Thành công là cái đ*o gì? Tại sao từ “thành công” lại được ném qua ném lại như một phần thưởng gì đó mà tất cả mọi người đều mong muốn? Bạn có chắc là bạn hiểu thành công là gì không?
Thành công không có một định nghĩa rõ ràng. Tôi đảm bảo không ai có thể ngồi gạch đầu dòng để định nghĩa rõ ràng về thành công được cả. Thằng nào bảo là kiếm được 10 triệu đô là thành công, hay mua được con Porsche là thành công – Làm ơn vả cho nó 1 cái hộ tôi.
LIỆU THÀNH CÔNG CÓ PHẢI DO XÃ HỘI ĐỊNH NGHĨA HAY KHÔNG?
Trả lời ngắn: có, nhưng chỉ là một phần.
Để định nghĩa được việc này, chúng ta sẽ luận bàn về triết học một chút để hiểu hơn về cái tôi của con người. Theo triết học gia Freud, cái tôi của con người (ego) là sự cân bằng giữa bản năng (id) và những định kiến và luật lệ của xã hội (superego). Ego là điểm cân bằng giữa hai yếu tố kia – là điểm hòa bình giữa cuộc chiến không ngừng giữa bản năng và định kiến xã hội.
Bản năng (id) của con người giúp chúng ta sinh tồn và duy trì nòi giống. Những bản năng này cực kỳ đa dạng và dẫn đến nhiều hành động khác nhau. Những bản năng này bao gồm những nét tính cách được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những bản năng này bao gồm bản năng tình dục (libido) và bản năng sinh tồn (thanatos). Một đứa trẻ mới sinh ra chỉ có bản năng và dần dần về sau mới phát triển ego và superego. Id vận hành dựa tren cơ chế “tìm cảm giác sung sướng”. Hiểu đơn giản, cái gì làm chúng ta sướng ngay thì chúng ta sẽ làm. Điều đó có thể đến từ việc ăn ngon, thủ dâm.v.v. Id được coi là cách suy nghĩ chính, không quan tâm đến sự thật bên ngoài, mà ích kỷ và không cần logic.
Ego phát triển để điều chỉnh chúng ta giữa cái id không thực sự thực tế và thế giới bên ngoài. Nó là phần đưa ra những quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Khác với bản năng, ego đưa ra quyết định dựa trên logic; nó biết cân đo đong đếm để biết đưa ra hành động như thế nào để đúng với chuẩn mực của xã hội, luật pháp và những định luật vô hình khác. Ví dụ, bản năng của đàn ông là muốn được quan hệ với nhiều phụ nữ cùng một lúc; nhưng định kiến/luật pháp không cho phép việc đó. Việc đàn ông đưa ra quyết xem nên làm theo bản năng hay không dựa trên ego của anh ta. Ego chính là cái tôi dằn vặt bạn khi bạn làm một điều gì đó không đúng với định kiến xã hội.
Superego là những giá trị và định kiến của xã hội mà chúng ta học được từ bố mẹ và người ngoài; phần định kiến này bắt đầu được phát triển nhiều nhất khi chúng ta từ 3-5 tuổi. Superego có chức năng điều chỉnh và kiểm soát id. Bản năng cướp giết hiếp chẳng hạn, xã hội sẽ kiểm soát và triệt tiêu những bản năng này.
RỐT CUỘC THÀNH CÔNG LÀ GÌ?
Thành công là một concept được hình thành bởi xã hội (cái superego mà tôi vừa nêu ở trên). Ở mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh lại có một định nghĩa thành công khác nhau.
Với một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình truyền thống, thành công là có một gia đình hạnh phúc. Một người phụ nữ sinh ra trong môi trường kinh doanh lại nghĩ về thành công khác. Họ mong muốn một cuộc sống với nhiều tiền bạc của cải hơn, được buôn bán kiếm ăn nhiều hơn.
Đàn ông thì hầu hết ông nào cũng muốn giàu có. Ít nhất cũng phải giàu hơn thằng bạn. Tham lam hơn thì là giàu nhất [chỗ trống] – chỗ trống này có thể là cái thành phố ông đấy đang sống, giàu nhất đất nước vân vân.
Trong xã hội hiện đại, “thành công” được định nghĩa tràn lan trên các kênh truyền thông xã hội. Thành công nghĩa là kiếm được nhiều tiền. À cũng không hẳn, phải là vừa kiếm được nhiều tiền, và có nhiều vật chất để phô trương những cái “thành công” ấy. Thành công được gắn liền với “đẳng cấp”. Nào là sống thì phải đẳng cấp, phải để người khác kính nể, tôn trọng. Thực ra mà nói, liệu chúng ta có thực sự cảm thấy thành công khi sở hữu xe hơi, nhà lầu, điện thoại sang hay không?
Mỗi người sẽ có cách tiếp cận để tìm cái thành công ấy khác nhau, vì cái tôi của chúng ta khác nhau. Ego là cái cân đối giữa những suy nghĩ trong bản năng của chúng ta và cái định nghĩa của xã hội. Điểm khác biệt trong xử sự của một người là cách anh ta tìm cách để dẫn đến thành công. Nếu một người có bản tính không so sánh, biết hài lòng với những gì mình có thì họ sẽ không mải mê đi theo đuổi những cái thành công “nhân tạo”. Ngược lại, nếu một người luôn luôn tìm sự công nhận của người khác thì con đường tìm đến thành công của họ sẽ hoàn toàn khác biệt. Sự công nhận của xã hội nó phũ phàng lắm, kể cả khi bạn đạt được cái bạn nghĩ xã hội mong đợi, bạn vẫn còn xa đích đến lắm.
Bước đầu tiên để đạt được thành công không phải là bạn phải làm gì, mà định nghĩa thành công trong đầu bạn là gì.
THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI ĐÍCH ĐẾN, MÀ LÀ MỘT TRẠNG THÁI
Cái ràng buộc chúng ta với cuộc sống là những sự ham muốn. Đó có thể là địa vị xã hội, là mối quan hệ với những người xung quanh, hay đơn giản là được trải nghiệm một cuộc sống đầy đủ màu sắc.
Cuộc sống là chặng diễn biến liên tục. Trong đạo Phật (Buddhism) hay Đạo giáo (Daoism), chúng ta chỉ là một mắt xích trong vô vàn mắt xích trong vũ trụ mà thôi. Concept thành công chỉ là một trong những thứ ham muốn để giúp chúng ta tìm được một mục tiêu sống. Đã từ khá lâu, tôi bỏ qua cái khái niệm là mình phải TRỞ THÀNH một cái gì đấy. Thay vào đó tôi nghĩ “Tôi LÀ cái gì đấy”. Trong cái vũ trụ đã kéo dài 6 tỷ năm và còn vài chục tỷ năm nữa, điều tôi muốn là gì là quá nhỏ nhoi. Chính từ suy nghĩ ấy, tôi không đặt ra một con số, hay một mục tiêu gì đó để cùm chân tôi lại. Đặt ra một mục tiêu nào đó chẳng phải là tự đặt giới hạn cho bản thân hay sao. Thay vào đó, tôi nghĩ mình là một trạng thái – một hướng tư duy bền vững.
Tôi muốn giúp những người đi cùng mình thành công hơn. Tôi muốn họ tìm được hướng đi trong cuộc sống của họ, để họ giàu có và cảm thấy giàu có.
Tôi muốn gia đình mình được hạnh phúc, bảo vệ họ khỏi những thứ bất công bên ngoài.
Thành công chính là cảm giác mà tôi cảm thấy hàng ngày. Tôi ý thức được những điều thích thú trong công việc hàng ngày. Tôi có hướng đi trong mỗi phần của cuộc sống, cho dù đó là gia đình, là sự nghiệp hay tình yêu. Tôi tối giản những mục tiêu và công việc của mình lại thành một vài gạch đầu dòng để thực hiện chúng được một cách bền bỉ:
  • Với gia đình: luôn có thời gian để ăn cơm với gia đình, du lịch xa với gia đình 1 lần/năm
  • Trong công việc: có tầm nhìn để lập ra chiến lược và để đặt ra được những mục tiêu công việc chi tiết
  • Tình yêu: một tình yêu chia sẻ, và cũng dành thời gian cho nó. Vì rồi tình yêu cũng sẽ trở thành gia đình.
  • Luôn luôn học một cái gì đó để não không teo dần thành một đống sh*t.
Tôi không coi trọng tiền. Tiền chỉ có giá trị khi tôi không có đủ tiền để tồn tại. Để có tiền để tồn tại, vài triệu một tháng, thì tôi nói thật, quá dễ.
Thành công là trạng thái như vậy. Chứ không phải cột mốc.
TÌM NHỮNG TRẠNG THÁI THÀNH CÔNG ẤY THẾ NÀO
Khi chúng ta còn lạc lối trong những cái định nghĩa xã hội, một hướng đi là điều cực kỳ cần thiết. Hãy đặt cho bản thân 2 câu hỏi:
  • Khi tôi chết, tôi muốn đồng nghiệp nói gì về tôi?
  • Khi tôi chết, tôi muốn gia đình nói gì về tôi?
Chắc hẳn, câu trả lời không phải là một người mặc đồ hiệu, đi xe sang và đeo đồng hồ sang chảnh chứ? ^^
NOTE CUỐI CÙNG
Tiền không phải là cột mốc duy nhất mà mọi người hay bị neo vào.
Cảm xúc với một người nào đó mới là cái neo nguy hiểm nhất. Cảm xúc này tồn tại ở việc tìm kiếm, cầu xin sự chấp nhập của một người nào đó.
Nếu bạn nghĩ việc được một người nào đó chấp nhận giúp được bạn cảm thấy thoải mái hơn thì bạn quá nhầm. Cái người mà không chấp nhận bạn thì họ không coi bạn là cái gì cả. Cái bạn tìm đến chỉ là sự chơi vơi và thất vọng. Đi van xin, tìm kiếm cái sự bố thí tình cảm ấy sẽ không giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hay thành công hơn. Buông nó đi và tập trung vào những thứ thực sự quan trọng với bạn hơn.
- Son Dao

Tái bút
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. ^^ Nếu bạn đồng tình với tôi thì hãy upvote còn nếu chúng ta có ý kiến trái chiều nhau hãy commnet ngay dưới này hoặc liên hệ với tôi để chúng ta có thể thảo luận sâu hơn về vấn đề này ^^
Email: [email protected]
Facebook: https://www.facebook.com/SonnyD53

Biết thêm về quan điểm, tư duy của tôi tại
Blog: https://sondao.net/
Youtube: https://www.youtube.com/user/sdao533/videos
Cám ơn các bạn.