Thăng trầm Nho giáo
Nho giáo nguyên thủy cho phép phụ nữ ly hôn từ khoảng 2500 năm trước. Tại sao tư tưởng cấp tiến như vậy lại trở thành một trong những...
Nho giáo nguyên thủy cho phép phụ nữ ly hôn từ khoảng 2500 năm trước. Tại sao tư tưởng cấp tiến như vậy lại trở thành một trong những khái niệm bảo thủ nhất thời hiện đại?
Nho giáo ra đời ra sao?
Nhắc đến Nho giáo, chúng ta thường nhắc tới Khổng Tử. Thực ra, Khổng Tử không tự mình sáng tạo ra triết lý Nho gia, ông là người tiếp thu và phát triển một thế giới quan đã được định hình từ nhiều thế kỷ trước – Thế giới quan được Chu Công sáng lập. Khổng Tử thường nói: “Chu Công là thầy ta. Chính Ngài đã lập ra các định chế và nền tảng văn hóa cho Trung Hoa”.
Vào thế kỷ 11 trước Công Nguyên, Chu Công đã giúp huynh trưởng của ông lật đổ nhà Thương và lập nên nhà Chu. Sau khi Chu Vũ Vương chết, Chu Công làm nhiếp chính, giúp tân vương – cũng là cháu ông – Chu Thành Vương xây dựng và phát triển nhà Chu. Cả đời không bước lên ngôi vua, nhưng Chu Công với nhân cách mẫu mực đã đặt ra những quy tắc hành xử và chế độ trị quốc đầu tiên cho nhà Chu, đồng thời lập ra triết lý về Thiên tử và đạo Trời. Nhà Chu trong những năm tháng đó được gọi là “thời đại hoàng kim” – bởi xã hội sắp xếp đâu ra đó, con người đối xử với nhau bằng chữ Nhân-Tín-Nghĩa – Một mô hình cộng đồng gần đạt tới mức “Utopia”.
Cơ mà, Utopia thì làm gì có thật, mà nếu có thật cũng không thể lâu dài.
Để thưởng cho những người có công lật đổ triều đại cũ, gây dựng triều đại mới, Chu Công định ra việc chia đất, phong tước – gọi là Chế độ phân phong chư hầu. Ông chia chư hầu thành 5 bậc tước từ cao tới thấp: Công – Hầu – Bá – Tử – Nam, với mỗi chư hầu, ông cho một quyển “sổ đỏ” với diện tích đất khác nhau, ví dụ như:
Đất của Thiên tử vuông vức 1 vạn dặm
Đất của Công vuông vức 1 ngàn dặm
Đất của Hầu vuông vức 5 trăm dặm
Đất của Bá vuông vức 100 dặm
Đất của Tử vuông vức 50 dặm
Mỗi chư hầu được quyền quản lý phần đất của mình như một vương quốc nhỏ, hàng năm đến triều bái và nộp cống cho Thiên tử. Ngược lại thiên tử phải bảo vệ các chư hầu, nếu chư hầu nào tự tiện gây chiến thiên tử sẽ cùng các chư hầu khác đem quân đánh phạt. Nước nào bị mất mùa thiên tử phải giúp lúa.
Chế độ phân phong được thực thi một cách tích cực khi nhà Chu vẫn còn nắm thực quyền – có nghĩa là vài trăm năm đầu. Những năm sau đó, như mọi triều đại khác, kết quả công tác của những ông vua nối dõi nhà Chu giảm dần so với những ông đầu, nhà Chu bết bát, các nước chư hầu bắt đầu nổi lòng tham mang quân tranh đấu nhau, quên béng mất chữ Nhân chữ Nghĩa. Nhà Chu sụp đổ sau 800 năm tồn tại. Suốt chiều dài lịch sử sau này, Trung Hoa không tái hiện lại được xã hội gần như lý tưởng thời Chu Công.
Vài trăm năm sau, vào thời Xuân Thu khi xã hội loạn lạc, Khổng Tử ra đời. Ông tiếp thu, phát triển, hệ thống hóa và truyền bá tư tưởng của Chu Công, và đặt cho tư tưởng này một cái tên – Nho giáo. Chữ Nho trong tiếng Trung Hoa được tạo nên từ chữ “Nhân” và chữ “Nhu”.
