn phải để dành cho hôm sau, kẻo không có gì ăn lại đói.
Cuộc sống này, nơi thành phố huyên náo, hào nhoáng vậy thôi nhưng đầy áp lực. Chỉ mới vài hôm, mẹ hết tiền chưa kịp mua gạo mà Bông thấy nhà như đang đối diện trước nạn đói đang đe dọa cả nhà, lo lắng khủng khiếp. 
Một buổi sáng, mẹ dậy sớm đi chợ. Bất chợt điện thoại ba vang lên. Ba vội mặc cái ái thun cộc tay và bước xuống nhà. Khi lên bếp, ba đã các theo một bao gạo to. Lòng Bông rộn rã như tết về. Mà còn có hơn tháng nữa thì tết đến rồi còn gì?
Bông chạy theo ba mặt hớn hở, vui vẻ. Khi ba đặt bao gạo xuống nơi quen thuộc vốn thuộc về nó. Bông chạy tới ôm choàng lấy bao gạo, tỉ tê đầy hạnh phúc. Bông lo sợ nếu Bông buông ra bao gạo sẽ biến mất. Như ngày hôm kia...
-Tôi yêu bao gạo quá!
Bông reo lên đầy hạnh phúc. Ba đã mang niềm vui đến cho Bông, mà đúng hơn là cái bao gạo thơm ngon kia đem đến.
Đúng lúc mẹ bước vào. Gương mặt mẹ cười hiền hoà nhìn ba, nhìn đứa trẻ. Mẹ có vẻ xúc động khi thấy cảnh. Một đứa trẻ ôm bao gạo mặt tươi cười và nói:
-Từ nay có gạo ăn rồi! Không sợ bị đói nữa. Hạnh phúc quá!
Mẹ như muốn khóc vì sự kém cỏi của mình. Để một đứa trẻ con phải lo đói no khi tuổi còn nhỏ. Mà mới không cho con bé ăn cơm trắng hai ngày chứ đâu có nhiều. Ba thì cười đầy hạnh phúc, người ba ôm mẹ an ủi. 
-Anh thấy hành động đó của con thật đáng yêu. Con hiểu được giá trị của những điều bình thường quanh mình và anh thấy hạnh phúc!
Mẹ im lặng, tựa đầu vào vai ba. Còn bé Bông thì miệng cười vui vẻ, quấn quýt bên bao gạo to bự.
Nhà bé Bông lại trở lại cuộc sống bình thường. Sau ba ngày mẹ nói hết tiền mua gạo. Và mẹ cho hai ba con ăn gạo lứt, ăn cháo, ăn mì ý cho qua ngày. Khiến Bông và ba thèm được ăn cơm mẹ nấu. Những hạt cơm trắng, những cọng rau xanh, dưa cá đong đầy. Nghĩ thôi đã thấy ngon đến lạ. Tuy chỉ là những món ăn dân dã nhưng đong đầy tình yêu thương. 
Dù mẹ vẫn bảo, cơm trắng ăn nhiều không tốt lắm. Nhưng Bông và ba yêu nó vô cùng. Bông và ba luôn phản đối khi mẹ trộn các loại đậu vào cơm. Nhưng những lúc mẹ tuyên bố nhà hết tiền thì hai ba con lại im lặng, gật gù ăn một cách ngon lành. Nếu mẹ có nấu dở vô cùng thì cũng cảm thấy biết ơn vì có cái ăn. 
Sài gòn hoa lệ lắm và ngày tháng qua đi, Bông hiểu ra những vất vả của ba mẹ. Để rồi Bông biết trân trọng, yêu quý hơn những gì mình đang có.
_Phú Trên Mây_