Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Bài viết này dành cho những năm tháng tuổi trẻ, cho những buổi chiều ngẩn ngơ bên cối thuốc, ly trà nguội lạnh và cho cơn khủng hoảng tuổi 25.

Đã bao giờ bạn tự hỏi:
"Thành đạt" là gì? Tại sao ai ai cũng đều mải miết để trở nên "thành đạt"?
    Bạn cố gắng nhắm tới 2 chữ "thành đạt", nhưng đã có bao giờ bạn dừng lại, trong một phút giây nào đó, để tự hỏi bản thân rằng liệu đó là cái mình muốn, hay chỉ là cái quan niệm của một xã hội, một nhóm người, một dân tộc gán lên cho bạn?
Con cố gắng học tập giỏi, cố gắng trở nên thành đạt nhé!
Ba chúc con mạnh khỏe và thành đạt trong cuộc sống!

Thành đạt rốt cuộc là cái của nợ gì?!

Related image


    Tôi thử hỏi 10 người điều này, và cả 10 người đều được hỏi đều ngớ ra trong hàng chục giây, suy nghĩ, và rồi trả lời một cái gì đó rất chung chung, rất "xã hội" và quen thuộc. Căn bản, họ hầu như chả bao giờ "sẵn sàng" cho một câu hỏi về một định nghĩa đã quá hiển nhiên trong cuộc sống này, một sự hiển nhiên mà họ cũng chả bận tâm tự vấn bản thân.
Thành đạt là khái niệm chỉ sự cân đối giữa mục tiêu đặt ra và phương pháp thực hiện mục tiêu của cá nhân, cộng đồng con người trong hiện tại và tương lai. 
                                                                                                -theo Nguyễn Hữu Đổng-
    Lang thang trên mạng, đọc qua một lô một lốc các khái niệm, quả thật tôi cũng đều thấy một cái gì đó rất chung chung về khái niệm của cụm "thành đạt". Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bản thân, xã hội, quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng hầu hết tất cả các khái niệm đều đưa ra quy chuẩn đầu tiên cho sự thành đạt là ở bản thân. Tức là: mỗi cá thể đều có quyền lựa chọn cho mình một hướng đi, lựa chọn trở thành một cái gì đó, lựa chọn làm nên một điều gì đó trong cuôc sống này. Trở lại với một câu, mà tôi cho rằng là sự bóp méo, biến thể cho cụm từ "thành đạt", mà các vị bô lão nước ta hay nói: 
Công thành, danh toại. Công danh sự nghiệp là điều quan trọng nhất.
                                                                                                        -Một bác nào đó cho hay-
    Okay, nói nghe thì hay đấy, nhưng các bạn nghĩ sau về cái nghịch lý sau đây:
Tại sao người ta nói vị giám đốc 30 tuổi là thành đạt, mà không nói ông thợ sửa xe đầu ngõ, người đã sửa hàng nghìn chiếc xe, đã bơm xe miễn phí cho biết bao nhiêu bạn sinh viên xa nhà nghèo khó, là thành đạt?
    Về mặt lý thuyết, người đàn ông 40 tuổi với bàn tay đầy dầu mỡ, khuôn mặt rám nắng sạm đen ấy, đã trở thành một người thợ lành nghề, đã đạt được một tiệm sửa xe khiêm tốn của mình, đã thành công sửa cho hàng nghìn chiếc xe, đã thành công nuôi sống cả một gia đình, và mãi mãi ông không bao giờ được xã hội công nhận là "thành đạt". Các bạn vẫn chưa thấy giật mình vì sự so sánh có phần "khập khiễng" này? Okay, vậy thì mời các bạn đọc tiếp ví dụ sau: 
Người giám đốc 30 tuổi, có nhà có xe là thành đạt, vậy cậu nhân viên quèn cũng trong công ty ấy, người mà ngày ngày viết code, sáng đội nắng lái xe đi làm, chiều vượt gió vượt bụi tất tả về nhà cơm nước, rốt cuộc có thành đạt hay không?
    Dĩ nhiên là không, bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà: 
_Đàn ông 30 tuổi không có nổi nhà và xe thì vứt đi. 
_30 tuổi mà không có nổi 300 triệu trong tài khoản thì đừng mong lấy vợ.
    Ba tôi thường hay nói, một cách rất cay đắng rằng:
Người đời họ gọi mình bằng ông, hay bằng thằng, là nhờ vào ở nỗ lực của mình.
    Dĩ nhiên, tôi không bao giờ đồng tình với suy nghĩ này, bởi vì tôi cho rằng, cách người ta nhận định, đối xử, soi xét bản thân mình, nó chỉ phản ánh lên cái tôi, cái quan điểm của họ, mà chả liên quan sất gì đến bản thân của mình cả. Nếu như tôi chỉ là một cậu sửa xe, và người ta xem thường tôi vì điều đó, thì đó là lỗi do tôi chỉ là một cậu sửa xe, hay do người ta là lũ ngu xuẩn kênh kiệu? Tôi nghiêng về điều sau hơn điều trước. Và đặc biệt là sau khi gặp những con người, mà tôi nể phục thật sự, thì tôi càng tin vào điều đó hơn. Có lần tôi gặp một người nước ngoài tầm 60-65 tuổi bận quần short áo thun trông rất bình dân ở một quán cafe, chúng tôi trò chuyện say sưa về các vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học. Mãi đến khi ông đứng lên đi về, thì cô nhân viên ở quán mới bảo với tôi rằng ông ấy là giáo sư ở Úc, nghỉ hưu sang Việt Nam chơi. Thật sự là ngoài vốn kiến thức uyên bác của ông, thì tôi không thể nào nhận ra rằng ông là một vị giáo sư. Trong cuộc hội thoại, chúng tôi đã rất nhiều lần đề cập đến chuyên ngành của ông, và ông kiên nhẫn nghe từng ý kiến của tôi, cùng tranh luận mà không phải gạt phăng đi như một tư thế bề trên. Bởi vậy, nên tôi xin phép sửa lại câu nói của ba tôi như sau: 
Cách người ta đánh giá, soi xét bạn là tùy thuộc vào trình độ, khả năng tư duy, và đạo đức của người ta. Và kẻ ngu si thì luôn cho mình là nhất. 
                                                                                                                -Nguyễn Bảo Trung-

Tại sao "thành đạt" là cái bẫy chết người của tuổi trẻ?

Image result for stress


1. Vì quan niệm về "thành đạt" nó là cái bẫy bóp méo ước mơ.    

    Đơn giản lắm, vì ngay từ đầu, các bạn chỉ đang đi theo cái hướng mà xã hội, mà các cô, các bà, các chị, các mẹ, các ông, các bla bla vẽ cho các bạn. Họ định nghĩa như thế nào, thì các bạn đi theo như thế ấy. Họ cùng ở trong một môi trường như các bạn, họ làm được, thì bạn cũng phải làm được. Tôi cho điều ấy là một cái rất nực cười ở xã hội của chúng ta. Lý giải cho việc tôi không ủng hộ việc "người ta làm được, mình cũng phải làm được" nằm trong một bài viết cũ của tôi, các bạn có thể tìm hiểu thêm (Click vào link để xem):
Image result for people looking out windows
Tại sao lại cứ nhốt mình trong một cái hộp mà người ta tạo ra cho mình, và dành suốt quãng đời để mơ tưởng về những thứ bên ngoài ô cửa sổ?
    Tại sao các bạn lại cứ phải dẹp ước mơ của mình qua một xó, lấy ước mơ của kẻ khác làm mục tiêu cho mình, để rồi bạn thất vọng hàng trăm, hàng nghìn lần khi mãi mãi (hoặc hiếm khi nào) bản thân có thể đạt được những thứ hão huyền ấy. Và tại sao các bạn cứ phải cất cái bản thân mình vào một xó bụi bặm, để rồi khi nhìn thấy một ai đó thực hiện được cái ước mơ chôn sâu trong lòng mình, các bạn thở dài và bắt đầu mơ ước trong cái thực tại ngổn ngang chả ra làm sao? Giờ thì các bạn hiểu điều gì đã dẫn đến sự khủng hoảng ở tuổi 20 của các bạn rồi chứ? Thật ra, người ta có một câu hay hơn để chỉ tình trạng này:

Các bạn đã chết, chỉ là các bạn đang đợi đến lượt được chôn.

    Một người ôm ước mơ của kẻ khác thì không bao giờ có thể chắc chắn vào bản thân của mình cả. Tất cả những giây phút mà bạn tự ti, không chắc chắn vào bản thân của mình, là bởi vì niềm tin của bạn vốn bị bóp méo một cách thê thảm. Một khi không có một con đường, một mục đích vững chắc của bản thân, thì khủng hoảng là điều không bao giờ có thể tránh khỏi. Và với hầu hết trường hợp, sự khủng hoảng này kéo dài cả đời, đến tận khi chúng ta già đi trong sự nuối tiếc khôn nguôi.

