Mình viết những dòng này để chia sẻ một chút về những điều bản thân cảm nhận được tại một sân khấu ở Sài Gòn mang tên Idecaf, rất hy vọng nhận được sự chia sẻ, phản hồi từ phía mọi người.
        Có lẽ, à mà không, chắc chắn là mình mê sân khấu thật rồi. Hỏi tại sao mình mê chú Thành Lộc hả? Mê thì mê thôi chứ đâu cần lý do nhỉ. Hỏi tại sao lại là Idecaf chứ không phải một nơi nào khác hả? Vì đó là lần đầu tiên, mà đã là lần đầu tiên thì bao giờ cũng là ấn tượng mạnh nhất, đẹp đẽ nhất.
        "Cái thế giới nghệ thuật do sân khấu tạo ra cũng có nam phụ lão ấu đi đi lại lại, ăn uống nói cười; họ ăn những thứ chúng ta vẫn ăn, uống những thứ chúng ta vẫn uống, những lời nói của họ cũng giống như những gì chúng ta vẫn nói ngoài đời thường, nghĩa là không có gì triết lý cao xa hay bí mật hiểm hóc lắm, nhưng không hiểu sao vẫn khiến tôi cảm thấy đó là một thế giới tráng lệ và sang trọng lạ lùng...." - Trích "Cảm ơn sân khấu" tạp văn "Người Quảng đi ăn mì Quảng" - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
        Mọi người chắc hẳn đã học qua tác phẩm "Lục Vân Tiên" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu hồi lớp 9 rồi. Từ văn học mà dựng thành một vở diễn gần 3 tiếng đồng hồ mang tên "Tiên Nga" do chú Thành Lộc đạo diễn là cơ duyên để mình đến với sân khấu và yêu sân khấu nhiều hơn. Mình yêu sân khấu vì đã cho mình đắm chìm trong một thế giới khác với những âm thanh và màu sắc. Mình yêu cái không khí của khán phòng với bao nhiêu con người cùng chung một cảm xúc. Những tràng vỗ tay cứ nối tiếp, vang vọng nhau sau một nhân vật mới xuất hiện, sau một câu thoại hay, sau nét diễn xuất tinh tế. 
Cảnh kết vở Tiên Nga
        Cả khán phòng hòa mình với không khí chung và cảm xúc mà nhân vật mang lại. Nước mắt có, nụ cười có, cảm xúc đầy chân thực và thuần khiết. Đó là những con người không phân biệt địa vị, tuổi tác hay giới tính mà đều có một tình yêu chung dành cho sân khấu. Người nghệ sĩ hạnh phúc khi khán giả bỏ tiền mua vé, bỏ thời gian xem họ trình diễn, gởi tặng đến họ những tràng vỗ tay và nán lại đợi họ ra về để tặng hoa, tặng quà, để nói lời cảm ơn.
        Nếu nhà văn có chất liệu là những con chữ, điện ảnh có chất liệu là những góc quay thì sân khấu chỉ có năng lực của diễn viên. Mình luôn đánh giá cao diễn viên sân khấu, bởi chính thực lực của họ. Với một vở kịch dài suốt gần 3 tiếng, họ phải biết cách nuôi cảm xúc và giữ sức để không bị đuối trên sàn diễn. Họ phải trau dồi ngôn ngữ hình thể và thanh âm để những khán giả ở hàng ghế cuối có thể nghe và xem được nét diễn của họ. Vấn đề của sân khấu ở chỗ: lượng khán giả chỉ từ hơn 300 đến 700 một vở (nếu diễn ở nhà hát lớn). Dù có đắt khách đến thế nào cũng không thể bằng lượng khán giả của một bộ phim chiếu rạp, mà công sức của diễn viên sân khấu lại bỏ ra hàng đêm diễn, cực hơn rất nhiều.
        Ở Idecaf có một điều mình rất thích mà không biết ở các sân khấu khác có tồn tại không, đó là đầy đủ các diễn viên xuất hiện trong vở diễn sẽ ra chào khán giả trước khi tấm màn nhung khép lại. Bất kể vai lớn hay vai nhỏ, hết vai trước hay sau đều sẽ ở lại để cúi chào khán giả, thể hiện sự trân trọng với khán giả của mình. Nói riêng về chú Thành Lộc, báo chí cũng đã hết lời khen chú, bởi chú quá tuyệt vời trong từng vai diễn. Người ta có thể không quan tâm đến nội dung vở diễn, nhưng chỉ cần có Thành Lộc, người ta sẵn sàng ghé xem. Chú là anh phù thủy sân khấu duy nhất đối với thế hệ tụi con.
Ngày Xửa Ngày Xưa 31: Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp... với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó!
Ngày Xửa Ngày Xưa 15: Hoàng Tử Ai cập