Trong suốt cuộc đời mình, Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ “Lục Kinh” – bộ sách cho ông học hỏi từ Chu Công mà viết thành, bao gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh nhạc bị thất truyền nên chỉ còn 5 bộ kinh được gọi là “Ngũ Kinh”. Sau đó, các đời học trò của Khổng Tử tiếp thu tư tưởng của ông và viết ra “Tứ Thư”, bao gồm:
- “Luận ngữ” – Lời dạy của Khổng Tử do học trò tập hợp
- “Đại Học” – Do Tăng Tử soạn
- “Trung Dung” – Do Tử Tư soạn
- “Mạnh Tử” – Do Mạnh Tử soạn.
Tứ thư và Ngũ kinh là 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo Nguyên thủy, về sau được tất cả các thế hệ học trò Nho gia học thuộc và tuân theo. Ở Việt Nam mình cũng vậy, để được đi thi Hương, Hội, Đình, học trò bắt buộc phải thuộc lòng Tứ Thư và Ngũ Kinh.
Lại nói về Khổng Tử. Thực ra trong suốt cuộc đời mình, tư tưởng của Khổng Tử không được lòng vua quan. Giữa cái thời loạn lạc, khắp nơi tranh giành quyền lực, máu chảy thành sông như thời Xuân Thu, người ta còn màng gì tới việc đối xử với nhau một cách nhân từ, tín nghĩa hay quân tử. Ông đi thuyết giáo qua hàng chục nước, mở trường dạy tư và có 3000 học trò – nhưng tận tới khi chết ông vẫn nghĩ tư tưởng của mình không thể chạm tới và thay đổi văn hóa Trung Hoa. Vài trăm năm sau khi mất, ông mới trở thành KOL quốc dân.
Nho giáo phát triển như thế nào?
Sau Khổng Tử, có hai cái tên thường được nhắc đến gắn liền với Nho giáo là Mạnh Tử và Tuân Tử. Nếu như Mạnh Tử chủ trương “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” – con người sinh ra đều là thiện, chúng ta cần nuôi dưỡng cái thiện đó thông qua giáo dục thì Tuân Tử phát triển Nho giáo theo hướng ngược lại, cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản ác” – con người sinh ra đều ác, đều ích kỷ mong lợi về mình, nên cần dùng Pháp để cai trị, giảm bớt tính ác.
Tư tưởng của Tuân Tử về sau được nhà Tần trọng dụng. Nhà Tần là triều đại đặt nền móng để về sau nhà Hán thống nhất Trung Hoa, và họ thực hiện việc “đặt nền móng” đó theo phương thức cực kỳ tàn bạo. Chúng ta chắc chưa ai là chưa nghe tới Tần Thủy Hoàng. Giới Nho gia – với tư tưởng Nhân – Nghĩa nguyên thủy, phản đối chính quyền bạo tàn rất gay gắt nên cuối cùng bị Tần Thủy Hoàng cho ăn gạch: đốt hết sách, chôn hàng trăm học trò Nho gia. Nho giáo thời Tần vẫn là Nho giáo, nhưng khác với Nho giáo nguyên thủy – nơi các đặc điểm trọng văn của văn hóa nông nghiệp được đề cao (như tính “hài hòa”, “dân chủ”, coi trọng văn hóa tinh thần), thời Tần đề cao các đặc điểm trọng võ của văn hóa du mục (Tính “quốc tế”, tư tưởng “bá quyền”, Tính “trọng sức mạnh” được thể hiện ở chữ “Dũng”, Tính “nguyên tắc” được thể hiện ở học thuyết “chính danh”). Có thể thấy Nho giáo từ một tư tưởng vận hành xã hội dựa vào Nhân-Nghĩa thời Khổng Tử (và bị vua quan thời đó kì thị) nay đã chuyển mình, trở thành công cụ bảo vệ chế độ cho tầng lớp thống trị.