2. Vì quan niệm "thành đạt" nó bóp méo tư duy logic của các bạn.

    Tôi ngán lắm rồi, cách mà người ta tạo ra những cái đích đến, tự phong cho những vị này, vị kia là "thành đạt", để rồi răm rắp nghe theo lời họ, bởi vì họ thành công đạt được ước mơ của họ. Cái sự thần tượng, và tự thôi miên bản thân theo ước mơ của người khác nó nực cười đến nỗi, nhiều người tự cho rằng quan điểm của những người "thành đạt" là chân lý không thể phản biện, cụ thể như các comment trong bài viết "Shark Linh, chị thích chị tự đi mà làm" mà tôi lọc lựa ra được: 
_Người ta là doanh nhân thành đạt, bạn là cái gì mà bạn có quyền nói người ta?
_Người ta làm được bao nhiêu việc, còn bạn ngồi đây mà chỉ trích, mà phản biện?! Có giỏi thì làm được như Shark Linh đi rồi hãy nói. 
_Shark Linh khuyên nhủ như vậy thôi, nếu không thích thì next chứ việc gì phải ngồi mà phản biện?


    Sự thật là, tôi ngồi đợi, đợi rất lâu, đợi rất miệt mài, một bạn trẻ nào đó có thể phân tích mọi thứ một cách logic, phân tích rằng tôi sai, phân tích để tôi nhận sai, để tôi có một cái hy vọng mạnh mẽ hơn vào sự phát triển của phần đông của giới trẻ. Nhưng đáng tiếc, cái tôi nhận lại được chỉ là những điều ở trên.
    Về căn bản, một "phát biểu" có thể được định nghĩa như sau:
Phát biểu là một câu nhận định, mà có thể được phân định logic là Đúng hoặc Sai.
Eine Aussage ist ein feststellender Satz, dem eindeutig einer der beiden Wahrheitswerte wahr oder falsch zu geordnet werden kann.
                                                                        -Sách giáo khoa toán học chương trình Đức-
    Tức là, bất cứ phát biểu nào cũng có thể được phân định tính đúng-sai một cách logic, cũng có thể bị phản biện, bất kể câu nói ấy là từ một đối tượng nào. Một điều rất hay nữa mà tôi học được từ cậu bạn cùng phòng là nhà nghiên cứu vật lý, đó là: Để chứng minh cho một phát biểu và biến nó thành định lý, thì bạn phải cố gắng để chứng minh rằng nó sai. Một khi không thể chứng minh rằng nó sai, thì nó đúng. Và ở bất kì định lý nào, các nhà khoa học cũng sẽ kèm vào một câu nói sau:
Chúng ta chấp nhận điều này đúng, cho đến khi có ai đó tìm được ví dụ phản chứng. 
Bis man ein Gegenbeispiel findet, nehmen wir an, es stimmt
                                                                                                -Pythagoras-
Thế đấy. Đơn giản và dễ hiểu. Nhưng có một sự thật nghiệt ngã, đó chính là con người mãi mãi là con người, và logic không phải ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống được. 

Vậy cuối cùng tôi định nghĩa "thành đạt" như thế nào?

    Định nghĩa của tôi, là chả có cái định nghĩa nào cả. Cái định nghĩa ấy, tôi vẫn còn đang mải miết đi tìm. Tôi đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, đã có vợ, đã có công việc, và hiện giờ tôi bỏ hết tất cả lại Việt Nam, chỉ dắt theo người vợ của mình đến Châu Âu, để tìm lại ước mơ, để tìm lại con người, để tìm lại định nghĩa của cuộc đời mình.
    Có một câu chuyện như thế này, trong lớp tiếng Đức của tôi, xung quanh toàn là các cô cậu thanh niên 19,20 tuổi với bao ước mơ hoài bão. Họ dự định làm bác sĩ, kỹ sự, luật sư, ... Và giữa hàng hà sa số những nghề nghiệp ấy, tôi trả lời với giáo viên của mình rằng:
Tôi muốn biết được tôi là ai.
Ich möchte wissen, wer ich bin.
                                                                                                            -Nguyễn Bảo Trung-
    Giáo viên đứng hình trong 5 giây, và bảo với tôi rằng tôi rất thú vị (thật ra tôi nhạt toẹt như nước ốc, như vợ tôi than thở suốt cả ngày).
    Nói tóm lại là, các bạn đừng trông chờ tìm được định nghĩa của sự "thành đạt" qua các câu chuyện nửa vời không đầu không đuôi trong các cuốn sách self-help, hay những cuốn tự truyện của các "doanh nhân thành đạt", mà phải tự nhìn vào trong bản thân mình, tự hỏi và tự tìm câu trả lời một cách thẳng thắn. Đến bản thân mình mà còn dối trá cho được, thì liệu có thứ gì mà bạn không dối trá được nữa?! Một ước mơ trở thành tổng thống chả lớn lao quái gì hơn ước mơ trở thành ông bố tốt cả. Not all heroes wear capes.


Thành đạt vốn chỉ là một khái niệm nửa vời.




Thành đạt là gì, Nguyễn Hữu Đổng, 14/7/2016, xem tại: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thanh-dat-la-gi.html