Đây là điều mà tôi thắc mắc khi vừa đọc tác phẩm: Tại sao tác giả lại để Nakahara làm công việc an táng cho động vật? Điều đó có liên quan gì đến ý nghĩa câu chuyện?
Có lẽ đó là tiền đề để mở ra khung cảnh ở đầu tác phẩm: Chú mèo chết vì bệnh được gia đình chủ an táng, nghi thức trang trọng, không khí u buồn nhưng ấm áp... Và đến gần cuối tác phẩm, ta bắt gặp hình ảnh một đứa bé vừa cất tiếng khóc chào đời, bị chính cha mẹ của mình chôn sống. Theo cách nghĩ của tôi, đây là một phép tương phản tinh tế mà Hishina Keigo đã sử dụng từ đó đưa ra một nghịch lí: Mạng sống của một đứa bé không quý giá bằng một con thú cưng? Một con thú vô tri còn được sống sung sướng, được chủ yêu thương hết mực, tại sao một con người không thể? Hai cái chết, con mèo được an táng trang trọng, được nhiều người tiếc thương, trong khi đứa bé phải lặng lẽ ra đi trong khu rừng âm u lạnh lẽo.  Tỉ lệ phá thai ngày càng tăng theo sự phát triển của xã hội, chưa kể đến những xác thai nhi trước cổng bệnh viện, thậm chí trong thùng rác. Tôi tự hỏi thế nào là "phát triển"? Và tự cảm thấy nực cười thay khi thắc mắc liệu những bà mẹ đó có nuôi thú cưng không? Cuối cùng, liệu họ có giống như hai nhân vật trong tác phẩm, sống trong đau khổ dày vò suốt quãng đời còn lại không?