Đến đời Hán, Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Và từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên Tử là con trời, dùng “lễ trị” để che đậy “pháp trị”. Đến Hán nho, nhà Hán chủ trương “dương đức”, “âm pháp”, hay còn gọi là “ngoại Nho, nội pháp”, tức là chủ trương nhân trị chỉ còn là hình thức mà thực chất là pháp trị. Khổng Tử được tôn lên làm Thánh cũng trong hai ngàn năm này, nhưng tư tưởng của ông đã bị bóp méo xẹo xẹo, trở thành thứ Nho giáo bảo thủ mà chúng ta quen thuộc ngày nay.
Đến đời Tống, Nho giáo thêm 1 lần nữa biến đổi, và được gọi tên là Tống nho. Phương Tây gọi Tống nho là “Tân Khổng giáo”- neoconfucianism. Nguyên do của sự biến đổi này là sự phát triển cực thịnh của Phật giáo và Đạo giáo, do được sự cho phép từ các vua thời Đường. Hai tôn giáo này phát triển đã khiến dân chúng bắt đầu hỏi những câu trước đây họ không hỏi – như “Sau khi chết, người ta đi đâu?”; “Ngoài thiên hạ, còn có điều gì vĩ đại hơn?” – mấy câu hỏi mà Nho giáo nguyên thủy không trả lời được. Vì vậy các nhà nho bắt đầu phát triển thêm cho Nho giáo các yếu tố “tâm linh” (lấy từ Phật giáo) và yếu tố “siêu hình” (lấy từ Đạo giáo) để Nho giáo không bị lép vế trước hai tôn giáo kia. Cái tên nổi tiếng của Tống Nho là Chu Hi – Chu Hi bắt đầu như một người theo học Phật giáo nhưng vì không thể chấp nhận ý tưởng về vô ngã – không có bản ngã cố định – nên ông hướng tới truyền thống Nho giáo và rồi trở thành người trình giải chính của Tống Nho. Từ đây, Nho giáo có thêm phần “vô hình”.
Nho giáo tới Việt Nam như thế nào?
Trong 1000 năm Bắc thuộc, Nho giáo mới chỉ dừng lại trong tầng lớp quan lại xung quanh chính quyền ngoại bang, chưa thâm nhập được tới các tầng lớp nhân dân. Điều này được các nhà nghiên cứu lý giải là bởi Giao Chỉ quá xa xôi cách trở so với Trung Hoa, lượng quan lại Trung Quốc sang tới nước ta lại ít ỏi, nếu có giảng dạy Nho giáo cũng chỉ truyền cho con cháu trong nhà chứ không có ý định truyền bá rộng rãi cho người dân bản địa. Đường xá xa xôi cũng khiến việc vượt biển vượt rừng tới kinh thành Trung Hoa mà thi cử đỗ đạt cũng thành nhiệm vụ bất khả thi với ta.
Tới tận thời Đinh – Lý – Trần, Nho giáo ở Việt Nam vẫn lép vế so với Phật giáo, bởi các triều đại này đều lấy Phật giáo làm Quốc giáo. Tới thời Hậu Lê, khi Lê Lợi lên ngôi, muốn xóa bỏ dấu vết của nhà Trần, mới đặt Nho giáo (Tống Nho) là Quốc giáo. Nho giáo trở thành phổ biến ở nước ta từ thời Hậu Lê tới nhà Nguyễn, trước khi bị những cuộc cách mạng xóa bỏ.
Có một quan niệm tồn tại đã khá lâu là người Bắc lễ nghĩa và bảo thủ, người Nam phóng khoáng và hào hiệp. Quan niệm này có phần đúng nếu chúng ta xét về lịch sử thâm nhập của Nho giáo vào Việt Nam. Thực ra miền Nam là vùng đất mới chỉ có lịch sử 400 năm, và chịu ảnh hưởng của Nho giáo triều đình chỉ từ triều nhà Nguyễn – ngược lại, miền Bắc đã bắt đầu thấm nhuần cái tư tưởng Tống Nho ngay từ thời Hậu Lê. Thầy mình bảo, đấy là lý do gái miền Nam phóng khoáng hơn gái miền Trung, và gái miền Trung phóng khoáng hơn gái miền Bắc, haha.
Ngoài việc được nghe thầy giảng thì mình có tìm hiểu thông tin ở các nguồn sau:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất